Trong những đặc điểm và cũng là nguyên tắc hoạt động của báo chí cách mạng là phải bảo đảm tính thời sự, chính xác, trung thực và tính chiến đấu. Tính chiến đấu thể hiện lập trường tư tưởng, bản lĩnh, chí khí, chính kiến và trách nhiệm của người làm báo. Vì thế, Bác Hồ coi nhà báo là người chiến sĩ trên mặt trận chính trị, tư tưởng. Trong điện mừng Hội Nhà báo Á Phi (24-4-1965), Bácviết: “Đối với những người viết báo chúng ta, cái bút là vũ khí sắc bén, bài báo là tờ hịch cách mạng để động viên quần chúng đoàn kết…”. Ngày 21-7-1956, nói chuyện với lớp nghiên cứu chính trị khóa I, Trường Đại học Nhân dân Việt Nam, Bác chỉ rõ: “Chế độ ta là chế độ dân chủ, tư tưởng phải được tự do. Tự do là thế nào? Đối với mọi vấn đề, mọi người tự do bày tỏ ý kiến của mình, góp phần tìm ra chân lý. Đó là một quyền lợi mà cũng là một nghĩa vụ của mọi người. Khi mọi người đã phát biểu ý kiến, đã tìm thấy chân lý, lúc đó quyền tự do tư tưởng hóa ra quyền tự do phục tùng chân lý. Chân lý là cái gì có lợi cho Tổ quốc, cho nhân dân. Cái gì trái với lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân, tức là không phải chân lý. Ra sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân - tức là phục tùng chân lý”.
Bác cho rằng, một tờ báo không có tính chiến đấu là tờ báo không có linh hồn. Một tờ báo chỉ nói những điều ngoài lề cuộc sống, những điều chẳng những không cổ vũ được mà còn làm nản tinh thần chiến đấu của các chiến sĩ cách mạng thì tuyệt nhiên không phải là tờ báo cách mạng. Nhà báo phải tự đặt cho mình câu hỏi: “Viết cái gì, viết cho ai, viết để làm gì?”.
Luật Báo chí nước ta nêu rõ: “Báo chí là để bảo đảm quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân, phù hợp với lợi ích của chủ nghĩa xã hội và của nhân dân; để phát huy vai trò của báo chí trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc theo đường lối đổi mới của Đảng cộng sản Việt Nam”. Điều 4, Luật Báo chí, ghi rõ là mọi công dân có quyền được: thông tin qua báo chí về mọi mặt của tình hình đất nước và thế giới; tiếp xúc, cung cấp thông tin cho cơ quan báo chí và nhà báo; gửi tin, bài, ảnh và tác phẩm khác cho báo chí mà không chịu sự kiểm duyệt của tổ chức, cá nhân nào và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin; phát biểu ý kiến về tình hình đất nước và thế giới; tham gia ý kiến xây dựng và thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; góp ý kiến, phê bình, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo trên báo chí đối với các tổ chức của Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội và thành viên của các tổ chức đó.
Cùng với sự phát triển toàn diện của kinh tế-xã hội, báo chí nước ta phát triển nhanh chóng cả về số lượng cơ quan báo chí, nhà báo và ngày càng nâng cao chất lượng truyền thông, bám sát tình hình thực tế, đáp ứng nhu cầu bạn đọc, góp phần quan trọng vào sự nghiệp đổi mới dất nước. Đến tháng 3-2012, cả nước có 786 cơ quan báo chí in với 1.016 ấn phẩm; 67 đài phát thanh, truyền hình; 61 báo, tạp chí điện tử, 191 mạng xã hội, hơn 1.000 trang thông tin điện tử tổng hợp; gần 17.000 nhà báo được cấp thẻ hành nghề, hàng nghìn phóng viên đang hoạt động báo chí chuẩn bị đến thời hạn cấp thẻ. Về các loại hình chủ yếu có: báo in, đài truyền hình, đài phát thanh, báo điện tử. Về cấp bậc và phạm vi có báo trung ương, báo địa phương, báo ngành. Trên mạng internet rất đa dạng: Báo mạng được cấp giấy phép, mạng do ngành, địa phương quản lý (cổng thông tin điện tử) và “làn sóng blog” cá nhân. Những năm gần đây, người ta được tự do biểu lộ và biểu cảm chính kiến, nhất là các trang blog trên nhiều hệ, kênh, tuyến băng thông, liên kết khác nhau. Đây là một kênh giao lưu nhanh, nhạy cảm, ngày càng thu hút nhiều người đọc, nhất là lớp trẻ.
Do tốc độ và chất lượng phát triển của công nghệ thông tin, báo mạng là mũi xung kích thời bùng nổ thông tin toàn cầu. Nó đang dần trở thành một lực lượng cạnh tranh mạnh với báo in. Thời đại ngày nay, không có báo nào truyền tin nhanh bằng báo mạng. Sự phát triển của báo mạng song hành với tốc lực phát triển nhanh, phổ cập và lan truyền chưa từng thấy của công nghệ thông tin. Chính vì thế, “khách hàng” của báo mạng ngày càng tăng nhanh với cấp số nhân. Đầu tư cho phát triển cũng như quản lý được báo mạng là tầm nhìn hiện đại. Ngày 8-2-2012, trong buổi làm việc với cán bộ chủ chốt Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói: “Công tác tư tưởng, công tác tuyên giáo phải luôn đổi mới, không thể sáo mòn, bằng nhiều kênh thông tin phong phú, đa dạng, hiện đại… tăng cường đối thoại, phát huy hiệu quả các phương tiện báo chí, đặc biệt là báo mạng”.
Trước nhiệm vụ trọng đại và thực trạng đất nước, thực trạng nền kinh tế-xã hội, báo chí cần phải có sự bứt phá mạnh, cải tiến, đổi mới hàng ngày, đi đầu trong mọi phong trào cách mạng, không ngừng nâng cao tính tiền phong và sức chiến đấu của mình. Hiện nay có những tờ báo chưa thoát ra được cung cách hoạt động cũ, chất bao cấp chưa hết, kém năng động, khô cứng, nặng về hô hào, cổ vũ, ca ngợi một chiều, tính thời sự, tính chiến đấu chưa cao, bỏ qua hoặc đi sau sự kiện. Bùng nổ thông tin hiện nay rất cần tính thời sự nóng hổi, tính nhanh nhạy, chính xác và trung thực của báo chí. Nhưng có những tờ báo được Nhà nước ưu tiên nguồn kinh phí lớn hoạt động mà hiệu quả, chất lượng tuyên truyền lại thấp, không được bạn đọc tín nhiệm.
Hiện nay, tính chiến đấu của báo chí đòi hỏi phải rất nhanh, nhạy, kịp thời, chính xác nêu đúng thực trạng, đúng bản chất sự việc, hiện tượng. Báo chí ở mọi loại hình phải là kênh thông tin quan trọng phục vụ lãnh đạo, điều hành, phục vụ nhu cầu thông tin thời “kinh tế tri thức” của nhân dân. Trong quá trình xem xét vụ cưỡng chế đất trái pháp luật ở Tiên Lãng, Bộ trưởng Vũ Đức Đam, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nói trong hơn một tuần đã đọc hơn 800 bài báo, kể cả các trang blog đưa thông tin trung thực, khách quan, có ý thức xây dựng. Đây là một kênh thông tin quan trọng giúp Văn phòng Chính phủ có cơ sở tổng hợp thông tin, phân tích vấn đề, sự việc để tham gia ý kiến với các bộ, ngành, báo cáo, tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ. Theo đồng chí, báo chí và các trang mạng trung thực, xây dựng, có trách nhiệm đã trở thành kênh thông tin quan trọng giúp ích cho lãnh đạo, chỉ đạo. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tuyên dương báo chí đã góp phần tích cực giúp Chính phủ có kết luận đúng đắn trong vụ này. Người lãnh đạo ở các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị rất cần nâng cao nhận thức, thấy rõ vai trò, tác dụng của báo chí là kênh thông tin quan trọng, cần thiết và bổ ích phục vụ cho lãnh đạo, quản lý, điều hành trong thời đại bùng nổ thông tin và trình độ dân trí đã được nâng cao như hiện nay.
Tại Hội nghị báo chí toàn quốc ở Quảng Ninh, đồng chí Lê Hồng Anh, Thường trực Ban Bí thư biểu dương các cơ quan báo chí đã thực hiện đúng định hướng của cơ quan chỉ đạo, quản lý, tuyên truyền kịp thời, đầy đủ về tình hình chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại của đất nước, các sự kiện lớn trong khu vực và trên thế giới. Báo chí đã kịp thời phát hiện, biểu dương các phong trào thi đua yêu nước; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, bảo vệ lợi ích của nhân dân; chủ động đấu tranh chống quan điểm sai trái, thù địch...
Về nâng cao tính chiến đấu của báo chí, đồng chí Lê Hồng Anh đã nhấn mạnh: “Báo chí cần tiếp tục phát huy vai trò, tính tiên phong, tính chiến đấu trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, các hiện tượng tiêu cực xã hội, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân”. Đồng chí cũng chỉ rõ những hạn chế, thiếu sót của công tác báo chí như công tác lãnh đạo, điều hành, việc thực hiện quy hoạch và quản lý hệ thống báo chí còn bất cập. Nhiều tờ báo và cơ quan báo chí trùng lặp, chồng chéo chức năng, nội dung. Việc quản lý kênh, sóng truyền hình chưa chặt chẽ, cho ra nhiều kênh, chiếu nhiều phim nước ngoài; xuất bản nhiều chuyên san, chuyên đề, ấn phẩm phụ. Một số cơ quan báo chí chưa chú ý biểu dương nhân tố tích cực, điển hình tiên tiến, mà còn thiên về phản ánh mặt trái, tiêu cực của xã hội; vi phạm các quy định về quảng cáo, trái với truyền thống văn hóa dân tộc.
Bài báo có tính chiến đấu tự nó đã khẳng định "thương hiệu" của tờ báo, thể hiện danh dự, uy tín của nhà báo. Báo chí phải đưa ra được những thông tin bổ ích, đúng với thực tế cuộc sống-xã hội một cách khách quan, toàn diện, có chọn lọc, phân tích, dẫn liệu có lý, có tình.
Nếu nhà báo thấy cái đúng không khẳng định, né tránh, không bảo vệ chân lý, không bảo vệ, chở che người trung mà đi bao che kẻ gian là thiếu bản lĩnh, dũng khí và thiếu cả trách nhiệm nghề nghiệp. Nhà báo thấy sai không dám phê phán, thấy cái ác không dám lên tiếng bảo vệ, thấy oan khốc không dám bênh vực, thì coi như mất hẳn tính chiến đấu, không còn tính trung thực và tính hấp dẫn của bài báo cũng mất. Nhà báo chân chính không chạy theo, không “thị trường hóa nghề nghiệp”, không mượn danh nghề nghiệp vụ lợi, sống dựa, ăn theo. Vì thế, lương tâm là tiêu chuẩn hàng đầu của nhà báo. Nhà báo trước hết phải có cái tâm và phải có tầm.
Vai trò tiên phong, tính chiến đấu của báo chí trong sự nghiệp đổi mới đất nước, trong cuộc chỉnh đốn Đảng theo Nghị quyết Trung ương 4 hiện nay cần các nhà báo xác định chỗ đứng nghề nghiệp của mình là một vinh dự kèm theo trách nhiệm, một vị trí phải thường xuyên được coi như một mặt trận để thực hiện xuất sắc lời dạy của Chủ tịch Hồ Chi Minh: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén”.
Bùi Văn Bồng