BHXH là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động (NLĐ) khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, thất nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết, trên cơ sở đóng vào quỹ BHXH. Quỹ BHXH được hình thành chủ yếu từ các mức đóng góp của người tham gia, thường là sự chia sẻ giữa chủ sử dụng lao động và NLĐ, với một phần tham gia của Nhà nước và các nguồn khác như tiền phạt đối với chủ lao động chậm nộp BHXH, tiền sinh lời từ hoạt động đầu tư tăng trưởng quỹ BHXH và các khoản thu khác có liên quan.

Bài 2: Hoàn thiện chính sách bảo hiểm xã hội
Trao sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động. (Ảnh minh họa: Dương Ngọc/TTXVN)

Mặc dù mục tiêu của quỹ BHXH là để chi trả các chế độ BHXH, nhưng do tính đặc thù của BHXH là có độ trễ giữa thu và chi BHXH, nên một phần quỹ được nhàn rỗi tương đối. Phần nhàn rỗi này của quỹ BHXH được đầu tư vào một số lĩnh vực của nền kinh tế quốc dân, góp phần phát triển kinh tế-xã hội. BHXH càng hoạt động tốt, quỹ BHXH càng phát triển, sẽ góp phần rất to lớn vào việc ổn định đời sống của NLĐ và gia đình họ, đồng thời tạo ra sự vững mạnh của nền tài chính quốc gia.  

Trên thế giới, BHXH đã có lịch sử phát triển hàng trăm năm nay. Để xã hội ổn định và phát triển, một trong những nền tảng cơ bản là đời sống của người dân phải được “an lành”, được bảo đảm. Đây là một trong những mục tiêu và là triết lý của BHXH và vì vậy, BHXH đã trở thành một trụ cột cơ bản của hệ thống ASXH quốc gia.  

Tại Việt Nam, vấn đề BHXH đã được Đảng ta quan tâm từ rất sớm. Tại Hội nghị Trung ương tháng 11-1940, Đảng đã ra nghị quyết “sẽ đặt ra Luật BHXH” khi thiết lập được chính quyền cách mạng và tạo lập quỹ hưu bổng cho người già.

Chính sách BHXH liên tục được đổi mới nhưng vẫn còn nhiều bất cập

73 năm qua, kể từ ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, chính sách BHXH của chúng ta đã liên tục được đổi mới và phát triển.

Đặc biệt là trong 10 năm trở lại đây, Đảng ta đã có nhiều quyết sách về vấn đề này. Ngày 7-9-2009, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 38-CT/TW về đẩy mạnh công tác bảo hiểm y tế trong tình hình mới; ngày 1-6-2012, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa XI ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TW về một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020; ngày 22-11-2012, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, bảo hiểm y tế giai đoạn 2012-2020. Tại Đại hội XII (năm 2016), Đảng ta tiếp tục khẳng định: “Phát triển và thực hiện tốt các chính sách BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động…”.

Thực hiện đường lối của Đảng, công tác BHXH trong thời gian qua đã có những bước phát triển mới, tạo cơ hội cho mọi người dân trong việc tiếp cận, tham gia, thụ hưởng chính sách, góp phần bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng. Theo số liệu của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, tính đến cuối năm 2017, cả nước đã có 13,6 triệu người tham gia BHXH bắt buộc, tăng 5,67% so với năm 2016. Năm 2017, số thu BHXH bắt buộc là 197.500 tỷ đồng, đạt 103,7% kế hoạch.

Để tổ chức tốt các chế độ, chính sách BHXH, bảo hiểm y tế cho sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ, công nhân viên chức quốc phòng, lao động hợp đồng đang phục vụ trong quân đội, từ tháng 5-2008, BHXH Bộ Quốc phòng ra đời. 10 năm qua, BHXH Bộ Quốc phòng đã tích cực, chủ động tham mưu đề xuất nhiều chủ trương, giải pháp nhằm triển khai tổ chức thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với các đối tượng đang công tác trong quân đội và thân nhân của quân nhân.    Tuy liên tục được đổi mới, bổ sung, nhưng chính sách BHXH của chúng ta vẫn đang tồn tại nhiều vấn đề bất cập. Diện bao phủ còn ở mức thấp so với các nước; quỹ BHXH vẫn tiềm ẩn nguy cơ về mất cân đối trong trung và dài hạn; các chế độ BHXH còn chưa đa dạng, linh hoạt nên thiếu hấp dẫn; hồ sơ, thủ tục còn chưa thực sự thuận lợi cho doanh nghiệp, người lao động… Hiện còn hơn 300.000 doanh nghiệp đang hoạt động mà không tham gia BHXH. Đặc biệt là việc nghỉ hưu sớm trong điều kiện dân số già hóa với tuổi thọ ngày càng tăng đang và sẽ là gánh nặng lớn cho quỹ BHXH. 

Tiếp tục cải cách chính sách bảo hiểm xã hội

Một trong những nội dung trọng tâm của Hội nghị lần thứ bảy của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII sắp tới là xem xét Đề án cải cách chính sách BHXH. Đề án này được giao cho Ban cán sự Đảng Chính phủ chuẩn bị từ nhiều tháng nay.

Dự thảo Đề án cải cách chính sách BHXH được thiết kế theo chính sách đa tầng, hướng tới phổ cập toàn dân, tuân thủ nguyên tắc đóng-hưởng và chia sẻ rủi ro.

Theo dự thảo đề án, NLĐ tham gia BHXH từ 10 năm trở lên mới bắt đầu được hưởng trợ cấp hưu trí. NLĐ rời khỏi hệ thống BHXH trước thời điểm 10 năm chỉ được hưởng số tài khoản hiện hữu. Đề án cũng đặt ra vấn đề điều chỉnh tuổi hưu để bảo đảm tính bền vững của quỹ BHXH, tập trung theo phương án điều chỉnh tăng tuổi hưu từ ngày 1-1-2021.  

Phát biểu tại phiên họp Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội ngày 23-4-2018, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung giải thích về “chính sách đa tầng BHXH”, theo đó dự kiến sẽ có ba tầng: Tầng thứ nhất, Nhà nước đóng cho các đối tượng chính sách để họ hưởng lương hưu. Tầng thứ hai, BHXH bắt buộc. Tầng thứ ba, bảo hiểm tự nguyện, người lao động đóng cao hưởng cao.

Phát biểu kết luận tại cuộc tọa đàm khoa học “Cải cách chính sách BHXH và chính sách tiền lương” do Hội đồng Lý luận Trung ương tổ chức mới đây, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng ban chỉ đạo Nhà nước về cải cách chính sách tiền lương, BHXH và chính sách ưu đãi người có công, nhấn mạnh: Chính sách BHXH phải song hành và đặt ngang tầm với các chính sách kinh tế-xã hội. Đầu tư cho BHXH là đầu tư cho con người, đầu tư cho phát triển bền vững, do đó phải tính toán chi phí lợi ích của vấn đề này trong ngắn hạn và dài hạn. Kinh nghiệm của các nước cho thấy, muốn thành công trong công tác này phải có sự đồng thuận, quyết tâm chính trị cao và sự đồng hành của toàn xã hội.

Nhóm nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB) mới đây đã đưa ra những khuyến nghị với Việt Nam nếu không cải cách thì việc thâm hụt quỹ BHXH sẽ bắt đầu từ năm 2030 và mức thâm hụt sẽ lên 25-30% GDP trong những năm 2060-2070. Giải pháp đưa ra là cần khuyến khích hạn chế việc ngừng đóng BHXH sớm và về hưu sớm, điều chỉnh tuổi nghỉ hưu, cải tiến hiệu quả đầu tư quỹ và quản lý hành chính, tạo ra chính sách hưu xã hội và cần có chiến lược truyền thông tốt để thông tin đến công chúng.

ĐỖ PHÚ THỌ (Báo QĐND)