Năm 1911, khi vừa tròn 21 tuổi, Nguyễn Tất Thành đã rời cảng Sài Gòn ra đi tìm đường cứu nước. Trong những năm tháng bôn ba kiếm tìm chân lý, Người đã đến với báo chí, coi báo chí là một phương tiện có hiệu quả và nhạy bén trong cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do cho Tổ quốc và nhân dân.
Lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam còn mãi nhớ đến những đêm đông tuyết rơi lạnh thấu xương bên bờ Đại Tây Dương, nơi căn phòng nhỏ, có một chàng thanh niên mảnh khảnh với viên gạch hồng nung để sưởi ấm, vẫn cặm cụi viết báo, viết sách. Người sau này trở thành lãnh tụ vĩ đại, nhà văn hóa kiệt xuất và là một chiến sĩ tiên phong trên mặt trận báo chí cách mạng Việt Nam. Kể từ bài báo đầu tiên của Bác được đăng trên báo Nhân Đạo của Đảng Cộng sản Pháp ngày 2-8-1919 có tên “Vấn đề của người bản xứ” cho đến bài báo cuối cùng “Nâng cao tinh thần trách nhiệm về chăm sóc và giáo dục thanh thiếu niên, nhi đồng” đăng trên báo Nhân Dân ra ngày 1-6-1969, Người đã để lại cho báo chí cách mạng Việt Nam trên 2.000 bài báo đủ các thể loại với nhiều bút danh khác nhau. Đó là di sản vô giá của một nhà báo, nhà cách mạng kiệt xuất và người thầy mẫu mực về báo chí. Trong bài nói ở Đại hội lần thứ II - Hội Nhà báo Việt Nam (16-4-1959), Bác đã nhận mình “là một người có nhiều duyên nợ với báo chí”(1). Câu nói ấy giản dị, khiêm nhường và thật gần gũi Quả thật, duyên nợ với báo chí dường như đã đi theo Bác trong suốt cả cuộc đời. Từ những bài viết ngắn vài chục chữ bằng tiếng Pháp, đến sáng lập tờ báo Người cùng khổ (Le Paria, năm 1922), sau đó là tờ Thanh Niên (năm 1925) ở Trung Quốc, báo Thân Ái, Đồng Thanh ở Thái Lan. Năm 1943, khi đang ở núi rừng Việt Bắc với muôn vàn gian khổ, Bác cho ra đời tờ Việt Nam Độc lập.
Những bài viết của Bác là lời kêu gọi, động viên đồng bào, thấm đượm trong đó truyền thống văn hóa, lịch sử, giá trị nhân văn, nhân bản và cả một phong cách báo chí rất riêng. Người dùng báo chí đấu tranh cho độc lập, tự do, công bằng, bình đẳng, bác ái. Ở lĩnh vực nào, góc độ nào, phong cách báo chí của Người cũng toát lên sự sắc sảo, trung thực, tính chiến đấu và đầy ắp lòng vị tha, khoan dung. Mỗi bài viết hay câu nói của Người đều rất giàu hình tượng, uyển chuyển, hòa quyện đến lạ lùng đồng thời mạnh mẽ, đanh thép có sức lay động lớn. Tuy nhiên, Bác Hồ chưa bao giờ gọi mình là nhà báo mà chỉ khiêm nhường nhận mình là người nặng lòng với báo chí. Tại Đại hội lần thứ II của Hội Nhà báo Việt Nam, Bác phát biểu những lời đầy tâm huyết: “Nói về Hội nhà báo. Đó là một tổ chức chính trị và nghiệp vụ. Nhiệm vụ của Hội là phải làm cho hội viên đoàn kết chặt chẽ, giúp đỡ lẫn nhau để nâng trình độ chính trị và nghiệp vụ. Có như thế thì Hội nhà báo mới làm tròn nhiệm vụ của mình và những người làm báo mới phục vụ nhân dân, phục vụ tốt cách mạng”(2). Người nhắc nhở: “Báo chí của ta thì cần phải phục vụ nhân dân lao động, phục vụ chủ nghĩa xã hội, phục vụ cho đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà, cho hòa bình thế giới. Chính vì thế cho nên tất cả những người làm báo (người viết, người in, người sửa bài, người phát hành...) phải có lập trường chính trị vững chắc... Báo chí ta không phải để cho một số ít người xem, mà để phục vụ nhân dân, để tuyên truyền giải thích đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ, cho nên phải có tính quần chúng và tinh thần chiến đấu”(3). Bác đã nhiều lần căn dặn những người làm báo một vấn đề có tính nguyên tắc là phải luôn luôn tự hỏi: “viết cho ai xem, viết để làm gì”, cả hai mặt đó gắn bó với nhau và chính Người đã thể hiện được nguyên tắc ấy trong mỗi tác phẩm báo chí của mình.
Dưới ngọn cờ quang vinh của Đảng và nhất là sau hơn 25 năm đất nước đổi mới, báo chí Việt Nam đã có bước phát triển to lớn với 745 cơ quan báo chí, 1003 ấn phẩm. và gần 17.000 nhà báo được cấp thẻ. Cùng với sự phát triển không ngừng thì báo chí hiện nay cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Mỗi người làm báo cần rèn luyện phẩm chất đạo đức, nâng cao nghiệp vụ, xứng đáng với 25 chữ vàng mà Đảng ta đã dành tặng: Báo chí cách mạng Việt Nam trung thành, đoàn kết, trí tuệ, đổi mới vì sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
------------------------------
(1) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 9, Nxb CTQG, H 2000, tr 412.
(2),(3) Sđd, tr 414.
Trần Minh Hiền
Nha Trang, Khánh Hòa