Đào tạo nghề cho thanh niên miền núi tỉnh Thanh Hoá
Bên cạnh đó, các công trình lớn đã và đang được xây dựng như công trình thủy lợi, thủy điện Cửa Đặt, thủy điện Hồi Xuân, khu đô thị Ngọc Lặc, khu công ngiệp Thạch Quảng… cùng với những lợi thế về tài nguyên rừng, du lịch, văn hóa đã và đang tạo ra cho thanh niên miền núi những cơ hội nghề nghiệp mới. Tuy nhiên, để có thể nắm bắt được những cơ hội này đòi hỏi phải có sự nỗ lực không ngừng của các cấp uỷ, chính quyền với hệ thống cơ chế chính sách đồng bộ và sự nỗ lực của chính lực lượng thanh niên miền núi Thanh Hóa.

Hiện nay, lực lượng lao động thanh niên miền núi Thanh Hoá khá đông đảo, có sức khỏe và trình độ ngày càng được nâng lên, được thừa hưởng bản chất tốt đẹp của đồng bào các dân tộc vùng cao như chịu thương, chịu khó. Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung, trình độ học vấn của thanh niên miền núi đã được nâng lên nhờ khả năng ham học hỏi, tỷ lệ lao động qua đào tạo ngày càng tăng. Tuy nhiên, thanh niên miền núi Thanh Hóa cũng còn một số hạn chế như sự đơn giản trong suy nghĩ, tuy thật thà, chịu thương, chịu khó nhưng vẫn lệ thuộc nhiều vào những tập tục và lối sống tự nhiên, tác phong lao động chậm đổi mới. Tính năng động, sáng tạo hạn chế, có xu hướng khép kín, ngại giao lưu với bên ngoài. Điều này là những cản trở không nhỏ trong tiếp cận khoa học kỹ thuật, làm chủ và vươn lên làm giàu. Không ít thanh niên đến tuổi lao động đều di chuyển đến các địa phương khác làm việc, trong khi đó ngay tại địa phương lại sử dụng lao động đến từ nơi khác.

Sở dĩ lao động có xu hướng rời quê hương đi làm việc vì nhanh chóng muốn có một công việc với mức thu nhập cao hơn. Ở các trung tâm và khu công nghiệp, điều kiện tuyển dụng lao động phổ thông khá dễ dàng. Trong khi đó ở địa phương, các ngành nghề đang trong giai đoạn hình thành và phát triển, nhu cầu về lao động chưa cao.

Hiện nay, tỷ lệ học sinh ở miền núi Thanh Hóa sau khi tốt nghiệp phổ thông được cử tuyển hoặc thi tuyển đậu vào các trường cao đẳng, đại học, trung học chuyên nghiệp, trường dạy nghề với tỷ lệ rất thấp; đối với số tốt nghiệp trung học cơ sở không có điều kiện học tiếp trung học phổ thông thì càng khó hơn. Ở các trường công nhân kỹ thuật, trường dạy nghề của tỉnh thì số học sinh người dân tộc thiểu số theo học cũng rất ít. Trong khi đó, các cấp uỷ, chính quyền của tỉnh và các huyện miền núi chưa thực sự quan tâm để có cơ chế chính sách, giải pháp hữu hiệu trong việc đào tạo nguồn nhân lực ở khu vực miền núi. Từ thực trạng giáo dục phổ thông, giáo dục chuyên nghiệp và dạy nghề như hiện nay, cơ hội được đào tạo nghề và việc làm cho thanh niên miền núi là rất nhỏ. Đây là một vấn đề xã hội cấp bách, cần có cơ chế, giải pháp trước mắt cũng như lâu dài. Nếu không có cơ hội để được đào tạo nghề, có việc làm ổn định, tạo lập cuộc sống cho bản thân, gia đình và tham gia đóng góp cho xã hội thì sẽ nảy sinh tâm trạng thất vọng, chán nản, là nguyên nhân tiềm ẩn có thể ây ra những bất ổn xã hội.

Để đào tạo nghề cho thanh niên miền núi tỉnh Thanh Hoá đạt kết quả cao, thời gian tới, xin đề xuất một số giải pháp sau:

Về đào tạo nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên ở các huyện miền núi, các trường nội trú dân tộc cần coi trọng việc dạy chữ với dạy nghề một cách thực chất và hiệu quả; nội dung chương trình dạy nghề  gắn với yêu cầu thực tiễn. Các cơ quan chức năng ở tỉnh và các huyện miền núi cần có cơ chế ưu tiên hỗ trợ việc tuyển sinh con em đồng bào dân tộc thiểu số vào học ở các trường trung cấp, trường dạy nghề ở tỉnh. Tiếp tục xây dựng và đẩy mạnh thực hiện các chương trình, đề án hỗ trợ việc dạy nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số miền núi. Về lâu dài và căn bản, nhất thiết phải có kế hoạch đầu tư xây dựng trung tâm dạy nghề đủ sức đảm đương công tác đào tạo nghề cho học sinh, thanh niên ở các huyện miền núi.

Về việc làm, trên cơ sở đào tạo nghề sẽ hình thành được đội ngũ công nhân, có công nhân bậc thấp, công nhân bậc cao, có công nhân lâm nghiệp, chế biến lâm sản, chăn nuôi, cơ khí ... Có công nhân lao động sản xuất ở ngay chính quê hương miền núi, có công nhân xuống đồng bằng cùng tham gia lao động sản xuất với các công nhân khác tại các khu công nghiệp của tỉnh và các cụm công nghiệp ở các vùng trong tỉnh, tham gia xây dựng các công trình ở miền xuôi và tham gia thị trường xuất khẩu lao động. Qua đó mở rộng tầm nhìn, tiếp thu tiến bộ khoa học - kỹ thuật. Về lâu dài đây cũng chính là lực lượng góp phần làm cải biến, nâng cao dân trí, thúc đẩy tiến bộ trong cộng đồng các dân tộc thiểu số ở các huyện miền núi.

Bên cạnh đó, cần có cơ chế chính sách rõ ràng đối với các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn, khuyến khích các doanh nghiệp tuyển dụng và đào tạo lao động tại chỗ. Kịp thời nắm bắt nhu cầu của thị trường lao động nhằm thực hiện công tác đào tạo đúng hướng, phù hợp nhu cầu thực tiễn. Tăng cường công tác hướng nghiệp, xóa bỏ tự ti, mặc cảm trong việc lực chọn ngành nghề. Có cơ chế hỗ trợ về vốn, khoa học kỹ thuật cho thanh niên lập nghiệp. Nâng cao hiệu quả hoạt động của Đoàn thanh niên trong định hướng, giáo dục và giúp đỡ, hỗ trợ thanh niên miền núi lập nghiệp ngay tại quê hương mình.

Với các cơ chế, chính sách nêu trên, tin tưởng rằng chủ trương đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ phục vụ cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội cho miền núi nói riêng, cho tỉnh Thanh Hoá nói chung sẽ được tổ chức thực hiện hiệu quả. Lực lượng con em đồng bào dân tộc thiểu số được học tập và đào tạo tốt sẽ góp phần mang kiến thức và sức trẻ tạo ra chuyển biến ở miền núi, chuyển tải có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước vào cuộc sống.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất