"Từng đôi chim bay đi tiếng ca rộn ràng/ Cánh chim xao xuyến gió mùa Xuân/ Gửi lời chim yêu thương tới Miền Nam quê hương/ Nhắn rằng ta ngày đêm mong nhớ/ Ước mơ, những mùa xuân bóng dáng, tương lai/ Đường ta đi lên xây đời trong hoa thơm có mùa Xuân nào đẹp bằng/ Về tương lai, ngày quê hương/ Màu xanh áo mới chứa chan niềm tin, đường ta đi xanh thắm mộng đời…".
Sáng hôm ấy, chuyến xe buýt số 6 từ trạm Văn Thánh trên đường Điện Biên Phủ lên Chợ Lớn (TP. Hồ Chí Minh) khá vắng khách. Bước lên xe, không khí mát lạnh làm tôi cảm thấy nhẹ nhõm, vừa ngồi xuống ghế, định lấy tờ báo Người cao tuổi ra đọc, bỗng ngân vang đâu đó trong xe giai điệu da diết, sâu lắng của “Bài ca hy vọng”.
Đã lâu lắm rồi, hôm nay tôi mới lại được nghe trọn vẹn Bài ca hy vọng, một ca khúc bất hủ đã làm nên tên tuổi của nhạc sĩ Nguyễn Văn Ký, được nhiều thế hệ khán, thính giả yêu thích và trân trọng. Bài hát là những tâm tư, tình cảm hết mực chân thành từ đáy lòng của người nhạc sĩ, gửi niềm hy vọng vào cuộc sống, từ thời chiến tranh gian khổ, ác liệt cho đến ngày đất nước hoà bình. Giai điệu mượt mà, tha thiết cùng ca từ dung dị, sâu lắng đã thấm vào trái tim yêu nhạc và tâm hồn của bao thế hệ người Việt Nam, từ những nguời ở hậu phương đến những chiến sĩ ngoài mặt trận. Bài hát vừa như lời động viên, an ủi lại vừa như nhắc nhở, thúc giục, gieo niềm tin yêu trong mỗi chúng ta.
Nếu ví âm nhạc như là sự sống của một mầm cây thì những ca khúc và gia sản âm nhạc của Văn Ký dường như là những cây cổ thụ tỏa bóng mát trong lòng nguời yêu mến âm nhạc. Bài ca hy vọng, từ lời ca đến giai điệu đã chứng tỏ sức sống mãnh liệt trong con người nhạc sĩ cũng như tài năng chưa bao giờ vơi cạn, minh chứng cho sự trẻ trung và chứa chan niềm hy vọng của nhạc sĩ vào đất nước và cuộc đời. Bài ca hy vọng được viết trong những năm 1958-1959, khi cả nước đang đứng trước những thử thách cam go, quân thù tráo trở làm cho việc tổng tuyển cử của đất nước không diễn ra đúng như nội dung đã ký kết trong Hiệp định Giơ-ne-vơ (1954). Sau đó, chính quyền Ngô Đình Diệm ra Luật 10-59, lê máy chém khắp miền Nam đàn áp cách mạng, trả thù những người kháng chiến. Trên thế giới, phong trào cộng sản quốc tế gặp nhiều khó khăn, các nước XHCN ở Đông Âu nảy sinh những bất đồng, gây tâm lý lo lắng trong nhiều đảng viên, cán bộ, nhất là những chiến sĩ miền Nam ra Bắc tập kết, đang ngày đêm thương nhớ quê nhà. Trong bối cảnh đó, Văn Ký đã viết “Bài ca hy vọng” bằng cách nhìn của một nghệ sỹ cách mạng tràn ngập niềm tin ở tương lai “ngày xanh áo mới, chứa chan niềm tin, đường ta đi xanh thắm mộng đời”, khát vọng cháy bỏng về ngày chiến thắng, hai miền Nam - Bắc sẽ xum họp một nhà.
Không phải ngẫu nhiên mà những chiến sĩ cách mạng ở trong các nhà tù của Mỹ - Diệm khi ấy rất thích Bài ca hy vọng, bởi bài hát đã nâng đỡ tâm hồn họ, bởi lẽ bài hát đã vươn lên tầm khái quát rộng lớn, giúp cho mỗi chúng ta vững vàng vuợt qua mọi thử thách, khó khăn trong cuộc sống. Sức lan toả của ca khúc này ở chỗ đã động viên mọi người có một niềm tin mãnh liệt vào tương lai ngày mai nhất định sẽ tươi sáng, sẽ thắng lợi, thành công, đất nước nhất định thống nhất, đúng như điều mong muốn và tin chắc của Bác trước lúc đi xa…
Hôm nay, được nghe lại ca sĩ Khánh Vân thể hiện bài hát bằng chất giọng truyền cảm, tự nhiên trong tôi thấy rưng rưng xúc động lạ thường. Khánh Vân đã thể hiện rất thành công “Bài ca hy vọng” qua làn sóng của Đài phát thanh, lời hát ấy đã ngân vang trên mọi miền đất nuớc, trong đó có đồng bào miền Nam, gửi gắm khát vọng hoà bình thống nhất của nhân dân ta. Cố NSƯT Minh Hiền, nguyên Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam đã có lần kể: “Một lần Khánh Vân cùng anh em nghệ sĩ trong đoàn vào biểu diễn phục vụ Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Chính phủ. Bác hỏi chị Khánh Vân có bài nào mới thì hát cho Bác nghe. Khánh Vân đã hát “Bài ca hy vọng”. Bác Hồ xem văn nghệ thuờng rất sôi nổi và vui, nhưng khi nghe Khánh Vân hát xong “Bài ca hy vọng”, Người ngồi lặng hồi lâu vì xúc động, sau đó Bác bảo Khánh Vân là cháu hãy hát bài này thật hay cho đồng bào miền Nam nghe...”.
“Bài ca hy vọng” đã được nghệ sĩ Khánh Vân và sau này là NSƯT Bích Liên thường hát trên Đài Tiếng nói Việt Nam thời chiến tranh chống Mỹ, được cất lên tại nhiều hội diễn, liên hoan, các cuộc thi ca múa nhạc chuyên nghiệp và văn nghệ quần chúng khắp cả nước. Liệt sĩ Đặng Thuỳ Trâm lúc còn trẻ cũng rất yêu thích bài hát này. Khi dựng phim về chị, “Bài ca hy vọng” đã được đưa vào nhạc phim, dựng thành hình ảnh chị hát bài hát này cho anh em thương binh trong trạm xá, cuối phim là hình ảnh chị Trâm đạp xe dọc theo chiều dài đất nước trên nền giai điệu Bài ca hy vọng thổn thức, dạt dào…
Cùng với “Bài ca hy vọng”, nhạc sĩ Văn Ký còn một số sáng tác tiêu biểu như: Tây Nguyên bất khuất, Cô gái Tày cầm đàn lên đỉnh núi, Nha Trang mùa thu lại về, Trời xanh Hà Nội… Nếu được hỏi và được quyền lựa chọn, tôi sẽ không ngần ngại chọn “Bài ca hy vọng” là một trong những bài hát hay nhất của nền âm nhạc cách mạng Việt Nam. Xin cám ơn nhạc sĩ Văn Ký, người đã tiếp thêm sức mạnh để đồng bào và nhân dân cả nước vượt qua khó khăn, vững bước đi lên nhìn về tương lai chứa chan niềm tin và hy vọng...
Đỗ Thông
139/4 Đinh Bộ Lĩnh, P.26, Q.Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh