Khi đi qua con đường này, tất cả chúng ta đều nhớ tới con đường hơn 50 năm trước, biết bao chàng trai, cô gái, mười tám, đôi mươi đã “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/Mà lòng phơi phới dậy tương lai”. Họ đã bỏ lại sau lưng tất cả, lên đường cống hiến trí tuệ, sức lực và tuổi thanh xuân cho công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Họ luôn nêu cao tinh thần anh dũng, bất khuất bởi “trái tim có thể ngừng đập nhưng con đường giao thông huyết mạch không thể tắc” và “sống bám cầu, bám đường, chết kiên cường, dũng cảm”... Đó là chân lý sáng ngời về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, trí tuệ Việt Nam và niềm tin sắt son vào sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc.
Dưới chân dãy Trường Sơn hùng vĩ của dải đất cong cong hình chữ S, con đường vinh dự được mang tên vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc - Đường Hồ Chí Minh - đã trở thành con đường huyền thoại không chỉ của một thời "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/Mà lòng phơi phới dậy tương lai". Ngày ấy, 19-5-1959, đúng Ngày sinh Bác Hồ, tuyến giao liên vận tải quân sự Trường Sơn chi viện cho chiến trường miền Nam đánh Mỹ được phát lệnh mở đường. Con đường huyền thoại một thời nối liền hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam đã in dấu chân của bao chàng trai, cô gái hiến dâng trọn tuổi thanh xuân cho dân tộc.
Thế hệ chúng ta hôm nay, nếu không xem lại những thước phim tư liệu về con đường Trường Sơn một thời hoa lửa thì khó có thể tưởng tượng nổi sức chịu đựng gian khổ và sức trỗi dậy mạnh mẽ của dân tộc ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Đường Trường Sơn - con đường mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh - do bàn tay và khối óc cả dân tộc Việt Nam sáng tạo đã đi vào lịch sử dân tộc như một “kỳ công, kỳ tích, kỳ quan”, thể hiện bản lĩnh, trí tuệ, khát vọng độc lập, niềm tin tất thắng của cả dân tộc Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.
Trường Sơn - một dãy núi trùng điệp kéo dài từ Tây Bắc xuống Đông Nam dọc biên giới 3 nước Việt, Lào, Căm-pu-chia, được coi là “nóc nhà bán đảo Đông Dương”. Các nhà khoa học phân dãy Trường Sơn làm hai phần, Trường Sơn Bắc từ sông Xê-băng-hiên ngược lên đến vĩ độ 22, Trường Sơn Nam tính từ Lao Bảo ở vĩ tuyến 17 trở xuống cao nguyên Lâm Viên. Trong lịch sử mấy nghìn năm của dân tộc, Trường Sơn là thế tựa muôn đời, là hồn thiêng sông núi. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại của dân tộc, dãy Trường Sơn viết tiếp thiên anh hùng ca bất tử một thời: “Trường Sơn, xẻ dọc, rọc ngang/Xẻng tay mà viết nên trang sử hồng”.
Sau hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954, dòng sông Bến Hải, cầu Hiền Lương trở thành ranh giới chia cắt hai miền Nam - Bắc. Miền Bắc hoàn toàn giải phóng, bước vào xây dựng CNXH. Miền Nam trở thành thuộc địa kiểu mới, nhân dân oằn mình dưới chế độ tay sai của Mỹ - Diệm. Bắc-Nam “máu chảy ruột mềm!”. Trước âm mưu thâm độc của kẻ thù, khả năng thống nhất đất nước bằng con đường hòa bình không còn. Đáp lời kêu gọi của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lời thúc dục của non sông đất nước, lớp lớp người Việt Nam tiếp tục thực hiện khát vọng độc lập, thống nhất nước nhà với quyết tâm chảy bỏng “dù đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng kiên quyết giành cho được độc lập” và coi đây là nhiệm vụ thiêng liêng hàng đầu của dân tộc lúc này.
Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Chính trị, Chính phủ, Quân ủy Trung ương quyết định mở con đường Trường Sơn với nhiệm vụ là tuyến đường vận tải chiến lược, chi viện sức người, sức của từ hậu phương lớn miền Bắc cho tiền tuyến lớn miền Nam. Đoàn 559 do Thượng tá Võ Bẫm chỉ huy đã lĩnh trọng trách thiêng liêng này. Đoàn vinh dự được giao nhiệm vụ tổ chức tuyến chi viện chiến lược Bắc - Nam. Điểm đầu tuyến đường cơ giới là khu rừng Khe Hó - Bãi Hà, Gio Linh, Quảng Trị. Địa điểm Khe Hó là nơi đầu tiên bộ đội vận chuyển vào Nam bằng con đường cơ giới chiến lược. Lực lượng ban đầu của Đoàn gồm 500 cán bộ, chiến sĩ, nên “quân đi tính từng người, hàng chuyển tính từng cân”. Nhưng với sức trẻ và sự sáng tạo, Đoàn vừa vận chuyển vừa mở đường hành quân với phương châm "đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng" để đảm bảo bí mật tối đa. Vì vậy, cùng với sự lớn mạnh của cả dân tộc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, từ con đường giao liên trong 9 năm kháng chiến chống Pháp dài vài trăm km, đường Trường Sơn đã vươn mình thành con đường vận tải quân sự chiến lược. Con đường không chỉ chi viện về con người, vật chất của miền Bắc đối với miền Nam mà còn là ý chí, tinh thần, là niềm tin, khát vọng độc lập của cả dân tộc Việt Nam trong sự nghiệp giải phóng dân tộc nói chung và giải phóng miền Nam nói riêng.
Các địa danh lịch sử Truông Bồn, Hang Tám cô, Ngã ba Đồng Lộc, Bến phà Xuân Sơn, Đường 20 quyết thắng, Hồng Lam, Phong Nha và nhiều địa danh khác trên dải đất hình chữ S đã trở thành tâm điểm của con đường Trường Sơn huyền thoại. Ở đó, thanh niên xung phong vượt qua mưa bom bão đạn, bằng tất cả trí thông minh, lòng quả cảm, quyết tâm khai thông nhiều tuyến đường với khẩu hiệu “chọc thủng Trường Sơn mở đường thắng lợi”. Hàng giờ sống dưới mưa bom bão đạn, máy bay địch tuần tiễu ráo riết nhưng lực lượng thanh niên vẫn cầm cờ, đèn làm cọc tiêu cho bộ đội đi qua. Nơi địch chống phá ác liệt không thể dùng đèn, một nữ thanh niên đã sắn quần lên cao, lấy màu trắng của đùi mình làm đèn tín hiệu cho xe đi qua. Chứng kiến hình ảnh đó, thế giới phải thốt lên: “Những người phụ nữ Việt Nam thật vĩ đại. Bây giờ chúng tôi đã hiểu vì sao các bạn đã chiến thắng giặc Mỹ trong trận chiến không cân sức đó”.
5 đời tổng thống Mỹ trong chiến tranh Việt Nam đều “mất ăn mất ngủ” bởi con đường này. Vì vậy, trong suốt 6.000 ngày, Mỹ đã thả xuống 4 triệu tấn bom đạn các loại, hàng triệu lít hóa chất; huy động các viện nghiên cứu hàng đầu nghiên cứu, sử dụng các phương tiện chiến tranh hiện đại hòng cản trở tuyến vận tải chiến lược nối hai miền Nam - Bắc Việt Nam. Song mọi cố gắng của Mỹ và chính quyền Sài Gòn đều không đạt được mục đích. Bom đạn và kỹ thuật hiện đại không thể thắng được niềm tin, ý chí sắt đá “không có gì quý hơn độc lập tự do” của những con người mang khát vọng thiêng liêng cao cả của một thời đại. Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh vẫn hiên ngang vươn tới các chiến trường, bước chân và lời ca vẫn vang dậy khắp núi rừng mỗi khi khai thông đường hành quân của quân và dân ta: “Ta vượt trên đỉnh núi cao Trường Sơn. Đá mòn mà đôi gót không mòn… Máu thấm đường ta đi lẫn mồ hôi rơi tình quê tha thiết. Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình…”. Các thế hệ người Việt Nam đều hăng hái lên đường vào Nam “chia lửa cùng miền Nam”, mang trong mình khát vọng độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc. Trước cái chết, họ vẫn hiên ngang: “Trường Sơn, vượt núi, băng sông/Xe đi trăm ngả, chiến công bốn mùa”. Tiếng hát của những con người thời đó đã át tiếng bom, đồng thời thể hiện khát vọng sống và niềm tin mãnh liệt vào ngày độc lập của dân tộc.
Tinh thần quyết chiến quyết thắng của hơn 12 vạn cán bộ, chiến sĩ, gần 4 vạn thanh niên xung phong đã kết thành một tập thể gang thép, chiến đấu mưu trí, dũng cảm, đánh trả 151.133 trận đánh phá của không quân Mỹ, bắn rơi 2.455 máy bay, đối đầu hơn 2.500 trận đánh lớn, nhỏ với bộ binh địch, loại khỏi vòng chiến đấu hơn 18.700 tên…
Chiến thắng của quân và dân ta trên con đường Trường Sơn huyền thoại làm cho thế giới không thể lý giải nổi tại sao người Mỹ lại thất bại trong cuộc chiến tại Việt Nam. Vũ khí hiện đại, tối tân của quân đội Mỹ không thể phá huỷ được con đường mòn Hồ Chí Minh. Nhưng với những người lính Trường Sơn, đó là một câu hỏi dễ trả lời! Đó là lòng yêu nước, là giá trị truyền thống, lịch sử văn hoá, khát vọng độc lập, tự chủ được hun đúc và lưu giữ từ ngàn đời của dân tộc Việt Nam - sức mạnh bất diệt của dòng máu Lạc Hồng.
Các sử gia trên thế giới khi so sánh đường Trường Sơn với những con đường vận tải chiến lược từ thời cổ đại đến giờ (Đường mang tên vị tướng Ha-ni-bal dẫn đoàn quân từ châu Phi vượt qua hẻm núi thuộc dãy An-pơ, tạo ra con đường đánh tan quân đoàn La Mã ở miền Bắc I-ta-li-a; con đường dài hơn 10.000 km của A-lếch-xăng đại đế từ Mác-cê-đô-ni-a đi chinh phục Ấn Độ; con đường của Na-pô-lê-ông vượt qua dãy An-pơ, qua đèo Xanh Béc-na đi đánh I-ta-li-a…) đều công nhận, chưa có con đường vận tải quân sự chiến lược nào vượt qua đường Trường Sơn về độ dài, thời gian sử dụng, sự gian khổ cũng như tính ác liệt và cả hiệu quả to lớn mà nó đem lại.
Con đường do những công cụ lao động thô sơ như cuốc, thuổng, xẻng… cùng với sức người Việt Nam làm ra. Trên con đường ấy, trong 16 năm (1959-1975), bằng phương pháp gùi thồ và cơ giới, bộ đội Trường Sơn đã vận chuyển thành công hơn 20 triệu tấn hàng cho chiến trường miền Nam. Những thành tích không ai tưởng tượng được! Với những chiến công mà nhân dân Việt Nam giành được trên con đường “tuyến lửa Bắc - Nam” cũng như trên chiến trường miền Nam đã làm cho quân đội Mỹ kinh hoàng, khiếp vía. Họ đã ví Trường Sơn như một quái thú khổng lồ, cứ chặt cánh tay này thì lại có nhiều cánh tay khác mọc ra. Khi máy bay Mỹ ném bom con đường mòn ở Đông Trường Sơn, bộ đội Việt Nam lại mở thêm ba trục đường ở Tây Trường Sơn, vươn sang cả Lào và Căm-pu-chia, lính Mỹ tấn công ban ngày, bộ đội Việt Nam lại hành quân đêm. Tướng Mác-oen D. Tay-lơ phải thốt lên: "Chúng tôi đã không đánh giá đúng tinh thần cực kỳ kiên quyết và đức hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của Việt Nam. Những cố gắng đánh bại đường mòn Hồ Chí Minh đã thất bại".
Việc Mỹ thừa nhận thất bại trong cuộc chiến tại Trường Sơn khiến cả thế giới coi Trường Sơn như một con đường bất tử. Hàng nghìn bài báo đã viết về Trường Sơn, về chiến tích kỳ diệu của những người lính có mặt trên con đường huyện thoại này. Những người anh hùng của đường Trường Sơn như Võ Bẩm, Đồng Sĩ Nguyên, Nguyễn Viết Sinh… đã trở thành những cái tên nổi tiếng trên các tờ báo lớn của thế giới. Trong cuốn sách “Ho Chi Minh Lapiste” (Đường mòn Hồ Chí Minh) học giả Van-gêy viết: "Với mục đích kể lại lịch sử con đường này, tôi đã phải kể lại lịch sử Việt Nam. Bởi vì không thể có con đường mòn Hồ Chí Minh nếu không có lịch sử Việt Nam, nhưng lịch sử của con đường mòn này cũng làm sáng tỏ thêm lịch sử Việt Nam. Đối với đường mòn Hồ Chí Minh, muốn chiếm được nó, phải chiếm đóng mỗi mi-li-met vuông của Lào, Căm-pu-chia và cả miền Bắc cũng như miền Nam Việt Nam. Tất cả quân đội của thế giới này may ra mới đủ. Những quả bom, ngoài việc phá hoại môi trường, vẫn không đụng được đến bản chất của người Việt Nam". Câu nói này cùng chính là lời khẳng định tầm vóc vĩ đại của đường mòn Hồ Chí Minh trong con mắt nhân loại. Sức mạnh, niềm tin của cả dân tộc Việt Nam anh hùng đã khiến nhân loại yêu hòa bình trên thế giới ca ngợi và vô cùng thán phục.
Khi đi qua con đường này, có lẽ không ai trong chúng ta không nhớ tới con đường hơn 50 năm trước, biết bao chàng trai, cô gái, mười tám, đôi mươi đã “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/Mà lòng phơi phới dậy tương lai”. Họ đã bỏ lại sau lưng tất cả, lên đường cống hiến trí tuệ, sức lực và tuổi thanh xuân cho công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Họ luôn nêu cao tinh thần anh dũng, bất khuất bởi “trái tim có thể ngừng đập nhưng con đường giao thông huyết mạch không thể tắc” và “sống bám cầu, bám đường, chết kiên cường, dũng cảm”... Đó là chân lý sáng ngời về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, trí tuệ Việt Nam và một niềm tin sắt son vào sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc. Sức mạnh hội tụ ngàn năm của dân tộc Việt Nam đã chiến thắng đế quốc Mỹ xâm lược vào ngày 30-4-1975, khi chiếc xe tăng mang số hiệu 390 húc tung cánh cổng dinh Độc Lập buộc Tổng thống Dương Văn Minh đọc tuyên bố đầu hàng quân giải phóng vô điều kiện, thừa nhận sự sụp đổ hoàn toàn của chế độ Mỹ - Ngụy, chấm dứt 30 năm đất nước chia cắt, non sông thu về một mối. Góp phần làm nên chiến công hiển hách trong ngày đại thắng đó có một phần xương máu, khát vọng, niềm tin của bộ đội Trường Sơn.
Hơn 3 thập kỷ sau ngày đất nước thống nhất, huyền thoại Trường Sơn - đường mòn Hồ Chí Minh tiếp tục mang trên mình sứ mệnh lịch sử mới - đường Trường Sơn CNH, HĐH chính thức trở thành một tuyến quốc lộ Bắc - Nam hiện đại, phục vụ cho khát vọng vươn lên của dân tộc trong thời kỳ hội nhập và phát triển; mở ra hướng khai thác mới về tiềm năng kinh tế - xã hội phía Tây của Tổ quốc, phục vụ cho sự phát triển kinh tế đất nước và củng cố an ninh quốc phòng.
Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh mãi mãi là niềm tự hào, niềm kiêu hãnh của dân tộc Việt Nam, là biểu tưởng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng; là huyền thoại của huyền thoại trong trường ca chống Mỹ của dân tộc thế kỷ XX. “Đường Trường Sơn là con đường của sự đoàn kết, con đường mở rộng đến tương lai”, là niềm tin tất thắng của dân tộc Việt Nam trong thời kỳ hội nhập và phát triển. Đường Trường Sơn, tuyến đường Bắc - Nam hôm nay sẽ cùng dân tộc Việt Nam xây dựng một đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như Bác Hồ hằng mong.
Nguyễn Thị Huyền
Học viện Chính trị Hà Đông - Hà Nội