ATK Thái Nguyên - sứ mệnh lịch sử và hôm nay
Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đường trở về ATK.

Trong lịch sử đấu tranh cách mạng và kháng chiến của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng vị trí chiến lược của Thái Nguyên được nâng lên tầm cao mới. Thái Nguyên trở thành một bộ phận của căn cứ địa Việt Bắc oai hùng, trở thành ATK đảm bảo cho cơ quan đầu não của Đảng và Chính phủ đứng chân chỉ đạo phong trào cách mạng trên cả nước. Sự ra đời của ATK trên đất Thái Nguyên trong cách mạng và kháng chiến đã thể hiện sự đúng đắn và sáng tạo trong lãnh đạo cách mạng của Đảng ta, đồng thời cũng minh chứng cho vị thế quan trọng của vùng đất Thái Nguyên.

Thái Nguyên - vùng đất có bề dày truyền thống lịch sử, cách mạng

 

Thái Nguyên còn được coi là phên dậu phía bắc kinh thành Thăng Long, là địa đầu của phòng tuyến sông Cầu nơi diễn ra các trận đánh ác liệt giữa Lý Thường Kiệt với quân xâm lược nhà Tống; là quê hương của vị anh hùng dân tộc Dương Tự Minh, Lưu Nhân Chú, là địa danh gắn liền với tên tuổi và chiến công của nhiều nhà yêu nước, nhà cách mạng như Trịnh Văn Cẩn, Lương Ngọc Quyến và Cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên năm 1917…

 

Lịch sử tỉnh Thái Nguyên còn gắn liền với lịch sử của cách mạng Việt Nam. Sự ra đời của cơ sở đảng đầu tiên của tỉnh (năm 1936 tại xã La Bằng, huyện Đại Từ) là dấu mốc lịch sử quan trọng góp phần tập hợp, động viên quần chúng tham gia các hoạt động cách mạng do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo. Thời kỳ chuẩn bị Cách mạng Tháng 8 năm 1945, Thái Nguyên là địa bàn hoạt động, phát triển lực lượng của Đảng Cộng sản Việt Nam; nhiều đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, Thường vụ xứ ủy Bắc Kỳ đã hoạt động tại đây.

 

Những năm 1940-1941, Thái Nguyên vinh dự được Trung ương Đảng, Bác Hồ chọn Bắc Sơn - Võ Nhai làm nơi xây dựng Khu căn cứ địa cách mạng, ngày 15-9-1941, tại rừng Khuôn Mánh, xã Tràng Xá, huyện Võ Nhai, Trung đội Cứu quốc quân II đã ra đời, là một trong những lực lượng tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam ngày nay.

 

Lựa chọn sáng suốt của Trung ương Đảng, Bác Hồ về xây dựng ATK Thái Nguyên

 

Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, cả dân tộc chưa kịp hưởng niềm vui độc lập đã phải bước vào một cuộc chiến đấu mới chống sự tái thiết của thực dân Pháp để bảo vệ nền độc lập, bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ nhà nước Việt Nam non trẻ.

 

Với tầm nhìn chiến lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiên đoán được âm mưu, hành động của thực dân Pháp và Người đã quyết định trở lại Việt Bắc để xây dựng An toàn khu kháng chiến (sau này gọi tắt là ATK kháng chiến) trên địa bàn các huyện Định Hóa, Đại Từ, Phú Lương, Võ Nhai (Thái Nguyên), Chợ Mới, Chợ Đồn (Bắc Kạn), Sơn Dương, Yên Sơn, Chiêm Hóa (Tuyên Quang). Quá trình kháng chiến, cơ quan Trung ương, cơ quan của Bác, cơ quan Chính phủ, cơ quan Bộ Tổng tư lệnh, Bộ Quốc phòng di chuyển nơi này nơi khác một thời gian ngắn, nhưng trung tâm vẫn dựa vào các huyện nói trên, nơi mà nhà dân nào cũng có cơ quan ở. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm nhận định:“Thái Nguyên là một địa bàn quan trọng “tiến có thể đánh, lui có thể giữ và nhân dân ở đây có truyền thống cách mạng”, nên trong kháng chiến chống Pháp, cơ quan của Bác, cơ quan của Trung ương, các đồng chí lãnh đạo của Đảng và Chính phủ đều tập trung đóng ở Định Hóa, cũng có thời gian chuyển sang Sơn Dương hay Bắc Kạn nhưng với thời gian ngắn rồi lại trở về Định Hóa.

 

ATK Định Hóa - Thái Nguyên là nơi đặt bản doanh của Trung ương Đảng, Bộ Tổng tham mưu, Bộ Quốc phòng, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng, Quân đội, Mặt trận Liên Việt (nay là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) ở và làm việc trong thời kỳ kháng chiến. Theo Đại tướng Võ Nguyên Giáp, “Định Hóa là ATK tuyệt mật nhằm đảm bảo an toàn và ổn định để các đồng chí lãnh đạo chủ chốt lúc bấy giờ làm việc ít phải di chuyển”. Như vậy, cùng với Tuyên Quang, Bắc Kạn, Thái Nguyên trở thành “Thủ đô gió ngàn” - Thủ đô của đất nước trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, trong đó Thái Nguyên giữ vị trí đặc biệt quan trọng, ví trí trung tâm của thủ đô kháng chiến. Từ ATK Định Hóa - Thái Nguyên, Trung ương Đảng, Bộ Tổng tư lệnh ra nhiều quyết sách quan trọng liên quan đến vận mệnh cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của cả dân tộc.

 

Ngày 15-5-1945, tại đình làng Quặng, xã Định Biên (Định Hóa) diễn ra lễ hợp nhất: Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, Cứu quốc quân và các lực lượng vũ trang của Đảng trong toàn quốc thành Việt Nam giải phóng quân. Ngày 20-5-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến ATK Định Hóa ở và làm việc tại đồi Khau Tý, xã Điềm Mặc (Định Hóa). Tại Định Hóa, Bác Hồ đã ban hành Sắc lệnh về chế độ cho người thương binh, tử tuất. Ngày 28-5-1948, tại phiên họp đặc biệt của Hội đồng Chính phủ diễn ra tại xã Nà Lọm, xã Phú Đình (Định Hóa), Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì lễ phong quân hàm Đại tướng cho đồng chí Võ Nguyên Giáp và 10 đồng chí khác từ hàm thiếu tướng trở lên. Ngày 6-12-1953, tại Tỉn Keo, xã Phú Đình (Định Hóa), Bộ Chính trị họp thông qua kế hoạch tác chiến mùa Xuân năm 1954 của Tổng quân ủy và quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ.

 

Nhân dân các dân tộc Thái Nguyên đã làm tròn sứ mệnh bảo vệ ATK

 

Được Đảng, Bác Hồ tin tưởng giao phó, trung tâm ATK gồm nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của các các đồng chí: Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Chí Thanh, Hoàng Quốc Việt, Tôn Đức Thắng, Văn Tiến Dũng… Nơi đây còn có nơi ở và làm việc của các cơ quan đảng, nhà nước, quân đội và các tổ chức đoàn thể như: Ủy ban kiểm tra Trung ương Đảng, Văn phòng Trung ương Đảng, Bộ Tổng tham mưu, Tổng Quân ủy và Bộ Tư lệnh, Cục Quân nhu, Cục Chính trị, Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc…

 

Tại ATK Thái Nguyên, Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Tổng tư lệnh đã quyết định nhiều chủ trương chiến dịch lớn như: Chiến dịch phản công Việt Bắc, Chiến dịch Đông Bắc, Tây Bắc, các chiến dịch Biên giới, Trung du, Đường 18, Hà Nam Ninh, Chiến dịch Hòa Bình, Tây Bắc Sầm Nưa. Đặc biệt Bộ Chính trị đã phê duyệt kế hoạch tác chiến, quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ.

 

Tại đây còn diễn ra nhiều sự kiện quan trọng khác như: Hội nghị tuyên dương Anh hùng và Chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ nhất; Lễ phong hàm cấp tướng đầu tiên của nước Việt Nam cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp và 10 tướng lĩnh khác, nơi tổ chức cuộc diễn tập trận đánh Điện Biên Phủ…

 

Được lựa chọn là trung tâm căn cứ địa kháng chiến của cả nước là một vinh dự lớn đối với Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên, đồng thời cũng là trách nhiệm to lớn đối với dân tộc với đất nước. Trách nhiệm lớn nhất, quan trọng nhất là bảo vệ an toàn tuyệt đối Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Trường Chinh cùng các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, Chính phủ, mặt trận, quân đội, bảo vệ các cơ quan, kho tàng, nhà máy, vì đây là những mục tiêu hàng đầu mà kẻ thù muốn tìm mọi cách phá hủy nhằm tiêu diệt lực lượng và phá hoại cuộc kháng chiến của chúng ta.

Âm mưu của kẻ thù là đánh tan đầu não cơ quan lãnh đạo và các cơ sở phục vụ kháng chiến thì cuộc chiến sẽ kết thúc. Do vậy, trong suốt những năm kháng chiến, quân địch liên tiếp mở nhiều cuộc hành quân lớn cả trên bộ và trên không và đường thủy vào trung tâm ATK Thái Nguyên. Với quyết tâm và trọng trách được giao, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên chung sức chung lòng cùng các địa phương trong vùng chiến khu Việt Bắc và các đơn vị bộ đội chủ lực làm tròn trách nhiệm nặng nề trước lịch sử và dân tộc, là bảo vệ an toàn lãnh tụ và các cơ quan đầu não của ta trước các cuộc tiến công truy quét với quy mô lớn của kẻ thù, gây cho chúng nhiều tổn thất nặng nề. Cùng với nhiệm vụ bảo vệ an toàn  tuyệt đối lãnh tụ và các cơ quan đầu não của ta, các địa phương trong tỉnh luôn thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng hậu phương vững chắc phục vụ kháng chiến.

 

Bằng những di tích lịch sử, các nhân chứng lịch sử đã khẳng định:“Thái Nguyên là Thủ đô của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa trong cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc ta chống thực dân Pháp xâm lược. Nhiều chủ trương, đường lối kháng chiến được quyết định ở đây. Trung ương Đảng, Bác Hồ, Chính phủ lãnh đạo toàn quốc thực hiện”. (Tham luận của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “ATK Định Hóa, trung tâm của Thủ đô kháng chiến chống thực dân Pháp” tại Hội thảo khoa học Hồ Chí Minh với việc xây dựng ATK Định Hóa trong căn cứ địa Việt Bắc (1947-1954).

ATK Định Hóa là một quần thể di tích lịch sử nổi tiếng của tỉnh Thái Nguyên với 130 điểm di tích (trong đó có 10 điểm di tích được xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia, 5 Di tích lịch sử cấp tỉnh) đã được xác định: “Chiến khu Việt Bắc là quần thể di tích quan trọng bậc nhất của dân tộc Việt Nam ở thế kỷ XX”, một “Thủ đô kháng chiến”. Quần thể các di tích lịch sử ATK của tỉnh Thái Nguyên là di sản quý giá của dân tộc, vì vậy, ngày 10-5-2012, Di tích lịch sử An toàn khu (ATK) Định Hoá - Thái Nguyên đã được Nhà nước quyết định xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt.

Quyết tâm xây dựng quê hương Thái Nguyên giàu mạnh

 

Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên xác định tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nhằm thực hiện thắng lợi toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đề ra. Trọng tâm là duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt mức cao và bền vững, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực. Thực hiện nghiêm Kết luận 02 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 11 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Chú trọng xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu; quan tâm đẩy mạnh công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, thực hiện dự án, công trình, quy hoạch trọng điểm giai đoạn 2012-2015. Tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp nhằm thu hút, lựa chọn đầu tư; phát huy hiệu quả của phương châm “Ba thân thiện”: Thân thiện với doanh nghiệp, thân thiện với người dân, thân thiện với môi trường, không ngừng đưa tỉnh phát triển nhanh, bền vững, hội nhập và tạo nền tảng vững chắc, sớm đưa Thái Nguyên trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại trước năm 2020 theo tinh thần của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần XVIII.

 

Quan tâm nâng cao chất lượng quy hoạch, đảm bảo phù hợp với xu thế phát triển lâu dài, trên cơ sở đặt Thái Nguyên vào vị trí là một trong những trung tâm kinh tế trọng điểm vùng Bắc Thủ đô Hà Nội; tập trung phát triển nông nghiệp, nông thôn toàn diện, hiệu quả và bền vững; đẩy mạnh chương trình xây dựng nông thôn mới. Giải quyết hiệu quả các vấn đề xã hội, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo; phát triển khoa học công nghệ; giải quyết việc làm; xóa đói giảm nghèo, cải thiện thêm một bước đời sống nhân dân. Nâng cao hiệu quả hợp tác kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị và trật tự xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh.

 

Tập trung làm tốt công tác xây dựng đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, gắn với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có phẩm chất đạo đức, ý thức tổ chức kỷ luật và đủ năng lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

 

Với truyền thống của quê hương cách mạng, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên quyết tâm xây dựng quê hương ngày càng phát triển và giàu mạnh, phấn đấu trở thành tỉnh phồn vinh của miền Bắc như Bác Hồ đã căn dặn, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

 

Hồng Phúc

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất