Công tác đền ơn đáp nghĩa ở huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa
Đã hơn một năm nay từ khi được sống trong căn nhà tình nghĩa khang trang - món quà mà Đảng ủy, chính quyền và họ hàng, nhân dân xã Hoằng Phong, huyện Hoằng Hoá xây tặng, mẹ Cao Thị Tập, vợ liệt sỹ Nguyễn Hữu Tú ở thôn Trung Triều không còn phải lo lắng mỗi khi mưa bão cận kề. Tháng 7, tháng của những tấm lòng thơm thảo “đền ơn đáp nghĩa”, chúng tôi lại về thăm mẹ. Nhận những lời thăm hỏi, động viên cùng món quà nhỏ, mẹ cẩn thận đặt lên bàn thờ người chồng đã hy sinh trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ, dưới khoé mắt hằn sâu những nếp nhăn, mẹ không giấu nổi những giọt nước mắt xúc động: “Xin ông cứ an tâm yên nghỉ, ở đây tôi không chỉ có một mình...”.  

Không chỉ có mẹ Cao Thị Tập mà còn  trên 7.000 đối tượng chính sách, người có công ở huyện Hoằng Hoá đã “không chỉ có một mình” bởi bên họ luôn luôn có bà con, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương thường xuyên thăm hỏi, động viên, hỗ trợ kịp thời về vật chất cũng như tinh thần. Những việc làm thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “đền ơn đáp nghĩa” dành cho người có công với cách mạng đã được Đảng ủy, chính quyền huyện Hoằng Hoá quan tâm và duy trì đều đặn từ nhiều năm nay. Đến nay, số hộ nghèo thuộc gia đình chính sách toàn huyện giảm xuống còn hơn 300 hộ, không còn hộ phải sống trong những căn nhà tạm, dột nát. Bên cạnh đó, được sự giúp đỡ của cấp ủy đảng, chính quyền các xã, nhiều gia đình thương binh, bệnh binh trong huyện đã vượt khó vươn lên, sản xuất kinh doanh giỏi như gia đình thương binh Lương Xuân Tăng xã Hoằng Thành, Lê Trọng Lộc xã Hoằng Vinh, Lê Văn Quý xã Hoằng Phong... Sự quyết tâm vượt khó của người lính và chính tinh thần phấn đấu, chủ động vươn lên là yếu tố quan trọng để ổn định và cải thiện đời sống bản thân, gia đình mình. Không những thế, các đồng chí còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội, luôn đi đầu trong các phong trào thi đua ở địa phương, được mọi người tin yêu, quý trọng... Là huyện giàu truyền thống cách mạng, đời sống của một bộ phận nông dân vẫn còn gặp nhiều khó khăn, số đối tượng chính sách đông nhưng công tác chăm sóc người có công của Hoằng Hoá nhiều năm liền luôn được cấp trên đánh giá cao. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 7.083 hồ sơ đang hưởng chế độ trợ cấp thường xuyên, 150 hồ sơ được hưởng chế độ trợ cấp một lần huân, huy chương kháng chiến; theo dõi, quản lý trên 12.385 thẻ BHYT và khám chữa bệnh cho người có công với cách mạng. 

Trong những năm qua, cùng với việc triển khai thực hiện Pháp lệnh ưu đãi đối với người có công với cách mạng, Hoằng Hoá đã kêu gọi nhân dân và các cá nhân, tổ chức xã hội trong và ngoài huyện tham gia phong trào “đền ơn đáp nghĩa” bằng nhiều hình thức như góp quỹ đền ơn đáp nghĩa, nhận phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng, xây tặng nhà tình nghĩa, tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa... Đây là cuộc vận động đầy ý nghĩa, hợp lòng người nên đã được cán bộ, đảng viên và đông đảo nhân dân tích cực hưởng ứng. Nhờ đó, phong trào đóng góp quỹ đền ơn đáp nghĩa trên địa bàn huyện luôn đạt kết quả khả quan.

Từ năm 2005 đến nay, huyện đã xây mới và sửa chữa 125 nhà tình nghĩa với tổng giá trị 1.075 triệu đồng. Tặng 45 sổ tiết kiện trị giá 22,5 triệu đồng; xây dựng, sửa chữa, nâng cấp nhiều công trình tưởng niệm tôn vinh các anh hùng liệt sỹ. Hằng năm, Hoằng Hoá đều dành một phần đáng kể kinh phí để thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách nhân dịp lễ, tết, ngày kỷ niệm lớn... Các tổ chức đoàn thể ở các địa phương trong huyện thường xuyên phân công hội viên đến giúp đỡ, chăm sóc khi ốm đau. Các gia đình chính sách thuộc diện nghèo trong huyện được vay vốn phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo, được hỗ trợ về giống vật nuôi, cây trồng. Ngành giáo dục huyện cũng đã tạo điều kiện, hỗ trợ cho con thương binh, liệt sỹ các phương tiện học tập và sinh hoạt như đồng phục, vở viết, sách giáo khoa, đồ dùng học tập... Hội khuyến học các xã, thị trấn, huyện đã cấp học bổng cho các em học sinh vượt khó, học giỏi... Hoằng Hoá còn tập trung giải quyết những vấn đề chính sách tồn đọng sau chiến tranh, lập hồ sơ giải quyết chế độ cho nhiều trường hợp con thương binh, liệt sỹ học ở các trường đại học, cao đẳng, nạn nhân chất độc da cam, giải quyết chế độ cho các gia đình chính sách trong huyện đi thăm viếng mộ liệt sỹ và đi tìm kiếm mộ liệt sỹ về an táng tại quê nhà....  

Phong trào “đền ơn đáp nghĩa” ở Hoằng Hoá đã huy động được sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội với nhiều việc làm cụ thể, thiết thực. Những hoạt động thắm đượm tình nghĩa ấy ngoài đem lại sự giúp đỡ về vật chất còn làm ấm lòng các gia đình chính sách, người có công, đồng thời qua các hoạt động đã góp phần giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ của quê hương.  

Những năm tới, Hoằng Hoá vẫn tiếp tục đẩy mạnh xã hội hoá việc chăm sóc những đối tượng chính sách, tập trung xây dựng và phát triển quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, huy động mọi nguồn lực xã hội đồng thời coi trọng việc phân bố, sử dụng quỹ đúng đối tượng, dân chủ, công bằng, minh bạch. Nâng cao hơn nữa nghĩa vụ và trách nhiệm của các cấp uỷ đảng, chính quyền, đoàn thể trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý và vận động nhân dân thực hiện đầy đủ, đúng đắn chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về chăm sóc thương binh, các gia đình liệt sỹ và người có công với cách mạng. Chỉnh trang, tu bổ xây dựng mới các công trình ghi công liệt sỹ. Bên cạnh đó, Huyện sẽ quan tâm hơn nữa đến thế hệ con của các đối tượng hưởng chính sách ưu đãi xã hội, nhất là trong học tập, giới thiệu giải quyết việc làm và cải thiện, nâng cao đời sống.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất