Công tác tổ chức xây dựng đảng ở Đà Nẵng - một năm nhìn lại
Đồng chí Trần Thọ, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng trao quyết định điều động cán bộ, tháng 1-2014. Ảnh: Báo Đà Nẵng

Công tác tổ chức xây dựng đảng ở Đà Nẵng năm 2013 được tiến hành trong bối cảnh nhân sự Bí thư Thành ủy được Bộ Chính trị chính thức chuẩn y từ giữa tháng 9 và nhân sự Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cũng được bầu chỉ sau đó ba tháng. Đây chính là phép thử về tính chuyên nghiệp của đội ngũ cán bộ, công chức các cơ quan tham mưu giúp việc của Thành ủy, đồng thời cũng là liều thuốc thử về sức mạnh đoàn kết của tập thể Thành ủy và Ban Thường vụ Thành ủy. Sức mạnh của một cấp ủy đảng nằm ở chỗ tạo được nền nếp và cơ chế vận hành của cả bộ máy sao cho khi người đứng đầu vì lý do nào đó không còn đích thân đôn đốc, thúc đẩy thì cái bộ máy ấy - nhờ tính chuyên nghiệp cao và có những con người biết cùng nhau hướng về đại cuộc - vẫn cứ vận hành một cách trơn tru mà không hề giảm tốc. Có lẽ Ban Chấp hành Đảng bộ TP. Đà Nẵng đã đáp ứng được đòi hỏi quan trọng đó và do vậy công tác tổ chức xây dựng đảng ở Đà Nẵng năm 2013(1) vẫn tiếp tục có thành tựu và thêm những kinh nghiệm mới.

1- Việc chuẩn bị nhân sự cho Đại hội Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2015-2020 đã được khởi động ngay từ đầu năm 2013. Tất nhiên ở thời điểm này chỉ có thể tập trung vào việc rà soát bổ sung quy hoạch ban chấp hành đảng bộ thành phố (thành ủy), ban thường vụ thành ủy nhiệm kỳ 2010-2015 và xây dựng quy hoạch đối tượng này tiếp nhiệm kỳ 2015-2020(2). Và để kịp tiến độ chung cũng như để kịp góp phần xây dựng quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương khóa XII(3), Đà Nẵng đã phấn đấu hoàn thành trước danh sách quy hoạch thành ủy, ban thường vụ thành ủy nhiệm kỳ 2015-2020 theo đúng Hướng dẫn số 15-HD/BTCTW, sau đó mới trở lại hướng dẫn điều chỉnh, bổ sung và phê duyệt quy hoạch cán bộ cấp sở, ngành, mặt trận, đoàn thể và quy hoạch cấp ủy quận, huyện. Làm thế này tuy ngược nhưng có vẻ như “ăn chắc” hơn làm xuôi ngay từ đầu, bởi một khi danh sách quy hoạch thành ủy, ban thường vụ thành ủy khóa mới đã được Ban Tổ chức Trung ương phê duyệt thì việc xác định người đứng đầu cấp sở, ngành, mặt trận, đoàn thể của cấp quận, huyện sẽ trở nên rõ ràng hơn, mọi tính toán sắp xếp trong tương lai sẽ khả thi hơn. Cũng do tính chất “động” của công tác quy hoạch cán bộ mà ngay trong năm 2013, Đà Nẵng đã chủ động dự kiến phương án bổ sung, điều chỉnh quy hoạch thành ủy, ban thường vụ thành ủy vừa được phê duyệt vừa nhằm thay thế một số nhân sự trong danh sách mới điều chuyển công tác về các cơ quan Trung ương, vừa nhằm đón đầu một số chủ trương mới của Trung ương như khả năng thay đổi độ tuổi tái cử, khả năng kéo dài tuổi nghỉ hưu đối với một bộ phận cán bộ lãnh đạo, quản lý là nữ. Đó là chưa kể nếu TP. Đà Nẵng cùng với TP. Hồ Chí Minh được Bộ Chính trị, Quốc hội và Chính phủ cho phép thí điểm mô hình chính quyền đô thị thì chắc chắn danh sách quy hoạch thành ủy, ban thường vụ thành ủy sẽ phải tiếp tục bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp với khả năng cấp quận, huyện sẽ kết thúc vai trò lịch sử.

Nhân đề cập chuyện thay đổi độ tuổi tái cử và kéo dài tuổi nghỉ hưu rất thời sự này, có thể nói tuổi tác đang trở thành một yếu tố có tính chất mấu chốt trong việc lựa chọn cán bộ hiện nay của Đảng ta. Phải dựa vào cái gì đó để người này tiếp tục ở lại cấp ủy cho đến khi nghỉ hưu, thậm chí còn được kéo dài tuổi nghỉ hưu, còn người kia thì không tham gia cấp ủy nữa? Vì không có ai trong số những người có thẩm quyền trong công tác cán bộ đến gặp và bảo cấp ủy viên này tuy còn ít thời gian là đến tuổi nghỉ hưu nhưng do có năng lực, sức khỏe, đóng góp tốt nên vẫn được tiếp tục ở lại cấp ủy cho đến khi nghỉ hưu, thậm chí còn được kéo dài tuổi nghỉ hưu; đồng thời đến gặp và bảo cấp ủy viên khác tuy còn nhiều thời gian mới đến tuổi nghỉ hưu nhưng do thiếu năng lực, hoặc thường xuyên ốm đau, đóng góp hạn chế nên không cần tham gia cấp ủy nữa - vì không có ai làm cái việc rất khó nhưng rất cần ấy cho nên ở đây tuổi tác vẫn là căn cứ rõ ràng và dễ thực hiện nhất. Ban Tổ chức Trung ương đang trưng cầu ý kiến về các phương án xác định độ tuổi tái cử - còn một nửa nhiệm kỳ hay còn hai phần ba nhiệm kỳ, hay giữ nguyên quy định như nhiệm kỳ này - mà ý kiến vẫn còn rất khác nhau và ai cũng có lý lẽ đầy thuyết phục của mình, thế nhưng khác nhau đến mấy thì tất cả đều xuất phát từ một điểm chung là lấy tuổi làm chuẩn.

2- Năm 2013 cũng là năm Đảng bộ Đà Nẵng tiếp tục thực hiện Kết luận 80-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng nhằm đẩy mạnh việc phát triển tổ chức đảng và đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước trên địa bàn thành phố. So với các năm trước thì năm 2013 đã có sự chuyển biến rõ nét và cách làm như hiện nay - chọn chỗ dễ, chỗ thuận lợi làm trước - ngày càng được khẳng định là phù hợp. Trong năm 2013, toàn Đảng bộ thành phố đã thành lập mới thêm 11 tổ chức đảng, kết nạp thêm được 210 đảng viên - trong đó có 10 chủ doanh nghiệp, tạo điều kiện về số lượng đảng viên đủ để nâng cấp Đảng bộ Các khu công nghiệp Đà Nẵng từ một tổ chức cơ sở đảng mà cấp ủy được giao quyền cấp trên cơ sở thành một đảng bộ cấp trên cơ sở trực thuộc Thành ủy; chuyển thêm được 66 đảng viên từ khu dân cư về sinh hoạt đảng ở doanh nghiệp, nâng tổng số đảng viên thuộc diện này lên 213. Thành lập mới thêm 65 tổ chức công đoàn, kết nạp thêm được 1.614 đoàn viên công đoàn. Thành lập mới thêm 11 tổ chức đoàn thanh niên và kết nạp thêm 258 đoàn viên. Ngoài ra, để thực hiện mục tiêu xây dựng tổ chức đảng trong hầu hết các trường học trên địa bàn thành phố dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2015, Ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng chủ trương vận dụng cách thức và kinh nghiệm phát triển tổ chức đảng và đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước vào việc phát triển tổ chức đảng và đoàn thể nhân dân trong các trường học ngoài công lập.

3- Năm 2013, Ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng đã phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương đồng chủ trì Hội thảo khoa học “Công tác nhân tài của Đà Nẵng - Tình hình và giải pháp” nhằm tổng kết kinh nghiệm tạo nguồn và sử dụng người giỏi trên địa bàn thành phố(4). Đây cũng là thời điểm Đảng bộ Đà Nẵng tiến hành đánh giá 15 năm tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trên cả hai bình diện tuyển chọn đưa người đi đào tạo bằng ngân sách của thành phố và trải thảm đỏ thu hút người giỏi từ nơi khác đến. Qua tổng kết đã có cơ sở để trả lời những câu hỏi như: Nên xử lý mối quan hệ giữa tuyển chọn đưa người đi đào tạo với thu hút người giỏi như thế nào? Cấp học nào - đại học hay sau đại học - thì đưa đi đào tạo? Cấp học nào thì thu hút? Cấp học nào thì thực hiện cả hai biện pháp? Ngành, nghề nào thì đưa đi đào tạo? Ngành, nghề nào thì thu hút? Ngành, nghề nào thì thực hiện cả hai biện pháp? Nên mở rộng phạm vi nhân lực chất lượng cao như thế nào trong tổng thể nguồn nhân lực của thành phố? Dự báo và hoạch định nhu cầu nhằm xác định danh mục ngành, nghề và chỉ tiêu của từng ngành để tuyển chọn đưa đi đào tạo và để thu hút như thế nào cho phù hợp với yêu cầu phát triển của thành phố, đảm bảo hiệu quả đầu tư công? Mối quan hệ giữa khu vực công và khu vực tư xử lý như thế nào khi xác định danh mục ngành, nghề và chỉ tiêu của từng ngành? Và còn nhiều câu hỏi khác nữa về quy trình phân công công tác sau đào tạo và sau thu hút - đối tượng nào có thể kết hợp với bổ nhiệm vào chức vụ quản lý qua thi tuyển, về chế độ chính sách ưu đãi vượt trội để giữ chân người giỏi...

-----

(1) Xem thêm Bùi Văn Tiếng: Ba trọng tâm công tác xây dựng đảng ở Đà Nẵng, Tạp chí Xây dựng Đảng số 2+3/2013.

(2) Xem thêm Bùi Văn Tiếng: Vấn đề quy hoạch cán bộ từ thực tiễn Đà Nẵng, Tạp chí Xây dựng Đảng số 12/2013.

(3) Xem thêm Bùi Văn Tiếng: Bàn thêm về quy hoạch cán bộ cấp chiến lược, Tạp chí Xây dựng Đảng số 9/2013.

(4) Xem thêm Bùi Văn Tiếng: Sử dụng người tài - kinh nghiệm từ Đà Nẵng, Tạp chí Xây dựng Đảng số 8/2013.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất