Trung tâm Hành chính tại Thành phố mới Bình Dương. Thành tựu đạt được sau 25 năm Theo TS. Trần Du lịch, Bình Dương với diện tích không lớn (khoảng 2.694km2) và khởi đầu là một địa bàn “không có tên tuổi” trên bản đồ kinh tế của cả nước cũng như khu vực phía Nam, nhưng đến nay Bình Dương đã là địa phương có GRDP/người thuộc hàng cao nhất nước (năm 2021 đạt hơn 152 triệu đồng/người) và cũng là địa bàn có sức hút lao động mạnh mẽ từ nhiều địa phương trong cả nước. Sức hấp dẫn lao động của Bình Dương đến mức “Ai cần việc làm thì rủ nhau đi Bình Dương”. Đây là chỉ báo quan trọng của một địa phương đang trong quá trình phát triển mạnh mẽ. Đúng là “thóc đến đâu thì bồ câu đến đó” như câu nói của dân gian – TS. Trần Du Lịch ví von. Cho đến nay có thể khẳng định: Bình Dương là một trung tâm công nghiệp lớn của cả nước. Với 27 trong 29 khu công nghiệp và 12 cụm công nghiệp đang hoạt động với diện tích hơn 13.000ha. Bên cạnh các doanh nghiệp trong nước, Bình Dương vẫn là “điểm đến” của nhà đầu tư nước ngoài. Số doanh nghiệp FDI đứng thứ 3 ở nước ta (sau TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội), nổi bậc với mô hình VSIP đang nhân rộng ra nhiều địa phương khác. Trong cơ cấu GRDP, thì khu vực công nghiệp - xây dựng đóng góp 68%; Thương mại - dịch vụ: 21,3% và nông nghiệp chỉ hơn 3%. Nếu xét về cơ cấu giá trị trong cơ cấu kinh tế, thì Bình Dương đang là tỉnh công nghiệp. TS. Trần Du Lịch nhận định rằng, trong nhiều nhân tố tạo nên sự thành công của Bình Dương trong 25 năm qua, trong đó có 3 nhân tố chính đó là: 1- Cải thiện môi trường đầu tư thông qua cải cách thủ tục hành chính một cách thực chất, với khẩu hiệu “trải thảm đỏ” thu hút đầu tư; 2- Đột phá trong mô hình phát triển các khu công nghiệp tập trung dựa vào lợi thế vị trí, địa hình và thổ nhưỡng thuận lợi; 3- Đột phá trong phát triển hạ tầng giao thông; hạ tầng khu công nghiệp, hạ tầng các khu đô thị mới thông qua sử dụng công cụ của chính quyền địa phương để dẫn dắt đầu tư: đó là mô hình Công ty Becamex IDC của tỉnh.
Trung tâm Vùng đổi mới sáng tạo Bình Dương - Thành phố mới Bình Dương. Một số vấn đề đặt ra cho bài toán phát triển bền vững của Bình Dương sau ¼ thế kỷ, bên cạnh những thuận lợi, Bình Dương cũng đối mặt với những thách thức lớn. Về cơ bản, Bình Dương đã chuyền từ một tỉnh nông nghiệp thành một tỉnh công nghiệp (xét theo cơ cấu giá trị trong cơ cấu kinh tế), nhưng để phát triển bền vững, Bình Dương cũng đang đứng trước 3 thách thức lớn: (1) Cơ chế quản lý nhà nước trên địa bàn còn nhiều bất cập, chưa phát huy sự năng động, sáng tạo; tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc huy động nguồn lực cho sự phát triển. Đây cũng là tình hình chung của các địa phương có điều kiện phát triển nhanh trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Quốc hội, Chính phủ đang có nhiều nỗ lực tháo gỡ những điểm nghẽn về cơ chế, nhưng trên thực tế vẫn đang là trở lực đối với những địa phương có điều kiện phát triển nhanh, có đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước; (2) Hạ tầng giao thông kết nối vùng, nhất là giao thông kết nối với Cụm cảng biển số 4 (gồm 5 cảng: TP. Hồ Chí Minh; Đồng Nai; Bà Rịa - Vũng Tàu; Bình Dương; Long An) và cửa ngõ hàng không quốc tế. Tuy chỉ là “ngoại ô” của TP. Hồ Chí Minh, nhưng Bình Dương vẫn chưa thể nối kết thuận lợi về giao thông với TP. Hồ Chí Minh để khai thác lợi thế trong giao lưu hàng hóa và phát triển đô thị. Mạng lưới giao thông vùng đến nay phần lớn vẫn nằm trong quy hoạch (đường bộ, đường sắt); (3) Khu vực thương mại - dịch vụ tăng trưởng chậm; các khu đô thị mới không thu hút được dân cư; lao động nhập cư tạo ra áp lực lớn về mặt xã hội. Nếu xét về tỷ trọng giá trị công nghiệp trong cơ cấu GRDP thì Bình Dương là tỉnh công nghiệp, nhưng xét về tổng thể của quá trình công nghiệp hóa phát triển theo hướng hiện đại, thì sự phát triển nhanh của Bình Dương đang mất cân đối giữa 2 khu vực chính là công nghiệp và dịch vụ. Đây cũng là vấn đề về chất lượng tăng trưởng. Trong thời gian qua, Bình Dương đi đầu trong quá trình hình thành “vành đai công nghiệp” của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (từ Long An qua TP. Hồ Chí Minh - Tây Ninh - Bình Dương - Đồng Nai - Bà Rịa - Vũng Tàu), nhưng trong tương lai đòi hỏi Bình Dương phải cơ cấu lại các ngành công nghiệp trong các khu công nghiệp, tăng hàm lượng giá trị gia tăng và gắn việc cơ cấu lại các khu công nghiệp với phát triển đô thị. Đây cũng chính là động lực để tăng tỷ trọng khu vực dịch vụ (bao gồm thương mại) – TS. Trần Du Lịch nhận định. Liên kết phát triển vùng Cần đặt sự phát triển của tỉnh Bình Dương theo quan điểm kinh tế vùng, nhất là “tứ giác phát triển” của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Cùng với Đồng Nai; TP. Hồ Chí Minh và Bà Rịa - Vũng Tàu, với điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý và lợi thế phát triển, nên trên thực tế là một tứ giác phát triển của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Trong giai đoạn 2001-2015, tốc độ tăng trưởng kinh tế trên địa bàn này cao hơn tốc độ chung của cả nước khoảng 1,5 - 1,6 lần. Xu hướng tăng trưởng này giảm dần trong giai đoạn 2016-2020. Do đó, nếu chậm tháo gỡ những điểm nghẽn về cơ chế và hạ tầng giao thông kết nối, thì “tứ giác phát triển” sẽ mất dần động lực tăng trưởng. Tuy vẫn đóng vai trò đầu tàu tăng trưởng kinh tế của cả nước, nhưng địa bàn này đang đứng trước 4 thách thức chủ yếu sau đây: Thách thức thứ nhất về hạ tầng giao thông kết nối: Hạ tầng giao thông kết nối “vành đai khu công nghiệp của Vùng” với Cụm cảng biển số 4 hoàn toàn bất cập và đang là điểm nghẽn về logistic. Điển hình nhất là cảng Cát Lái của TP. Hồ Chí Minh quá tải, nhưng cảng Cái Mép - Thị Vãi không khai thác hết công suất. Thách thức thứ 2 là về phát triển vùng đô thị và chuỗi đô thị: “vùng đô thị TP. Hồ Chí Minh” nơi kết với chuỗi đô thị với 17 đô thị trong vùng theo quy hoạch năm 2013, nhưng do bị chi phối bởi cơ chế kinh tế tỉnh, nên đến nay vẫn phát triển mang tính tự phát của từng địa phương gây lãng phí nguồn lực và nhất là phá vỡ quy hoạch phát triển vùng đô thị và chuỗi đô thị gắn với cơ cấu kinh tế vùng. Thách thức thứ ba là về nguồn nhân lực: Lao động trong vùng chủ yếu là lao động nhập cư, nhất là từ khu vực miền Tây Nam Bộ và duyên hải miền Trung; chủ yếu làm trong các ngành công nghiệp truyền thống, công nghiệp gia công…, khai thác lợi thế lao động giá rẻ, nên sẽ gặp khó khăn khi chuyển sang những ngành đòi hỏi lao động chất lượng cao. Vấn đề liên kết vùng trong đào tạo nguồn nhân lực và thị trường lao động chung của vùng chưa mang lại hiệu quả. Chưa khai thác được thế mạnh về đào tạo nguồn nhân lực của Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh và các trung tâm đào tạo khác trong vùng. Thách thức thứ 4 là về cơ chế liên kết vùng và phát huy tính năng động, sáng tạo của địa phương: Vành đai các khu công nghiệp chạy từ huyện Bến Lức, Đức Hòa (Long An) sang Tây Ninh và tây - bắc TP. Hồ Chí Minh đến Bình Dương - Đồng Nai - Bà Rịa - Vũng Tàu. Có thể xem đây là một trung tâm công nghiệp lớn của quốc gia, với sự giao thương quốc tế qua hệ thống Cụm cảng biển số 4. Đây là lợi thế, nhưng đến nay dường như thiếu vai trò nhạc trưởng để điều phối. Hội đồng vùng với