Những dòng chữ, những âm thanh, những hình ảnh như gieo, như khắc. Quá khứ chợt ùa về với những năm tháng đã qua. Tôi se sắt nhớ, se sắt thương mỗi khi nghe đâu đó những giọng ca về người lính, nhất là những người lính đã ra đi và đi mãi, không về…
“Có người lính, mùa thu ấy ra đi từ mái tranh nghèo. Có người lính mùa thu ấy ra đi từ bấy không về. Dòng tên anh khắc vào đá núi, mây ngàn hóa bóng cây che. Chiều biên cương trắng trời sương núi. Mẹ già mỏi mắt nhìn theo… Việt Nam ơi! Việt Nam! Núi cao như tình mẹ, bốn mùa tóc bạc nỗi thương con. Việt Nam ơi! Việt Nam! Ngọn núi nơi anh ngã xuống, rực cháy lên màu hoa đỏ phía rừng xa. Rực cháy lên màu hoa đỏ phía hoàng hôn…”. (Màu hoa đỏ). Ca từ đẹp, hình ảnh giản dị nhưng gợi nhiều xúc động: mái tranh nghèo, người lính trẻ, bà mẹ già, ngọn núi đá, mây ngàn, sương núi, màu hoa đỏ... Giai điệu không buồn như một bản nhạc truy điệu mà chậm rãi, tha thiết đến nao lòng... Với "Màu hoa đỏ", có nghe hát một nghìn lần thì cảm xúc trong tôi vẫn không hề vơi giảm. Bởi những lời ca trên là sự đồng điệu của muôn vạn tâm hồn. Sự đồng điệu ấy được những nhà thơ, những nhạc sĩ tài hoa thể hiện. Nhạc sĩ Thuận Yến đã thổ lộ tâm tình của mình về sự ra đời của ca khúc "Màu hoa đỏ" bất tử. Tại ngôi nhà số 4 Lý Nam Đế (Hà Nội), nhà thơ Nguyễn Đức Mậu và nhạc sĩ Thuận Yến thường có những dịp gặp nhau để “ôn cố tri tân”. Họ nói về những kỉ niệm ở chiến trường, về những người đồng đội kẻ còn, người mất, về những đồng chí đã hi sinh, chính tay mình chôn cất mà đến nay vẫn chưa tìm thấy hài cốt. Phải làm một điều gì đó cho người đã khuất. Và những ý tưởng đầu tiên đã bắt đầu từ đây. Tứ thơ "Thời hoa đỏ" của nhà thơ Nguyễn Đức Mậu ra đời. Sau khi Thuận Yến phổ nhạc được đổi tên thành "Màu hoa đỏ". Có thể nói, lời thơ, giai điệu thoáng có chút bùi ngùi, song phần hồn của "Màu hoa đỏ" vẫn là niềm tin tất thắng vào ngày mai. Màu hoa đỏ chính là vầng hào quang chiến thắng.
Còn đó niềm tự hào, cảm phục với những hi sinh của những người thương binh trong “Vết chân tròn trên cát”. Hình ảnh người thương binh chống nạng, mỗi bước đi để lại một dấu tròn của nạng trên cát khắc vào lòng người nỗi thương đau, mất mát. Nhưng rồi khi hát lên: “... Anh thương binh vẫn đến trường làng, vẫn ôm đàn dạy các em thơ bài hát quê hương. Bài hát có ngọn núi quê anh xa vời. Bài hát có đồng lúa miên man câu hò. Bài hát có người lính đã hi sinh âm thầm. Cho hôm nay những gót chân son vui quanh dấu chân tròn…” cảm giác đó dường như tan biến để lòng ta hướng theo những lời ca bay bổng. Tôi cũng là người thường được nghe ông tôi - một thương binh thời chống Pháp, ôm đàn và hát bài ""Ngày trở về" của nhạc sĩ Phạm Duy. Có thể nói hình ảnh anh thương binh trong "Ngày trở về" hết sức lạc quan, yêu đời: “... chống nạng cày bừa, vì thương yêu anh nên ngày trở về có con trâu xanh hết lòng giúp đỡ. Ngày trở về, lúa ngô thi nhau hát đùa trước ngõ. Gió mát trăng thanh, ôi ngày trở về có anh thương binh sống đời hòa bình... Ngày trở về có anh thương binh lấy vợ hiền lành. Người đẹp bên anh, ta cùng học hành mỗi khi tan công, hết việc, xếp gánh…”. Cây đàn của ông tôi còn đó, ca khúc "Ngày trở về" còn đó, nhưng ông tôi - người thương binh chống Pháp năm xưa đã đi về nơi xa lắm. Đặc biệt, nhân hướng tới kỉ niệm 60 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, anh Lê Bá Dương - một cựu chiến binh quê ở Quảng Trị, trong dịp về thăm lại thành cổ, nhớ đến những đồng đội thân yêu của mình vĩnh viễn nằm lại nơi nghĩa trang không bia mộ này, anh đã làm một chiếc thuyền với đầy hoa huệ trắng thả xuống dòng sông Thạch Hãn viếng bạn. Từ sâu thẳm trái tim anh bật lên những vần thơ chan chứa yêu thương: Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ / Đáy sông còn đó bạn tôi nằm / Có tuổi hai mươi thành sóng nước / Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm... (Lời gọi bên sông - Lê Bá Dương). Và tình cờ, anh Trần Bắc Hải - hiện sống và làm việc tại Luân-Đôn (Anh), trong một ngày đầu tháng 5-2007 khi vào mạng internet đã đọc được 4 câu thơ của CCB Lê Bá Dương. Bốn câu thơ đã làm Trần Bắc Hải “sởn gai ốc” (nguyên văn của anh trên mạng). Anh nhờ các sinh viên Việt Nam đang du học tại Anh tìm được địa chỉ của tác giả bài thơ "Lời gọi bên sông". Hai người, một ở Việt Nam, một ở Anh, xa nhau về khoảng cách không gian nhưng trở nên gần gũi hơn qua sự đồng cảm và Trần Bắc Hải đã phổ nhạc bài thơ. Do bài thơ chỉ có 4 câu nên khi phổ nhạc được lặp lại hai lần. Đoạn A là sô-lô, đoạn B hát 3 bè. Ca khúc dù chưa được phổ biến rộng rãi, nhưng chắc chắn đó luôn là một nỗi lòng thương nhớ đầy cảm động của biết bao người con dân đất Việt - dù họ sống và làm việc ở đâu...
Ca khúc viết về đề tài thương binh, liệt sĩ chiếm một vị trí khá khiêm tốn trong kho tàng âm nhạc đồ sộ của chúng ta. Tuy nhiên, những giai điệu và lời của những ca khúc này luôn tràn đầy cảm xúc với nhiều cung bậc. Bởi vậy, dù năm tháng qua đi, nhưng âm hưởng của những lời ca này cứ cháy mãi trong tôi.
Nguyễn Thị Thọ