Trong suốt cuộc trường chinh đánh giặc cứu nước, giải phóng dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, lớp lớp người Việt Nam lên đường “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Máu xương của họ đã viết nên thiên anh hùng ca bất hủ về chủ nghĩa anh hùng cách mạng và làm nên những chiến công hiển hách trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu. Họ không chỉ là những người lính trực tiếp cầm súng trên chiến trường mà còn là lực lượng không nhỏ các thế hệ thanh niên xung phong (TNXP).
Thanh niên là lực lượng trẻ, khỏe, năng động sáng tạo, dám nghĩ, dám làm “đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên”. Nhận thức rõ vai trò của thanh niên cũng như yêu cầu bức thiết của cuộc kháng chiến, ngày 15-7-1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị cho Trung ương Đoàn thanh niên cứu quốc thành lập đội TNXP công tác trung ương đầu tiên, tập hợp những thanh niên tình nguyện được giáo dục và tổ chức chặt chẽ, thật sự là đội chủ lực để có thể mở hàng trăm ki-lô-mét đường, vận chuyển hàng vạn tấn lương thực, đạn dược trong bất kỳ tình huống ác liệt để cho bộ đội có đủ điều kiện đẩy mạnh tác chiến theo hướng mở các chiến dịch lớn, dài ngày.
TNXP đã làm tròn sứ mệnh lịch sử mà Đảng và Bác Hồ giao phó trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Từ các hậu phương, căn cứ địa cách mạng Liên khu III, Liên khu IV… từng bước được nối liền với Việt Bắc bằng những con đường xuyên qua núi, đào sâu dưới lòng đất - những con đường lương thực, đạn dược, thuốc mem được TNXP từ hậu phương vận chuyển vào chiến trường, đảm bảo cho bộ đội ta “ăn no, đánh thắng”. Hình ảnh của những TNXP dũng cảm được Tố Hữu khắc họa: “Dốc Pha Đin chị gánh anh thồ. Đèo Lũng Lô anh hò chị hát. Dù bom đạn xương tan, thịt nát. Không sờn lòng, không tiệc tuổi xuân...”. Đi dưới mưa bom, lửa đạn, các anh chị vẫn lạc quan, tin tưởng vào thắng lợi ngày mai. Lòng yêu nước, tinh thần dũng cảm, sự hy sinh cao cả của người Việt Nam đã làm nên sức mạnh dân tộc, đập tan tập đoàn cứ điểm Điên Biên Phủ “pháo đài bất khả xâm phạm” của thực dân Pháp, đưa cuộc kháng chiến chống Pháp đến thắng lợi hoàn toàn, buộc Pháp phải ký vào Hiệp định Giơ-ne-vơ, tôn trọng độc lập chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Nghiên cứu về cuộc chiến không cân sức này, một nhà báo Pháp đã viết: “Không phải viện trợ bên ngoài đã đánh bại tướng Na-va, mà chính là những chiếc xe đạp Pơ-giô thồ 200, 300 ký hàng và đẩy bằng sức người, những con người ăn chưa đủ no và ngủ thì nằm ngay dưới đất trải tấm ni-lông”.
Hiệp định Giơ-ne-vơ ký chưa ráo mực, đế quốc Mỹ nhảy vào miền Nam Việt Nam dựng lên chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm, thực hiện âm mưu biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới, chia cắt lâu dài đất nước ta. Nhiệm vụ thiêng liêng hàng đầu của cả dân tộc lúc này là “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Miền Bắc xã hội chủ nghĩa luôn luôn nêu cao khẩu hiệu: “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”. Những người mẹ miền Bắc đã nén đau thương, tiếp tục tiễn chồng, dâng hiến những người con của mình cho mục tiêu cao cả “vì độc lập dân tộc, thống nhất đất nước”. Theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, các chàng trai, cô gái đã để lại sau lưng mình những gì đẹp nhất của tuổi thanh xuân, đem sức trẻ, khỏe xung phong lên đường “chia lửa cùng đồng bào miền Nam”. Họ nô nức ghi tên vào đoàn quân “Nam tiến”, chung sức đồng lòng cùng nhân dân miền Nam quyết quét sạch quân “cướp nước và bán nước”, đem lại cuộc sống ấm no cho nhân dân.