cách hoạt động như hiện nay hoàn toàn bất cập. TS. Trần Du Lịch - Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của nguyên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. “Bình Dương cần chú trọng việc xây dựng cơ chế liên kết phát triển vùng (1) Cần có sự đổi mới mang tình đột phá về tư duy “phát triển kinh tế vùng” thay cho tư duy “kinh tế tỉnh” thông qua cơ chế điều hành kinh tế và phân bố ngân sách của Chính phủ và chính quyền địa phương. Cần kiến nghị Chính phủ, khi lập quy hoạch vùng theo Luật Quy hoạch cần lồng ghép chính sách phát triển vùng trong nội dung thực hiện quy hoạch. (2) Dựa vào lợi thế cạnh một siêu đô thị là TP. Hồ Chí Minh để thúc đẩy quá trình đô thị hóa và phát triển thương mại - dịch vụ, nên Bình Dương cần chủ động phối hợp với TP. Hồ Chí Minh trong xây dựng hệ thống giao thông kết nối: TP. Thủ Dầu Một – Thành phố mới Bình Dương với trung tâm TP. Hồ Chí Minh thông qua đường bộ và đường sắt đô thị (nối dài tuyến đường sắt Bến Thành - Suối Tiên); nối với trung tâm TP. Thủ Dầu Một qua tuyến đường bộ ven sông Sài Gòn (TP. Hồ Chí Minh dự kiến xây dựng tuyến đường ven sông từ cầu Sài Gòn đến Củ Chi nhằm tạo động lực phát triển đô thị tây - bắc TP. Hồ Chí Minh). (3) Để nâng cao tính năng động của các địa phương có lợi thế phát triển, đề nghị Chính phủ cho thí điểm cơ chế tự chủ ngân sách 4 địa phương thuộc “tứ giác phát triển” gồm: TP. Hồ Chí Minh; Bình Dương; Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu theo cơ chế: Giảm bớt phần lồng ghép ngân sách nhà nước giữa Trung ương và địa phương; Ổn định tỷ lệ phân chia ngân sách giữa Trung ương và địa phương theo Luật Ngân sách trong 5 năm. Địa phương được hoàn toàn tự chủ chi phần ngân sách địa phương. Phần ngân sách trung ương hỗ trợ như đầu tư do Trung ương kiểm soát. Cơ chế này kèm theo cơ chế tăng trách nhiệm củaa HĐND và tính công khai, minh bạch về ngân sách. (4) Chủ động phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải và các địa phương trong vùng để sớm xây dựng hệ thống giao thông kết nối vùng. Đây là tiền đề của liên kết phát triển vùng và điều kiện để xây dựng các đô thị mới. Cần tập trung nguồn lực để phát triển hệ thống giao thông vùng đã được quy hoạch đến năm 2020 và 2030 (trong đó phần giao thông kết nối vùng đã được xác định trong quy hoạch giao thông TP. Hồ Chí Minh do Thủ tướng quyết định năm 2013). Các công trình cơ sở hạ tầng cần ưu tiên hoàn thành trong thời gian sớm nhất: Đường vành đai 3 và 4; cao tốc TP. Hồ Chí Mnh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành; cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và sân bay Long Thành. Trên cơ sở quy hoạch giao thông kết nối vùng và liên vùng đã được phê duyệt cần phân định cụ thể phần Trung ương đầu tư (Bộ Giao thông Vận tải chịu trách nhiệm), phần do chính quyền các địa phương cùng chịu trách nhiệm. Sự phân định này làm cơ sở cho việc bố trí nguồn đầu tư trung hạn trong từng kế hoạch 5 năm. Tóm lại, với những nhân tố tạo nên sự thành công của Bình Dương trong ¼ thế kỷ qua sẽ giảm dần tác dụng, nếu tiếp tục phát triển dựa trên tư duy “ kinh tế tỉnh”. Để tạo nên động lực mới và hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, cần chuyển sang tư duy phát triển kinh tế vùng, thông qua 4 mối liên kết: bố trí lực lượng sản xuất thông qua quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh; phối hợp xây dựng hệ thống giao thông kết nối vùng; đào tạo nguồn nhân lực và phát triển thị trường lao động chung của vùng; bảo vệ môi trường chung trên phạm vi toàn vùng (nhất là lưu vực sông Đồng Nai và sông Sài Gòn)” - theo TS. Trần Du Lịch. |
H. Hào |