Lãnh đạo và quản lý phát triển dân số dưới góc nhìn an sinh xã hội

Lãnh đạo và quản lý phát triển dân số là một vấn đề lớn của mỗi đảng cầm quyền, mỗi chính phủ. Nước Nga hiện nay, khi tân Tổng thống V. Putin vừa đưa ra 7 chiến lược phát triển đất nước thì một trong những vấn đề mà ông phải đối mặt là dân số Nga đang giảm dần, nguồn nhân lực cho phát triển đất nước làm cho ông lo lắng hơn sự cạn kiệt của nguồn tài nguyên khoáng sản và khí đốt. Ngược lại, Trung Quốc nhiều năm qua lại phải loay hoay với vấn đề dân số phát triển quá đông dẫn tới quy định mỗi cặp vợ chồng chỉ được đẻ một con. Trong khi, về mặt xã hội, hầu hết người Trung Quốc do truyền thống trọng nam khinh nữ, ai cũng thích sinh con trai, hậu quả là tỷ lệ giới tính chênh lệch, xã hội khó bình an trong cuộc sống sinh thành. Lại nữa, đứa trẻ là con một, tất cả sự săn sóc, nuông chiều làm khó cho việc hình thành tính tự lập và sự tương thân, tương ái trong một tập thể ngay từ nhỏ. Ta thử hình dung sau vài chục năm một thế hệ “con độc”quen được nuông chiều kế tục lãnh đạo, quản lý đất nước liệu có tránh khỏi sự hẹp hòi, ích kỷ, vô cảm trước khó khăn của đồng loại hay không? Ở nước ta, tỷ lệ người cao tuổi sống lâu ngày càng nhiều do đời sống và chăm sóc y tế ngày một tốt hơn. Xu hướng Việt Nam sẽ là một quốc gia có dân số già đã lộ rõ. Việc sinh con cũng xuất hiện chênh lệch về giới tính (nữ ít hơn nam). Đó là những vấn đề lớn của an sinh xã hội mà nhà lãnh đạo, quản lý không thể bàng quan.

Từ thực tế trên, bài viết ngắn này xin gợi ra một vài vấn đề đáng quan tâm trong lãnh đạo và quản lý phát triển dân số ở nước ta.

1. Những vấn đề cần biết

Tâm lý muốn đông con, nhiều cháu có khuynh hướng phục hồi ở nhiều làng xã Việt Nam. Đã có một thời tâm lý này giảm (giảm chứ chưa hề mất) nhưng nay bước sang cơ chế mới và đồng thời với những tệ nạn xã hội phát triển nó cũng tạo ra một tâm lý "tìm sức mạnh từ sự gia tăng sinh sản nòi giống". Sở dĩ như vậy là vì những lý do sau đây:

1. Do những nguyên nhân về kinh tế - xã hội đang khiến người ta tìm về cái tổ ấm gia đình dòng tộc, tạo ra một sự cố kết sức mạnh để bảo tồn và cạnh tranh chống lại tình trạng chèn ép giữa các họ, các chi, các tộc, các thôn.

2. Một sự thật hiển nhiên ở nông thôn (và một phần ở cả đô thị) là những gia đình cô đơn, hiếm con thường lâm vào cảnh khó khăn, đói nghèo, hiu quạnh. Sự chăm sóc phúc lợi và lòng từ thiện của xã hội chưa làm cho mọi người già cả, cô đơn có thể an tâm. Hạnh phúc và vận may vẫn thường gõ cửa những gia đình đông con, nhiều cháu. Do đó tạo ra sức ép tâm lý, đẻ nhiều, nhất là đẻ con trai, để cho chúng "có anh có em", có thế, có lực mà "đối chọi với đời".

3. Nạn "ô dù" được tâng bốc nuôi dưỡng trong cái vỏ huyết tộc "một người làm quan cả họ được nhờ". Người ta vẫn thấy có những cửa hàng, khách sạn, công ty liên doanh, liên kết là của con cháu ông này, bà kia có thế lực. Có một số người núp dưới "cái ô" ấy mà làm ăn phi pháp, tạo ra cái ảo giác "nguồn gốc của sự phú quý là từ sự đông đàn dài lũ" và tạo cho người ta cái tệ ham muốn có nhiều con, lắm cháu.

4. Hiện đang có khuynh hướng nặng y tế hoá vấn đề kế hoạch hoá gia đình, nhẹ khía cạnh xã hội nhân văn. Có những buổi phát thanh và truyền hình nhạt nhẽo và có phần thô thiển khi đề cập đến vấn đề kế hoạch hoá gia đình. Ý nghĩa xã hội nhân văn không được coi trọng làm cho người ta cảm thấy hình như ở đây chỉ còn là vấn đề sinh học và kỹ thuật y tế cũng như dụng cụ tránh thai. Vẻ đẹp của con người, niềm tin và hy vọng trong sự yên vui, đầm ấm, hạnh phúc, có văn hoá, phát triển toàn diện của con người trong các gia đình ít con không mấy được đề cao. Nói nhiều tới sự khổ đau chưa chắc đã tốt bằng mở ra một viễn cảnh, hơn thế, một hiện thực tươi đẹp, một mẫu hình đáng noi theo, đáng mơ ước của con người.

Sinh con là quyền tự nhiên của con người, là vấn đề xã hội, kinh tế và văn hoá... Quyết định hành chính về vấn đề này chỉ có thể có hiệu lực và hiệu quả trên cơ sở chính sách kinh tế - xã hội và dân trí được nâng cao. Vấn đề dân số là vấn đề nhân đạo. Nó hoàn toàn phải được ứng xử trên quan hệ Người, tức là vấn đề lợi ích, danh dự và phẩm giá. Làm sao để mỗi một thành viên trong cộng đồng hiểu rằng: sinh ra con người là vấn đề nhân đạo, vấn đề văn hoá.

2. Một số việc cần làm:

Trước hết, chú ý tới những vấn đề chính trị - xã hội. Tức là phải làm trong sạch Đảng và các tổ chức nhà nước, làm lành mạnh các quan hệ xã hội. Hãy nhớ lời của Bác Hồ: Việc nước là việc công chứ không phải là việc riêng gì dòng họ của ai. Đây là mấu chốt của mọi vấn đề. Những nhà lãnh đạo và quản lý phải làm cho nhân dân thấy rằng chính quyền các cấp đều là của dân, do dân cử ra làm việc cho dân chứ không thể của một nhóm phe cánh, của một tộc họ nào. Vì vậy không phải cứ lấy số đông người trong họ mạc, bà con, anh em mình là có thể thực sự nắm giữ được quyền lực.

Thứ hai, chú trọng phát triển kinh tế - văn hoá, đặc biệt là nâng cao dân trí. Theo số liệu thống kê của nhiều nước thì tốc độ tăng dân số cao tỷ lệ nghịch với tốc độ tăng trưởng kinh tế và văn hoá. Ở ta xét trong các tầng lớp dân cư và các vùng đều như vậy.

Thứ ba, đặc biệt chú trọng đến tính xã hội của phong trào. Làm sao việc sinh đẻ có kế hoạch và chăm lo nuôi dạy vun trồng thế hệ tương lai của đất nước là trách nhiệm của toàn xã hội. Đây vừa là nghĩa vụ công dân, vừa là nhân cách, đạo đức của con người trong một xã hội văn minh. Giáo dục gia đình kết hợp với nhà trường và toàn xã hội cũng như việc nuôi dạy phải có một quan niệm đúng đắn và khoa học chứ không phải là sự nuông chiều con trẻ. Tình trạng sinh ít con, ông bà, cha mẹ... quá chăm chút làm cho nó dễ phát sinh thói xấu: ích kỷ, dựa dẫm, chỉ quen người khác chăm lo đến mình mà ít biết quan tâm đến người khác, kém ý thức tự lập... đang là một vấn đề xã hội, là mặt trái của vấn đề sinh ít con mà người có trách nhiệm quản lý xã hội cũng như các bậc ông bà, cha mẹ trong từng gia đình cần phải “đổi mới tư duy” để có biện pháp thích ứng. Ở đây cần chú ý không phải vì tình hình trên mà buông trôi cho việc sinh đẻ "tự nhiên" phó mặc cho "trời sinh voi, trời sinh cỏ". Vấn đề là toàn xã hội phải có một phương pháp giáo dục thích hợp và tích cực.

Thứ tư, nghiêm cẩn chấp hành Luật hôn nhân. Nghiêm cấm việc kết hôn trước tuổi luật định. Đây là việc làm cần kíp để vừa giữ nghiêm phép nước, vừa ngăn chặn việc gia tăng dân số một cách phản tiến hoá.

Theo thống kê của Bộ Tư pháp, trong nhiều bản làng dân tộc thiểu ở miền núi không dưới 50% các vụ kết hôn trước tuổi luật cho phép. Một số tỉnh ở đồng bằng số vụ tảo hôn chiếm 9-10% các vụ kết hôn. Tình hình trên đưa đến nhiều hậu quả xấu, là một nguyên nhân phá vỡ công tác kế hoạch hoá gia đình, xây dựng gia đình văn hoá.

Thứ năm, cần đề cao sự bình đẳng giới trong gia đình cũng như trong mọi mặt của đời sống xã hội. Có một thực tế khá phổ biến và đang trở thành xu hướng phát triển tiến bộ trong xã hội ta là phụ nữ đang ngày càng thể hiện đẳng cấp cao của mình không những trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội mà còn nổi trội về giỏi giang, tháo vát, đảm đang trong việc chăm lo gia đình, dạy dỗ con cái cũng như sự hiếu thảo đối với các đấng sinh thành của cả hai bên chồng, vợ. Hầu như trong sự đàm đạo của người cao tuổi thì sự hài lòng, thậm chí tự hào của các cụ về con cái đối với con gái lại nhiều hơn con trai. Tiếc rằng báo chí ít phản ánh những mảng sáng về sự an vui, hạnh phúc trong quan hệ gia đình mà người phụ nữ mới ở nước ta đang thể hiện. Làm thế nào để từ nhà lãnh đạo, quản lý cao nhất đất nước đến mỗi ông bà chủ từng gia đình Việt ngày nay ai ai cũng không quên lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh rằng: “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”.

Cuối cùng, theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI, các nhà lãnh đạo và quản lý cần phải thực sự gương mẫu trong việc xây dựng gia đình, dòng họ của mình sao cho có văn hoá, chấp hành đúng pháp luật, con cháu mỗi người chăm chỉ học tập, lao động, rèn đức, luyện tài để tiến thân và lập nghiệp bằng chính "cái đầu" và sức lực bản thân, đi lên bằng đôi chân của mình chứ không phải chỉ trông vào “cái bóng” của ông cha để  lấy đó làm "ô dù" tiến thân.

Phát triển dân số là vấn đề lớn, liên quan đến an nguy, thịnh vượng hay suy vy của bất cứ quốc gia, dân tộc nào. Đây là vấn đề khoa học và nhân văn, là sức mạnh nội sinh của phát triển bền vững. Vì vậy nó là mối ưu tư của tất cả các nhà lãnh đạo, quản lý và là mối quan tâm của mỗi gia đình, dòng họ, làng nước.

Phản hồi (1)

Giang Văn Hải 03/06/2012

Bài ngắn gọn nhưng hay.

1

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất