Thực hiện Hướng dẫn số 10-HD/BTCTW ngày 10-10-2007 của Ban Tổ chức Trung ương, Ban Tổ chức Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã hướng dẫn các đảng bộ thành lập chi bộ cơ quan xã, phường, thị trấn (gọi tắt là chi bộ cơ quan xã). Đến nay toàn tỉnh có 181/184 xã, phường, thị trấn đã thành lập chi bộ cơ quan xã. Quá trình hoạt động của loại hình chi bộ này có những ưu điểm và khó khăn, hạn chế sau:
Từ ngày thành lập đến nay, chất lượng hoạt động của một số chi bộ cơ quan, nhất là chi bộ cơ quan phường, thị trấn có chuyển biến nhất định, thực hiện nhiệm vụ có hiệu quả. Một số chi bộ đã xây dựng được quy chế làm việc, chương trình, kế hoạch sát với đặc điểm của chi bộ và lãnh đạo có chất lượng. Công tác quản lý, giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên được thường xuyên hơn, kịp thời tuyên truyền, phổ biến cho cán bộ, đảng viên chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Thông qua sinh hoạt chi bộ đã nâng cao nhận thức chính trị, tinh thần trách nhiệm của đảng viên, tạo môi trường cho đảng viên trẻ học tập kinh nghiệm lãnh đạo, quản lý, điều hành hoạt động ở cơ sở.
Tuy nhiên, hoạt động của loại hình chi bộ cơ quan xã ở tỉnh Quảng Ngãi trong thời gian qua đã bộc lộ những vướng mắc, hạn chế: Nội dung sinh hoạt định kỳ của chi bộ nghèo nàn, chậm đổi mới; việc nhận xét, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ trong tháng qua và đề ra nghị quyết, chương trình công tác tháng tới thường lẫn với nội dung thuộc thẩm quyền của đảng ủy xã, phường, thị trấn.
Việc lãnh đạo, chỉ đạo và cơ cấu đảng viên của chi bộ mỗi nơi mỗi khác, thiếu tính thống nhất. Có nơi chuyển toàn bộ đảng viên công tác tại các cơ quan xã, phường, thị trấn về sinh hoạt tại chi bộ cơ quan xã; có nơi chuyển 50% đảng viên là cấp trưởng, cấp phó của cơ quan đảng, chính quyền, đoàn thể về sinh hoạt tại chi bộ thôn; có nơi lại chuyển một nửa đảng viên là cán bộ lãnh đạo và một nửa đảng viên thường về sinh hoạt tại chi bộ cơ quan, số còn lại sinh hoạt tại chi bộ thôn, tổ dân phố. Một bộ phận đảng viên là cấp ủy, cán bộ lãnh đạo của xã, phường, thị trấn sinh hoạt tại chi bộ cơ quan xã ít gần dân, thiếu sâu sát tình hình nơi cư trú, việc nắm bắt, giải quyết những khó khăn, vướng mắc, bức xúc ở thôn, tổ dân phố thiếu kịp thời; đảng viên ở các chi bộ thôn, tổ dân phố ít có điều kiện tham gia góp ý xây dựng cho các đồng chí cán bộ lãnh đạo ở xã. Nhiều chi bộ thôn, tổ dân phố hầu hết là cán bộ hưu trí, tuổi cao, sức yếu nên hoạt động gặp nhiều khó khăn.
Việc tham gia sinh hoạt định kỳ của đảng viên ở các chi bộ xã, nhất là đảng viên là cán bộ lãnh đạo không đầy đủ. Tinh thần trách nhiệm của một số cấp ủy viên được phân công phụ trách địa bàn thôn, tổ dân phố chưa cao, tham gia sinh hoạt nơi cư trú chưa đầy đủ nên nắm bắt tình hình, đề xuất với cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết những bức xúc của đảng viên và nhân dân nơi cư trú chưa kịp thời. Công tác tạo nguồn để phát triển đảng viên ở chi bộ cơ quan xã gặp khó khăn...
Để hoạt động của chi bộ cơ quan xã có hiệu quả hơn, qua thực tiễn hoạt động của chi bộ cơ quan xã ở địa phương, chúng tôi xin đề nghị Trung ương xem xét, cho chủ trương tiếp tục duy trì chi bộ cơ quan ở phường, thị trấn; giải thể chi bộ cơ quan xã và chuyển số đảng viên ở chi bộ này về sinh hoạt tại chi bộ thôn, bảo đảm cán bộ lãnh đạo gần dân, sát dân hơn....
Võ Ngọc Thạch
Ban Tổ chức Tỉnh ủy Quảng Ngãi