Những năm Ngọ với Ngành Tổ chức xây dựng Đảng

Năm Canh Ngọ 1930: Từ ngày 14-10 đến cuối tháng 10-1930, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lâm thời của Đảng đã được tổ chức tại Hương Cảng (Trung Quốc). Hội nghị thông qua Luận cương Chính trị của Đảng do đồng chí Trần Phú khởi thảo; các án nghị quyết về tình hình và nhiệm vụ cần kíp của Đảng, về vận động các giới quần chúng; Điều lệ Đảng và các điều lệ của một số đoàn thể quần chúng; đổi tên Đảng Cộng sản Việt Nam thành Đảng Cộng sản Đông Dương (theo sự chỉ đạo của Quốc tế Cộng sản); bầu đồng chí Trần Phú làm Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng. Điều lệ Đảng (tháng 10-1930) ghi: “Trung ương chiếu theo các việc mà lập ra các bộ như bộ tổ chức, bộ tuyên truyền, bộ công nhân vận động...”. Đồng chí Nguyễn Ái Quốc và những chiến sĩ cộng sản lúc đó vừa là những nhà lãnh đạo cách mạng, vừa là những cán bộ tổ chức đầu tiên của Đảng, đặt nền móng cho công tác tổ chức xây dựng đảng. Ngày 14-10 được lấy làm Ngày truyền thống Ngành Tổ chức xây dựng Đảng hằng năm.

Năm Nhâm Ngọ 1942: Năm đầu tiên triển khai Chỉ thị của Ban Chấp hành Trung ương về công tác tổ chức của Đảng. Trước đó, tháng 12-1941, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra chỉ thị về công tác tổ chức của Đảng với phương châm “rộng rãi, thực tế, khoa học”, tập trung hoàn thành tốt những nhiệm vụ chủ yếu là củng cố, phát triển chi bộ; tăng cường tuyển chọn, đào tạo cán bộ, thành lập Mặt trận Việt Minh và các thành viên của Mặt trận; xây dựng các lực lượng vũ trang và bán vũ trang; lãnh đạo các hình thức đấu tranh, chuẩn bị tiến tới khởi nghĩa vũ trang... Thực hiện chỉ thị của Ban Chấp hành Trung ương, công tác tổ chức đã được triển khai trên nhiều mặt, chú trọng tăng cường công tác phát triển đảng viên, kiện toàn bộ máy thống nhất của Đảng, gấp rút đào tạo cán bộ, trong đó có cán bộ quân sự; phát triển và củng cố Mặt trận Việt Minh; xây dựng, củng cố và mở rộng các khu căn cứ địa, xây dựng lực lượng vũ trang...

Năm Giáp Ngọ 1954: Công tác tổ chức - cán bộ trong năm này tiếp tục thực hiện các chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước như tích cực chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên Phủ, thực hiện các chính sách thuế nông nghiệp, giảm tô, cải cách ruộng đất; chủ trương chỉnh Đảng, chỉnh quân do Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa II đề ra.

Năm Mậu Ngọ 1978: Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IV ra Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 21-7-1978 về “kiện toàn tổ chức...” có nhận định bộ máy tổ chức kém hiệu lực là do chúng ta chưa nắm vững quy luật kinh tế và khoa học tổ chức. Nghị quyết yêu cầu “đổi mới sâu sắc về quan điểm xây dựng tổ chức, đổi mới cách chỉ đạo” theo hướng “bộ máy lãnh đạo và quản lý phải xuất phát từ đòi hỏi của công việc xây dựng cơ cấu kinh tế mới (ngành, địa phương và cơ sở) và phải phát huy tác dụng chủ động, tích cực đối với việc hình thành cơ cấu kinh tế mới, đủ sức vận dụng phương thức quản lý mới”. Nghị quyết đi từ đổi mới kinh tế để đổi mới về tổ chức. Trên cơ sở đổi mới kinh tế bằng cách phân cấp quản lý cho địa phương, phân rõ chức năng trực tiếp quản lý sản xuất - kinh doanh của đơn vị kinh tế với chức năng quản lý nhà nước về kinh tế của các bộ và tổng cục, kiện toàn tổ chức và cán bộ, cải tiến sự lãnh đạo của Đảng, đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của các đoàn thể. Có thể nói, Nghị quyết đã hình thành những nhân tố đầu tiên của quá trình xây dựng cơ chế mới, khắc phục cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp trong hoạt động kinh tế ở nước ta.

Năm Nhâm Ngọ 2002: Nhân kỷ niệm 72 năm Ngày truyền thống, Ngành Tổ chức xây dựng Đảng vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Sao vàng (tháng 10-2002).

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất