Nhà thơ Hải Như (tên thật là Vũ Như Hải), sinh năm 1923, quê ở Bái Dương, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định. Ông thuộc lớp nhà báo đầu tiên của nền báo chí cách mạng Việt Nam, từng làm phóng viên, biên tập viên của các báo Vệ quốc quân, Cứu quốc, Đại đoàn kết; làm Thư ký toà soạn báo Sông Lô, Quân khu 10; Phó tổng Biên tập báo Giác Ngộ. Ông đã có nhiều bài thơ được phổ nhạc thành những bài hát nổi tiếng: Thành phố hoa phượng đỏ, liên khúc “Hoa trong vườn Bác”… Tuy vậy, Hải Như được nhiều thế hệ bạn đọc biết đến với tư cách một nhà thơ. Đặc biệt, điểm sáng khi tìm về thơ Hải Như là những sáng tác về Bác Hồ kính yêu.
Với quan niệm: “Người làm thơ phải ý thức được quyền lực thơ ca và quyền uy thi sĩ… Trước trang giấy nhà thơ không được quên đối tượng cần được thức tỉnh của mình bao gồm cả nhà cầm quyền”, nên viết về Hồ Chí Minh, Hải Như đã đi sâu khám phá, thể hiện một quan điểm sáng tác và một phong cách biểu hiện rất riêng. Làm thơ về Bác Hồ, ông không viết về một vị lãnh tụ, ông viết về nhân cách một con người - người nhất:
Tôi không viết về một nhân vật siêu phàm
Với những câu thơ chải chuốt
Người không cần - và trước hết đó không phải công việc thơ tôi
Tôi viết về một con người
Như mỗi - chúng - ta nhưng lại khác chúng ta.
(Viết về Người)
Hồ Chí Minh là một con người vĩ đại, nhưng cả cuộc đời Người trong sáng, giản dị vô cùng. Cái giản dị đó góp phần làm nên sự vĩ đại của Người. Nhà thơ Hải Như không chỉ dừng lại ở việc miêu tả những rung động trước từng lời nói, cử chỉ của Bác mà vượt lên là sự chiêm nghiệm về những giá trị tốt đẹp của cuộc sống. Với Hải Như, viết về Người không chỉ giúp ông hoàn thiện mình, mà còn để nói lên quan điểm của mình về CON NGƯỜI, về thời đại. Tính dự báo trong thơ Hải Như chính là ở chỗ nhận ra quy luật phát triển của tự nhiên và xã hội - những yếu tố tác động sâu sắc đến cuộc sống của con người. Từ đó, Ông đặt ra những câu hỏi trước đời sống và thời cuộc - những câu hỏi không dễ trả lời. Rồi ông tìm cách trả lời một cách chân thành và giản dị, bằng cách trở về với lòng mình và bằng con mắt nhạy cảm của nhà thơ. Phải vậy chăng mà kể từ bài thơ đầu tiên viết về Bác sau ngày Bác mất, những điều Hải Như muốn nói với cuộc đời, đến nay đã hơn 40 năm vẫn mang tính thời sự.
Đọc thơ Hải Như viết về Bác, bạn đọc soi vào đó và nhận ra mình, soi vào để tự hỏi, tự trả lời. Đó là những lúc Bác trằn trọc canh dài, chỉ đắp chăn đơn sợ mình ấm quá vì thương người khác bị lạnh; là khi Bác đứng để người sau không bị khuất; là chiếc dép lốp cao su Người thường đi, đâu chỉ vì phong cách giản dị mà vì Người thương những đứa trẻ chưa có giày; là việc Bác chọn người lao động giỏi nhất cắt băng khánh thành công trường nhà máy dệt Hà Nội… Những điều đó đang rất có ý nghĩa với chúng ta hôm nay.
Cảm ơn nhà thơ đã cho độc giả có những rung động thật đặc biệt khi nghĩ về Bác, để mỗi lần đọc thơ Hải Như mỗi chúng ta nhận diện được mình, tự vấn lương tâm, thanh lọc mình trên bước đường hướng tới giá trị CHÂN - THIỆN - MỸ; để tránh được “cơ tâm” và trở lại với “chân thân”. Và, bạn đọc khó có thể tin nhà thơ có những bài thơ rất thật về Bác ấy lại chưa một lần được gặp Bác! Song, như nhà thơ khẳng định: Ông đã gặp Bác - “Gặp” không chỉ là tiếp xúc mà “gặp” tính nhân văn, yêu hoà bình, yêu nước của Bác Hồ.
Một lối đi riêng
Chúng ta thích đón đưa
Bác Hồ không thích
Đến thăm chúng ta Bác Hồ thường “đột kích”
Chữ “đột kích” vui này Người nói lại cùng ta
Và đường quen thuộc Bác chẳng đi đâu
Đường quen thuộc thường xa
Bác hiện đến bằng lối tự tìm ra:
Ngắn nhất
Bác không muốn giẫm lên mọi đường mòn có sẵn
Khi đích đã nhắm rồi
Người luôn luôn tạo cho mình:
Một lối đi riêng.
(01-1970)
Người sau không bị khuất
Bác Hồ đứng
Người sau không bị khuất
Ta đứng (thường quên)
Che lấp…
Bạn mình!
(10-1970)
Cần có những phút buồn
Khác với chúng ta
Bác Hồ đắp chăn đơn - không muốn mình ấm quá
Người trằn trọc canh dài
Vì tiếng trẻ rao đêm
Khi còn những bất công (chưa dễ dàng ta xoá)
Cần có những phút buồn
Nâng chúng ta lên
(1970)
Áo thuở hàn vi
Khi tiếp khách người thân
Bác vẫn khoác chiếc áo bông sờn
Hai vai áo này đây hai mụn vá
Đâu phải chỉ thương dân còn vất vả
Ta hiểu Người muốn ngụ ý sâu xa
(Bác Hồ thường không nghĩ hộ cho ta)
Người gợi ý. Ta tự tìm chân lý
Áo thuở hàn vi
Bác Hồ vẫn quý
Nhiều chúng ta lãng phí cả… con người.
(5-1971)
Đâu chỉ vì giản dị
Bác Hồ đi dép lốp cao su
Đâu chỉ vì giản dị
Mà vì lẽ cao hơn
Ta lười nghĩ chẳng tìm thêm
Khi trái đất này còn những trẻ em
Chưa có đủ giày đi
Người không sao sống khác
(1970)
Không đáng sợ kẻ thù trước mặt
Ta hãy tự trả lời ta - Bạn hỡi
Khi ta vui
Và cả lúc ta buồn
Tâm hồn ta có trong sáng đẹp hơn
Trước phút đi xa Bác Hồ căn dặn
Không đáng sợ kẻ thù trước mặt
Sợ nhất
Kẻ thù ẩn náu trong ta!
(1970)
Trong phòng nhỏ mình ta
Ta không muốn chỉ ngắm hoài bức ảnh
Bác Hồ cười trán chẳng rõ nếp nhăn
Trong phòng nhỏ mình ta
Rất nhiều lúc ta cần
Được thấy Bác nghiêm nhìn ta - tư lự
Và được thấy cả lúc Người giận chứ!
Lặng lẽ ngoảnh đi…
(Ta tự hiểu với mình).
(9-1971)
Ngài Quách
Người tù bị nhốt lao làm thơ - rung động chân thành
Ngợi ca người coi ngục
Mỗi lần đọc bài thơ “Ngài Quách” trong Nhật ký trong tù
Ta lại tự hỏi thêm:
Có phải Bác Hồ muốn giúp ta định nghĩa rõ hơn
Thế nào là người cộng sản?
Người biết chắt chiu từng giọt người trong xã hội còn đêm
Người tin vào bản chất người không một ai muốn xấu
Người không cho là đã nhuốm bùn rồi thì hết nảy những mầm sen
(9-1978)
Đỏ mặt
Đứng trước khó khăn
Bác Hồ dặn ta cười
Và do đó mà ta biết khóc
Khi nghĩ xấu
Ta không còn… đỏ mặt
Ấy là khi ta bỏ mất ta rồi!
(1970)
Trên hè phố mai đây
Trên hè phố chúng ta mai đây
Nếu còn một trẻ nhỏ bị còng tay
Vì lẽ này lẽ nọ
Thì em ơi - đừng sợ
Phải nói thật với mình:
Lỗi đó ở em
Lỗi đó ở anh
Bác Hồ dạy chúng ta điều trước tiên
Nhận lỗi.
(Tháng 5-1972).
Phạm Giang