Mô hình chi bộ cơ quan xã, phường, thị trấn – từ thực tiễn ở Thanh Hóa
Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thanh Hóa làm việc tại huyện Thọ Xuân công tác xây dựng đảng những tháng đầu năm 2013.

Thực hiện Hướng dẫn số 10-HD/BTCTW ngày 10-10-2007 của Ban Tổ chức Trung ương về việc thành lập chi bộ cơ quan xã, phường, thị trấn, căn cứ Hướng dẫn và tình hình cụ thể của địa phương, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Thanh Hóa chủ trương chọn một số đơn vị làm điểm để đánh giá, rút kinh nghiệm, đồng thời giao cho Ban Tổ chức Tỉnh ủy theo dõi, hướng dẫn các huyện, thị, thành ủy triển khai, chỉ đạo tổ chức thực hiện và xây dựng mẫu về quy định chức năng, nhiệm vụ; quy chế làm việc của chi bộ cơ quan xã, phường, thị trấn.

Năm 2008 toàn tỉnh đã chọn và thành lập điểm 198 chi bộ ở 27 huyện, thị, thành phố. Năm 2009 Tỉnh ủy đã chỉ đạo đánh giá, rút kinh nghiệm và triển khai ra diện rộng. Đến nay, toàn tỉnh đã có 373 chi bộ xã, phường, thị trấn được thành lập, chiếm 58,5% số xã, phường, thị trấn của tỉnh.

Chi bộ cơ quan xã, phường, thị trấn là chi bộ trực thuộc và chịu sự lãnh đạo trực tiếp của đảng uỷ cơ sở xã, phường, thị trấn. Cơ cấu đảng viên của chi bộ cơ quan gồm những đảng viên là cán bộ, công chức cơ sở xã, phường, thị trấn và làm việc thường xuyên tại trụ sở. Chính vì vậy, chi bộ có nhiều thuận lợi trong triển khai thực hiện công tác chính trị, tư tưởng; lãnh đạo đảng viên thực hiện các chủ trương, nhiệm vụ của chi bộ; triển khai, tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các chỉ thị, nghị quyết của cấp ủy cấp trên. Mối quan hệ giữa chi bộ với chính quyền và các đoàn thể cấp xã gần gũi, chặt chẽ, tạo điều kiện thuận lợi để mỗi đảng viên thực hiện nhiệm vụ chuyên môn kịp thời, hiệu quả, góp phần tích cực thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng- an ninh của địa phương. Chi bộ cơ quan xã, phường, thị trấn chủ động thời gian sinh hoạt đảng, thuận lợi trong việc phân công, quản lý và kiểm tra, giám sát đảng viên, là nơi tạo điều kiện để cán bộ, đảng viên từ nơi khác luân chuyển về địa phương tham gia sinh hoạt và thuận lợi trong việc theo dõi, giúp đỡ những cán bộ, công chức là quần chúng để kết nạp vào Đảng.

Nhìn chung, hoạt động của chi bộ cơ quan xã, phường, thị trấn đã phát huy được vai trò nhất định trong lãnh đạo cán bộ, đảng viên thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, thể hiện rõ vai trò hạt nhân chính trị, tính tiền phong gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên; thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, nêu cao tinh thần tự phê bình và phê bình. Việc nắm bắt, triển khai tổ chức thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các chỉ thị, nghị quyết của cấp ủy cấp trên kịp thời và có nhiều thuận lợi; công tác kiểm tra, giám sát, quản lý và phân công nhiệm vụ cho đảng viên cụ thể; sinh hoạt chi bộ nền nếp, tỉ lệ đảng viên tham gia sinh hoạt hằng tháng đảm bảo hơn so với trước đây sinh hoạt tại chi bộ nơi cư trú. Hầu hết các đảng viên đều được đảng uỷ phân công đảng viên về dự sinh hoạt với chi bộ thôn, bản, khu phố nơi cư trú và thực hiện việc giới thiệu đảng viên giữ mối liên hệ với chi bộ nơi cư trú theo Quy định 76 của Bộ Chính trị.

Đánh giá chất lượng hằng năm, nhìn chung tỉ lệ chi bộ trong sạch, vững mạnh và đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ chiếm tỉ lệ khá so với các chi bộ thôn, bản, khu phố: Năm 2008, có 198 chi bộ, trong đó có 146 chi bộ đạt trong sạch, vững mạnh, chiếm 73,74% và 28 chi bộ hoàn thành tốt nhiệm vụ, đạt 14,14%. Tổng số đảng viên chi bộ cơ quan xã, phường, thị trấn là 4.086 đồng chí, trong đó hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 507 đồng chí, đạt 12,43%, hoàn thành tốt nhiệm vụ 2.773 đồng chí, đạt 67,89%.

Năm 2012, có 373 chi bộ, trong đó có 323 chi bộ đạt trong sạch, vững mạnh, chiếm 86,6 %; hoàn thành tốt nhiệm vụ 45, đạt 12,06%. Tổng số đảng viên chi bộ cơ quan xã, phường, thị trấn là 6.634 đồng chí, trong đó hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 829 đồng chí, đạt 12,5 %, hoàn thành tốt nhiệm vụ 4.643 đồng chí, đạt 70 %.

Nguyên nhân đạt được những kết quả nêu trên là do chi bộ cơ quan xã, phường, thị trấn hầu hết là lực lượng cán bộ, đảng viên trình độ chuyên môn, trình độ lý luận chính trị và kinh nghiệm công tác, đồng thời cùng hoạt động chuyên trách, tập trung tại cơ quan cấp xã. Mặt khác, các chi bộ này chủ yếu là những đảng bộ xã, phường, thị trấn đạt trong sạch, vững mạnh…

Tuy nhiên, sau 5 năm thực hiện mô hình chi bộ cơ quan xã, phường, thị trấn có một số hạn chế, đó là: Một số nơi việc thành lập chi bộ chưa đúng đối tượng, đảng viên theo quy định; chưa xác định rõ chức năng, nhiệm vụ; phương thức hoạt động và nội dung sinh hoạt chi bộ còn lúng túng, chưa phát huy được vai trò, tác dụng trong lãnh đạo nhiệm vụ chính trị ở cơ quan; nhiều chi bộ có nội dung sinh hoạt, kết luận hoặc ra nghị quyết trùng lắp của nội dung họp đảng ủy... Công tác quản lý đảng viên một số nơi còn lỏng lẻo, chưa nắm hết được tình hình thực hiện của bản thân và gia đình đảng viên nơi cư trú; công tác đánh giá chất lượng đảng viên hằng năm, việc tự phê bình và phê bình còn nể nang, né tránh… Một số đảng viên không sâu sát nắm bắt tình hình, tư tưởng trong nhân dân, dự sinh hoạt chi bộ nơi cư trú còn ít; chưa kịp thời tiếp thu ý kiến đóng góp của chi bộ và các đoàn thể nơi cư trú. Một bộ phận cán bộ, đảng viên cốt cán xa rời chi bộ nông thôn, xa rời quần chúng nhân dân... đã ảnh hưởng đến tình hình hoạt động và sự lãnh đạo của chi bộ nơi cư trú... 

Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế nêu trên là do chi bộ cơ quan xã, phường, thị trấn là mô hình mới, các văn bản hướng dẫn của cấp trên chưa cụ thể, còn nhiều bất cập; một số cấp ủy chưa thực sự quan tâm chỉ đạo đến việc thành lập và hoạt động đối với chi bộ cơ quan, xã, phường, thị trấn, chính vì vậy việc xác định chức năng, nhiệm vụ cũng như phương thức hoạt động và nội dung sinh hoạt còn nhiều lúng túng. Một số chi bộ không xây dựng và thực hiện nghiêm túc quy chế làm việc.

Hoạt động của chi bộ cơ quan xã, phường, thị trấn những năm qua cho thấy: Việc thành lập chi bộ cơ quan xã, phường, thị trấn chưa được sự đồng tình cao của đảng viên và nhân dân nơi cư trú, gây tình trạng hẫng hụt lực lượng cốt cán, nhân tố tích cực trong chi bộ dân cư. Chất lượng hoạt động của chi bộ hạn chế, nội dung nghèo nàn, trùng lắp với nội dung của đảng ủy. Công tác quản lý, phân công nhiệm vụ và hoạt động kiểm tra, giám sát đối với đảng viên chưa được quan tâm. Chi ủy chi bộ đều hoạt động kiêm nhiệm, mỗi đảng viên công tác ở mỗi lĩnh vực, công việc khác nhau; một số nơi thì bố trí đồng chí bí thư chi bộ chưa đủ kinh nghiệm, trình độ hạn chế nên ảnh hưởng đến chất lượng chi bộ.

Từ thực tiễn của Thanh Hóa, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Thanh Hoá đề nghị Trung ương không tiếp tục thực hiện mô hình chi bộ cơ quan xã, phường, thị trấn.

Phương Vinh

Báo Thanh Hoá

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất