Một nhà cách mạng tiền bối của Nam kỳ bất khuất
Đồng chí Châu Văn Liêm

Châu Văn Liêm - Người học sinh hiếu học, sớm có lòng yêu nước

Châu Văn Liêm sinh ngày 29-6-1902 tại làng Thới Thạnh, quận Ô Môn, tỉnh Cần Thơ, trong một gia đình Nho học, tư chất thông minh và rất hiếu học. Khi còn thơ ấu, Châu Văn Liêm được ông nội và cha dạy chữ Nho. Năm lên 10 tuổi, Châu Văn Liêm bắt đầu học chữ quốc ngữ, tìm hiểu lịch sử dân tộc và truyền thống yêu nước của cha ông.

Những năm tháng trọ học ở Cần Thơ, Châu Văn Liêm thường cùng các bạn học đến Nam Nhã Đường - nay là di tích văn hóa, để nghe vị chủ trì nói chuyện về cuộc đời và sự nghiệp của các nhà thơ yêu nước như Bùi Hữu Nghĩa, Phan Bội Châu; nghe kể về những mẩu chuyện và thơ ca truyền khẩu có nội dung chống thực dân Pháp. Châu Văn Liêm ước mơ lớn lên được trở thành người có ích cho nhân dân, nối tiếp truyền thống anh hùng bất khuất của dân tộc.

Sau khi đậu bằng thành chung, ngày 3-7-1922, Châu Văn Liêm vào học trường sư phạm Đông Dương ở Sài Gòn. Ở đây, Châu Văn Liêm có cơ hội tiếp cận với sách báo tiến bộ và thơ văn yêu nước lưu hành bí mật hoặc công khai, như báo “Người cùng khổ” của Nguyễn Ái Quốc, tập thơ “Hải Ngoại Huyết Thư” của Phan Bội Châu… Châu Văn Liêm say mê đọc những bài viết cổ vũ tinh thần yêu nước, yêu dân tộc in trên sách báo tiến bộ lúc bấy giờ. Châu Văn Liêm thường hay bày tỏ quan điểm của mình với những thanh niên yêu nước như Nguyễn An Ninh, Phạm Quang Quới về một xã hội tốt đẹp, muốn được góp phần làm phong phú nền văn hóa dân tộc Việt Nam vốn có một truyền thống lâu đời, quý báu.

Châu Văn Liêm – người thầy giáo mẫu mực

Tốt nghiệp trường Sư phạm Đông Dương (1924), Châu Văn Liêm được phân bổ về dạy ở trường Nữ tỉnh Long Xuyên (nay là tỉnh An Giang). Do đấu tranh chống bọn đốc học Tây và số giáo viên vô trách nhiệm đối với học sinh, đầu năm 1926 - 1927 Châu Văn Liêm bị điều động đến dạy ở một ngôi trường xa xôi thuộc làng Long Điền, quận Chợ Thủ. Châu Văn Liêm luôn nghĩ rằng ở đâu cũng là đồng bào mình, học sinh là con em của mình, cần được sự chăm lo của các thầy cô giáo nên hết lòng quan tâm dạy bảo.

Cùng với việc trang bị những kiến thức theo nội dung chính khóa, Châu Văn Liêm khơi gợi lòng yêu nước nơi học sinh. Ngoài việc dạy học ở trường, thầy giáo Liêm còn mở lớp học xóa mù chữ cho người nghèo vào ban đêm, vận động người khá giúp người nghèo tập viết để học.

Là một thầy giáo có tinh thần yêu nước, ý thức cách mạng cao, Châu Văn Liêm rất tích cực trong hoạt động xã hội. Đồng chí đã đứng ra thành lập nhiều tổ chức yêu nước như “Việt Nam phục quốc Đảng” (tại Nam Nhã Đường Cần Thơ), “Hội giáo viên, học sinh yêu nước Long Xuyên” (1926), tiệm thuốc Bắc “Việt Hưng Đường” ở Thới Lai, Ô Môn. Bề ngoài tiệm thuốc này bán thuốc Đông y nhưng bên trong là nơi liên lạc, phổ biến sách báo tiến bộ.

Châu Văn Liêm còn vận động gia đình bán toàn bộ tài sản để góp vốn cùng với các đồng chí Hà Huy Giáp, Nguyễn Kim Cương lập ra một trường tư thục mang tên “Sa Đéc học đường” nhằm tập trung sức đào tạo các em học sinh trở thành người tốt giúp ích cho xã hội; đồng thời làm cơ sở để hoạt động cách mạng. Qua hai khóa học, “Sa Đéc học đường” đã đào tạo, bồi dưỡng được nhiều học sinh giỏi có lòng yêu nước, thương dân, có tinh thần thương yêu giúp đỡ lẫn nhau, có ý thức về những yêu cầu của thời cuộc. “Sa Đéc học đường” còn là điểm hẹn giữa các tổ chức yêu nước  trong và ngoài tỉnh Sa Đéc, là nơi liên lạc của những nhà cách mạng lúc bấy giờ.

Châu Văn Liêm - người chiến sĩ cộng sản kiên cường của Thành đồng Tổ quốc

Khi còn ở tuổi thiếu niên, Châu Văn Liêm sớm có tinh thần yêu nước, thường xuyên tìm hiểu sách báo tiến bộ, tiếp xúc với những người yêu nước. Là người thầy giáo, Châu Văn Liêm luôn quan tâm giáo dục truyền thống đấu tranh dựng nước và giữ nước của ông cha ta cho học sinh, hết lòng yêu thương, giúp đỡ những người nghèo khổ, kêu gọi đoàn kết trong nhân dân chống lại ý đồ chia rẽ của thực dân.

Bao giờ và ở đâu, Châu Văn Liêm vẫn miệt mài chăm lo công việc, tự trau dồi hiểu biết, theo dõi tình hình trong và ngoài nước thông qua việc đọc sách báo tiến bộ lưu hành công khai hay bí mật. Anh thích nhất là các bài viết của đồng chí Nguyễn Ái Quốc trên các báo “Người cùng khổ”, “Thanh niên”, đặc biệt là quyển “Bản án chế độ thực dân Pháp”. Các bài viết này đã mở ra cho anh tầm nhìn rộng lớn về con đường cách mạng cứu nước, cứu dân. Từ những bài báo và tài liệu đó, Châu Văn Liêm đã xác định theo con đường của đồng chí Nguyễn Ái Quốc và tin rằng Việt Nam sẽ thắng lợi.

Năm 1927 tại Long Xuyên, Châu Văn Liêm được đồng chí Nguyễn Ngọc Ba, một cán bộ của Kỳ bộ Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội Nam kỳ từ Sài Gòn về gần gũi, giúp đỡ, bồi dưỡng những nhận thức mới cho anh. Thay mặt tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội, đồng chí Ngọc Ba đứng ra kết nạp Châu Văn Liêm vào Hội, một tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Tháng 3-1929, Châu Văn Liêm được đề cử làm Bí thư Kỳ ủy Nam kỳ, được chọn đi dự Đại hội Tổng bộ Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội cùng với đồng chí Phạm Văn Đồng tại Hương Cảng (Trung Quốc). Sau đại hội, Châu Văn Liêm được cử làm thành viên trong “Ban trù bị thành lập Đảng”. Có thể nói, Châu văn Liêm là một trong những người sáng lập ra tổ chức cộng sản đầu tiên ở Nam kỳ (An Nam Cộng sản Đảng). Đồng chí đã tổ chức kết nạp đảng viên và lập Chi bộ An Nam Cộng sản Đảng ở cơ sở. Tại ngã tư Long Hồ (Vĩnh Long), đồng chí Châu Văn Liêm đã giới thiệu kết nạp Nguyễn Văn Nhung và Nguyễn Văn Thiệt vào An Nam Cộng sản Đảng, thành lập Chi bộ đảng ở Long Hồ. Ba tháng sau, đồng chí tiếp tục mở Hội nghị thành lập Ban lâm thời chỉ đạo của An Nam Cộng sản Đảng - cơ quan Trung ương của An Nam Cộng sản Đảng, Châu Văn Liêm được cử làm Bí thư tổ chức này.

Bấy giờ, ở nước ta có ba tổ chức cách mạng cùng hoạt động, đó là Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng và Đông Dương Cộng sản Liên đoàn. Ngày 3-2-1930, đồng chí Nguyễn Ái Quốc thay mặt Quốc tế Cộng sản tổ chức hội nghị hợp nhất ba tổ chức cộng sản ở trong nước tại Hương Cảng (Trung Quốc). Đồng chí Châu Văn Liêm và đồng chí Nguyễn Thiệu được An Nam Cộng sản Đảng cử đi dự hội nghị này.

Ngày 24-2-1930, cùng với Xứ ủy Nam kỳ, đồng chí Châu Văn Liêm tổ chức hội nghị hợp nhất bộ phận Đông Dương Cộng sản Liên đoàn vào Đảng Cộng sản Việt Nam (vì lúc hội nghị hợp nhất Đảng, đại biểu Đông Dương Cộng sản Liên đoàn không đến kịp). Sau khi hoàn thành việc thống nhất Đảng ở Nam Kỳ, với tinh thần khiêm tốn và trách nhiệm, Châu Văn Liêm nhận nhiệm vụ phụ trách liên tỉnh Gia Định - Chợ Lớn.

Bấy giờ, phong trào đấu tranh của quần chúng thuộc các tầng lớp nhân dân lao động nghèo, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản diễn ra ngày càng mạnh mẽ. Tại khu vực Gia Định - Chợ Lớn, các cuộc biểu tình của quần chúng diễn ra liên tục. Ngày 4-6-1930, dưới sự lãnh đạo của đồng chí Châu Văn Liêm bà con nông dân quận Đức Hòa (Long An) với gần 1.000 người kéo đến dinh quận trưởng đưa yêu sách, đòi giảm thuế, không bắt bớ, đánh đập người vô cớ. Trong lúc mặt đối mặt với quân thù Châu Văn Liêm đã hy sinh dưới họng súng bạo tàn của tên cảnh sát thực dân Đờ-rơi (Dreuil). Châu Văn Liêm là chiến sĩ cộng sản đầu tiên hy sinh ở Nam kỳ, là tấm gương bất diệt của Thành đồng Tổ quốc.

Hoài bão của đồng chí Châu Văn Liêm đã và đang được toàn Đảng, toàn dân ta thực hiện, xây dựng, đổi mới quê hương, đất nước ngày càng tươi đẹp, ấm no, hạnh phúc. Thế hệ hôm nay và mai sau luôn ghi nhớ công ơn to lớn và nguyện mãi mãi noi theo tấm gương sáng của đồng chí.


Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất