Tình hình thế giới và khu vực đang đặt ra những yêu cầu mới đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN, đòi hỏi Đảng tiếp tục khơi dậy niềm tự hào dân tộc, kế thừa và phát huy cao độ những bài học quý báu trong chiến tranh giải phóng dân tộc, không ngừng đổi mới tư duy, tiếp tục đưa Việt Nam phát triển theo con đường cách mạng mà Đảng và Bác đã lựa chọn, trong đó có niềm tự hào của chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu" gần 60 năm về trước...
Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ 7-5-1954 là một bước ngoặt lịch sử đương đại. Chưa đầy 10 năm sau Cách mạng Tháng Tám, bằng sức mạnh đoàn kết, nhất trí của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân, cả Việt Nam đã viết nên “thiên sử vàng” ở thế kỷ XX. Nhìn lại lịch sử nhân loại, trước chiến thắng Điện Biên Phủ của Việt Nam, chưa từng có một nước thuộc địa nào đánh thắng một đế quốc lớn mạnh, lại dùng phương pháp hòa bình buộc chủ nghĩa đế quốc trao trả độc lập dân tộc thực sự! Thắng lợi này không chỉ thể hiện tinh thần khát khao độc lập, tự do, hòa bình và hạnh phúc của dân tộc Việt Nam mà còn làm thay đổi một thời đại trong lịch sử nhân loại, là tiếng kèn xung trận, cổ vũ các nước thuộc địa và phụ thuộc đứng lên đấu tranh giành độc lập dân tộc.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nhân dân Việt Nam đã góp một phần quan trọng cùng nhân loại tiêu diệt chủ nghĩa phát xít trên toàn thế giới, lập nên nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà - Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Nhà nước “của dân, do dân, vì dân” mới ra đời đã đứng trước muôn vàn khó khăn, thách thức - thù trong, giặc ngoài cấu kết chặt chẽ với nhau hòng lật đổ chính quyền cách mạng còn non trẻ, trong đó kẻ thù nguy hiểm nhất là thực dân Pháp xâm lược.
Trước yêu cầu bức thiết của lịch sử, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra chủ trương, chiến lược, sách lược khôn khéo “dĩ bất biến, ứng vạn biến”: Một mặt, kêu gọi cả nước hướng về Nam Bộ “đi theo tiếng kêu sơn hà nguy biến”, mặt khác kiên trì, không bỏ qua bất cứ một cơ hội nào để thương lượng, đàm phán, kể cả việc nhân nhượng vì “chúng ta muốn hòa bình”. Song, chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa. Chúng ta không thể tiếp tục nhân nhượng, vì nhân nhượng lúc này sẽ dẫn đến họa mất nước, nhân dân Việt Nam sẽ trở lại cuộc đời nô lệ! Tình thế lịch sử buộc chúng ta phải cầm vũ khí đứng lên kháng chiến, bảo vệ chủ quyền đất nước!
Đáp lại “lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 19-12-1946, dân tộc Việt Nam bước vào cuộc kháng chiến “toàn dân, toàn diện, lâu dài và dựa vào sức mình là chính”. Trung ương Đảng, Chính phủ và nhân dân Thủ đô đã bí mật sơ tán trở lại vùng tự do, căn cứ địa cách mạng Việt Bắc, thực hiện sách lược “vườn không nhà trống”. Việt Bắc - “thủ đô gió ngàn” tiếp tục sứ mệnh lịch sử làm hậu phương, căn cứ địa cách mạng, nơi tập trung các cơ quan đầu não lãnh đạo, chỉ đạo toàn bộ cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của dân tộc Việt Nam. Tại đây, bằng trí tuệ, bản lĩnh, sự sáng tạo của Đảng và Bác Hồ, quân và dân cả nước vừa chiến đấu, vừa phát triển lực lượng sản xuất, xây dựng hậu phương căn cứ địa vững chắc, thực hiện chính sách “thực túc binh cường” (ăn no đánh thắng), vừa kháng chiến vừa xây dựng đất nước - là cơ sở vững chắc để quân và dân ta càng đánh càng mạnh, càng đánh càng thắng. Sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc đã được phát huy lên tầm cao mới sau 9 năm “Lời kêu gọi toàn quốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh được phát ra. Nhân dân Việt Nam muôn người như một, chung sức đồng lòng, nếm mật nằm gai “tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, cùng nhau viết nên một Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, buộc Pháp phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam.
Điện Biên Phủ là thắng lợi đầu tiên của các dân tộc thuộc địa trước đội quân xâm lược nhà nghề hùng hậu của một đế quốc “đầu sỏ”. Lần đầu tiên ở nước thuộc địa, đội quân xâm lược nhà nghề gồm 16.200 tên, được trang bị vũ khí, thiết bị chiến tranh hiện đại… đã bị tiêu diệt, bắt sống, phải đầu hàng vô điều kiện trước một dân tộc nhỏ bé. Đây là chiến công oanh liệt, lâu dài, bền bỉ không cân sức giữa một dân tộc đã từng bị “xóa tên” trên bản đồ thế giới hơn 80 năm với một trong những đế quốc hùng mạnh nhất thời đại, có nền kinh tế, quốc phòng phát triển, nhiều kinh nghiệm tiến hành chiến tranh xâm lược. Với chiến thắng Điện Biên Phủ, lần đầu tiên, một dân tộc nhỏ với một nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu, chưa đủ trình độ công nghệ để sản xuất ra vũ khí hiện đại - một khẩu súng trường hoàn chỉnh - nhưng có thể tạo ra sức mạnh quân sự, đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của một đế quốc hùng mạnh.
Đánh giá về chiến thắng này, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Lần đầu tiên trong lịch sử các nước thuộc địa nhỏ yếu đã đánh thắng thực dân hùng mạnh. Đó là một thắng lợi vẻ vang của nhân dân Việt Nam, đồng thời cũng là thắng lợi của lực lượng hoà bình, dân chủ CNXH trên thế giới”. Thắng lợi này đã mở ra trang sử mới của cách mạng Việt Nam - thời kỳ xây dựng CNXH ở miền Bắc.
Chiến thắng Điện Biên Phủ được các nhà sử học quân sự thế giới so sánh với chiến thắng Xta-lin-grát của nhân dân Liên Xô trong chiến tranh thế giới lần thứ 2 - chiến thắng của sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thắng lợi của đường lối “kháng chiến toàn dân, toàn diện, dựa vào sức mình là chính” của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, làm nên chiến công vang dội nhất của quân và dân Việt Nam trong thế kỷ XX.
9 năm kháng chiến trường kỳ, dân tộc ta không chỉ bảo vệ và phát triển những thành quả to lớn của Cách mạng tháng Tám, tạo ra tiền đề, điều kiện cần thiết để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tiếp tục vươn tới giành nhiều thắng lợi to lớn trong sự nghiệp xây dựng XHCN ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà mà còn là mốc son đánh dấu sự sụp đổ hoàn toàn của chủ nghĩa thực dân cũ trên toàn bán đảo Đông Dương, cổ vũ mạnh mẽ phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc ở các nước Á, Phi, Mỹ la-tinh. Nhân chuyến thăm Việt Nam, Chủ tịch Phi-đen Ca-xtơ-rô đã nói: “Từ trước đến nay chưa từng có một cuộc chiến tranh nào mà một nước nhỏ, kinh tế lạc hậu như Việt Nam mà vẫn đánh thắng Pháp và Mỹ. Đó là vô song. Trên thế giới chưa từng có. Trong lịch sử chưa từng thấy”. Ngài Ô-man U-xê-đích, Trưởng đoàn đại biểu quân đội An-giê-ri khẳng định: “Chiến thắng Điện Biên Phủ đã làm cho các dân tộc thuộc địa ngẩng cao đầu”.
Vì vậy, gần hai thập niên sau Điện Biên Phủ, hàng loạt nước thuộc địa ở châu Á, châu Phi, châu Mỹ la-tinh đã lần lượt giành độc lập với hình thức và mức độ khác nhau, làm sụp đổ hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa thực dân tồn tại trong suốt 500 năm. Ghi nhận tầm vóc thời đại của chiến thắng Điện Biên Phủ, nhà báo Mỹ Đơ-rin Mít-đơn-tơn đánh giá: “Đây là một trong 16 trận tạo ra bước ngoặt trong chiến tranh hiện đại thế kỷ XX, có tác dụng làm thay đổi chiều hướng lịch sử chiến tranh”. Sử gia, nguyên đại tá quân viễn chinh Pháp Gi-uyn-roa ghi nhận: “Trên toàn thế giới, trận Oa-téc-lô cũng ít có tiếng vang hơn. Điện Biên Phủ thất thủ gây ra một sự kinh hoàng ghê gớm. Đó là một trong những thất bại lớn của phương Tây, báo hiệu sự tan rã của các thuộc địa và sự cáo chung của một nền cộng hòa. Tiếng sấm của sự kiện Điện Biên Phủ vẫn còn âm vang”.
Hơn nửa thế kỷ đã đi qua, Điện Biên Phủ vẫn mãi mãi là bản anh hùng ca tuyệt vời về tinh thần và ý chí quyết chiến, quyết thắng, về trí tuệ và bản lĩnh Việt Nam trong đấu tranh cách mạng. Chiến thắng Điện Biên Phủ là một trong những đỉnh cao chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, không chỉ ghi vào lịch sử dân tộc như một Bạch Đằng, một Chi Lăng, một Đống Đa trong thời đại Hồ Chí Minh mà còn đi vào lịch sử thế giới như một chiến công chói lọi, đột phá vào thành trì của chủ nghĩa thực dân đế quốc, góp phần nâng cao vị thế của cách mạng Việt Nam trên trường quốc tế, đồng thời là thắng lợi của các lực lượng hoà bình, dân chủ và CNXH trên toàn thế giới. Chiến thắng Điện Biên Phủ chứng minh hùng hồn chân lý: “Trong thời đại ngày nay, một nước nhỏ kinh tế chậm phát triển, nhưng luôn có đường lối chính trị, đường lối quân sự đúng đắn, biết phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, được nhân dân tiến bộ, yêu chuộng hoà bình trên thế giới đồng tình ủng hộ thì nhất định sẽ đánh bại bất kỳ kẻ thù xâm lược nào”.
Ngày nay, xu thế chung của thế giới là hoà bình, hợp tác và phát triển. Song đâu đó trên thế giới vẫn còn xảy ra những diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều bất trắc khó lường như: căng thẳng, xung đột tôn giáo, sắc tộc, ly khai, chiến tranh cục bộ, bạo loạn chính trị, can thiệp lật đổ, khủng bố, khủng hoảng kinh tế toàn cầu… đang và sẽ tác động không nhỏ đến cách mạng Việt Nam. Tình hình thế giới và khu vực đặt ra những yêu cầu mới đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN, đòi hỏi Đảng tiếp tục khơi dậy niềm tự hào dân tộc, kế thừa và phát huy cao độ những bài học quý báu trong chiến tranh giải phóng dân tộc, không ngừng đổi mới tư duy, tiếp tục đưa Việt Nam phát triển theo con đường mà Đảng và Bác đã lựa chọn, khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
------------------------
Các trích dẫn trong bài được rút từ các tài liệu sau:
1. Jean – Baptiste Duroselle, Lịch sử Ngoại giao từ 1919 đến nay, Học viện Quan hệ quốc tế, 1994.
2. Võ Nguyên Giáp – Những chặng đường lịch sử, NXB Văn học, H.1977.
3. Văn kiện Đại hội lần thứ XI của Đảng, NXBCTQG-ST, H.2011.
Phạm Thị Nhung
Trường Sĩ quan Lục quân 2