Nghị quyết 21-NQ/TW của Bộ Chính trị: Điểm tựa an sinh vững bền

Cả hệ thống chính trị vào cuộc

Vài năm trở lại đây, đến bất cứ địa phương nào đã và đang xây dựng nông thôn mới, chúng tôi đều bắt gặp những cụm từ “BHXH, BHYT” trong các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, ban ngành, đoàn thể. Cảm nhận về những cụm từ này cũng rất gần gũi, thân thương với bà con nông dân, những người buôn bán hay giới công chức, viên chức trong các cơ quan, công sở.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Lễ mít tinh Ngày BHYT Việt Nam 1/7/2017

Điều đó âu cũng dễ hiểu, bởi những chính sách trụ cột của hệ thống chính sách an sinh xã hội này giờ đây đã đi vào cuộc sống. Với nhiều người dân, NLĐ, chính sách BHXH, BHYT đã trở thành điểm tựa an sinh cho tuổi già, cho những lúc sa cơ, ốm yếu. Với các cơ quan, DN, việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT giúp tạo động lực để nâng cao năng suất, hiệu quả công việc. Ở tầm mức rộng hơn, thực hiện tốt chính sách BHXH, BHYT chính là tạo nền tảng vững chắc để đảm bảo an sinh xã hội...

Chính sách BHXH, BHYT là thành quả trong cả một quá trình dài xây dựng và phát triển đất nước. Và Nghị quyết 21, với những quan điểm, mục tiêu, chỉ tiêu và giải pháp thực hiện cụ thể chính là nền tảng quan trọng để các cấp, các ngành có căn cứ để xác định được đường hướng, nhiệm vụ cụ thể trong thực hiện chính sách. Trên thực tế, Nghị quyết 21 đã trở thành “chỉ lệnh”, là kim chỉ Nam giúp cấp ủy, chính quyền và các ban, ngành, cơ quan, đơn vị ý thức cao hơn trách nhiệm của mình và chủ động, quyết tâm vào cuộc, tạo sự lan tỏa trong cộng đồng xã hội.

Đến hôm nay, từ cơ sở đã có thể thấy rất rõ những chuyển biến tích cực, sâu rộng đó, như các phong trào, mô hình “Phụ nữ tiết kiệm giúp nhau tham gia BHYT” ở Nam Định; nuôi “heo đất” giúp nhau mua BHYT ở Cà Mau... Đặc biệt, theo đánh giá của BHXH một số tỉnh, thành phố, hệ thống mô hình “chân rết” gắn chặt với hệ thống chính quyền cơ sở (Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên, bí thư, xóm trưởng) do xã phân công đã mang lại hiệu quả rõ rệt...

Việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 21 là hết sức cần thiết. Thông qua triển khai đưa Nghị quyết 21 và chính sách BHXH, BHYT vào cuộc sống, công tác tuyên truyền sẽ đóng vai trò rất quan trọng, giúp giải thích cho nhân dân hiểu; từ đó nâng cao nhận thức, cổ vũ cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành và các địa phương cùng vào cuộc thực hiện. Đồng thời, động viên các tầng lớp nhân dân tích cực, chủ động tham gia BHXH, BHYT.

Còn nhớ, ngày 20-3-/2013, ngay sau khi Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức hội nghị trực tuyến với các địa phương để triển khai thực hiện Nghị quyết 21, Ban Cán sự đảng BHXH Việt Nam đã kịp thời ban hành Kế hoạch số 47-KH/BCS ngày 3-4-2013 nhằm cụ thể hóa nhiệm vụ được giao; đồng thời yêu cầu BHXH các tỉnh, thành phố chủ động vào cuộc, tham mưu, phối hợp thực hiện. BHXH Việt Nam cũng chủ động tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1215/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển ngành BHXH đến năm 2020, trong đó nêu rõ mục tiêu: “Tiếp tục phát triển ngành BHXH theo hướng hiện đại, đảm bảo đủ năng lực và điều kiện để nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ và tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT, đáp ứng yêu cầu CNH-HĐH và hội nhập quốc tế”. Đồng thời, phát động phong trào thi đua triển khai thực hiện Nghị quyết 21 trong toàn Ngành.

Trong khi đó, các cấp ủy, chính quyền địa phương cũng đã khẩn trương ban hành các nghị quyết chuyên đề, chương trình hành động và kế hoạch triển khai thực hiện. Các sở, ban ngành, đoàn thể căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao xây dựng chương trình, kế hoạch, quy chế phối hợp thực hiện. Trong suốt quá trình triển khai, nhiều văn bản chỉ đạo về BHXH, BHYT đã được cấp ủy, chính quyền các địa phương ban hành, đưa ra các giải pháp phù hợp với thực tiễn để thực hiện hiệu quả mục tiêu chung.

Có thể nói, việc triển khai đồng bộ từ Trung ương đến địa phương đã giúp nâng cao hiệu quả tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật BHXH, BHYT tới mọi tầng lớp nhân dân. Qua đó, tạo sự chuyển biến rõ nét từ nhận thức đến hành động, thu hút được sự quan tâm của nhiều tầng lớp xã hội đối với việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT; góp phần ổn định chính trị- xã hội.

Những con số ấn tượng

Cùng với các bộ, ngành, BHXH Việt Nam cũng đã tích cực tham gia hoàn thiện các dự luật liên quan đến lĩnh vực BHXH, BHYT; đề xuất nội dung sửa đổi, bổ sung, chỉnh lý các dự luật theo chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội... Đây là những cơ sở pháp lý quan trọng, giúp tăng cường hiệu lực thực thi pháp luật BHXH, BHYT. Đặc biệt, BHXH Việt Nam đã và đang nỗ lực thực hiện CCHC trên tất cả các lĩnh vực, tạo thuận lợi cho đơn vị và người tham gia BHXH, BHYT.

Theo BHXH Việt Nam, trong 5 năm qua, số đối tượng tham gia BHXH, BHYT luôn tăng nhanh. Nếu như năm 2012 cả nước mới có 10,56 triệu người tham gia BHXH, thì đến năm 2017 đã tăng lên 13,9 triệu người. Cùng với đó là 11,8 triệu người tham gia BH thất nghiệp. Riêng BHYT, năm 2012 chỉ có 58,97 triệu người tham gia (đạt tỉ lệ bao phủ 66,4% dân số), thì đến hết năm 2017 tăng lên khoảng 80 triệu người (đạt tỉ lệ bao phủ khoảng 86% dân số).

Năm năm qua, toàn Ngành cũng đã giải quyết cho hơn 888.000 người hưởng chế độ BHXH hàng tháng; 4,5 triệu lượt người hưởng trợ cấp một lần; gần 44 triệu lượt người hưởng trợ cấp ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe. Năm 2012 có 121,9 triệu lượt người được thụ hưởng quyền lợi BHYT khi KCB thì đến năm 2017 tăng lên 166 triệu lượt người, với số chi tăng từ 32.473 tỉ đồng lên khoảng 84.500 tỉ đồng…

Đáng chú ý, việc hiện đại hóa Ngành được BHXH Việt Nam triển khai quyết liệt, có hiệu quả như: Triển khai hệ thống lưu trữ hồ sơ điện tử nhằm số hóa tài liệu lưu trữ của Ngành; triển khai phần mềm giao dịch điện tử trên tất cả các lĩnh vực thu, cấp sổ BHXH, thẻ BHYT; triển khai hệ thống “Một cửa điện tử” tập trung, giúp theo dõi, giám sát tình trạng giải quyết hồ sơ, kịp thời đôn đốc tiến độ giải quyết TTHC. Nổi bật thời gian gần đây là đưa vào vận hành Hệ thống giao dịch BHXH điện tử, Trung tâm Điều hành hệ thống CNTT và Trung tâm Dịch vụ khách hàng ngành BHXH. BHXH Việt Nam còn xây dựng hệ thống cấp số định danh và quản lý BHYT hộ gia đình, tiến tới cấp thẻ BHXH, BHYT điện tử... Đó chính là những bước đi cụ thể để đưa mục tiêu “xây dựng hệ thống BHXH, BHYT hiện đại, chuyên nghiệp, hiệu quả cao, đáp ứng yêu cầu CNH-HĐH và hội nhập quốc tế” mà Nghị quyết 21 đã xác định thành hiện thực.

Những kết quả trên không chỉ mang dấu ấn đậm nét của ngành BHXH, mà còn có sự đóng góp to lớn của các ban, ngành, đoàn thể từ Trung ương đến địa phương, cơ quan, đơn vị. Nhiều ban, ngành, đoàn thể như Mặt trận Tổ quốc, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân... đã chủ động phối hợp với ngành BHXH trong thực hiện chính sách, mang lại hiệu quả xã hội rõ nét, đáng chú ý như: Thông qua chương trình phối hợp, đã tạo ra những “chân rết” ở cơ sở để “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”; qua đó vận động người dân tích cực tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình. Hay như phối hợp với BQL các KCX-KCN, VCCI tăng cường vận động, đôn đốc các DN tham gia BHXH đầy đủ cho NLĐ...

Nâng tầm thực hiện

Thời gian này, nhiều địa phương đã sơ kết 5 năm (2012-2017) việc thực hiện Nghị quyết 21; đồng thời tiếp tục triển khai trong giai đoạn tới theo đúng tinh thần, định hướng đã đề ra. Tuy nhiên, trong thực tế, việc triển khai cũng gặp không ít khó khăn. Đơn cử như: Một số cấp ủy, chính quyền có nơi, có lúc chưa quan tâm đúng mức; thiếu sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan; việc tuyên truyền, giải thích chưa rõ ràng. Một số nơi chưa thực sự coi đây là một nhiệm vụ chính trị quan trọng cần phải tập trung chỉ đạo thực hiện. Công tác quản lý nhà nước về BHXH, BHYT vẫn còn một vài hạn chế. Số người tham gia BHXH còn ở mức thấp so với tiềm năng. Tình trạng chậm đóng, nợ đọng BHXH, BHYT vẫn còn xảy ra, ảnh hưởng đến quyền lợi của NLĐ và việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ của ngành BHXH...

Do đó, để Nghị quyết 21 tiếp tục lan tỏa, tạo những chuyển biến tích cực hơn nữa, Chính phủ và các ban ngành chức năng từ Trung ương đến cơ sở đang quyết liệt tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Cụ thể, chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về BHXH, BHYT; đồng thời ứng dụng CNTT và cải cách TTHC ở mức độ cao hơn, nhằm tăng sự hài lòng cho người tham gia BHXH, BHYT đối với chính sách cũng như với cơ quan BHXH.

Đặc biệt ở nhiều địa phương, dù sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị đã tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, qua đó đã hoàn thành vượt kế hoạch, mục tiêu đề ra, nhưng việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo trong thực hiện chính sách vẫn cần tiếp tục được chú trọng. Nói như ông Đào Đức Toàn- Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, các cấp ủy, chính quyền vẫn cần tiếp tục quán triệt sâu rộng hơn nữa Nghị quyết này tới cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện gắn với việc đánh giá, xếp loại các tổ chức Đảng và các cơ quan, đơn vị.

Về phía ngành BHXH, Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh cũng cho biết, BHXH Việt Nam tiếp tục xác định cần thực hiện hiệu quả hơn nữa các mục tiêu nêu tại Nghị quyết 21. Đồng thời, tích cực triển khai Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 34/CT-TTg ngày 26/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ; chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố đẩy mạnh công tác thu, phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, đặc biệt là nhóm đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, người tham gia BHYT theo hộ gia đình…

Tại buổi làm việc với BHXH Việt Nam dịp cuối năm 2017, với sự tham dự của đại diện một số bộ, ngành, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cũng nhấn mạnh: “Trong năm 2018, ngành BHXH cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ cùng các bộ, ngành liên quan triển khai thực hiện hiệu quả các mục tiêu trong Nghị quyết 21; phấn đấu hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu được Chính phủ giao; đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh CCHC, đổi mới thái độ phục vụ và xây dựng đội ngũ CCVC ngang tầm với nhiệm vụ mới”. Đây là mệnh lệnh, song cũng là mong muốn, kỳ vọng của lãnh đạo Đảng và Nhà nước mà ngành BHXH sẽ phải quyết tâm hoàn thành.

Văn Mẫn 

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất