Miền Nam yêu quý ở trong trái tim tôi

Miền Nam cũng là nơi Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước, nơi lưu giữ phần mộ cụ Nguyễn Sinh Sắc, người cha kính yêu của Bác, mà chưa một lần Bác được về thăm. Một lần gặp vợ chồng Giáo sư Trần Văn Giàu, Bác Hồ đã nói, tôi mong muốn đến ngày thống nhất, được vào miền Nam thăm đồng bào, đồng chí, cảm ơn tấm lòng cưu mang, chăm sóc của đồng bào đối với ông cụ thân sinh của tôi trong những ngày lánh nạn ở miền Nam.

Ngay sau ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, đoàn đại biểu Quốc hội Nam bộ do nhà cách mạng lão thành Nguyễn Văn Tạo dẫn đầu ra Hà Nội báo cáo trước Quốc hội, tố cáo những tội ác của thực dân Pháp đối với đồng bào ta ở Sài Gòn, Cao Lãnh… và nói lên niềm tin tưởng, kiên định của đồng bào miền Nam đối với chính phủ Hồ Chí Minh. Nghe xong, Bác Hồ bước tới ôm lấy đồng chí Nguyễn Văn Tạo, Người xúc động nói: “Miền Nam luôn luôn ở trong trái tim tôi. Nam bộ là máu của máu Việt Nam, thịt của thịt Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng chân lý đó không bao giờ thay đổi”(1).

Khi tiếp đoàn đại biểu miền Nam do Giáo sư Nguyễn Văn Hiếu dẫn đầu ra thăm miền Bắc, Bác Hồ cũng đặt tay lên ngực mình và nhắc lại câu nói lịch sử đó: Hình ảnh của miền Nam yêu quý ở trong trái tim tôi.

Đồng chí Nguyễn Văn Linh kể: Năm 1963, sau đồng khởi tôi ra Hà Nội báo cáo với Bác và Bộ Chính trị. Ra đến nơi, vừa vào nhà nghỉ đã có đồng chí đến báo: “Bác kêu anh đấy”. Tôi vội vàng đến chỗ Bác. Vào đến phòng họp, tôi thấy trên chiếc bàn lớn đã trải sẵn tấm bản đồ miền Nam. Vừa ngồi được một lát đã thấy Bác bước vào với bộ quần áo nâu, Bác nói:

- A, chú Cúc hả? Chú ở miền Nam ra, trước hết là Bác khen ngợi tinh thần đấu tranh của đồng bào miền Nam ta. Chú ngồi xuống, chỉ cho tôi xem bây giờ Trung ương cục đóng ở đâu?

Rồi Bác hỏi tình hình đấu tranh và đời sống của đồng bào miền Nam, Bác hỏi tỉ mỉ với mối quan tâm sâu sắc. Tôi thật sự xúc động trước sự quan tâm của Bác đối với việc chăm lo đời sống cho đồng bào, chiến sĩ và cán bộ miền Nam…

Năm 1969, tôi lại được triệu tập ra Trung ương. Lúc này, Bác đã mệt nhiều, khi tôi vào thăm thì Bác đã không còn ngồi dậy để tiếp được nữa. Tôi ngồi trên chiếc ghế bên cạnh giường Bác. Bác vẫn tươi cười hỏi thăm tình hình miền Nam. Trên bức tường vẫn thấy treo sẵn tấm bản đồ miền Nam với các mũi tên chỉ tình hình chiến sự…

Cho đến những ngày cuối cùng, Bác cho mời các đồng chí trong Bộ Chính trị đến bên cạnh. Tôi lúc đó là cán bộ ở miền Nam ra, cũng được Bác kêu đến. Bác cố nắm tay từng đồng chí trong Bộ Chính trị và sau đó nắm lấy tay tôi. Khi ấy Bác đã không còn nói được nữa. Nhưng đôi mắt Bác thể hiện một tình cảm thật sâu sắc không bút nào tả xiết… Tôi hiểu rằng qua cái nắm tay cuối cùng này, Bác muốn gửi gắm tấm lòng của mình tới đồng bào ruột thịt miền Nam!(2). Nhà thơ Tố Hữu đã viết:

“Bác nhớ miền Nam nỗi nhớ nhà

Miền Nam mong Bác nỗi mong cha…”

Lại nhớ đến năm 1963, khi Quốc hội quyết định trao tặng Hồ Chủ tịch Huân chương Sao Vàng. Huân chương cao quý nhất của nước ta, Bác đã cảm ơn Quốc hội và đề nghị cho phép chưa nhận phần thưởng cao quý này, Người nói: “Chờ đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Tổ quốc hoà bình thống nhất, Bắc - Nam sum họp một nhà, Quốc hội sẽ cho phép đồng bào miền Nam trao cho tôi Huân chương cao quý. Như vậy thì toàn dân sẽ sung sướng, vui mừng”(3).

Chưa vào được miền Nam, Bác yêu cầu: Hễ có đồng chí, đồng bào nào từ miền Nam ra thì phải cho Bác biết và đưa vào gặp Bác. Mỗi lần được gặp gỡ đại biểu từ miền Nam ra, Bác Hồ như vui khoẻ hẳn lên:

“Các anh, các chị, ở trong ra

Những đứa con yêu trở lại nhà

Có phải mỗi lần, ta gặp Bác

Bác vui như trẻ lại cùng ta!”

                                            Tố Hữu

Giáo sư Trần Đại Nghĩa là một trí thức quê ở miền Nam, đã sống và học tập ở Pháp 11 năm. Năm 1946, nhân Hội nghị Phông-ten-nơ-blô và nhân dịp Bác Hồ thăm nước Pháp, ông đã tìm gặp và sau đó cùng một số anh em trí thức theo Bác trở về Việt Nam tham gia kháng chiến.

Trước khi về nước, biết ông là một nhà khoa học có nhiều nghiên cứu về vũ khí, Bác Hồ bảo với ông:

- Sớm muộn gì rồi nhân dân ta cũng phải kháng chiến để giành Độc lập. Chú có còn giữ được những tài liệu về chiến tranh thế giới thứ hai không?

Bác lại nói:

- Về Việt Nam, lương của chú ít lắm, không được như ở Pháp đâu!

Lúc đó, lương của Giáo sư Trần Đại Nghĩa ở Pháp nếu tính ra tiền Việt Nam hiện nay thì khoảng hơn một trăm triệu đồng. Song ông đã thưa với Bác, ông về nước là để làm nhiệm vụ một người dân yêu nước.

Lúc theo Bác về nước, Giáo sư mới ngoài 30 tuổi,  ông vốn tên là Phạm Quang Lễ, khi giao cho ông nhiệm vụ Cục trưởng Cục Quân giới, Bác đã đặt tên mới cho ông là Trần Đại Nghĩa.

Một lần, nhân Ngày sinh của Bác, Giáo sư Trần Đại Nghĩa xúc động nói: Bác Hồ là người Việt Nam hiện đại mà tôi nhớ nhất! Có thể nói không dối lòng mình là ngày nào tôi cũng nhớ đến Bác. Hồi ở Pháp, trước khi được gặp Bác với tên Hồ Chí Minh thì tôi đã biết và cảm phục nhất con người Nguyễn Ái Quốc (4).

Hoà thượng Thích Minh Châu nói: “Phật tử ở Việt Nam chúng tôi càng thấm thía hơn bài học lớn về đạo đức của Hồ Chủ tịch. Chúng tôi muốn nói đến đức từ bi, đức trí tuệ và vô uý của Hồ Chủ tịch. Do lòng từ bi, Người đã chịu cam khổ, suốt đời đấu tranh cho dân tộc, cho hoà bình thế giới. Do đức trí tuệ, Người đã tìm được con đường cứu nước, lý tưởng công bình và phát triển xã hội. Do đức vô uý, Người đã không nề gian khổ, bền bỉ chịu đựng mọi gian nan, thử thách, quyết tâm lãnh đạo nhân dân chống phong kiến, thực dân, đế quốc”(5).

Cụ Phạm Khắc Hoè, tháng 9-1945 đã từ Huế đi cùng Bảo Đại ra Hà Nội gặp Hồ Chủ tịch. Trong một lần gặp riêng ngắn ngủi, cụ Hoè còn nhớ mãi: “Cụ Chủ tịch đặt hai bàn tay lên vai tôi, bảo ngồi thêm một chút nữa, và nói: Tôi mong rằng chúng ta sẽ gặp nhau lâu dài trong sự nghiệp chung của Tổ quốc”.

Thế rồi năm 1946, cụ Phạm Khắc Hoè, được cử làm đổng lý văn phòng Bộ Nội vụ, mà bộ trưởng là cụ Huỳnh Thúc Kháng. Sau đó được Bác cử làm cố vấn phụ trách Tổng thư ký của phái đoàn Chính phủ ta, dự Hội nghị trù bị Việt-Pháp tại Đà Lạt.

Cụ Phạm Khắc Hoè kể: Một lần trên chiến khu Việt Bắc, Bác Hồ hỏi tôi:

- Cái gì đã làm chú cương quyết đi theo kháng chiến?

Tôi trả lời một cách chân thật tự đáy lòng mình:

- Thưa Bác, yếu tố quyết định là hình ảnh Bác trong tim óc cháu!

Không ngờ, Bác nghiêm nghị nói:

- Chú nói thế là không đúng. Yếu tố quyết định nằm ngay trong bản thân chú. Đó là lòng yêu nước của chú. Chú cũng như tuyệt đại đa số đồng bào Việt Nam ta, ai cũng có lòng yêu nước, muốn cho nước được độc lập, thống nhất, giàu mạnh. Chỉ cần biết nhen ngọn lửa hồng ấy lên, là nó sẽ cháy thành ngọn lửa.

Và cụ Phạm Khắc Hoè nói tiếp:

- Hồ Chủ tịch chính là người đã nhen lên ngọn lửa yêu nước ấy trong lòng tôi! (6).                                                                                                       *

Ngày 14-7-1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp nhà báo Cu-ba Mác-ta Rô-nát. Bác nói: "Đồng chí muốn biết tình cảm của tôi đối với miền Bắc và đối với miền Nam phải không? Tôi yêu đồng bào ở miền Bắc cũng như yêu đồng bào ở miền Nam...

Ở Việt Nam có một câu nói phổ biến: Miền Nam đi trước về sau... Miền Bắc được giải phóng 25 năm rồi nhưng suốt cả thời gian ấy, miền Nam không được hưởng lấy một ngày hoà bình... mỗi người, mỗi nhà đều có một nỗi đau khổ riêng và gộp cả những nỗi đau khổ riêng của mỗi người, mỗi gia đình lại thì thành nỗi đau khổ của tôi.

Tôi nghĩ rằng tôi chưa làm tròn nghĩa vụ cách mạng của tôi đối với đồng bào miền Nam; mặc dù như vậy, tôi biết rằng đồng bào miền Nam vẫn yêu quý tôi cũng như tôi luôn luôn yêu quý đồng bào”(7).

Bác Hồ đã từng tâm sự với các đồng chí ở gần Bác: Quê mình ở Nghệ An, nhưng mẹ mình mất ở xứ Huế, cha mình mất ở Cao Lãnh. Quê mình trải dài đất nước. Những nơi như Phan Thiết, Sài Gòn... trước lúc ra nước ngoài, mình đã từng sống ở đấy. Thế mà bao năm rồi mình vẫn chưa được về thăm.

Trong tình cảm yêu thương đối với đồng bào cả nước, Bác Hồ luôn luôn dành một tình cảm nhớ thương đối với đồng bào và chiến sĩ miền Nam, những người đi trước về sau, luôn kiên cường trong gian khổ, đấu tranh, xứng đáng với danh hiệu Thành Đồng Tổ quốc.

Và đồng bào miền Nam trong trái tim mình cũng luôn luôn dành những tình cảm yêu quý nhất, kính trọng nhất đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thành phố Sài Gòn đã được vinh dự mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh, là mảnh đất yêu quý, nơi Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước.

Bác Hồ đi xa khi miền Nam chưa được giải phóng, nhưng trong Di chúc, Người đã nói: “Cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn. Đó là một điều chắc chắn”(8).

Khi đọc Di chúc của Người, nhà thơ Xuân Thuỷ đã viết:

 “Còn non, còn nước, còn người

Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay

Ôi tự hào, tin tưởng, lạc quan thay

Bác vẽ sẵn cảnh vườn Xuân Thống nhất!”.

_____

(1) Hồi ký của cán bộ Văn phòng Quốc hội, NXB CTQG, H.2000, tr.27. (2) Trích “Bác Hồ với miền Nam - miền Nam với Bác Hồ”, NXB TP. Hồ Chí Minh, 1986. (3) Hồ Chí Minh toàn tập, NXBCTQG, H.2002, tập 11, tr.61, 62. (4) Nhớ Bác lòng ta trong sáng hơn, NXB Hội Nhà văn, H.2010, tr.253, 254. (5, 6) Nguồn sáng Hồ Chí Minh, NXB Thanh Niên, H.2009, tr.197, 198. (7, 8) Hồ Chí Minh toàn tập, NXBCTQG, H.2002, tập 12, tr.560-561, 509.

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất