Vĩnh Phúc vươn mình trong gian khó


Vĩnh Phúc triển khai tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ 12-17 tuổi, tiến tới tạo miễn dịch cộng đồng. Ảnh: Đức Chung.

Kỳ I: Linh hoạt ứng phó với Covid-19 ngay từ những ngày đầu

Không phải đến khi Nghị quyết 128 của Chính phủ ra đời, Vĩnh Phúc mới áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch linh hoạt nhằm duy trì tốt hoạt động sản xuất - kinh doanh, mà ngay từ những ngày đầu, khi các ca mắc Covid-19 đầu tiên xuất hiện tại xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh đã có những bước đi đúng đắn trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống dịch, đem lại hiệu quả cao, đưa Vĩnh Phúc trở thành điểm sáng của cả nước về phòng, chống dịch và phát triển kinh tế.

Từ những quyết định có phần táo bạo như cách ly xã hội toàn xã Sơn Lôi - điều chưa từng có trong tiền lệ, để lại dấu ấn trong cuộc chiến với dịch Covid-19, Tỉnh ủy, UBND tỉnh luôn có những động thái đi trước đón đầu, đưa ra những quyết sách tiên phong, tạo sự đồng thuận trong nhân dân, phát huy được sức mạnh tổng lực, đẩy lùi dịch bệnh.

Còn nhớ, thời điểm cuối tháng 4-2021, dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát, với các ca mắc liên quan đến biến chủng Delta từ chuyên gia người Trung Quốc tại TP. Phúc Yên, nơi được coi là đầu tàu kinh tế của tỉnh. Với cấp độ dịch diễn biến đặc biệt phức tạp, cả thành phố đứng trước nguy cơ phải phong tỏa trên diện rộng để phục vụ công tác chống dịch. Tuy nhiên, để duy trì hoạt động sản xuất - kinh doanh cho các doanh nghiệp có nguồn thu ngân sách lớn, lãnh đạo tỉnh đã linh hoạt thay đổi phạm vi phong tỏa từ toàn thành phố sang thu gọn ở cấp phường.

Nhận định dịch bệnh có nguy cơ cao xâm nhập vào các khu công nghiệp, chiến dịch tầm soát vi rút SARS-CoV-2 quy mô lớn chưa từng có tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp được khởi động nhằm đảm bảo duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp được an toàn và không bị đứt gãy.

Trong thời gian ngắn, với sự chung tay của toàn xã hội, nhất là các phòng khám, bệnh viện tư nhân, tỉnh đã thần tốc cải thiện năng lực xét nghiệm vi rút SARS-CoV-2 lên hàng chục nghìn mẫu/ngày. Nhờ đó, chỉ trong vòng 7 ngày (từ 13 - 20-5), gần 330 doanh nghiệp trong các khu công nghiệp trên địa bàn, với gần 100.000 công nhân đã hoàn thành việc xét nghiệm sàng lọc vi rút SARS- CoV-2 và 100% có kết quả âm tính với Covid-19, đảm bảo an toàn cho hoạt động sản xuất.

Điều đáng nói là, chỉ một thời gian ngắn sau đó, dịch Covid-19 đã tấn công vào các khu công nghiệp tại các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, khiến nhiều doanh nghiệp bị đình trệ sản xuất, gây thiệt hại lớn về kinh tế, từ đó, cho thấy các biện pháp phòng, chống dịch của tỉnh rất chính xác và kịp thời. Sau mỗi trận chiến, Vĩnh Phúc lại có thêm những kinh nghiệm quý giá để ứng phó với đại dịch.

Khi dịch bệnh tại các tỉnh phía Nam diễn biến khó lường, các ca mắc mới trong cộng đồng tăng nhanh với tốc độ chóng mặt, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã sớm tiên lượng sẽ có một bộ phận lớn lao động là người dân Vĩnh Phúc đang lao động và học tập ở các tỉnh, thành phía Nam trở về quê để tránh dịch.

Nếu không có sự chuẩn bị chu đáo về cơ sở vật chất, phương án cách ly, đưa đón người dân sẽ dẫn tới nguy cơ dịch bệnh lây lan, diễn biến hức tạp, khó lường. Với sự chủ động, tỉnh đã sớm chỉ đạo các địa phương triển khai kế hoạch tuyên truyền đến các gia đình có người thân ở các tỉnh, thành phía Nam. Theo đó, tỉnh sẵn sàng tiếp đón công dân trở về nếu thực hiện đúng quy trình phòng, chống dịch.

Được các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tiếp sức, từ ngày 22-7, Vĩnh Phúc đã tổ chức nhiều đợt đón công dân từ các tỉnh, thành phía Nam, nhằm giảm tải áp lực cho các địa phương có nhiều ca mắc Covid-19. Đến nay, hơn 20.000 công dân Vĩnh Phúc từ các tỉnh, thành phía Nam đã về quê an toàn. Khơi dậy tinh thần đoàn kết, đại đoàn kết trong cộng đồng dân cư, cộng đồng doanh nghiệp.

Các kế hoạch, văn bản chỉ đạo về phòng, chống dịch của tỉnh luôn rất kịp thời và phù hợp với tình hình thực tế, được người dân, doanh nghiệp đồng tình ủng hộ, nhanh chóng triển khai có hiệu quả. Ý thức phòng, chống dịch của từng người dân, từng doanh nghiệp được nâng lên, biến mỗi xóm làng, khu dân cư, nhà máy thành những “pháo đài xanh” chống lại dịch Covid-19.

Tại các thôn, tổ dân phố, từ thanh niên đến người già, đội ngũ y, bác sĩ, bộ đội, công an đều trong tâm thế sẵn sàng, nhiều cán bộ dù đã về hưu nhưng vẫn tình nguyện tham gia chống dịch.

Công tác chống dịch tại Vĩnh Phúc luôn chủ động về mọi mặt. Bởi dịch bệnh có phát sinh ở bất cứ nơi đâu trong cộng đồng thì mọi tầng lớp nhân dân đều đoàn kết một lòng, sẵn sàng tham gia chống dịch với sự bình tĩnh và chủ động trong mọi hoàn cảnh.

Những chính sách hỗ trợ kịp thời cho người dân xã Sơn Lôi trong thời gian cách ly y tế tập trung trong cuộc chiến với dịch bệnh được HĐND tỉnh thông qua trong thời gian ngắn, tạo niềm tin vững chắc cho lực lượng tuyến đầu và mọi tầng lớp nhân dân yên tâm chống dịch.

Tỉnh nỗ lực thực hiện tiêm chủng, tận dụng mọi nguồn lực tiếp cận vắc-xin phòng Covid-19 trên nguyên tắc đảm bảo sự công bằng, khách quan, đúng thứ tự ưu tiên được toàn dân ủng hộ, phối hợp nhịp nhàng.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã tiêm hơn 1,3 triệu liều vắc-xin phòng Covid-19, cơ bản đạt độ bao phủ cho người trên 18 tuổi trở lên. Tỉnh đang tích cực triển khai tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi, qua đó thể hiện sự nỗ lực tạo miễn dịch cộng đồng, sớm đưa Vĩnh Phúc trở thành "vùng xanh" an toàn với Covid-19.

Vĩnh Phúc luôn cố gắng tiếp sức cho các địa phương trong cả nước chống lại Covid-19, mở rộng "vùng xanh" tạo thuận lợi cho kinh tế phát triển thông qua việc cử nhiều đoàn cán bộ, y, bác sĩ chi viện cho các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh.

Trong cuộc chiến chống “kẻ thù vô hình”, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh và sự đồng lòng, chung sức của cả hệ thống chính trị, của toàn Đảng, toàn dân, Vĩnh Phúc đã thực hiện thắng lợi "mục tiêu kép", đem lại môi trường kinh doanh an toàn cho doanh nghiệp và cuộc sống bình yên cho người dân.

(Còn nữa...)


Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất