Nguyễn Văn Cừ, thuộc dòng dõi người anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi, sinh ngày 9-7-1912 tại làng Phù Khê, tổng Nghĩa Lập, phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. 29 năm sau, vào ngày 28-8-1941, đồng chí bị giặc Pháp xử bắn cùng với đồng chí Hà Huy Tập, Võ Văn Tần, Phan Đăng Lưu, Nguyễn Thị Minh Khai tại trường bắn Hóc Môn, nay thuộc TP. Hồ Chí Minh. Đồng chí là một nhà lãnh đạo xuất sắc, một nhà lý luận sáng tạo, nhạy bén trước cái mới của tình hình trong nước và thế giới. Nguyễn Văn Cừ suốt đời gắn bó với giai cấp, với quần chúng cách mạng, như đồng chí từng nói, xa rời quần chúng là một tội lớn, vì sức mạnh của chủ nghĩa cộng sản là ở đó và chủ nghĩa quốc tế vô sản trở thành vô địch cũng là nhờ đó.
Nguyễn Văn Cừ vào Đảng năm 1929, khi mới 17 tuổi, bị thực dân Pháp cầm tù ở Côn Đảo từ năm 1931 đến 1936, là xứ ủy Bắc Kỳ năm 1937, Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng tháng 9-1937, Tổng Bí thư của Đảng tháng 3-1938, khi ấy đồng chí chưa đầy 26 tuổi.
Nói về công lao, sự nghiệp cách mạng của đồng chí Nguyễn Văn Cừ, trước hết phải nói đến Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 của Trung ương Đảng tháng 11-1939 và tác phẩm nổi tiếng "Tự chỉ trích", đây là hai công trình nổi bật, thể hiện kinh nghiệm cách mạng, đồng thời là bài học lớn về xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 của Trung ương Đảng tháng 11-1939 do đồng chí Nguyễn Văn Cừ chủ trì khởi thảo là một văn kiện có ý nghĩa vạch thời đại, đánh dấu bước chuyển hướng cực kỳ quan trọng trong chỉ đạo chiến lược, sách lược sáng suốt và kịp thời của Đảng ta, chuẩn bị đưa cách mạng lên cao trào trong Chiến tranh thế giới thứ hai.
Ngày 29-10-1938, Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản Đông Dương đối với thời cuộc đã chỉ rõ: “Tình hình thế giới ngày nay đã tới thời kỳ đặc biệt nghiêm trọng, ngòi lửa chiến tranh xâm lược do phát-xít gây ra đã cháy rải rác khắp thế giới”(1). Tiếp theo, trong Thông cáo của Trung ương gửi các cấp bộ đã chỉ ra: “Mấy năm gần đây, Đảng ta còn ở thời kỳ tranh đấu thế thủ, ủng hộ các quyền tự do, dân chủ đơn sơ của quần chúng và đòi các quyền tự do, dân chủ rộng rãi. Nhưng hiện nay, tình hình đã thay đổi nhiều. Hoàn cảnh Đông Dương sẽ tiến bước đến vấn đề dân tộc giải phóng, hoàn toàn vấn đề ấy mau hay chậm là tùy theo tình hình thế giới và năng lực của các đồng chí. Vậy tất cả các đồng chí phải thâm hiểu vấn đề dân tộc giải phóng một cách quả quyết, gây cho tất cả các tầng lớp dân chúng hiểu biết tinh thần dân tộc giải phóng”(2).
Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 của Trung ương, tháng 11-1939 đã phân tích sâu sắc tình hình thế giới và trong nước. Nghị quyết nêu bật mâu thuẫn chủ yếu nổi lên lúc bấy giờ: một bên là đế quốc Pháp dựa vào bọn quan bổn xứ thối nát phản bội dân tộc, một bên là tất cả các dân tộc bị đế quốc đàn áp như trâu ngựa. Trong lúc này, tất cả các dân tộc trừ bọn vua quan và một bộ phận phản động trong đám địa chủ và tư sản, tất cả các đảng phái đều phải gánh chịu những tai họa ghê gớm của đế quốc chiến tranh, đều căm tức kẻ thù chung là chủ nghĩa đế quốc. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 chỉ rõ: “Bước đường sinh tồn của các dân tộc Đông Dương không còn có con đường nào khác hơn là con đường đánh đổ đế quốc Pháp, chống tất cả ách ngoại xâm vô luận da trắng hay da vàng để giành lấy giải phóng, độc lập. Đế quốc Pháp còn, dân chúng Đông Dương chết. Đế quốc Pháp chết, dân chúng Đông Dương còn”. “Đảng ta phải thay đổi chính sách. Mặt trận dân chủ thích hợp với hoàn cảnh trước kia, ngày nay không còn thích hợp nữa. Ngày nay phải thành lập Mặt trận thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương để đấu tranh chống đế quốc chiến tranh, đánh đổ đế quốc Pháp và bọn phong kiến thối nát, giải phóng dân tộc Đông Dương, làm cho Đông Dương hoàn toàn độc lập”(3).
Hội nghị lần thứ 6 của Trung ương quyết định thay đổi một số khẩu hiệu, tạm gác khẩu hiệu tịch thu ruộng đất của giai cấp địa chủ, chỉ tịch thu ruộng đất của đế quốc và tay sai, thay khẩu hiệu lập Xô-viết công nông binh bằng lập chính phủ cộng hòa dân chủ, lập Mặt trận thống nhất dân tộc phản đế, công hội, nông hội, thanh niên phản đế, phụ nữ phản đế… Nhấn mạnh chuyển hướng sang hoạt động bí mật bất hợp pháp là chính, tất cả nhằm “dự bị những điều kiện bước tới bạo động làm cách mạng giải phóng dân tộc”. Về xây dựng Đảng, Hội nghị nhấn mạnh: “Trong thời giờ nghiêm trọng này, trong lúc phong trào cách mệnh đương sắp phát triển hết sức to rộng và sắp bước vào thời kỳ quyết liệt thì Đảng ta nhất định phải thống nhất ý chí lại thành một ý chí duy nhất, một mà thôi”(4).
Tác phẩm “Tự chỉ trích” với bút danh Trí Cường của đồng chí Nguyễn Văn Cừ, (xuất bản tháng 7-1939), là một tác phẩm lý luận lớn, vừa tổng kết thực tiễn cách mạng những năm 1936-1939, vừa đấu tranh tư tưởng chống tả, chống hữu, chống bọn tờ-rốt-kít. Tác phẩm “Tự chỉ trích” là sự thấm nhuần sâu sắc Chủ nghĩa Mác - Lê-nin bằng phương pháp biện chứng và tư duy chính trị cực kỳ sắc sảo, luận chiến sắc bén, không khuôn sáo, bám sát thực tiễn, có tính chiến đấu và sức thuyết phục cao, phân tích sâu sắc hàng loạt mối quan hệ giữa chiến lược và sách lược, giữa nhiệm vụ trước mắt và lâu dài, phân biệt giữa cách mạng và cải lương, giữa cải lương với phản động, giữa cách mạng chân chính với cách mạng đầu lưỡi, giữa đảng phái cách mạng với quần chúng… Tác giả vạch rõ: “người cách mạng mà không biết đi quanh co, không biết đi tìm kiếm đồng minh, lại xua đuổi trước những kẻ có thể đồng minh thì thật không phải kẻ lãnh đạo phong trào. Và đó chỉ là một xu hướng “tả khuynh” cô độc, không biết xông pha trong những đường núi gập ghềnh hiểm trở, không biết chèo chống trong những cơn phong ba bão táp”(5).
Tác phẩm "Tự chỉ trích" cho ta một bài học lớn về tính Đảng, tính nguyên tắc, tính kiên định cách mạng và về đạo đức Bôn-sơ-vích trong tự phê bình và phê bình. Một câu hỏi lớn: “thế nào là tự chỉ trích Bôn-sơ-vích”, đồng chí vạch rõ: “Tự chỉ trích Bôn-sơ-vích không phải là công kích Đảng, mạt sát Đảng, đặt danh dự cá nhân lên trên tất cả quyền lợi của Đảng, của cách mệnh”(6). “Đảng Cộng sản Đông Dương có đường lối chính trị xác đáng… Nhưng cũng chắc rằng Đảng vì còn trẻ tuổi nên còn phạm nhiều khuyết điểm, nhiều sự sai lầm, điều ấy Đảng luôn luôn tự chỉ trích, thành thật và mạnh dạn công nhận để sửa đổi. Mỗi đảng viên có quyền tự do thảo luận và chỉ trích nhưng phải có nguyên tắc”(7).
“Bao giờ sự chỉ trích cũng là tự chỉ trích Bôn-sơ-vich nghĩa là để huấn luyện quần chúng và giúp đảng viên tự huấn luyện để làm tăng uy tín và ảnh hưởng của Đảng, để cho Đảng được càng thống nhất và củng cố, để đưa phong trào phát triển lên, đưa cách mạng tới thắng lợi, chớ không phải đặt cá nhân mình lên trên Đảng… vin vào một vài khuyết điểm mà mạt sát Đảng, phá hoại ảnh hưởng của Đảng, gieo mối hoài nghi, lộn xộn trong quần chúng, gây mầm bè phái chia rẽ hàng ngũ Đảng”(8). Theo đồng chí, Đảng tự chỉ trích một cách nghiêm túc, đúng đắn có nguyên tắc thì không sợ làm suy yếu Đảng, không sợ kẻ thù lợi dụng. “Công khai, mạnh dạn, thành thực vạch những lầm lỗi của mình và tìm phương châm sửa đổi, chống những xu hướng hoạt đầu thỏa hiệp, như thế không phải làm yếu Đảng mà là làm cho Đảng được thống nhất, mạnh mẽ. Làm như thế không sợ địch nhân lợi dụng, chửi rủa, vu cáo cho Đảng, không sợ “nối giáo cho giặc”. Trái lại, nếu “đóng kín cửa bảo nhau”, giữ cái vỏ thống nhất mà bề trong thì hổ lốn một cục, đầy rẫy bọn hoạt đầu, đó mới chính là để cho quân thù chửi rủa, hơn nữa, đó tỏ ra không phải một Đảng tiền phong cách mạng, mà là một Đảng hoạt đầu cải lương”(9).
Qua tác phẩm “Tự chỉ trích”, cho thấy đồng chí Nguyễn Văn Cừ không chỉ am hiểu sâu sắc mà còn biến chân lý mác-xít lê-nin-nít ấy thành bản lĩnh thực tiễn trong chỉ đạo chiến lược, sách lược cách mạng. Và thật vô cùng tự hào cho Đảng ta, đồng chí Nguyễn Văn Cừ tuy còn rất trẻ đã hoàn toàn xứng đáng danh hiệu một lãnh tụ cộng sản tuyệt vời của cách mạng Việt Nam. Đồng chí không chỉ giàu tài năng mà còn giàu đức độ, một tấm gương sáng ngời về lòng trung thành vô hạn với lý tưởng cộng sản và đức hy sinh quên mình vì Đảng, vì dân, về khí phách kiên cường, bất khuất, lối sống giản dị, khiêm tốn, đoàn kết, thương yêu mọi người. Nhà báo lão thành Hoàng Tùng kể lại: “Có người hỏi đồng chí Lê Duẩn, vì sao đồng chí Nguyễn Văn Cừ trẻ thế, ít tuổi hơn các Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng khác 5, 6 tuổi mà vẫn được bầu làm Tổng Bí thư? Đồng chí Lê Duẩn trả lời: “Vì năng lực anh ấy thật sự hơn chúng tôi, anh ấy rất sắc sảo về chính trị và là một đồng chí có đạo đức, phẩm chất trong sáng. Nguyễn Văn Cừ chưa một lần được gặp Nguyễn Ái Quốc nhưng tư duy chính trị, cống hiến lý luận và hoạt động thực tiễn của đồng chí hoàn toàn trùng khớp với Tư tưởng Hồ Chí Minh”.
Lê Văn Hiếu
329/13 Nguyễn Trọng Tuyển, Quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh
-----------------------------------
(1) Văn kiện Đảng toàn tập, NXB CTQG, Hà Nội, 2000, tập 6, tr.431.(2) (3) (4) (5) (6) (7) (8) (9) Sách đã dẫn, tập 6, tr.756, 537, 556, 639, 622, 623, 623, 624.