Nhìn lại chặng đường họat động cách mạng của Bác, lúc bôn ba hải ngọai cũng như khi đặt chân về nước, Bác đã sớm thấy lợi khí cách mạng của báo chí. Bác sử dụng thành thạo, sắc bén báo chí làm phương tiện quan trọng chiến đấu vì sự nghiệp cứu nước.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhà báo lớn và là người khai sinh nền báo chí cách mạng Việt Nam. Bác sáng lập tờ báo Thanh Niên và ngày 21-6-1925. Đó là một điểm mốc lịch sử đáng ghi nhớ của nền báo chí cách mạng Việt Nam. Ngày 1-2-1985, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã quyết định lấy ngày 21-6 hằng năm làm Ngày Báo chí cách mạng Viêt Nam.
Nhìn lại chặng đường họat động cách mạng của Bác, lúc bôn ba hải ngọai cũng như khi đặt chân về nước, Bác đã sớm thấy lợi khí cách mạng của báo chí. Bác sử dụng thành thạo, sắc bén báo chí làm phương tiện quan trọng chiến đấu vì sự nghiệp cứu nước. Ngày 1-4-1922, khi đang họat động cách mạng ở Pháp, Bác đã sáng lập tờ báo Người cùng khổ (Le Paria). Tại Thái Lan, Bác thành lập báo Thân Ái, Đồng Thanh. Năm 1943, Bác cho ra đời tờ Việt Nam Độc lập. Sau khi khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, ngày 7-9-1945, Bác chỉ thị thành lập Đài phát thanh quốc gia (nay là Đài tiếng nói Việt Nam). Ngày 19-9-1945, Hãng tin quốc gia (nay là Thông tấn xã Việt nam) cũng được thành lập(1).
Quan điểm nhất quán của Bác khi đề cập đến báo chí cách mạng là phải xác định được mục đích, tôn chỉ và nhiệm vụ. Bác từng nói: Trong công cuộc kiến thiết nước nhà có 4 vấn đề cần phải chú ý đến cùng, phải coi quan trọng ngang nhau: chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa. Báo chí vừa là bộ phận cấu thành của văn hóa vừa là phương tiện cổ vũ, truyền bá thực thi văn hóa. Nó là đội quân đi đầu trong công tác tư tưởng (2).
Trong lớp học viết báo đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (lớp học viết báo Huỳnh Thúc Kháng), Bác đề ra 6 điểm chính của báo. Bác nói: “1. Nhiệm vụ của tờ báo là tuyên truyền, cổ động, huấn luyện, giáo dục và tổ chức dân chúng để đưa dân chúng đến mục đích chung.
2. Mục đích là kháng chiến và kiến quốc. Để đi đến kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công, thì: 3. Tôn chỉ của tờ báo là đoàn kết toàn dân, thi đua ái quốc. Vì vậy:
4. Đối tượng của tờ báo là đại đa số dân chúng. Một tờ báo không được đại đa số dân chúng ham chuộng, thì không xứng đáng là một tờ báo. Muốn được dân chúng ham chuộng, coi tờ báo ấy là của mình, thì:
5. Nội dung tức là các bài báo phải giản đơn, dễ hiểu, phổ thông, thiết thực, hoạt bát. Và:
6. Hình thức tức là cách sắp đặt các bài, cách in phải sạch sẽ, sáng sủa”(3).
Báo chí của Đảng hay báo chí của các đoàn thể chính trị - xã hội, trước hết phải là cơ quan tuyên truyền cổ động, tổ chức thực hiện thắng lợi nhiệm vụ cách mạng, là diễn đàn của quần chúng nhân dân về các vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước. Do vậy, các nhà báo cũng như các cơ quan báo chí cần phải nắm vững 6 điểm chính mà Bác đã nêu để không đi chệch đường lối chính trị của Đảng. Bác chỉ ra những khuyết điểm mà báo chí ta thường gặp đó là: “tuyên truyền thì không kịp thời và chính trị suông quá nhiều. Không biết giữ bí mật. Đôi khi đăng tin vịt...”(4). Bác nhắc nhở báo chí của ta không nên dùng chữ Tàu khi không cần thiết và phải thật sự tôn trọng sự kiện bởi nhà báo là người có khả năng tạo ra dư luận để ủng hộ hoặc phê phán một hiện tượng xã hội, vì thế mà phải công tâm, phải có phẩm chất trung thực.
Bác đã hướng dẫn các nhà báo một số điểm quan trọng khi viết báo:
“1. Gần gụi dân chúng, cứ ngồi trong phòng giấy mà viết thì không thể viết thiết thực.
2. Ít nhất cũng phải biết một thứ tiếng nước ngoài, để xem báo nước ngoài và học kinh nghiệm của người.
3. Khi viết xong một bài, tự mình phải xem lại ba bốn lần, sửa chữa lại cho cẩn thận. Tốt hơn nữa là đưa nhờ một vài người ít văn hóa xem và hỏi họ những câu nào, chữ nào không hiểu thì sửa lại cho dễ hiểu.
4. Luôn luôn gắng học hỏi, luôn luôn cầu tiến bộ”(5).
Đã hơn nửa thế kỷ trôi qua, những lời căn dặn của Bác đối với những người làm báo, viết báo đến nay vẫn còn nguyên giá trị.
----------------------------------------------
(1) Theo Niên giám báo chí, H 2000
(2) Báo Nhân Dân số 19-5-2001 (Phan Quang)
(3) Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, 2000, tập 5, tr 625.
(4), (5) Sđd, tr 626.
Đỗ Văn Thông
Q.Bình Thạnh, TP.Hồ Chí Minh