Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan tặng quà cho các cháu thiếu nhi tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: TTXVN.
Nâng cao chất lượng cuộc sống Nhân dân, nhất là công tác giải quyết việc làm, giảm nghèo được Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc đặc biệt quan tâm ngay từ những năm đầu tái lập tỉnh (từ 1997). Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã có những chủ trương, ban hành nhiều cơ chế, chính sách thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển theo hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, dịch vụ; giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp; có chính sách hỗ trợ người dân chuyển đổi nghề nghiệp, có việc làm, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững. Tỉnh uỷ xây dựng nghị quyết về việc thực hiện chương trình xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm, đưa công tác này trở thành nhiệm vụ chính trị trọng tâm của cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở.
Nhờ huy động tốt các nguồn lực, tỷ lệ hộ nghèo ở Vĩnh Phúc giảm nhanh, đời sống của nhân dân trong tỉnh từng bước được nâng cao. Năm 2005, Vĩnh Phúc có hơn 18% số hộ nghèo theo tiêu chí mới (6% theo tiêu chí cũ). Đến cuối năm 2020, số hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016-2020 giảm còn 3.465 hộ, tỷ lệ 0,98%; cận nghèo còn 6.628 hộ, tỷ lệ 1,88%. Dự kiến đến hết năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 0,43%. Từ năm 2015, toàn tỉnh không còn xã nghèo (xã có tỷ lệ hộ nghèo lớn hơn 25%), không còn hộ nghèo là đối tượng chính sách, người có công; 100% địa phương không còn nhà tạm hoặc dột nát.
Công tác giải quyết việc làm trên toàn tỉnh cũng đạt được thành tựu đáng khích lệ. Tính riêng giai đoạn 2016-2020, Vĩnh Phúc đã giải quyết việc làm mới cho trên 100 nghìn lao động. Bình quân mỗi năm, tỉnh giải quyết việc làm cho 24.000 lượt người, là cơ sở để tỉnh thực hiện giảm nghèo bền vững.
Công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân được đặc biệt quan tâm. Mạng lưới y tế cơ sở không ngừng được củng cố và hoàn thiện; 100% trạm y tế xã đạt chuẩn; nhiều thiết bị y tế hiện đại được trang bị, chất lượng khám, chữa bệnh được nâng lên; công tác y tế cộng đồng, y tế dự phòng, vệ sinh, an toàn thực phẩm được thực hiện tốt; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đến nay đạt 93%. Đến nay, 100% gia đình người có công đều đạt mức sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình của dân cư cùng địa bàn.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách, người có công với cách mạng trên địa bàn TP. Phúc Yên. Ảnh: Dương Chung.
Để tiếp tục duy trì hiệu quả của công tác an sinh xã hội, năm 2019, Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc ban hành Chị thị số 33-CT/TU về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác an sinh xã hội trên địa bàn. Theo đó, chính sách an sinh xã hội được tỉnh triển khai đồng bộ trên cả 3 mặt: Giúp các đối tượng thụ hưởng tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ công cộng (y tế, giáo dục, dạy nghề...); hỗ trợ sản xuất thông qua các chính sách hỗ trợ vay vốn ưu đãi, hỗ trợ lãi suất, bảo đảm việc làm...; phát triển cơ sở hạ tầng cho các địa phương. Thực hiện Chỉ thị của Tỉnh uỷ, các cấp ủy đảng, các sở, ngành, địa phương đã tích cực triển khai nhiều hoạt động thiết thực, góp phần ổn định xã hội, đảm bảo đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Nhiều chương trình trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, xóa đói, giảm nghèo, đào tạo lao động và tạo việc làm mới, cứu trợ xã hội, quan tâm tới các đối tượng yếu thế, cải thiện mức sống và điều kiện sống cho dân cư, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng khu vực nông thôn... đã mang lại hiệu quả rõ rệt.
Mặc dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng HĐND, UBND tỉnh vẫn luôn ưu tiên nguồn lực cho các chính sách và chương trình giảm nghèo, tập trung cho khu vực nông thôn và vùng dân tộc thiểu số, mở rộng các chính sách hỗ trợ đối tượng cận nghèo và mới thoát nghèo. Chính sách về dạy nghề của tỉnh thực hiện linh hoạt cho nhiều đối tượng và nhiều trình độ như bồi dưỡng nâng cao kiến thức, truyền nghề, dạy sơ cấp nghề, trung cấp nghề, cao đẳng. Nhờ đó, nhiều lao động được tham gia học nghề, bồi dưỡng nâng cao kiến thức, cập nhật kiến thức khoa học hiện đại, góp phần nâng cao năng suất lao động, nâng cao thu nhập, góp phần giảm nghèo bền vững; đời sống của người lao động được nâng cao, chất lượng cuộc sống được cải thiện.
Hệ thống bảo hiểm xã hội được quan tâm phát triển với nội dung và hình thức ngày càng phong phú, nhằm chia sẻ rủi ro và trợ giúp thiết thực cho những người tham gia. Số người tham gia bảo hiểm bắt buộc tăng nhanh mỗi năm, chính sách bảo hiểm y tế đối cho trẻ em dưới 6 tuổi, một số đối tượng chính sách, người nghèo và hỗ trợ bảo hiểm y tế cho các hộ cận nghèo… luôn được triển khai đầy đủ, kịp thời. Qua đó, góp phần tạo sự bình đẳng giữa người lao động làm việc trong các thành phần kinh tế, khuyến khích người lao động tự giác thực hiện nghĩa vụ và quyền lợi bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế, tạo sự an tâm, lòng tin và sự công bằng cho người lao động.
Hệ thống chính sách, các chương trình, đề án về chăm sóc, trợ giúp các đối tượng yếu thế tiếp tục được ban hành thực hiện, tạo điều kiện cho các đối tượng yếu thế tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Công tác chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, hộ nghèo... được các địa phương đưa vào nghị quyết của các cấp ủy đảng, HĐND các cấp để giúp các đối tượng được chăm sóc tốt hơn.
Tỉnh đã ban hành chính sách bảo trợ xã hội cụ thể phù hợp với điều kiện đặc thù của tỉnh, qua đó, các đối tượng bảo trợ xã hội ngoài cộng đồng của tỉnh đã được quan tâm chăm sóc thụ hưởng chế độ cao hơn 1,42 lần với mặt bằng chung chính sách do Trung ương ban hành.
Hệ thống các thiết chế văn hóa, thể thao, khu vui chơi giải trí dành cho mọi tầng lớp nhân dân, trong đó có trẻ em cơ bản được đầu tư, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, vui chơi, giải trí nâng cao sức khỏe, tinh thần của nhân dân. Công tác xây dựng gia đình văn hóa, thôn, làng, văn hóa ngày càng được chú trọng nâng cao chất lượng, gia đình ngày được quan tâm, củng cố, tình hình bạo lực gia đình, bạo lực, xâm hại trẻ em ngày càng giảm, tỷ lệ gia đình văn hóa ngày càng tăng.
Nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân trên địa bàn tỉnh, ngày 12-3-2020, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XVI) đã ban hành Nghị quyết số 12-NQ/TU về nâng cao thu nhập và phúc lợi của người dân Vĩnh Phúc đến năm 2025, định hướng đến 2030 với mục tiêu tổng quát: Tiếp tục cải thiện đời sống vật chất, tinh thần, nâng cao thu nhập và phúc lợi cho người dân trong tỉnh. Tập trung phát triển sản xuất, trọng tâm là phát triển công nghiệp - dịch vụ, nâng cao thu nhập của nhân dân thông qua giải quyết việc làm, nâng cao năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả sức cạnh tranh, tạo môi trường đầu tư, sản xuất, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi.
Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc xác định bảo đảm an sinh xã hội là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng, là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, song đồng thời phải phát huy vai trò và trách nhiệm của cá nhân, hộ gia đình, người lao động, doanh nghiệp và cộng đồng trong việc bảo đảm an sinh xã hội theo tinh thần xã hội hóa, tạo điều kiện để người dân nâng cao khả năng tự bảo đảm các điều kiện sống của chính mình.
Chủ trương đó của Tỉnh uỷ đã được cụ thể hoá bằng các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để các cấp uỷ đảng lãnh đạo thực hiện trong thời gian tới. Với mục tiêu nhất quán, xuyên suốt là “Cải thiện, nâng cao đời sống nhân dân, tăng phúc lợi xã hội, an sinh xã hội và không để bất kỳ ai bị bỏ lại phía sau”, tin rằng, chủ trương, nghị quyết của cấp uỷ Đảng sẽ phát huy hiệu quả trong thực tiễn, để cuộc sống của người dân trong tỉnh ngày càng được nâng cao, tạo động lực cho phát triển bền vững.
Phan Nam