Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, chỉ có một nhà nước thực sự của dân, do dân tổ chức xây dựng, kiểm soát mới thực hiện được nhà nước vì dân. Đó là nhà nước phục vụ vì lợi ích và nguyện vọng của nhân dân, không có đặc quyền, đặc lợi, thực sự trong sạch, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Việc gì lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì hại đến dân phải hết sức tránh.
Năm 1919, nhân danh một nhóm người Việt Nam yêu nước tại Pháp, Nguyễn Ái Quốc gửi đến Hội nghị Véc-xây bản "Yêu sách của nhân dân An Nam”, đòi các quyền tự do cho dân tộc mình, trong đó có nội dung đòi thủ tiêu nhà nước thuộc địa phong kiến, thiết lập một nhà nước dân chủ.
Người đã nghiên cứu mô hình nhà nước phong kiến, nhà nước tư sản, Người phát hiện ra ở đó, nhà nước nằm trong tay của số ít là giai cấp địa chủ phong kiến hay giai cấp tư sản áp bức, bóc lột nhân dân lao động là lực lượng đa số trong xã hội.
Năm 1925 Người viết tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp”, năm 1927, Người xuất bản tác phẩm “Đường kách mệnh” đưa ra quan điểm “nhà nước của số đông”, thực hiện một nền dân chủ cho đa số nhân dân lao động. Người chỉ rõ: “Chúng ta đã hy sinh làm kách mệnh thì nên làm cho đến nơi, nghĩa là làm sao kách mệnh rồi thì quyền giao cho dân chúng số nhiều, chớ để trong tay một bọn ít người. Thế mới khỏi hy sinh nhiều lần, thế dân chúng mới được hạnh phúc”.
Năm 1930, trong các văn kiện được thông qua tại Hội nghị thành lập Đảng do Người soạn thảo, đã xác định mục tiêu làm cách mạng dân tộc và cách mạng thổ địa để thiết lập một nhà nước Công-Nông-Binh.
Năm 1941, tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 8 đề ra “Chương trình Việt Minh” trong đó nêu rõ: “sau khi đánh đuổi được đế quốc Pháp, Nhật sẽ thành lập một chính phủ nhân dân của Việt Nam dân chủ cộng hòa … chính phủ ấy do Quốc dân đại hội cử ra”.
Năm 1946, diễn ra cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên ở nước ta, lập ra Quốc hội và các cơ quan tối cao của Nhà nước, Hồ Chí Minh được bầu giữ chức vụ Chủ tịch nước. Quốc hội đã thông qua bản Hiến pháp đầu tiên do Người làm Trưởng ban soạn thảo. Từ đây hình thành mô hình Nhà nước dân chủ nhân dân do nhân dân lao động làm chủ, của dân, do dân, vì dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Chính quyền từ xã đến chính phủ Trung ương đều do dân cử ra. Nói tóm lại quyền hành và lực lượng đều ở n¬i dân”.
Dân chủ bao gồm dân là chủ và dân làm chủ. Dân là chủ nói lên bản chất của thể chế chính trị xã hội. Dân làm chủ là sự thể hiện trên thực tế thể chế chính trị được thực hành trong đời sống xã hội. Dân muèn làm chủ phải có tri thức, ý chí và hành động để xây dựng, phát triển và bảo vệ nền dân chủ. Dân chủ với đa số nhân dân, chuyên chính với thiểu số phản động chống lại nhân dân.
Nhà nước của dân, như Điều 1, Hiến pháp năm 1946 đã khẳng định: “Nước Việt Nam là một nước dân chủ cộng hòa. Tất cả quyền bính ở trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo”. Điều 2, Hiến pháp năm 1992 qui định: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức”. Điều 32, Hiến pháp 1946 cũng qui định: “Những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia sẽ đưa ra nhân dân phúc quyết”, đó là chế độ trưng cầu dân ý, một hình thức dân chủ trực tiếp, cũng như ngày nay bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, tiếp xúc cử tri, tiếp thu ý kiến của nhân dân tại các kỳ họp Quốc hội, Hội đồng nhân dân để nghe ý kiến, kiến nghị của cử tri đã trở thành nề nếp.
Sau khi bầu ra người đại diện cho nhân dân vào các cơ quan quyền lực nhà nước, dân cũng “có quyền bãi miễn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân nếu những đại biểu ấy tỏ ra không xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân”.
Có những vị đại biểu đã lầm lẫn sự ủy quyền của nhân dân với quyền lực của cá nhân, sinh ra lộng quyền, cửa quyền, hách dịch, sách nhiễu dân, trở thành bệnh quan liêu, tham nhũng, lãng phí “họ quên rằng dân bầu mình ra để làm việc cho dân chứ không phải cậy thế với dân”, dân chủ chứ không phải “quan chủ”.
Nhà nước do dân là do nhân dân lựa chọn thể chế chính trị, tổ chức hình thức nhà nước, dân bầu ra đại biểu đại diện cho mình. Nhà nước đó được dân ủng hộ, tin tưởng, giúp đỡ, đóng thuế để nhà nước tồn tại và phát triển. Nhà nước đó do dân kiểm tra, giám sát, phê bình nhằm phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn, thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng cảnh báo: “Nếu chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi chính phủ”. Nghĩa là khi các cơ quan nhà nước không đáp ứng được lợi ích và nguyện vọng của nhân dân thì dân sẽ bãi miễn.
Theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chỉ có một nhà nước thực sự của dân, do dân tổ chức xây dựng, kiểm soát mới thực hiện được nhà nước vì dân: Đó là nhà nước phục vụ vì lợi ích và nguyện vọng của nhân dân, không có đặc quyền, đặc lợi, thực sự trong sạch, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Việc gì lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì hại đến dân phải hết sức tránh.
Nhà nước của dân, do dân, vì dân. Muốn thực hiện được dân là chủ và dân làm chủ thì tất cả đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức vừa là người đầy tớ phục vụ nhân dân vừa là người lãnh đạo của nhân dân. Đã là đầy tớ thì phải trung thành, tận tụy, sáng tạo, phục vụ nhân dân vô điều kiện. Đã là người lãnh đạo thì phải có hiểu biết, gương mẫu, dám nghĩ, dám làm, nhìn xa trông rộng, gần gũi nhân dân để tổ chức và hướng dẫn nhân dân biết làm chủ và dám làm chủ.
Như vậy để làm người đại diện cho nhân dân phải gồm đủ cả đức và tài mà “đức là gốc của cán bộ cách mạng”.
Nguyễn Doãn Kình