TNXP của miền Bắc xã hội chủ nghĩa tiếp bước lên đường “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, mà lòng phơi phới dậy tương lai”. Họ là những người đóng vai trò vô cùng quan trọng - nhịp cầu nối liền hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam. Những con người âm thầm làm nhiệm vụ liên lạc, mở đường, vận chuyển lương thực, đạn dược, đưa đón và chăm sóc cán bộ chiến sĩ khắp chiến trường miền Nam… Đặc biệt là lực lượng TNXP làm nhiệm vụ mở đường, mở con đường Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh huyền thoại. Con đường vắt qua dãy núi Trường Sơn. Từ sự len lỏi giữa đại ngàn “đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”, lực lượng TNXP từng giờ, từng ngày mở đường, khai thông các tuyến đường, bàn tay và khối óc của TNXP đã xây dựng nên một hệ thống với hơn 17 nghìn km đường bộ, 1.400 km đường ống dẫn dầu, hàng vạn km đường dây thông tin, 600 km đường sông, hệ thống kho tàng, hải cảng, sân bay dã chiến… Tuyến đường này đã vận chuyển hơn một triệu tấn vũ khí, đạn dược, lương thực; nâng bước hai triệu lượt người đi cứu nước. Bộ đội Trường Sơn – binh chủng hợp thành với 8 sư đoàn, 12 vạn chiến sĩ, trong đó có 2 vạn TNXP vượt qua 4 triệu tấn bom đạn, hy sinh hơn 20 nghìn người đã anh dũng chiến đấu “một tấc không đi, một ly không dời”, “mở đường mà tiến, đánh địch mà đi”. Lòng dũng cảm và quyết tâm của dân tộc Việt Nam đã đập tan mọi âm mưu thâm độc của kẻ thù trong cuộc chiến tranh, trên tuyến đường ấy ta đã tiêu diệt và bắt sống 18.740 máy bay các loại.
Trường Sơn đã ghi dấu chân của không biết bao lớp lớp chàng trai, cô gái đã hiến dâng tuổi thanh xuân của mình vì sự nghiệp giải phóng miền Nam thống nhất đất nuớc. Ngã ba Đồng Lộc, bến phà Xuân Sơn, Hồng Lam, Phong Nha... và nhiều địa danh khác trên khắp mọi miền đất nước hình chữ S đã gắn liền với tên tuổi, máu xương của biết bao người con Việt Nam yêu nước, trong đó có một phần không nhỏ của những TNXP nhiệt huyết, dũng cảm - những người luôn nêu cao khẩu hiệu “Trái tim có thể ngừng đập nhưng con đường giao thông huyết mạch không thể tắc”; “Sống bám cầu, bám đường, chết kiến cường dũng cảm”. Đó vừa là khẩu hiệu chiến đấu đồng thời là phương châm sống của 13 cô gái đang độ tuổi xuân xanh ở Truông Bồn (Đô Lương - Nghệ An).
Tên tuổi của mười cô gái Ngã ba Đồng Lộc “Cúc, Tần, Hợi, Nhỏ, Hà, Hường, Rạng, Xuân, Xanh” đã đi vào lịch sử dân tộc như một huyền thoại. Cả tiểu đội đã anh dũng hy sinh khi đang san lập hố bom, khai thông đường cho những đoàn xe đưa vật chất và tình thần của miền Bắc vào các chiến trường miền Nam. Mười cô đã hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ. Lòng yêu nước, tinh thần bất khuất của họ sẽ là tấm gương sáng cho thế hệ hôm nay, mai sau học tập và noi theo.
Truông Bồn, Hang Tám cô, Ngã ba Đồng Lộc và nhiều nhiều các TNXP đã góp phần làm nên con đường Trường Sơn huyền thoại - con đường được xem là một kỳ công, kỳ tích, kỳ quan của ý chí vì độc lập, tự do của chiến sĩ và TNXP nói riêng và cả dân tộc Việt Nam chung sức đồng lòng làm nên. Lòng yêu nước bất khuất, ý chí tự lực tự cường của những con người Việt Nam đã sẻ dọc Trường sơn, mở đường thắng lợi vào Mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Đất nước hòa bình thống nhất, cả nước bước vào thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội, thanh niên Việt Nam có điều kiện học tập, nghiên cứu cống hiến sức trẻ, trí tuệ, tài năng của mình vì sự phồn vinh của đất nước, họ nguyện “Đi bất cứ nơi đâu khi Đảng cần, dân gọi”. Hàng năm, nhiều sinh viên tốt nghiệp ra trường đã tình nguyện đi tới các vùng xa xôi, biên giới, hải đảo công tác. Phong trào mùa hè xanh vẫn được duy trì tốt ở tất cả các trường đại học, cao đẳng… trong cả nước, trở thành nét đẹp của tuổi trẻ Việt Nam. Thanh niên không quản ngại khó khăn gian khổ, tình nguyện đem kiến thức của mình giúp đồng bào vùng sâu, vùng xa nâng cao tri thức, chăm sóc sức khỏe cho đồng bào, xây dựng các vùng kinh tế mới, góp sức, tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới… Các phong trào hoạt động của thanh niên ở trong cả nước thời gian qua đã làm thay đổi một phần không nhỏ bộ mặt kinh tế - xã hội của đất nước. Đây cũng chính là sự tri ân của người đang sống - thế hệ thanh niên chủ nhân của đất nước đối với những người đã khuất - những người đã đem máu xương của mình đổi lấy độc lập, tự do cho Tổ quốc hôm nay và mãi mãi mai sau. Thế hệ thanh niên ngày nay tiếp tục bản hùng ca của lớp thanh niên thời Hoa – Lửa, kế thừa và phát huy thiên hùng ca ấy lên tầm cao mới của thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH và hội nhập quốc tế. Tất cả nguyện chung sức đồng lòng, quyết tâm xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo bệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, phấn đấu xây dựng một Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Phạm Thị Nhung
Trường sĩ quan Lục quân 2