Yêu cầu đặt ra
Quận Hồng Bàng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá của TP. Hải Phòng. Là quận hình thành từ rất sớm nên có đủ các loại hình doanh nghiệp trên địa bàn như: doanh nghiệp nhà nước, cổ phần, tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài... Cùng với đó là các TCCSĐ trong doanh nghiệp được hình thành và phát triển cùng với các loại hình TCCSĐ khác của quận hàng chục năm qua.
Trong nhiệm kỳ 2010-2015, Đảng bộ quận Hồng Bàng có trên 7.000 đảng viên, thời điểm số TCCSĐ nhiều nhất là 110 đơn vị. Cơ sở nhiều đảng viên nhất là trên 600 đồng chí, ít đảng viên nhất là 3. Điều đó đã tạo ra một số bất cập.
Nhiều chi bộ cơ sở có ít đảng viên (16 chi bộ có từ 3 đến 7 đảng viên) hoạt động trong những đơn vị có quy mô nhỏ, nhất là trong những doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh yếu kém, số lượng lao động, quần chúng ít. Thậm chí, đảng viên sinh hoạt ở những chi bộ này thực tế chỉ có tên trong danh sách lao động của doanh nghiệp, gửi đóng BHXH không còn làm việc tại đơn vị nữa. Trong khi đó vẫn phải thực hiện trách nhiệm của một tổ chức đảng trực thuộc quận uỷ trong các hoạt động: xây dựng chương trình tổ chức thực hiện nghị quyết các cấp; thực hiện báo cáo công tác định kỳ hằng tháng, quý, năm; báo cáo chuyên đề với các ban đảng; thủ tục thu chi đảng phí; chịu sự kiểm tra, giám sát của Quận uỷ... Có cuộc kiểm tra, giám sát, số lượng người tham gia kiểm tra, giám sát đông hơn số lượng đảng viên của chi bộ. Với tính chất và quy mô như vậy, chi bộ sinh hoạt cầm chừng, sức lan toả yếu, không có xu hướng phát triển lớn hơn. Việc thực hiện vai trò, trách nhiệm của một TCCSĐ là “quá sức” với chi bộ.
Bên cạnh đó, một số chi bộ cơ sở có tính chất, chức năng khá tương đồng nhưng số lượng cán bộ, đảng viên ít: Chi bộ ở một số cơ quan đoàn thể quận (cơ quan MTTQ, hội cựu chiến binh, doàn thanh niên, hội LHPN, liên đoàn lao động quận...); chi bộ một số đơn vị sự nghiệp thuộc UBND quận (trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm dạy nghề, ban quản lý các chợ...) đều có hạn chế nhất định trong hoạt động với vị trí là 1 TCCSĐ.
Công tác lãnh đạo chỉ đạo của Quận uỷ cũng có những bất cập nhất định trong việc tuyên truyền, phổ biến, quán triệt, tổ chức thực hiện và kiểm tra, giám sát các chủ trương, nghị quyết, chương trình với số đầu mối đông, chất lượng không đồng đều. Nhiều chi bộ nhỏ, hoạt động yếu ảnh hưởng đến chất lượng chung. Trong khi đó, Quận uỷ vẫn phải có trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo các chi bộ đó với tư cách là TCCSĐ, phải sao gửi tài liệu; phân công cán bộ theo dõi, hướng dẫn; chỉ đạo đại hội đảng bộ cấp cơ sở, xây dựng chương trình công tác, kiểm tra giám sát hằng năm... Như việc phân bổ đại biểu dự Đại hội đại biểu Đảng bộ quận nhiệm kỳ 2010-2015, theo nguyên tắc mỗi TCCSĐ đều phải có đại biểu, dẫn đến chi bộ chỉ có 3 đảng viên cũng được phân bổ 1 đại biểu, đảng bộ 40-50 đảng viên cũng chỉ phân bổ được 1 đại biểu do số lượng đại biểu thì có hạn, đầu mối nhiều nên số lượng cơ cấu theo đầu mối đã chiếm hơn ½ số đại biểu được bầu cũng ảnh hưởng đến chất lượng đại biểu dự đại hội.
Thực tế đó đặt ra yêu cầu cần phải sắp xếp lại đầu mối TCCSĐ gọn lại theo hướng giảm đầu mối đơn vị trực thuộc, tăng cường hiệu quả công tác lãnh đạo của Quận uỷ, phù hợp với mô hình tổ chức của các đơn vị.
Biện pháp
Điều lệ Đảng (khoá XI) có bổ sung nội dung tại điểm 2, Điều 21, Chương V về TCCSĐ: “Ở cơ quan, doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp, đơn vị Quân đội, Công an và các đơn vị khác có từ ba đảng viên chính thức trở lên, lập tổ chức đảng (TCCSĐ hoặc chi bộ trực thuộc đảng uỷ cơ sở); cấp uỷ cấp trên trực tiếp xem xét, quyết định việc tổ chức đảng đó trực thuộc cấp uỷ cấp trên nào cho phù hợp”. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để Quận uỷ sắp xếp đầu mối cơ sở.
Ngày 18-3-2014 Ban Thường vụ Thành uỷ Hải Phòng có Kết luận số 12-KL/TU về phương hướng sắp xếp tổ chức đảng thuộc Đảng bộ TP. Hải Phòng. Kết luận đưa ra nguyên tắc về mô hình tổ chức đảng trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước, đơn vị ngoài công lập có vốn dưới 10 tỷ đồng, số lao động dưới 50 người, đảng viên từ 5 đồng chí trở xuống thì thuộc đảng uỷ cơ sở xã, phường, thị trấn. Kết luận này đã tạo điều kiện thuận lợi để các quận, huyện uỷ sắp xếp lại mô hình tổ chức đảng
Từ những cơ sở đó, Ban Thường vụ Quận uỷ Hồng Bàng đã chỉ đạo xây dựng đề án sắp xếp lại một số TCCSĐ trực thuộc đảng bộ quận. Đề án đã đưa ra các nguyên tắc để lãnh đạo thực hiện:
Một là, các chi bộ cơ sở có quy mô nhỏ, có từ 5 đảng viên trở xuống đưa về trực thuộc đảng bộ phường. Quận ủy đã chuyển 15 chi bộ về thuộc đảng bộ phường nơi đơn vị có trụ sở.
Hai là, chuyển giao các TCCSĐ không còn trụ sở trên địa bàn quận về các địa phương nơi có trụ sở chính; tiếp nhận các tổ chức đảng hiện có trụ sở chính trên địa bàn quận nhưng tổ chức đảng đang thuộc địa phương khác. Quận ủy đã chuyển giao 5 tổ chức, tiếp nhận về 7 tổ chức.
Ba là, sắp xếp lại các đơn vị có cùng chức năng hoạt động nhưng chi bộ hoạt động riêng lẻ. Sáp nhập 5 chi bộ: cơ quan MTTQ, hội cựu chiến binh, đoàn thanh niên, hội liên hiệp phụ nữ, liên đoàn lao động quận thành 1 chi bộ; đưa chi bộ Trung tâm bồi dưỡng chính trị quận về sinh hoạt tại Đảng bộ cơ quan Quận uỷ; đưa 2 chi bộ trong các đơn vị sự nghiệp công lập về sinh hoạt tại Đảng bộ cơ quan UBND quận.
Bốn là, chuyển chi bộ cơ sở thành đảng bộ cơ sở, chuyển đảng bộ cơ sở thành chi bộ cơ sở theo quy định của Đảng, giải thể chi bộ không còn đủ điều kiện hoạt động. Ban Thường vụ Quận uỷ đã chuyển 6 chi bộ thành đảng bộ, chuyển 3 đảng bộ thành chi bộ, giải thể 8 chi bộ.
Qua việc sắp xếp lại công tác tổ chức trong nhiệm kỳ 2010-2015, Quận uỷ Hồng Bàng đã giảm đầu mối tổ chức cơ sở đảng từ 110 xuống còn 88 tổ chức (giảm 20%). Qua đánh giá cho thấy việc sắp xếp lại phù hợp với thực tiễn công tác tổ chức xây dựng đảng, phù hợp với mô hình tổ chức của mỗi đơn vị, góp phần tích cực trong việc nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Quận uỷ và chất lượng hoạt động của các tổ chức đảng thuộc diện sắp xếp lại.
Một số kinh nghiệm
Qua công tác sắp xếp TCCSĐ quận Hồng Bàng, rút ra một số kinh nghiệm:
Một là, bám sát quy định của Đảng, xây dựng nguyên tắc sắp xếp TCCSĐ khoa học, phù hợp với thực tiễn. Nguyên tắc sắp xếp tổ chức phải được sự thống nhất cao trong tập thể lãnh đạo và được tuyên truyền, phổ biến trong toàn Đảng bộ, tạo nhận thức đúng và quyết tâm trong quá trình tổ chức thực hiện.
Hai là, làm tốt công tác tư tưởng cho các đơn vị thuộc diện sắp xếp lại. Qua gặp gỡ, trao đổi với đồng chí bí thư chi bộ, với cấp uỷ để nắm tâm tư của đảng viên. Nếu cần thiết, cơ quan tổ chức bố trí làm việc với tập thể chi bộ. Việc chuyển chi bộ trực thuộc đảng bộ quận về thuộc đảng bộ phường ít nhiều cũng ảnh hưởng đến nền nếp sinh hoạt của chi bộ. Nếu không làm tốt, làm khéo thì sẽ nảy sinh vấn đề tư tưởng cho rằng chi bộ bị “hạ cấp”, “yếu kém” nên mới phải chuyển.
Ba là, thường xuyên bồi dưỡng, hướng dẫn và giám sát các tổ chức đảng thuộc diện sắp xếp về cách thức tổ chức, sinh hoạt. Những chi bộ được chuyển thành đảng bộ cần được bồi dưỡng về mô hình, phương pháp hoạt động của đảng uỷ. Đảng uỷ phường có phương thức lãnh đạo phù hợp đối với các chi bộ trong doanh nghiệp chuyển về sinh hoạt trực thuộc... để các đơn vị trong diện sắp xếp không quá lúng túng khi sinh hoạt trong mô hình mới, ổn định tổ chức, nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động.
Nguyễn Hoàng Việt
Ban Tổ chức Quận uỷ Hồng Bàng, TP. Hải Phòng