Tư tưởng đổi mới văn hóa của Phan Châu Trinh
Nửa cuối thế kỷ 19, văn hóa Việt Nam cổ truyền phải đối mặt với làn sóng văn hóa phương Tây. Là một người có tầm nhìn xa, trông rộng, vốn kiến thức phong phú, từng đến nhiều nước, Phan Châu Trinh đã khái quát được những vấn đề quan trọng về văn hóa:
Thứ nhất, thời đại “mưa Âu, gió Mỹ” là một tất yếu. Trong hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam và khu vực, tiếp nhận văn hóa phương Tây là một xu thế không cưỡng nổi. Thứ hai, trong quy luật “cường thắng, liệt bại”, muốn dân tộc phát triển chỉ có cách tự canh tân về mọi mặt của nền văn hóa, tự lực, tự cường vươn lên sánh vai với các nước khác trên trường quốc tế một cách chủ động, tích cực.
Khác với nhiều người của giai cấp phong kiến, hoặc đầu hàng thực dân, hoặc than thở, bi quan, Phan Châu Trinh sớm ý thức được trách nhiệm trước lịch sử, biết dựa vào nhân dân và cố gắng tìm con đường cứu nước. Cùng lúc đó, trào lưu tư tưởng mới từ các cuộc cách mạng dân chủ tư sản phương Tây và công cuộc cải cách thành công ở Nhật Bản đã giúp ông có thêm niềm tin trên con đường giải phóng dân tộc. Trong hoạt động và nhận thức của mình, Phan Châu Trinh đã chú trọng đến vai trò của văn hoá, tư tưởng. Ông công khai tuyên chiến với ý thức hệ phong kiến lạc hậu, tố cáo chính sách ngu dân của bọn thực dân xâm lược.
Phan Châu Trinh cho rằng, trước hết phải thức tỉnh lòng yêu nước và nhuệ khí đấu tranh trong đồng bào đang bị vùi dập đến cùng cực dưới chế độ thực dân phong kiến. Chủ trương “chấn dân khí” của Phan Châu Trinh, tức là làm cho mọi người thức tỉnh tinh thần tự lực, tự cường, giác ngộ được quyền lợi của mình, giải thoát khỏi sự kìm kẹp của chế độ quân chủ chuyên chế. Phan Châu Trinh khảo cứu lịch sử nước nhà và đi đến kết luận: “Lấy lịch sử mà nói thì dân tộc Việt Nam không phải là một dân tộc hèn hạ, mà cũng không phải là một dân tộc không thông minh, thế thì vì lẽ nào ở dưới quyền bảo hộ hơn 60 năm nay mà vẫn còn mê mê muội muội, bịt mắt vít tai không chịu xem xét, không chịu học hỏi lấy cái hay cái khéo của người”(1).
Phan Châu Trinh với một nhãn quan sắc sảo hiểu rằng muốn chấn hưng dân tộc, khôi phục được độc lập, tự do trước hết phải tăng cường nội lực, phải vạch ra những thiếu sót của nền văn minh cũ, phải hướng tới những giá trị nhân đạo, dân chủ, văn minh mới. Muốn “chấn dân khí” thì phải nâng cao dân quyền. Phan Châu Trinh là hiện thân tiêu biểu nhất cho việc đòi hỏi dân quyền ở Việt Nam đầu thế kỷ 20, khơi dậy cao trào đấu tranh của hàng vạn người tham gia chống thuế, đòi mở rộng nhân quyền, cải thiện dân sinh.
Quan điểm của Đảng về phát triển văn hóa
Khác với quá trình đổi mới trong một số lĩnh vực kinh tế - xã hội, đổi mới văn hóa luôn mang tính chủ động, có khả năng đi trước, vừa là nhân tố khởi xướng đổi mới, vừa tiếp nhận thành quả của đổi mới.
Ðảng Cộng sản Việt Nam đã nêu cao trách nhiệm của mình trong định hướng đổi mới đất nước, đổi mới văn hóa dân tộc, làm cho “văn hóa gắn kết chặt chẽ và thấm sâu vào toàn bộ đời sống xã hội, trở thành nền tảng tinh thần vững chắc, sức mạnh nội sinh quan trọng của sự phát triển”(2). Ðảng đã có nhiều văn kiện định hướng đổi mới sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, trong đó quan trọng nhất là Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VIII) về "Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc" (1998) và Kết luận của Hội nghị Trung ương 10 (khoá IX) về công tác văn hóa (2003). Cùng với hai văn kiện trên, việc Nhà nước ta tham gia Chương trình Thập kỷ phát triển văn hóa của Tổ chức Giáo dục - Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) trong những năm cuối thế kỷ 20 đã thúc đẩy mạnh mẽ quá trình đổi mới văn hóa.
Từ Ðại hội VI, trong quan niệm của Đảng, văn hóa không tách rời với đổi mới kinh tế, đã trở thành mục tiêu và động lực của đổi mới đất nước. Đến Đại hội IX, những tư tưởng chủ yếu của Đảng về phát triển văn hoá tiếp tục được thể hiện trên cơ sở thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VIII), nhấn mạnh vị trí, vai trò của văn hoá trong lịch sử phát triển của dân tộc, trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.
Đại hội X, Đảng xác định tiếp tục phát triển sâu rộng, nâng cao chất lượng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, gắn kết chặt chẽ hơn với phát triển kinh tế, xã hội, làm cho văn hoá thấm sâu vào mọi lĩnh vực đời sống xã hội; xây dựng và hoàn thiện giá trị, nhân cách con người Việt Nam; bảo vệ và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa; bồi dưỡng các giá trị văn hoá trong thanh niên, sinh viên, học sinh, đặc biệt là lý tưởng sống, lối sống, năng lực trí tuệ, đạo đức và bản lĩnh văn hoá Việt Nam.
Thực tiễn đã chỉ ra rằng không thể ổn định chính trị và phát triển kinh tế nếu không quan tâm đến lĩnh vực văn hóa. Ở điểm này chúng ta nhận thấy có sự "đồng điệu” giữa chí sĩ yêu nước, nhà văn hóa lớn - Phan Châu Trinh, với anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam - Chủ tịch Hồ Chí Minh. Theo Hồ Chủ tịch, trong quá trình kiến thiết nước nhà có bốn lĩnh vực cần phải quan tâm như nhau, đó là lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa và xã hội. Chính V.I.Lênin trong quá trình thực hiện chính sách kinh tế mới (NEP) cũng đã rút ra kết luận: "về mặt kinh tế và chính trị, chính sách kinh tế mới hoàn toàn đảm bảo cho chúng ta có khả năng xây dựng được nền móng kinh tế xã hội chủ nghĩa. Tất cả chỉ là tùy thuộc ở lực lượng văn hóa của giai cấp vô sản và của đội tiền phong của nó”(3).
Những quan điểm của Đảng về văn hóa nêu trên, một mặt có sự tiếp nối những truyền thống lịch sử văn hóa hàng ngàn năm của dân tộc ta, trong đó có những tư tưởng đổi mới, canh tân về văn hóa của các chí sĩ yêu nước giai đoạn cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 nói chung và nhà yêu nước Phan Châu Trinh nói riêng. Mặt khác, đó chính là sự kiên định quan điểm xây dựng và phát triển văn hóa của Đảng trong hơn nửa thế kỷ qua, đưa quan điểm đó trở thành hiện thực trong đời sống văn hóa của dân tộc.
ThS. Trần Mai Ước
Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh
----------------------
(1) Nguyễn Văn Dương (1995), Tuyển tập Phan Châu Trinh, Nxb. Đà Nẵng, tr.787.
(2) Đảng Cộng sản Việt Nam (2011), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, Hà Nội, tr.76.
(3) V.I.Lênin (2006), toàn tập, tập 45, Nxb CTQG, Hà Nội, tr.74.