Coi trọng chỉ đạo phòng, chống tội phạm từ cơ sở
Từ năm 1986 đến nay, cùng với những thành tựu của sự nghiệp đổi mới thì đời sống xã hội nước ta cũng có nhiều thay đổi, mặt trái của cơ chế thị trường đã có nhiều tác động tiêu cực đến suy nghĩ và hành động của một bộ phận nhân dân. Sự du nhập và ảnh hưởng của văn hóa phương Tây cùng các trào lưu tư tưởng nước ngoài đã gián tiếp tạo ra lối sống thực dụng, vô cảm, chạy theo các giá trị vật chất tầm thường, điều này thể hiện rõ nhất trong một số thanh thiếu niên. Nếu không được gia đình, xã hội tuyên truyền, giáo dục kịp thời, sống không có niềm tin, thiếu bản lĩnh thì thanh thiếu niên rất dễ sa ngã, sống buông thả, có thể dẫn đến những hành vi phạm tội.

Những năm qua, tội phạm ở nước ta có chiều hướng gia tăng dưới nhiều hình thức như giết người, cướp của, buôn bán phụ nữ, ma túy, mại dâm, có một số băng nhóm giang hồ nổi lên, nạn đầu cơ, bảo kê ngày càng nhiều. Trong lứa tuổi thanh thiếu niên, tình trạng phạm tội đã và đang gây nhiều nhức nhối, một số vụ án do thanh thiếu niên thực hiện với tính chất nghiêm trọng ngày càng tăng. Trong những năm vừa qua, trung bình hằng năm xảy ra trên dưới 10.000 vụ vi phạm pháp luật có liên quan đến thanh thiếu niên, với khoảng 13.000 đối tượng, trong đó có khoảng 68% ở đội tuổi 16-18 tuổi, chủ yếu tập trung vào các đối tượng thanh thiếu niên bỏ học, bỏ nhà, sống lang thang. Bên cạnh đó còn có tội phạm ngoài nước tìm cách lẩn trốn vào nước ta, thực hiện các hành vi phạm tội như lôi kéo, kích động, kinh doanh trá hình, lừa đảo thông qua công nghệ kỹ thuật cao, buôn bán ma túy, hê-rô-in...

Địa bàn dân cư là nơi dễ phát hiện tội phạm nhất, chính quyền cơ sở cùng quần chúng nhân dân chính là bộ phận quan trọng tham gia có hiệu quả vào công tác giữ gìn trật tự ở cơ sở, đấu tranh phòng chống tội phạm. Để góp phần nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống tội phạm và giữ gìn trật tự an toàn xã hội ở cơ sở, xin đề xuất một số giải pháp sau:

Một là, coi trọng vai trò lãnh đạo của các cấp ủy đảng, xác định công tác phòng, chống tội phạm, giữ gìn trật tự an toàn xã hội ở địa phương là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và của toàn dân, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên. Phát huy vai trò lãnh đạo của các cấp ủy đảng, HĐND, UBND, mặt trận Tổ quốc, sự tham gia tích cực của các tổ chức, đoàn thể và toàn dân trong công tác phòng, chống tội phạm, dựa vào tai mắt của nhân dân là chính, lấy dân làm gốc. Tăng cường phối hợp giữa các lực lượng, trong đó ngành công an đóng vai trò nòng cốt, xây dựng quy chế phối hợp, phân công rõ trách nhiệm của từng lực lượng tham gia phòng, chống tội phạm, giữ gìn trật tự an toàn xã hội.

Hai là, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động đến từng người dân thông qua các buổi sinh hoạt, hội họp của từng ban ngành, đoàn thể. Phối hợp xây dựng kế hoạch tuần tra, giám sát trong những dịp lễ, tết và các sự kiện lớn của địa phương. Nêu cao ý thức về phòng chống, tố giác tội phạm của nhân dân, chăm lo, giáo dục con em của địa phương không dính vào các tệ nạn xã hội, đẩy mạnh công tác tuyên truyền học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh… Vận động các tổ chức đoàn thể và nhân dân tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm, chú ý đến các đối tượng từ nơi khác đến địa phương cư trú, nêu cao cảnh giác với các đối tượng khả nghi, các tụ điểm đông người. Thực hiện công tác trinh sát nhanh nhạy, chính xác, phản ánh và báo cáo lên cấp trên kịp thời để có hướng chỉ đạo, giải quyết.

Ba là, quản lý chặt chẽ các đối tượng vi phạm pháp luật của địa phương, vận động gia đình, người thân giáo dục, cảm hóa, giúp đỡ họ. Đặt các thùng thư tố giác tội phạm ở khu dân cư. Thường xuyên chỉ đạo tập trung giải quyết các vấn đề búc xúc, nổi cộm; mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm và tệ nạn xã hội. Phát động quần chúng tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Thường xuyên sơ kết, đánh giá rút kinh nghiệm để đưa ra những giải pháp đúng đắn, phù hợp trong công tác phòng, chống tội phạm, giữ gìn trật tự an toàn xã hội.

Công tác đấu tranh phòng chống tội phạm trong tình hình mới ngày càng khó khăn, ẩn chứa nhiều hiểm nguy. Tuy nhiên, nếu có sự quyết tâm và chỉ đạo sâu sát, kiểm tra kịp thời của cấp uỷ và chính quyền thì công tác phòng ngừa tội phạm sẽ ngày càng hiệu quả, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong phạm vi cả nước nói chung và ở cơ sở nói riêng.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất