Cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn gắn liền với cuộc đấu tranh vì một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, dân chủ, tự do và chủ nghĩa xã hội. Mỗi bước phát triển, mỗi một thắng lợi của cách mạng Việt Nam nói chung, của cuộc kháng chiến chống Pháp, mà đỉnh cao là chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ nói riêng, ghi đậm những dấu ấn đặc biệt của Bác kính yêu - trong đó có những bức thư, những vần thơ của Bác liên quan đến chiến dịch Điện Biên Phủ.
Ngay từ những ngày đầu năm mới Nhâm Thìn (1952), Người đã có những lời thơ tiên đoán, khẳng định cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược nhất định sẽ thắng lợi: “… Kháng chiến vừa sáu năm/ Trường kỳ và gian khổ/ Chắc thắng trăm phần trăm …” (Thơ chúc Tết Nhâm Thìn). Một năm sau, vào tháng 12-1953, Bác đã có bức thư gửi cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Thư có đoạn viết: “Chiến dịch này là một chiến dịch rất quan trọng không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà cả đối với quốc tế. Vì vậy, toàn dân, toàn quân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được” (Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam). Cùng thời gian trên, trong thư gửi cán bộ, chiến sĩ mặt trận Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: Các cán bộ và chiến sĩ ta “phải chiến đấu anh dũng hơn, chịu đựng gian khổ hơn, phải giữ vững quyết tâm trong mọi hoàn cảnh: Quyết tâm tiêu diệt địch; Quyết tâm giữ vững chính sách; Quyết tâm giành nhiều thắng lợi” (Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Điện Biên Phủ - NXB Quân đội Nhân dân, HN, 1979).
Quyết tâm chiến lược của Đảng, của Bác Hồ, tiêu diệt toàn bộ quân địch ở Điện Biên Phủ đã biến thành ý chí và hành động của quân và dân ta. Đúng 17 giờ ngày 13-3-1954, quân ta nổ súng tiến công cứ điểm Him Lam, mở đầu cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Để kịp thời cỗ vũ, động viên và tiếp thêm sức mạnh cho quân ta quyết đánh thắng địch ngay ở trận mở đầu, ngày 11-3-1954, Bác đã viết thư cho các chiến sĩ ở Điện Biên Phủ và căn dặn: “Các chú sắp ra trận. Nhiệm vụ của các chú lần này rất to lớn, khó khăn, nhưng rất vinh quang… Bác tin chắc rằng, các chú sẽ phát huy thắng lợi vừa qua, quyết tâm vượt mọi khó khăn, gian khổ để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang sắp tới” (Hồ Chủ tịch với các lực lợng vũ trang nhâ dân, NXB QĐND, HN, 1962). Trận Him Lam toàn thắng, Bác liền gửi điện ngợi khen: “Trung ương Đảng và Bác được báo cáo về hai trận thắng đầu tiên của quân đội ta ở Điện Biên Phủ, Trung ương Đảng và Bác có lời khen các đồng chí. Chiến dịch này là một chiến dịch lịch sử của quân đội ta, ta đánh thắng chiến dịch này có ý nghĩa quân sự và chính trị quan trọng...”.
Phấn khởi trước sự động viên đó, đêm 30-3-1954, quân ta đã bước vào đợt chiến đấu thứ hai... Đặc biệt, sau “56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt/ Máu trộn bùn non, gan không núng, chí không mòn”, quân ta đã toàn thắng ở chiến dịch Điện Biên Phủ. Lá cờ “Quyết chiến, quyết thắng” kiêu hãnh tung bay trên nóc hầm sở chỉ huy quân đội Pháp ở Điện Biên Phủ. Tin vui lan nhanh như làn sóng điện, ngày 8-5-1954, Người đã có thư “Khen ngợi bộ đội, chiến sĩ dân công, thanh niên xung phong và đồng bào địa phương đã làm tròn nhiệm vụ một cách vẻ vang”.
Tuy nhiên, Người vẫn căn dặn: “Thắng lợi tuy lớn, nhưng mới là bắt đầu. Chúng ta không nên vì thắng mà kiêu, không nên chủ quan khinh địch, chúng ta kiên quyết kháng chiến… phải đấu tranh trường kỳ, gian khổ mới đi đến thắng lợi” (Những lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch, NXB Sự thật, HN, 1960)…
Không chỉ gửi thư căn dặn, cỗ vũ, động viên cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trong chiến dịch này mà Bác còn làm rất nhiều thơ thể hiện tình cảm, quyết tâm của mình và đồng thời truyền lửa thương yêu và niềm tin quyết thắng cho cán bộ chiến sĩ ta ở Điện Biên Phủ. Khi quân ta bước vào chiến dịch, thấu hiểu được nỗi vất vả, gian lao của các chiến sĩ ngoài mặt trận, Bác viết bài thơ “Tặng bộ đội Điện Biên Phủ” để động viên các chiến sỹ: “Đá rắn, quyết tâm ta rắn hơn đá/ Núi cao, chí khí ta còn cao hơn/ Khó khăn ta quyết tâm vượt cho kỳ được/ Gian khổ không thể làm lòng ta sờn…”. Bài thơ như một lời hiệu triệu và biến thành sức mạnh: “… Đèo cao thì mặc đèo cao/ Tinh thần chiến đấu còn cao hơn đèo”.
Với ý chí quyết tâm và tinh thần sắt đá đó, sau 56 ngày đêm chiến đấu, chiều ngày 7-5-1954, quân và dân ta mà trực tiếp là cán bộ, chiến sĩ ở mặt trận Điện Biên Phủ đã làm nên một “Thiên sử vàng” của dân tộc Việt Nam. Chỉ 5 ngày sau chiến thắng Điện Biên Phủ, ngày 12-5-1954, hòa chung với niềm vui lớn của dân tộc, Bác đã làm một bài thơ khá dài để chào mừng chiến thắng lịch sử vĩ đại này. Bài thơ: “Quân ta toàn thắng ở Điện Biên Phủ” (báo Nhân Dân số 184, ngày 12-5-1954). Đây có thể được xem là bài thơ đầu tiên của thơ ca Việt Nam viết về chiến thắng Điện Biên Phủ. Bài thơ được viết theo trình tự thời gian: “Hai mươi tháng mười một năm cũ/ Giặc Pháp nhảy dù Điện Biên Phủ/ Hăm mốt tiểu đoàn tinh nhuệ nhất/ Xe tăng, súng lớn đầy chồng chất/ Chúng khoe rằng: “Kế hoạch Nava/ Thật là mạnh dạn và tài hoa/ Phen này Việt Minh phải biết tay/ Quan thầy Mỹ thì vui lòng thay!”. Để đập tan sự hí hửng của thực dân Pháp, “Bộ đội, dân công quyết một lòng/ Xẻ non, đắp suối, vượt qua sông/ Khắc phục khó khăn và hiểm trở/ …/ Lặng lẽ chuẩn bị suốt tháng ngày/ Không quản gian khổ và đắng cay”. Với sự đoàn kết và ý chí quyết tâm đó, sau “Hơn 50 ngày ta đánh đồn/ Ta chiếm một đồn, lại một đồn/ Quân giặc chống cự tuy rất hăng/ Quân ta anh dũng ít ai bằng/ Nava, Cônhi đều méo mặt/ Giặc kéo từng loạt ra hàng ta/ Quân ta vui hát khải hoàn ca/ Mười ba quan năm đều hàng nốt/ Tên tướng chỉ huy cũng bị nhốt/ Một vạn sáu ngàn tên giặc Tây/ Đều là tù binh hoặc bỏ thây…”. Lời thơ thật giản dị mà đầy xúc động. Đọc thơ mà như hiển hiện trước mắt ta một trang sử chói ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam - Một dân tộc mà "Đến ong dại cũng thành chiến sĩ/ Đến hoa trái cũng thành vũ khí/ Đến em thơ cũng hóa những anh hùng”.
Sau đó một thời gian, khi bại tướng Na-va cuốn gói về nước, Bác liền viết bài: “Nava Chinh phu ngâm”, trong đó có câu: “Thua to ở trận Điện Biên/ Vì ai kế hoạch mà nên nỗi này!”. Bác chú thích là “Chinh phu” chứ không phải là “Chinh phụ”… bởi đây là khúc ngâm của chính người lính viễn dương thất trận Na-va, vì kế hoạch tan thành mây khói. Mười năm sau ngày chiến thắng Điện Biên Phủ, với bút danh “Chiến sĩ”, Bác viết bài văn với tựa đề “Uy danh lừng lẫy khắp năm châu”, trong đó có bốn câu thơ dự báo sự thất bại của đế quốc Mỹ trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam khi liên hệ với chiến thắng Điện Biên Phủ: “Uy danh lừng lẫy khắp năm châu/ Đạn cối tuôn cho Mỹ bể đầu/ Thành đồng trống thắng lay Lầu trắng/ Điện Biên, Mỹ chẳng phải chờ lâu”.
58 năm trôi qua, giờ đọc lại những bức thư, những vần thơ của Bác lòng ta lại càng nhớ Bác - nhớ người Cha mà tên tuổi đã gắn liền với bao huyền thoại Việt Nam - trong đó có huyền thoại Điện Biên Phủ - một huyền thoại mà tiếng hô: Hồ Chí Minh-Điện Biên Phủ đã từng vang lên khắp bốn bể, năm châu…
Nguyễn Thị Thọ
123 Nguyễn Huệ, thành phố Huế.