Đó là lời khẳng định của đồng chí Trần Thị Hoa, Chủ tịch HĐND xã Hoằng Trinh, Hoằng Hóa, Thanh Hóa khi trao đổi với chúng tôi về công tác xây dựng hệ thống chính trị tại địa phương trong những năm qua. Với đặc thù là xã thuần nông, Hoằng Trinh có diện tích đất tự nhiên 560,3 ha, dân số gần 5.600 người, dân cư sống phân bố theo 3 làng văn hóa và 10 thôn.
Về tổ chức đảng, từ năm 1983-2008, có 3 đảng bộ bộ phận trực thuộc Đảng ủy cơ sở, trực tiếp lãnh đạo 3 làng văn hóa và 3 hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp, 10 chi bộ nông thôn trực thuộc đảng ủy bộ phận, trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện có những mặt thuận lợi, song cũng không ít khó khăn bất cập.
Thực hiện đề án của Huyện ủy Hoằng Hóa về triển khai thí điểm mô hình bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, Đảng ủy đã xây dựng đề án, triển khai sâu rộng trong Đảng bộ, trong nhân dân và nhận được sự đồng thụân cao. Từ tháng 9-2008, được sự đồng ý của Ban Thường vụ Huyện ủy, Hoằng Trinh đã giải thể 3 đảng bộ bộ phận, Đảng ủy trực tiếp lãnh đạo 13 chi bộ và triển khai thực hiện mô hình bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn.
Nhờ có sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, ý Đảng hợp lòng dân nên 10 đồng chí bí thư chi bộ được nhân dân bầu làm trưởng thôn với sự tín nhiệm cao, tạo sự đoàn kết, thống nhất cao trong Đảng, đồng thuận trong nhân dân, do đó trong những năm qua, kinh tế của địa phương tiếp tục phát triển và tăng trưởng khá, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao, là một trong những xã dẫn đầu của huyện Hoằng Hóa. Đặc biệt thực hiện Chỉ thị số 14, số 15 của Ban Thường vụ Huyện ủy, Đảng bộ đã lãnh đạo nhân dân thực hiện đổi điền dồn thửa lần 2, gắn với quy hoạch vùng thâm canh lúa năng suất, chất lượng, hiệu quả cao, hoàn thành sớm so với các xã trong huyện. Trên lĩnh vực sản xuất hàng hoá, địa phương đã quy hoạch và chỉ đạo sản xuất trên 30 ha chuyên canh cây rau màu có giá trị kinh tế cao, cho thu nhập 140 triệu đồng/ha/năm. Hoạt động văn hóa, xã hội có nhiều chuyển biến tiến bộ, 3/3 làng đã được công nhận làng văn hóa cấp tỉnh, cấp huyện, 3 trường học, trạm y tế đã đạt chuẩn quốc gia, xã đã được công nhận xã văn hóa. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, các đoàn thể đạt vững mạnh. Đảng bộ, chính quyền liên tục nhiều năm được Huyện ủy, UBND huyện Hoằng Hóa công nhận trong sạch, vững mạnh, xuất sắc, được Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thanh Hoá tặng bằng khen.
Xác định nhiệm vụ của công tác chính trị, tư tưởng và tuyên truyền miệng là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, trong nhiệm kỳ qua, thực hiện Quy định 1206 của Ban Thường vụ tỉnh uỷ về thành lập Ban Tuyên giáo xã, phường, thị trấn, công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ tỉnh nói chung và Hoằng Hóa nói riêng đã có nhiều chuyển biến tích cực. Đảng bộ đã coi trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên; đổi mới nội dung, phương pháp lãnh đạo, sâu sát cơ sở nắm bắt tình hình và có hướng chỉ đạo kịp thời; công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, điều động và luân chuyển cán bộ được coi trọng và thực hiện có hiệu quả; công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật trong Đảng được thực hiện nghiêm túc; đã tập trung lãnh đạo xây dựng hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh.
Tuy nhiên, Đảng bộ cơ sở Hoảng Trinh vẫn còn một số hạn chế trong công tác xây dựng Đảng đó là: Nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa theo kịp với cơ chế thị trường, còn tư tưởng bảo thủ, trì trệ, ngại học tập, tính chiến đấu bị giảm sút. Hoạt động của báo cáo viên cơ sở bị hạn chế do không có điều kiện thời gian, diễn đàn để thông tin, truyền đạt chủ trương, chính sách, tin tức thời sự hằng tháng đến đảng viên. Chất lượng sinh hoạt chi bộ, nhất là chi bộ nông thôn chưa cao, còn có biểu hiện nể nang, né tránh, ngại đấu tranh phê bình và tự phê bình. Công tác quản lý đảng viên gặp nhiều khó khăn, nhất là số đảng viên trẻ, do thiếu việc làm tại chỗ phải đi làm kinh tế xa nhà, hơn nữa việc làm không ổn định nên việc giới thiệu sinh hoạt đảng chính thức hoặc tạm thời đang là vấn đề khó khăn, bất cập trong thực tế. Công tác quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng cán bộ ở chi bộ nông thôn gặp nhiều khó khăn về nguồn; phần lớn bí thư chi bộ tuổi đã cao và là cán bộ hưu trí (Đảng bộ xã có 346 đảng viên, sinh hoạt tại 13 chi bộ, trong đó có 10 chi bộ nông thôn, 10/10 đồng chí bí thư kiêm trưởng thôn thì có 9 đồng chí là nam giới, hầu hết tuổi đời trên 50; có 8/10 đồng chí là thương binh, bệnh binh, hưu trí hoặc mất sức lao động), tìm nguồn trẻ để đảm nhiệm chức vụ này rất khó khăn, vì hầu hết các đồng chí còn trẻ đi tìm việc làm để đảm bảo cuộc sống gia đình. Công tác phát triển đảng viên, nhất là đảng viên khối nông thôn tỷ lệ đạt thấp, phần lớn thanh niên học xong chương trình PTTH, hoặc BTTH là đi học hoặc đi làm kinh tế xa nhà nên rất khó khăn về nguồn.
Theo đồng chí Trần Thị Hoa, nguyên nhân của tình trạng trên là do nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên còn thấp, thiếu gương mẫu trong hoạt động, công tác; do thiếu việc làm tại chỗ, chế độ đãi ngộ cho cán bộ còn thấp, chưa thu hút đựơc đảng viên trẻ đã qua đào tạo cơ bản về địa bàn nông thôn công tác. Sự ràng buộc bởi tình cảm dòng tộc, anh em, làng xóm… nên đấu tranh tự phê bình và phê bình còn hạn chế, bảo thủ, trì trệ, ngại va chạm, nhất là trong công tác bầu cử cán bộ thôn còn khó khăn, chưa tạo được sự đổi mới đồng bộ về công tác cán bộ.
Từ thực tiễn trên, Đảng bộ cơ sở Hoằng Trinh đã rút ra mấy vấn đề trong chỉ đạo:
Một là, phải thật sự quan tâm đến công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân để nâng cao nhận thức chính trị và năng lực công tác, phát huy tính tiền phong gương mẫu trong đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Hai là, đổi mới và nâng cao chất lượng sinh hoạt của các cấp ủy và chi bộ; thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, từng tổ chức đảng và đảng viên bám vào quy chế hoạt động, lấy việc thực hiện quy chế là yêu cầu bắt buộc đối với mọi cán bộ, đảng viên và là căn cứ để đánh giá cán bộ, đảng viên một cách nghiêm túc, khen, chê rõ ràng và phải bảo đảm kịp thời.
Ba là, tăng cường công tác quản lý và phân công nhiệm vụ cho đảng viên; có giải pháp cụ thể đối với việc quản lý đảng viên đi làm kinh tế xa nhà để vừa đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ cho đảng viên trong điều kiện kinh tế thị trường hiện nay, vừa đảm bảo chất lượng đảng viên. Bằng cách số đảng viên đi làm kinh tế xa nhà, nơi làm việc không ổn định, không thể giới thiệu sinh hoạt đảng chính thức hoặc tạm thời cho đảng viên thì yêu cầu đảng viên phải có giấy xác nhận của chính quyền, hoặc công an nơi cư trú để làm cơ sở đánh giá và quản lý đảng viên.
Bốn là, thường xuyên làm tốt công tác kiểm tra, giám sát trong Đảng để nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; quan tâm đến công tác quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ để đảm bảo tính kế thừa và phát triển.
Năm là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng các đoàn thể chính trị vững mạnh, quy tụ khối đại đoàn kết, đảm bảo tính thống nhất cao trong Đảng và đồng thuận trong nhân dân, thực hiện tốt Pháp lệnh dân chủ ở cơ sở.
Những kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Hoằng Trinh đã xây dựng quy chế làm việc, phân công chỉ đạo chặt chẽ và thường xuyên làm tốt công tác kiểm tra, giám sát để phát hiện và uốn nắn kịp thời, đồng thời tăng cường lãnh đạo, phân công nhiệm vụ cho cán bộ, đảng viên ở từng lĩnh vực công tác.
Trong những ngày Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ XI đang diễn ra sôi động tại Thủ đô Hà Nội, đồng chí Trần Thị Hoa đã gửi gắm tâm sự của mình: Đảng cần nghiên cứu để địa phương bố trí một công chức văn phòng cấp ủy trong tổng biên chế cán bộ, công chức cấp xã trên cơ sở vận dụng Nghị định số 92 của Chính phủ nhằm giúp cho hoạt động của cấp ủy xã, thị trấn. Tăng mức phụ cấp cho cán bộ không chuyên trách và đội ngũ bí thư chi bộ, trưởng thôn, công an viên để khuyến khích cán bộ trẻ qua đào tạo cơ bản về nhận công tác tại địa phương cơ sở.
Anh Minh
Nguồn: Báo Điện tử ĐCSVN