Vĩnh Phúc: Chọn đúng khâu đột phá – nền tảng thực hiện hiệu quả nghị quyết của Đảng


Hạ tầng đô thị ngày càng đồng bộ, hiện đại ở TP. Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: TL.

Cụ thể hóa nghị quyết

Theo đồng chí Hoàng Thị Thúy Lan, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc cho biết: Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã được tỉnh Vĩnh Phúc triển khai học tập, quán triệt nghiêm túc đến các cấp ủy, tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên trong Đảng bộ tỉnh. 12 định hướng phát triển, 6 nhiệm vụ trọng tâm và 3 khâu đột phá chiến lược của Nghị quyết đã được cụ thể hóa bằng những chương trình, đề án, kế hoạch để thực hiện. Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy xây dựng Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết với 6 nhóm nhiệm vụ; 100% các đồng chí tỉnh ủy viên xây dựng chương trình hành động của cá nhân để cụ thể hóa Nghị quyết; thể chế hóa bằng 3 nghị quyết, 4 đề án, 2 quy định, đồng thời thí điểm giao nhiệm vụ và đánh giá cán bộ, người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị bằng sản phẩm.

HĐND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành 51 nghị quyết, trong đó có 1 nghị quyết về cơ chế đặc thù tạo đột phá về phát triển nguồn nhân lực. UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình hành động của BCH Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII với 25 chỉ tiêu kinh tế - xã hội, 110 danh mục các cơ chế, chính sách thực hiện các khâu đột phá, 127 dự án đầu tư công trọng điểm tạo động lực cho phát triển các ngành, lĩnh vực; 31 đề án tháo gỡ điểm nghẽn, khơi thông các nguồn lực, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước của các sở, ngành, các huyện, thành phố trên địa bàn.

Đặc biệt Vĩnh Phúc đã triển khai thực hiện các đột phá chiến lược một cách hiệu quả. Trước hết là đột phá về thể chế, từ đó tháo gỡ nhiều điểm nghẽn giúp cho việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đạt kết quả tốt hơn. Cùng với đó là đột phá về phát triển nguồn nhân lực được thể hiện rõ nét qua nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ trước và được yêu cầu cao hơn trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025. Tỉnh đã ban hành và thực hiện nhiều nghị quyết, đề án, chương trình hành động nhằm cụ thể hóa mục tiêu này. Thực hiện đột phá về cơ sở hạ tầng, nhiều dự án xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, công nghiệp, du lịch, văn hoá đã và đang được Vĩnh Phúc triển khai nhằm đóng góp quan trọng vào sự phát triển của tỉnh và các tỉnh lân cận. Đặc biệt hạ tầng viễn thông cũng được đầu tư phát triển theo hướng hiện đại, an toàn, có độ bao phủ rộng và tốc độ cao, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, tạo nền tảng cho việc xây dựng nền kinh tế số, xã hội số, chính phủ số.

Bên cạnh đó, Tỉnh ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các quy định, kết luận, nghị quyết về xây dựng Đảng và phát triển kinh tế - xã hội như: Kết luận 14-KL/TW, ngày 22-9-2021 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo; Nghị quyết số 10-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường; Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 12 của BCH Đảng bộ tỉnh về nâng cao thu nhập và phúc lợi của người dân Vĩnh Phúc đến năm 2025, định hướng đến năm 2030…

Bằng giải pháp cụ thể hóa các chủ trương, nghị quyết của Đảng để đưa vào thực hiện trong thực tiễn đã góp phần quan trọng để Đảng bộ tỉnh thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của địa phương thời gian qua.

Khâu đột phá “then chốt”

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 nêu rõ: “Đặc biệt coi trọng công tác cán bộ, xác định đây là một khâu đột phá” và “Đột phá trong công tác cán bộ và tổ chức bộ máy, trước hết là đổi mới trong công tác đánh giá cán bộ bằng “sản phẩm”, coi kết quả đánh giá cán bộ là tiêu chí quan trọng nhất để thực hiện quy hoạch, điều động, bổ nhiệm”. Bởi vậy, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã xây dựng cơ chế, chế tài trong nhận xét, đánh giá cán bộ bằng việc giao chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị. Theo đó, mỗi cơ quan, đơn vị sẽ xây dựng chương trình hành động, giao nhiệm vụ cụ thể cho mỗi cán bộ, đảng viên nhằm tạo bước đột phá trong công tác cán bộ và tổ chức bộ máy; trước hết là đổi mới trong công tác đánh giá cán bộ theo hướng xuyên suốt, liên tục, đa chiều, theo tiêu chí, bằng sản phẩm cụ thể, có sự so sánh giữa các vị trí tương đương và công khai kết quả. Từ đó làm cơ sở quan trọng để tỉnh thực hiện quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, điều động, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật và các chế độ, chính sách đối với cán bộ, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

Tỉnh ủy xác định công tác quy hoạch cán bộ là nền tảng, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ vừa là yêu cầu trước mắt, vừa là nhiệm vụ lâu dài. Bởi vậy tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp trong quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ. Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Đề án thực hiện khâu đột phá trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2025, trong đó tập trung vào đào tạo cán bộ nguồn, cán bộ xã, phường, thị trấn; bồi dưỡng nâng cao năng lực lãnh đạo, quản trị, chính sách phát triển và một số chuyên ngành yêu cầu chuyên sâu như y tế, giáo dục, công nghệ thông tin, khả năng làm việc trong môi trường quốc tế.

HĐND tỉnh Vĩnh Phúc (khóa XVII) đã ban hành nghị quyết về một số chính sách đặc thù xây dựng đội ngũ trí thức và thu hút, trọng dụng người có tài năng tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2025. Ảnh: TL.

Để đẩy mạnh việc thu hút, trọng dụng nhân tài, ngày 3-8-2021, HĐND tỉnh khóa XVII ban hành Nghị quyết số 06 về một số chính sách đặc thù xây dựng đội ngũ trí thức và thu hút, trọng dụng người có tài năng tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2025. Với trọng tâm là hình thành đội ngũ chuyên gia giỏi của tỉnh trong hầu hết các lĩnh vực, chính sách này của Vĩnh Phúc sẽ tạo bước đột phá trong thu hút nhân tài, chuyên gia giỏi góp phần xây dựng, tạo nguồn cán bộ chất lượng phục vụ lâu dài cho sự nghiệp phát triển của tỉnh.

Thực hiện tốt “mục tiêu kép”

Cụ thể hóa các chủ trương, nghị quyết của Đảng, lựa chọn đúng các khâu đột phá, nhất là đột phá về công tác cán bộ đã tạo nền tảng để Vĩnh Phúc thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị của địa phương, là điển hình của cả nước về thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua.

Đầu tháng 5-2021, dịch Covid-19 bùng phát trở lại trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. Thích ứng ngay với tình hình mới, tỉnh ủy đã chỉ đạo nâng cấp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 với sự vào cuộc của cấp ủy các cấp, phân công nhiệm vụ rõ ràng cho các cơ quan, đơn vị, cá nhân; kịp thời có các giải pháp cấp bách (ngay trong đêm) để phòng, chống dịch bệnh. Với sự tham gia trực tiếp của các đồng chí trong cấp ủy, công tác phòng, chống dịch bệnh sát sao, kịp thời hơn. Các biện pháp phòng, chống dịch và dập dịch với trọng tâm bảo vệ sức khỏe và tính mạng người dân, lấy nhân dân là trung tâm của thành quả phát triển kinh tế - xã hội được các cấp, ngành triển khai bài bản. HĐND tỉnh ban hành các nghị quyết hỗ trợ phòng chống dịch Covid-19, đồng thời tăng cường chỉ đạo tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, hạn chế tối đa tình trạng doanh nghiệp dừng sản xuất, công nhân mất việc làm, tháo gỡ khó khăn cho chuyên gia, cán bộ quản lý và người lao động được ở lại tỉnh; tăng cường chỉ đạo tạo điều kiện thuận lợi duy trì hoạt động sản xuất - kinh doanh…


Trong phòng, chống dịch Covid-19, tỉnh Vĩnh Phúc chỉ đạo tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hạn chế tối đa tình trạng doanh nghiệp dừng sản xuất, công nhân mất việc làm. Ảnh: TL.

Bằng nhiều giải pháp đồng bộ, tỉnh Vĩnh Phúc đã vượt qua những khó khăn bởi dịch bệnh Covid-19, hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng kinh tế. 6 tháng đầu năm 2021, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 14,21%, cao thứ 3 toàn quốc và cao nhất trong 10 năm trở lại đây. 9 tháng năm 2021, tăng trưởng của tỉnh đạt 9,62% so với cùng kỳ, là mức tăng cao đứng thứ 3 vùng Đồng bằng sông Hồng và thứ 4 cả nước, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng chung của cả nước. Tổng thu ngân sách trên địa bàn đến ngày 31-10-2021 đạt 27.694 tỷ đồng, đạt 90% dự toán, trong đó, thu nội địa đạt 23.538 tỷ đồng, đạt 87% dự toán.

Cùng với thành tựu về kinh tế, các lĩnh vực văn hóa - xã hội của tỉnh được các cấp ủy, chính quyền quan tâm. Chính sách an sinh được đảm bảo, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn dưới 1% (không có hộ nghèo là gia đình người có công). Lĩnh vực giáo dục được đặc biệt chú trọng; quốc phòng - an ninh được giữ vững…

Những kết quả tích cực đã củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, tạo nền tảng vững chắc để Đảng bộ Vĩnh Phúc tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng trong thời gian tới.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất