Thực hiện nghiêm tinh thần của Nghị quyết số 56/2017/QH14; theo đó, không lồng ghép các quy định về tổ chức bộ máy, biên chế vào các luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội không thuộc lĩnh vực tổ chức bộ máy nhà nước.
Hiện nay, Bộ đang xây dựng, hoàn thiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều về quy hoạch của các Luật: đất đai, bảo vệ môi trường, khoáng sản, tài nguyên nước, khí tượng thủy văn, đa dạng sinh học và Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật đất đai năm 2013; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bảo vệ môi trường và các luật liên quan đến bảo vệ môi trường. Trong quá trình xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thực hiện nghiêm tinh thần của Nghị quyết số 56/2017/QH14; theo đó, không lồng ghép các quy định về tổ chức bộ máy, biên chế vào các luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội không thuộc lĩnh vực tổ chức bộ máy nhà nước.
Sắp xếp, kiện toàn, tinh gọn bộ máy, giảm nhiều tầng nấc trung gian
Trong thời gian qua, Ban Cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường đã quan tâm, tập trung chỉ đạo rà soát, kiện toàn chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức các đơn vị trực thuộc Bộ. Cơ cấu tổ chức của Bộ đã được sắp xếp, kiện toàn theo hướng tinh gọn, giảm tầng nấc trung gian; phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, phạm vi, đối tượng quản lý và tính chất hoạt động, tạo cơ sở để khắc phục một cách căn bản sự chồng chéo, trùng lặp trong phân công hoặc tổ chức thực hiện nhiệm vụ giữa các đơn vị thuộc Bộ.
Theo Nghị định số 36/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường, ngoài 08 lĩnh vực được giao tại nhiệm kỳ Chính phủ khóa XIII, Bộ được bổ sung thêm chức năng quản lý nhà nước về viễn thám; đồng thời được kiện toàn, tinh gọn, hiệu quả với 23 đơn vị phục vụ chức năng quản lý nhà nước bao gồm: 6 Vụ, Văn phòng Bộ, Thanh tra Bộ, 5 tổng cục, 5 cục, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, Báo Tài nguyên và Môi trường, Tạp chí Tài nguyên và Môi trường, Trung tâm Quy hoạch Điều tra tài nguyên nước quốc gia, Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tài nguyên và môi trường.
Đặc biệt, đối với các Tổng cục được rà soát, nghiên cứu chuyển đổi mô hình hoạt động phù hợp. Các Cục có chức năng, nhiệm vụ chủ yếu thực hiện chức năng tham mưu, tổng hợp, không triển khai nhiều hoạt động tại địa bàn thì xem xét, chuyển thành Vụ trực thuộc Tổng cục. Đối với các tổ chức có chức năng, nhiệm vụ quản lý tương đồng thì xem xét hợp nhất, tổ chức lại; riêng đối với Tổng cục Môi trường nghiên cứu, tổ chức lại và phân định rõ chức năng, nhiệm vụ để thành lập các Cục Kiểm soát hoạt động bảo vệ môi trường 3 miền.
Đối với các đơn vị sự nghiệp thuộc các đơn vị trực thuộc Bộ, thực hiện theo Quy hoạch các đơn vị sự nghiệp công lập của Bộ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được phê duyệt theo Quyết định số 2283/QĐ-TTg ngày 25-11-2016 của Thủ tướng Chính phủ; hạn chế tối đa việc thành lập các tổ chức mới.
Nhờ sự quyết tâm cao của Lãnh đạo Bộ, sự vào cuộc đồng bộ của các đơn vị và sự đồng lòng của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, Bộ Tài nguyên và và Môi trường đã hoàn thành việc kiện toàn tổ chức bộ máy, đặc biệt số đầu mối các tổ chức thuộc Bộ đã giảm đáng kể. Về các tổ chức hành chính: giảm 69 tổ chức phòng, chi cục so với năm 2015; về đơn vị sự nghiệp: giảm 10 đơn vị sự nghiệp và 82 tổ chức phòng, đoàn, trung tâm thuộc các đơn vị sự nghiệp trực thuộc các cục, trường, viện, trung tâm trực thuộc Bộ; về số lượng cấp phó: giảm số lượng cấp phó từ 03 xuống 02 đối với hầu hết các đơn vị trực thuộc 05 Tổng cục trực thuộc Bộ (kết quả đã giảm được 84 số lượng cấp phó sau khi kiện toàn, sắp xếp lại tổ chức bộ máy).
Nỗ lực cải cách hành chính, đáp ứng yêu cầu của người dân và doanh nghiệp
Nhằm đổi mới mạnh mẽ công tác chỉ đạo điều hành, phương thức làm việc, nâng cao hiệu quả hoạt động, đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính (CCHC) và cải cách thủ tục hành chính (TTHC) với phương châm mang tới sự hài lòng cho người dân, doanh nghiệp, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã quyết liệt thực hiện cải cách TTHC, cắt giảm nhiều thủ tục, giấy tờ không cần thiết, rút ngắn thời gian thực hiện cho người dân, doanh nghiệp. Bộ đã thực hiện việc kiểm soát chặt chẽ quy định, thủ tục hành chính các lĩnh vực quản lý của Bộ theo quy định của Chính phủ đảm bảo tính hợp pháp, tính cần thiết, hiệu quả và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Riêng đối với lĩnh vực đất đai, Bộ đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 01/2017/NĐ-CP, theo đó, đã đơn giản hóa hồ sơ và rút ngắn từ 1/4 đến 2/3 thời gian thực hiện các TTHC. Đối với lĩnh vực môi trường và các lĩnh vực khác, Bộ đã tiến hành rà soát các quy định TTHC liên quan đến lĩnh vực môi trường để đề xuất sửa đổi, bổ sung trong quá trình xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật bảo vệ môi trường; rà soát, lập danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu kèm theo mã số SH thuộc đối tượng kiểm tra chuyên ngành tại khâu thông quan và đề xuất phương án sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ các quy định, TTHC theo hướng đơn giản hóa; rút ngắn thời gian kiểm tra, tăng cường trách nhiệm của các cơ quan nhưng vẫn bảo đảm kiểm soát chặt chẽ, đầy đủ,….
Bộ Tài nguyên và Môi trường là đơn vị đầu tiên thuộc Chính phủ triển khai thực hiện liên thông TTHC. Đến nay Bộ thực hiện triển khai thí điểm liên thông 11 TTHC thuộc 3 lĩnh vực: môi trường; tài nguyên nước; biển và hải đảo bằng 9 quy trình liên thông, giúp doanh nghiệp cắt giảm 2/3 thời gian và tiết kiệm trên 60% chi phí thực hiện TTHC. Trong thời gian tới, Bộ sẽ mở rộng liên thông thêm một số TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ trên cơ sở kết quả và đánh giá tình hình triển khai thí điểm.
Thi hành Quyết định số 45/2016/QĐ-TTg ngày 19/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích, Bộ đã ban hành Danh mục TTHC thực hiện và không thực hiện tiếp nhận, trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Tài nguyên và Môi trường gồm: 96 TTHC thực hiện và 32 TTHC không thực hiện tiếp nhận, trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ.
Bộ đã triển khai xây dựng Hệ thống dịch vụ công trực tuyến và đưa vào vận hành sử dụng chính thức trên cổng dịch vụ công trực tuyến của Bộ (tại địa chỉ https://dvctt.monre.gov.vn), kết nối với các hệ thống dịch vụ công trực tuyến liên quan và cổng thông tin Một cửa quốc gia. Đến nay, Bộ đã hoàn thành và đưa vào triển khai 99 dịch vụ công trực tuyến (DVC), trong đó có 68 DVC mức độ 3, 15 DVC mức độ 4 tại cổng dịch vụ công trực tuyến của Bộ (tại địa chỉ https://dvctt.monre.gov.vn), 01 DVC mức độ 4 tại Hệ thống cung cấp dữ liệu Đo đạc và bản đồ (tại địa chỉ http://bandovn.vn) và 11 DVC mức độ 4 tại Hệ thống hải quan một cửa quốc gia (tại địa chỉ https://vnsw.gov.vn), vượt mức kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (là 63 TTHC theo Quyết đinh số 846/QĐ-TTg ngày 09/6/2017).
Ngoài ra Bộ tiếp tục duy trì việc kiểm soát chặt chẽ quy định, TTHC ngay từ khâu lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và trong quá trình dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Từ đầu năm đến nay, Bộ đã tổ chức đánh giá tác động 35 TTHC (dự kiến Quy định mới 15 TTHC; sửa đổi 18 TTHC và bãi bỏ 02 TTHC) trong 06 lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và dự thảo văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của Chính phủ. Trình Chính phủ để trình Quốc hội thông qua 05 nhóm TTHC tại Luật đo đạc và bản đồ. Đặc biệt, Bộ vừa báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề xuất bãi bỏ, đơn giản hóa danh mục sản phẩm, hàng hóa và thủ tục hành chính liên quan đến kiểm tra chuyên ngành TN&MT.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chỉ đạo, điều hành
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Kiến trúc Chính phủ điện tử Bộ Tài nguyên và Môi trường (Phiên bản 1.0) tại Quyết định số 3339/QĐ- BTNMT ngày 26-12-2017. Tính đến ngày 31-8-2018, Bộ đã triển khai Hệ thống quản lý văn bản và hồ sơ công việc dùng chung tại tất cả các đơn vị với 6.688 tài khoản người dùng, toàn bộ các văn bản và hồ sơ công việc (không mật) được xử lý qua mạng thông tin điện tử, bảo đảm kiểm soát tiến độ xử lý vãn bản và hồ sơ công việc tại mọi thời điểm, gắn với trách nhiệm của từng cán bộ, công chức. Nhìn chung hầu hết văn bản, tài liệu (không mật) chính thức trao đổi giữa các cơ quan thuộc, trực thuộc Bộ được trao đổi hoàn toàn dưới dạng thông tin điện tử; 100% văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo điều hành, văn bản cần phố biến được đưa lên mạng. Hệ thống đã tích hợp, áp dụng chữ ký số, đã tích hợp chứng thư số cá nhân cho 2.012 cá nhân và 185 đơn vị, tổ chức thuộc Bộ, các văn bản nội bộ trong Bộ cơ bản đã sử dụng chữ ký số do Ban Cơ yếu Chính phủ cấp. Bộ đã triển khai Hệ thống thông tin một cửa điện tử dùng chung tại Bộ phận một cửa Văn phòng Bộ và các đơn vị quản lý chuyên ngành từ tháng 6 năm 2016. Hệ thống đã kết nối, liên thông với Cổng Dịch vụ công trực tuyến của Bộ và đã tích hợp, áp dụng chữ ký số.
Bộ đã hoàn thành việc triển khai thực hiện liên thông hệ thống quản lý văn bản điện tử phục vụ quản lý điều hành giữa Bộ và Văn phòng Chính phủ. Hiện nay, Bộ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị liên quan trực thuộc Bộ triển khai xây dựng hệ thống tương tác trong chỉ đạo điều hành giữa Bộ với sở tài nguyên và môi trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tích hợp với Cổng thông tin điện tử của Bộ để tạo môi trường làm việc, chỉ đạo, điều hành thông suốt liên tục, kết nối xử lý các công việc chung giữa Bộ và các Sở Tài nguyên và Môi trường, hỗ trợ hiện đại hóa công tác cải cách hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử ngành tài nguyên và môi trường.
Bên cạnh đó, Bộ đã tích cực đổi mới phương thức làm việc, giảm hội họp, giảm giấy tờ hành chính, đáp ứng các điều kiện cần thiết khác cho công tác cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước….