Để sinh viên chủ động, tích cực tham gia bảo hiểm y tế

Việc tăng cường các hình thức thông tin, tuyên truyền chính sách, pháp luật BHXH, BHYT đến học sinh, sinh viên sẽ góp phần nâng cao nhận thức và sự chủ động của các em trong việc tham gia các chính sách…

Nâng cao sự chủ động của sinh viên

Trong những năm qua, chính sách BHYT ngày càng khẳng định vai trò quan trọng đối với công tác y tế trường học nói riêng và công tác chăm sóc bảo vệ sức khỏe học sinh, sinh viên (HSSV) nói chung. Công tác BHYT HSSV đạt được nhiều kết quả tích cực: Nếu năm học 2010-2011, toàn quốc mới chỉ có gần 70% số HSSV tham gia BHYT, năm học 2012-2013 có khoảng 85%, thì đến hết năm 2016, tỷ lệ HSSV tham gia BHYT đã đạt 92,5% với khoảng 15,9 triệu HSSV. Trong đó, số HSSV tham gia tại trường là 13,1 triệu, tham gia theo các nhóm đối tượng khác như người nghèo, cận nghèo, hộ gia đình… là hơn 2,8 triệu.

Nhiều địa phương đã trở thành điểm sáng trong cả nước khi có số HSSV tham gia với tỷ lệ cao hơn 90%. Như, Hải Dương, Thái Bình nhiều năm liền có 100% số HSSV tham gia BHYT; Hải Phòng, Đà Nẵng tỷ lệ này luôn đạt hơn 95%; hai thành phố lớn, tập trung nhóm HSSV đông nhất cả nước là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cũng luôn đạt xấp xỉ 90%...

Theo thống kê từ cơ quan BHXH, hằng năm có hàng triệu lượt HSSV được quỹ BHYT chi trả các chi phí khám, chữa bệnh khi phải điều trị tại các cơ sở y tế trong cả nước. Đồng thời, quỹ BHYT còn trích lại 7% số kinh phí để lại cho hoạt động y tế trường học phục vụ hoạt động chăm sóc sức khỏe ban đầu cho HSSV. Nguồn quỹ BHYT đang giữ vai trò chủ yếu trong nguồn kinh phí hoạt động của y tế trường học với khoảng 82%, trong khi phần ngân sách nhà nước chỉ chiếm khoảng 18%.

Chia sẻ tại buổi tọa đàm “Nâng cao nhận thức và sự chủ động của sinh viên trong việc tham gia BHXH, BHYT” do BHXH Việt Nam và Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) tổ chức, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn cho rằng, tham gia BHXH, BHYT là điều đã được luật hóa, quy định trong Luật BHXH và Luật BHYT. Cụ thể, trong Luật BHYT quy định, HSSV thuộc diện bắt buộc phải tham gia. Hiện, tỷ lệ HSSV tham gia BHYT đạt khoảng 92,5%, vẫn còn khoảng 7,5% số HSSV chưa tham gia; tập trung chủ yếu vào sinh viên từ năm thứ hai trở đi.

Các sinh viên cần nhận thức rõ hơn trách nhiệm của bản thân trong việc thực hiện luật, trước mắt là Luật BHYT và sau này là Luật BHXH. Với vai trò là đội ngũ trí thức, những kiến thức và nhất là bản chất xã hội và nhân văn của chính sách BHXH, BHYT cần được các sinh viên nhận thức và chủ động tham gia, đồng thời lan tỏa mạnh mẽ hơn trong gia đình, cộng đồng ngay khi còn ngồi trên ghế giảng đường đại học, qua đó góp phần thực hiện thành công mục tiêu BHXH cho mọi người lao động và BHYT toàn dân.

GS, TS Phạm Quang Minh, Hiệu trưởng Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn cũng khẳng định, một trong những thành tựu nổi bật của đất nước ta sau hơn 30 năm kể từ khi đổi mới là đã xây dựng, phát triển được hệ thống BHXH, nhất là BHYT “bao phủ” ở một tỷ lệ cao trên tổng số dân. Không một nhà nước nào không quan tâm đến sức khỏe của người dân, đặc biệt là sức khỏe của thế hệ trẻ - tương lai của đất nước. Vì vậy, sinh viên cần phải nâng cao nhận thức, hiểu biết về chính sách BHXH, BHYT để chủ động tham gia, tham gia một cách tự nguyện thay vì chỉ tham gia để đối phó với quy định của Luật.

Tăng cường các hình thức tuyên truyền

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông (BHXH Việt Nam) Dương Ngọc Ánh, là lực lượng chiếm tới gần một phần tư số dân cả nước, việc thực hiện BHYT đến HSSV có ý nghĩa quan trọng để hướng tới bao phủ BHYT toàn dân. Truyền thông chính sách, pháp luật BHXH, BHYT đến HSSV không chỉ giúp các em có được kiến thức pháp luật về BHXH, BHYT để tự bảo vệ mình mà hơn thế nữa, chính các em còn trở thành những chủ thể tham gia vào công tác truyền thông chính sách, pháp luật BHXH, BHYT đến toàn xã hội.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay, công tác truyền thông, chính sách pháp luật BHXH, BHYT đến nhóm đối tượng này vẫn còn nhiều hạn chế. Nội dung tuyên truyền chủ yếu nghiêng về BHYT mà chưa chú trọng đến nội dung chính sách BHXH; công tác tuyên truyền mới chỉ tiến hành vào một số thời điểm trọng tâm như đầu năm học, thời điểm thu phí BHYT chứ chưa thường xuyên, liên tục; sự vào cuộc của các đoàn thể nhà trường ở một số nơi chưa cao, công tác phối hợp giữa các ngành, các tổ chức trong tuyên truyền chính sách cho nhóm đối tượng này chưa chặt chẽ…

Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông Dương Ngọc Ánh cho rằng cần tập trung vào một số giải pháp để nâng cao hiệu quả truyền thông chính sách, pháp luật BHXH, BHYT đến nhóm đối tượng này. Theo đó, cần đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền như: tổ chức tuyên truyền trực quan (treo băng rôn, phát tờ rơi…) về lợi ích thiết thực của việc tham gia BHXH, BHYT tại các địa điểm thường xuyên tổ chức hoạt động cho HSSV; đẩy mạnh tuyên truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là trên các trang mạng xã hội, trang thông tin điện tử của tỉnh, thành đoàn; tăng cường tổ chức đối thoại, tọa đàm, tư vấn chế độ BHYT đối với HSSV.

Xây dựng các thông điệp truyền thông về BHXH để tuyên truyền đến đối tượng sinh viên là những người chuẩn bị gia nhập thị trường lao động để các em có kiến thức về BHXH. Nhất là nâng cao hiệu quả phối hợp đội ngũ cán bộ đoàn, hội, đội khối trường học, các hạt nhân tích cực trong lớp học trong việc tuyên truyền, vận động thuyết phục cho HSSV thấy được ý nghĩa và trách nhiệm của việc tham gia BHXH, BHYT.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất