Hạnh phúc đến với những thương binh nặng
Điều dưỡng viên của Khu điều dưỡng giúp thương binh nặng Phùng Xuân Hiển lên giường nghỉ ngơi sau khi đẩy xe giúp ông đi dạo.
Trung tâm điều dưỡng thương binh nặng huyện Thuận Thành là nơi tiếp nhận thương binh nặng trong cả nước về nuôi dưỡng, điều trị, phục hồi chức năng, được Đảng, Nhà nước và nhân dân cả nước quan tâm, chăm sóc với tất cả tinh thần “uống nước nhớ nguồn”, “đền ơn đáp nghĩa”. Hiện tại, Trung tâm điều dưỡng có 120 thương binh nặng, trong đó có 3 đồng chí mất cả 2 tay, 117 đồng chí hoàn toàn mất khả năng di chuyển, phải đi bằng xe lăn. Tại nơi này, nhiều thương binh nặng đã có mái ấm gia đình với hạnh phúc nóng ấm tình người.  

Trung tâm từng tổ chức các hôn lễ đặc biệt mà chú rể là những thương binh nặng không có khả năng làm chồng. Đó thực sự là những cuộc hôn nhân của lòng bao dung, tình nhân ái. Thương binh Vũ Duy Hưng bị thương nặng trong một trận đánh ở Quảng Trị, bị đứt tủy sống, tỷ lệ thương tật 98%. 30 năm trời, đồng chí bị liệt nửa người và hoàn toàn mất khả năng tự phục vụ. Những tưởng cuộc đời sẽ trôi đi trong nỗi đau thầm lặng… Đâu ngờ, vào một ngày tháng 6-1992, có một phụ nữ tìm đến Khu điều dưỡng, tự nguyện chăm sóc và lấy đồng chí làm chồng. Có hạnh phúc nào hơn khi một người thương binh đã gần hết cả cuộc đời tàn tật, không có khả năng làm chồng lại có một mái ấm gia đình với một người vợ dịu dàng? Vợ anh là Lã Thị Huệ, trước đây là công nhân nông trường Tam Thiên Mẫu ở Hà Tây. Sau khi nông trường giải thể, chị về sống hẳn cùng với anh ở trong khu gia đình của Trung tâm. “Tổ quốc không quên chúng tôi và chúng tôi là những người thương, bệnh binh (TBB) dường như tàn phế lại biết ơn những người vợ” - Câu nói chắc nịch đầy chất lính của anh cũng không ngăn được những giọt nước mắt lăn dài, chảy tràn trên hai gò má chỉ còn xương với da của người thương binh Vũ Duy Hưng. 

Ở nơi này, trong số 20 hộ lý thì 15 hộ lý đã tự nguyện làm vợ TBB. Làm vợ mà rất nhiều chị chưa bao giờ được hưởng trọn vẹn hạnh phúc của một người phụ nữ vì hầu hết TBB ở đây đều không có khả năng sinh con. Thế nhưng các chị vẫn dành trọn trái tim cho họ. Năm 1976, chị Mai về đây làm hộ lý, lúc đó chị mới 22 tuổi. Hai năm sau, chị lấy thương binh Vũ Văn Thắng, người có tỷ lệ thương tật 91%. Chị Mai kể: “Đã từng là thanh niên xung phong, từng nếm trải mưa bom bão đạn, đặt minh vào hoàn cảnh các anh, mới thấy các anh thiệt thòi hơn mình nhiều. Lấy các anh, dù chăm sóc tận tình đến mấy mình cũng không bù đắp được những gì các anh đã dành cho Tổ quốc”. Còn chị Phương, vợ anh Tứ thì đáp lại bằng một câu rất vui vẻ: “Có yêu thì mới lấy chứ”. Anh Tứ kể: “Khi lên cơn đau đầu, cảm giác như có ai cầm kim cắm phập vào người rồi lại rút ra, cứ liên hồi như thế. Lúc đó, tôi không biết gì nữa, chỉ muốn trút cơn đau lên một cái gì đó”. “Cái gì đó” chính là những người vợ. “Anh ấy lên cơn đau là cáu gắt. Mình chẳng biết sợ, mình còn thương anh ấy nhiều hơn”, chị Mai nói vậy. Còn chị Phương thản nhiên nói: “Hết đau anh ấy lại hiền như cục đất”.  

Về Trung tâm, chúng tôi được chứng kiến hình ảnh một người mẹ thương binh cụt hai cánh tay, tần tảo nuôi con ăn học nên người. Chị là Nguyễn Thị Hồng. Mọi người đến chợ Trục, chợ Nộm (Thuận Thành) hay gặp chị ngồi bán chè mạn. Khách đến mua chè của chị phải tự cân và khi trả tiền phải tự bỏ tiền vào chiếc túi chị đeo ở hông. “Trong chiến tranh, gian khổ, mất mát mình còn chịu được, bây giờ vất vả đã thấm vào đâu? Miễn là con mình được học hành đến nơi đến chốn”. Chị Hồng tâm sự cùng chúng tôi như vậy. Hai con chị giờ đã trưởng thành. Cháu Nhân tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội, hiện là giáo viên trường THPT năng khiếu Hàn Thuyên (Bắc Ninh). Cháu Đức tốt nghiệp Đại học Giao thông vận tải, đang  công tác ở Hà Nội. Chị Hồng cho biết, tiền trợ cấp của hai vợ chồng chị không đủ chu cấp cho hai con ăn học. Chị phải nguợc xuôi lên Thái Nguyên mua chè về bán. “Gian khổ lắm! Nhưng nghĩ đến tương lai của các con, mình không ngại ngần gì”. Có thể nói, một bà mẹ thương binh cụt hai tay, nuôi hai con học đại học quả là chuyện  cảm động và đáng trân trọng biết bao. Trung tâm điều dưỡng này có trên 20 đứa trẻ, ngoài hai buổi đến trường, bọn trẻ quần tụ với nhau, quanh quẩn bên bố mẹ chúng để có chuyện gì thì phụ giúp.

Về Trung tâm mới cảm nhận được hạnh phúc thật bình dị, đó là sự hy sinh, sẻ chia giữa con người với con người. Đó là khi bị tước đi chức năng vận động của một cơ thể sống, họ được bù đắp bởi những người vợ giàu đức hy sinh, biết vun đắp và xây dựng hạnh phúc gia đình mà bên họ là những đứa con ngay từ khi chập chững biết đi đã làm vui lòng cha mẹ. Hạnh phúc chính là tổ ấm được xây dựng khi con người nặng tình, nặng nghĩa với sự hy sinh, sẻ chia cho nhau.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất