Là huyện nông thôn thuộc ngoại thành của TP. Cần Thơ, địa bàn rộng, dân cư phần lớn là người có đạo nên Vĩnh Thạnh còn nhiều khó khăn, nhất là trong giáo dục. Ở Vĩnh Thạnh vẫn còn gần 3.000 học sinh và hơn 1.500 sinh viên nghèo gặp khó khăn trong học tập cần được giúp đỡ, tỷ lệ trường đạt chuẩn của huyện còn thấp. Làm thế nào để thực hiện được “giáo dục là quốc sách hàng đầu”, xây dựng được “xã hội học tập”… được các cấp uỷ đảng, chính quyền của Vĩnh Thạnh, Cần Thơ luôn quan tâm chỉ đạo, trong đó hội Khuyến học đóng vai trò trung tâm.
Xác định công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập là trách nhiệm chung của các cấp, các ngành, của mỗi cán bộ, đảng viên cũng như toàn xã hội, Huyện ủy Vĩnh Thạnh đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo đưa công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập vào nghị quyết thực hiện nhiệm vụ hằng năm; chỉ đạo hệ thống dân vận, mặt trận và các đoàn thể tăng cường phối hợp tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân tích cực tham gia các phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trong toàn huyện.
Công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập của Vĩnh Thạnh đã có bước phát triển tích cực. Nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác này dần được nâng lên. Đa số người dân đồng tình, cho đây là việc làm hết sức cấp thiết, nhất là trong thời kỳ hội nhập kinh tế hiện nay. Số học sinh bỏ học giảm đáng kể so với trước, số sinh viên ngày càng tăng (dưới 100 sinh viên/10.000 dân năm 2004, nay là 225 sinh viên/10.000 dân); số lượng cũng như chất lượng học sinh giỏi được nâng lên hằng năm, đã có học sinh giỏi cấp quốc gia và học sinh đủ điều kiện đi du học nước ngoài. Đồng chí Đặng Phúc Minh, Phó Chủ tịch hội Khuyến học huyện cho biết: Địa bàn huyện Vĩnh Thạnh có khoảng 34 xứ đạo và nơi đây cũng được mệnh danh là “đất học”. Nơi đây, việc bỏ học của các cháu rất ít dù cha mẹ vẫn còn nghèo khó. Họ sẵn sàng bán nhà cửa, ruộng vườn để cho con em được học tới nơi tới chốn. Vĩnh Thạnh thường xuyên chú trọng củng cố, kiện toàn xây dựng tổ chức hội khuyến học các cấp. Mạng lưới tổ chức hội không ngừng được mở rộng từ huyện đến xã, thị trấn, trường học, các ấp và các tổ chức tôn giáo. Hiện toàn huyện có 200 tổ chức hội với hơn 10.000 hội viên. Phần lớn hội viên đều xuất thân từ những gia đình, dòng họ có truyền thống hiếu học. Đây là nhân tố quan trọng góp phần cổ vũ và thúc đẩy hoạt động khuyến học, khuyến tài của địa phương không ngừng phát triển.
Huyện đã xây dựng được 11 trung tâm học tập cộng đồng tại các xã, thị trấn. Hầu hết các trung tâm đã đi vào hoạt động với nhiều loại hình lớp học, thu hút hàng nghìn lượt người tham gia với những ngành nghề khác nhau. Ở Vĩnh Thạnh bước đầu đã hình thành được mô hình xã hội học tập, đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân. Các xã Thạnh Thắng, thị trấn Thạnh An đã huy động xã hội hóa, vận động các tổ chức tôn giáo tham gia đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất, mời gọi lực lượng giáo viên, chủ động mở nhiều lớp như: Anh văn, tin học, học nghề, học đàn… Thời gian tới, huyện đang tích cực nhân rộng hình thức này ra các địa phương còn lại.
Cùng với xây dựng phong trào khuyến học, khuyến tài, xã hội học tập, huyện luôn chú trọng quy hoạch lại mạng lưới trường, lớp theo hướng đạt chuẩn; tích cực huy động mọi nguồn lực đầu tư để xây dựng trường, lớp. Hằng năm, huyện chọn ngày 19-5 sinh nhật Bác làm ngày truyền thống khuyến học, khuyến tài để huy động các lực lượng xã hội chăm lo, đóng góp quỹ khuyến học, khuyến tài, đẩy mạnh phong trào “rèn đức, luyện tài vì Cần Thơ ngày mai phát triển”. Hội Khuyến học các cấp đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức vận động, tranh thủ sự hỗ trợ, tham gia đóng góp của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, doanh nghiệp, các tổ chức tôn giáo, mạnh thường quân trong và ngoài huyện để xây dựng và phát triển công tác khuyến học, khuyến tài của địa phương. 5 năm qua, hội Khuyến học các cấp của Vĩnh Thạnh đã vận động quyên góp tiền và hiện vật trị giá trên 9 tỷ đồng, cấp phát trên 500 xe đạp và 700.000 quyển tập có in lô gô riêng của huyện để động viên các em học tập. Hằng năm, huyện còn tổ chức họp mặt truyền thống đối với những sinh viên nghèo vượt khó, vươn lên trong học tập vào ngày 27 tết âm lịch để các thế hệ học sinh học hỏi nhau cùng vươn lên, phấn đấu học tập, đóng góp vào sự phát triển chung của địa phương, trở thành những người có ích cho xã hội, trao học bổng vượt khó từ 200 ngàn đến 1 triệu đồng/sinh viên.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác khuyến học, khuyến tài của huyện Vĩnh Thạnh cũng còn một vài hạn chế: Một số cấp ủy chưa quan tâm đúng mức đến việc triển khai, tuyên truyền thực hiện công tác này nên chất lượng và hiệu quả chưa tốt, một bộ phận cán bộ và nhân dân nhận thức chưa đầy đủ, còn xem công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập là trách nhiệm của cơ quan chuyên môn. Trình độ, năng lực của một số ít cán bộ làm công tác khuyến học chưa ngang tầm nhiệm vụ, thiếu tâm huyết với công việc nên chất lượng còn hạn chế, còn có tư tưởng trông chờ cấp ủy chỉ đạo. Công tác phối hợp giữa các ngành, mặt trận, đoàn thể, nhất là ở cơ sở có nơi thiếu chặt chẽ, chưa tạo được sức mạnh đồng bộ để thúc đẩy phong trào phát triển. Công tác huy động xã hội hóa đóng góp quỹ, xây dựng mô hình xã hội học tập vẫn còn khó khăn và chưa phát triển đồng bộ giữa các xã, thị trấn.
Kinh nghiệm của "đất học" Vĩnh Thạnh như sau:
Một là, Đảng bộ luôn xác định công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập là trách nhiệm của các cấp, các ngành và của toàn xã hội. Quá trình hoạt động phải huy động được sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, mặt trận Tổ quốc, đoàn thể; tranh thủ sự cộng tác tích cực của các tổ chức tôn giáo, sự đồng thuận trong nhân dân.
Hai là, quá trình thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, phải gắn với phát triển các mục tiêu kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo; tích cực huy động nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là xây dựng hệ thống trường, lớp đạt chuẩn.
Ba là, quan tâm, củng cố, kiện toàn, xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác khuyến học có tâm huyết, có tinh thần trách nhiệm, tích cực, năng động, sáng tạo và có uy tín xã hội. Đây chính là động lực và nhân tố quyết định sự phát triển bền vững của phong trào khuyến học, khuyến tài.
Bốn là, Huyện uỷ tập trung chỉ đạo các ngành, các địa phương nâng cao chất lượng hoạt động của trung tâm học tập cộng đồng ở các xã, thị trấn, xem đây là nhân tố góp phần làm đa dạng các hình thức học tập và nâng cao chất lượng giáo dục của huyện. Đồng thời, phải quan tâm xây dựng phong trào rèn đức, luyện tài trong các trường phổ thông, bậc đại học, trên đại học của các học sinh, sinh viên quê hương Vĩnh Thạnh, đảm bảo giáo dục toàn diện về các mặt “học chữ, học nghề, học làm người” cho học sinh, sinh viên.
Năm là, tăng cường công tác kiểm tra của các cấp ủy đảng, chính quyền đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập ở từng địa phương, đơn vị, để kịp thời khắc phục những khó khăn, uốn nắn những hạn chế trong hoạt động; đồng thời phát hiện, nhân rộng kịp thời những nhân tố, mô hình hoạt động có hiệu quả, để đưa phong trào khuyến học, khuyến tài phát triển đồng bộ trong phạm vi toàn huyện.
Để làm tốt công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập ở Vĩnh Thạnh, trong thời gian tới, Huyện ủy xác định cần làm tốt các nhiệm vụ sau:
1. Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, nâng cao vai trò, trách nhiệm và tính tiền phong gương mẫu của đội ngũ đảng viên làm nòng cốt xây dựng và phát triển phong trào khuyến học, khuyến tài ở từng địa phương, đơn vị nhằm đáp ứng nhu cầu học tập trong các tầng lớp nhân dân.
2. Tăng cường công tác phối hợp, tạo thành sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành, của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong toàn huyện cùng tham gia. Trong đó, hội Khuyến học các cấp, ngành giáo dục, mặt trân Tổ quốc và các đoàn thể là những lực lượng nòng cốt tham mưu, tổ chức thực hiện.
3. Tiếp tục củng cố, kiện toàn, xây dựng và nâng cao chất lượng hoạt động của hội Khuyến học các cấp trên các địa bàn, các lĩnh vực đi đôi với đẩy mạnh phong trào xã hội hóa giáo dục, kêu gọi mọi tổ chức cá nhân tham gia đóng góp xây dựng quỹ hội để thực hiện các mục tiêu khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trên địa bàn huyện. Thường xuyên tổng kết, kịp thời tuyên dương nhân rộng điển hình tiên tiến, những tấm gương “gia đình hiếu học”, “dòng tộc hiếu học”, tiến tới xây dựng từng “cộng đồng dân cư hiếu học”.
Đinh Công Út
Phó trưởng Ban Tổ chức Thành uỷ Cần Thơ