Vĩnh Phúc: Một năm nhiều khởi sắc


Đô thị Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc hiện đại, văn minh. Ảnh: Trà Hương.

Chủ trương đổi mới

Tỉnh uỷ xác định rõ, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, đổi mới từ tư duy đến hành động là điều kiện tiên quyết để lãnh đạo thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ. Bởi vậy, việc ban hành các chủ trương, nghị quyết của Tỉnh uỷ và các cấp uỷ trực thuộc ngày càng bám sát thực tiễn, phát huy dân chủ. Tỉnh uỷ cũng phân công nhiệm vụ rõ ràng, minh bạch cho các đồng chí trong cấp uỷ, không buông lỏng, coi nhẹ nhưng cũng không bao biện, làm thay.

Thực hiện nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhất là triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, các khâu đột phá chiến lược, các cấp ủy từ tỉnh đến cơ sở đã xây dựng chương trình hành động, ban hành các nghị quyết, quy định, kết luận để triển khai thực hiện. Đồng thời kiện toàn chức danh lãnh đạo trong các tổ chức của hệ thống chính trị; sửa đổi để ban hành Quy chế làm việc của BCH Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ và Thường trực Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2020-2025; nghiên cứu, sửa đổi để ban hành các quy định về công tác tổ chức cán bộ; xây dựng các nghị quyết của Tỉnh ủy, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp, về nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên giai đoạn 2021-2025; các đề án về công tác đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển cán bộ; quy định thí điểm giao nhiệm vụ và đánh giá cán bộ bằng sản phẩm... Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu các cấp được phát huy. Công tác tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước được đẩy mạnh. Phong cách, lề lối làm việc của nhiều cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên được đổi mới theo hướng bám sát thực tiễn, sâu sát cơ sở. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thành lập các đoàn kiểm tra việc tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện các nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, chấn chỉnh những nơi thực hiện chưa tốt, đồng thời phổ biến, nhân rộng những cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả.

Tỉnh uỷ đã chỉ đạo có các giải pháp tháo gỡ khó khăn, khai thông các điểm nghẽn trong phát triển kinh tế - xã hội, nhất là những tác động và ảnh hưởng nặng nề do tình hình dịch Covid-19 (đã phê duyệt 31 đề án tập trung tháo gỡ điểm nghẽn, khơi thông các nguồn lực, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước của 22 sở, ngành và 9 huyện, thành phố); ban hành các cơ chế, chính sách quan trọng về đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội, an sinh xã hội, bảo vệ chăm sóc sức khỏe Nhân dân và phòng, chống dịch Covid-19.

Kinh tế - xã hội khởi sắc

Với nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân trong tỉnh, tình hình kinh tế - xã hội của Vĩnh Phúc năm 2021 đạt được nhiều kết quả quan trọng. 18/19 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu, kế hoạch đề ra (trong đó duy nhất mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt 7,36% không đạt theo kế hoạch đề ra là 8,5-9%, nhưng vượt mục tiêu so với dự kiến các phương án kịch bản phòng, chống dịch Covid-19); các lĩnh vực văn hóa xã hội được duy trì, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.

Tổng sản phẩm trên địa bàn (theo giá so sánh 2010) ước cả năm đạt 86,03 nghìn tỷ đồng, tăng 8,02% so với năm 2020 (năm 2020 tăng 2,79%), là tỉnh có tăng trưởng cao thứ 9 toàn quốc (dự báo tăng trưởng kinh tế của cả nước đạt dưới 2%). Quy mô GRDP (theo giá hiện hành) dự kiến đạt 136,1 nghìn tỷ đồng, tăng 12,6 nghìn tỷ đồng, tương đương tăng 9,35% so với năm 2020, đưa giá trị GRDP bình quân đầu người lên 10,2% so với năm 2020, đưa giá trị GRDP bình quân đầu người lên 114,2 triệu đồng/người (tăng 8,7 triệu đồng/người so với năm 2020).

Năm 2021, thu hút đầu tư của Vĩnh Phúc đạt những kết quả rất tích cực, dự kiến thu hút được 57 dự án FDI với tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng vốn đạt trên 1,015 tỷ USD, bằng 253,75% kế hoạch, tăng 50% so với cùng kỳ năm 2020. Dự kiến năm 2021, tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh đạt 32.094 tỷ đồng, đạt 104,55% dự toán.

Nông nghiệp của tỉnh tiếp tục phát triển, nông sản chủ yếu của tỉnh năng suất, sản lượng tăng so với cùng kỳ, là năm được mùa nhất từ trước đến nay, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực trên địa bàn tỉnh và đảm bảo cung ứng cho các địa phương lân cận, đặc biệt là TP. Hà Nội.

Vĩnh Phúc cũng đạt nhiều thành tựu trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM). Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” đã được triển khai sâu rộng, hướng về khu dân cư, huy động tiềm năng, sức sáng tạo, tinh thần tự nguyện tham gia của nhân dân. Với hàng trăm mô hình hay, sáng tạo của mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp đã mang lại hiệu quả thiết thực trong việc phát huy tinh thần đoàn kết, giúp nhau phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, góp phần hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới. Dự kiến đến 31-12-2021 toàn tỉnh có 11 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 36 thôn đạt chuẩn NTM kiểu mẫu (đạt kế hoạch đề ra); 1 huyện được thẩm định, xét công nhận đạt chuẩn NTM (huyện Vĩnh Tường); 2 huyện hoàn thành điều kiện, tiêu chí xét công nhận huyện đạt chuẩn NTM (huyện Tam Dương và Tam Đảo).

Những con số “biết nói” đã minh chứng cho những cố gắng, nỗ lực của Đảng bộ và Nhân dân Vĩnh Phúc thời gian qua. Dù dịch bệnh Covid-19 gây ra không ít trở ngại, dù khó khăn thách thức vẫn còn trước mắt, nhưng với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của cấp uỷ, sự đoàn kết đồng lòng của cán bộ, đảng viên, Nhân dân, Vĩnh Phúc sẽ tiếp tục vươn lên, phát triển lên tầm cao mới.    

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất