10 năm điều chỉnh địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội: Bài học thành công về công tác tổ chức cán bộ
Khu Ba Đình lịch sử.
Những thách thức chưa có tiền lệ

Bài toán về việc sắp xếp đội ngũ cán bộ đặt ra cho những người có trách nhiệm ở thời điểm cách đây 10 năm về trước những thách thức chưa từng có tiền lệ. Không chỉ do số lượng cán bộ đông mà còn là nhiều vấn đề phức tạp khác đòi hỏi phải có cách giải quyết phù hợp và hiệu quả.

Từ thách thức “nhân đôi bộ máy”…

Thách thức Thủ đô Hà Nội phải đối mặt khi bắt tay triển khai thực hiện Nghị quyết số 15/2008/QH12 “Về việc điều chỉnh địa giới hành chính TP Hà Nội và một số tỉnh có liên quan” của Quốc hội khóa XII là công tác cán bộ. Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị từng nói: “Điều khó khăn nhất là việc hợp nhất tổ chức bộ máy và cán bộ. Đây là công việc có ý nghĩa rất quyết định, làm tốt việc này thì những việc khác thuận lợi hơn rất nhiều, còn nếu làm không tốt thì cũng phát sinh thêm những khó khăn mới”. 

Quả vậy, thời điểm ngay sau hợp nhất, số lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong bộ máy cấp thành phố tăng cao do “nhân đôi bộ máy”. Cụ thể, tổng biên chế hành chính, sự nghiệp của Hà Nội tăng từ 57.000 lên thành 102.700 biên chế. Chỉ tính riêng số lượng cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý đã lên tới con số hơn 900 người. Một số sở sau khi gộp lại như: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (cũ) có đến 13 phó giám đốc; nhiều sở có phổ biến từ 6 đến 8 phó giám đốc; các ban Đảng Thành ủy có nơi số lượng cấp phó cũng lên tới 8 người. Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố tăng lên thành 99 ủy viên; Ban Thường vụ Thành ủy có 23 đồng chí. Số lượng cán bộ đông như vậy, làm sao để bộ máy vận hành hiệu quả, không chồng chéo thực sự là bài toán không đơn giản.

Càng khó khăn hơn khi đội ngũ cán bộ được cộng cơ học từ hai bộ máy của hai địa phương không đồng đều từ chất lượng cho đến thói quen, tác phong công tác... Cụ thể, bộ máy của TP Hà Nội đã mang những đặc điểm của chính quyền đô thị, đảm đương các nhiệm vụ của một đô thị hóa ở mức độ cao. Trong khi bộ máy của tỉnh Hà Tây - vốn quản lý một địa bàn sản xuất nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế, khối lượng công việc ở mỗi vị trí tương đương, nhất là cấp trưởng của Hà Nội với tỉnh Hà Tây có sự khác nhau khá lớn. “Việc này giống như hai cỗ máy có kích cỡ khác nhau đang chạy với hai tốc độ khác nhau trong môi trường, nhiệt độ, ánh sáng khác nhau, giờ nhập làm một” - nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị so sánh.

Làm sao để hai cỗ máy đó hòa vào nhau mà vẫn giữ được cân bằng, đi vào hoạt động ngay, phát huy hiệu quả? Đó là câu hỏi hóc búa đặt ra khi Hà Nội bắt tay thực hiện Nghị quyết 15/2008/QH12.

                                                                           Cầu Nhật Tân.

…đến tâm lý và tư tưởng


Từ những khó khăn khách quan nêu trên, không tránh khỏi nảy sinh trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức những vấn đề tâm lý, tư tưởng. Đơn cử như trụ sở làm việc thay đổi, cơ quan phân tán, dẫn đến những thay đổi về công tác, sinh hoạt cũng tác động mạnh đến tâm tư, tình cảm của hàng nghìn cán bộ, công chức, viên chức. Nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Bùi Xuân Hộ thời điểm đó từng nêu băn khoăn, trăn trở của đội ngũ cán bộ: "Trụ sở chật hẹp, đi lại mất cả tiếng đồng hồ; cán bộ không phải ai cũng thông suốt nên cần quan tâm công tác tư tưởng". Chưa kể khó tránh khỏi nảy sinh tâm lý lo ngại về tính cục bộ, địa phương. Đây là vấn đề đặt ra, bởi sau khi hợp nhất, thành phố phải sắp xếp lại bộ máy sao cho hợp lý, hoạt động hiệu quả, khi đó buộc phải đụng chạm lợi ích đến từng cá nhân cán bộ, nhất là những người nắm các vị trí lãnh đạo các sở, ban, ngành.

Thực tế, chỉ có cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương quản lý do Trung ương quyết định gồm Bí thư Thành ủy, Bí thư Tỉnh ủy và các Phó Bí thư Thành ủy, Tỉnh ủy. Ngoài ra, thành phố phải tổ chức sắp xếp toàn bộ phần còn lại, trước tiên là đội ngũ cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý với hơn 900 người. Trong đó, cấp phó được giữ nguyên nên dễ ổn định, nhưng trong hai cấp trưởng thì phải chọn một người đảm nhiệm vị trí đứng đầu sau hợp nhất. Ở các sở, ban, ngành cũng phải thực hiện nhiệm vụ tương tự với những nơi có các phòng, ban được gộp vào. Tiếp theo, để cơ cấu lại số lượng cấp phó bảo đảm quy định chung, thành phố tiếp tục phải thực hiện việc điều động, luân chuyển cán bộ về các quận, huyện, thị xã. “Ai đi, ai ở?” là câu hỏi đặt ra mà nếu không quan tâm “đúng lúc, đúng chỗ” sẽ là nguồn cơn nảy sinh mâu thuẫn... Nếu không giải quyết tốt vấn đề tư tưởng sẽ gây mất đoàn kết nội bộ, làm cho bộ máy không thể vận hành bình thường.

Vấn đề tư tưởng cũng chính là nội dung mà đồng chí Nông Đức Mạnh, khi đó là Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng thay mặt Trung ương lưu ý lãnh đạo thành phố tại lễ công bố quyết định và ra mắt cơ quan lãnh đạo Đảng, chính quyền, MTTQ Việt Nam TP Hà Nội (sau khi mở rộng địa giới hành chính): “Đồng thời với quá trình sắp xếp cán bộ, kiện toàn bộ máy, phải tiếp tục làm tốt công tác chính trị, tư tưởng, tuyên truyền, giải thích để mọi cán bộ, đảng viên và nhân dân Thủ đô hiểu rõ chủ trương của Đảng và Nhà nước về mở rộng địa giới hành chính TP Hà Nội. Thông qua đó, tạo sự đồng thuận, đoàn kết, phấn khởi, tin tưởng và nâng cao ý thức trách nhiệm của từng cán bộ, đảng viên trong mọi tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị, trong các tầng lớp nhân dân thành phố; tạo thành sức mạnh tổng hợp cho quá trình xây dựng và phát triển Thủ đô thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa”.

Nhận diện những thách thức đặt ra để có cách làm sáng tạo, kịp thời chính là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng mà Đảng bộ, chính quyền TP Hà Nội xác định phải tập trung thực hiện cho tốt để hoàn thành nhiệm vụ Trung ương và Quốc hội giao phó, không phụ lòng tin tưởng, sự kỳ vọng của nhân dân cả nước.

Bảo đảm kịp thời, hợp lý, đồng thuận cao

Trước những thách thức chưa có tiền lệ, với phương châm "Đoàn kết, hợp tác, trách nhiệm", TP Hà Nội đã thực hiện Nghị quyết số 15/2008/QH12 “Về việc điều chỉnh địa giới hành chính TP Hà Nội và một số tỉnh có liên quan” của Quốc hội khóa XII hiệu quả ngay từ những ngày đầu. Thành công nhất là việc sắp xếp cán bộ, tổ chức bộ máy được tiến hành bảo đảm kịp thời, hợp lý và tạo sự đồng thuận cao.

 

Một góc nông thôn mới huyện Đan Phượng. Ảnh: Bá Hoạt
 
Lựa chọn giải pháp luân chuyển cán bộ

Nhìn lại quá trình thực hiện Nghị quyết 15/2008/QH12 của Quốc hội có thể thấy, các bước thực hiện nhiệm vụ theo quy định như tổ chức kỳ họp hợp nhất HĐND TP Hà Nội và HĐND tỉnh Hà Tây, lễ công bố quyết định và ra mắt các cơ quan lãnh đạo Đảng, chính quyền, MTTQ Việt Nam TP Hà Nội đều diễn ra đầy đủ, đúng quy định và hoàn thành ngay trong những ngày đầu tiên của tháng 8-2008. Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị cho biết: “Ý thức đầy đủ trách nhiệm trước Trung ương và cả nước, ngay từ những ngày đầu triển khai Nghị quyết số 15/2008/QH12 của Quốc hội, Đảng bộ TP Hà Nội đã xác định quyết tâm thực hiện nghị quyết với phương châm "Đoàn kết, hợp tác, trách nhiệm", tất cả vì công việc chung, vì sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô của đất nước”.

Trên nguyên tắc hợp nhất nguyên trạng, vấn đề đặt ra là đội ngũ cán bộ tăng, nhất là cấp phó, rất khó bố trí công việc. Trước thực tế đó, thành phố xác định nguyên tắc không tăng biên chế cho các sở, ngành, nhưng giao bổ sung biên chế cho cấp huyện thuộc tỉnh Hà Tây (cũ) để thực hiện tốt yêu cầu, nhiệm vụ quản lý trong tình hình mới. UBND thành phố đã ban hành các quyết định về việc hợp nhất, thành lập 20 sở, ban, ngành; bổ nhiệm 20 giám đốc và hơn 150 phó giám đốc và tương đương các sở, ban, ngành thành phố. Ngay sau đó, thủ trưởng các sở, ban, ngành cũng phải chủ động tiến hành phân công trong tập thể lãnh đạo và tổ chức sắp xếp lại các phòng, ban chuyên môn theo hướng tinh gọn, không chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ.

Trước thực trạng đội ngũ cán bộ lãnh đạo có số lượng lớn, nhất là cấp phó các sở, ban, ngành, ngay từ những ngày đầu hợp nhất, lãnh đạo thành phố đã coi công tác luân chuyển cán bộ là khâu trọng tâm, đột phá nhằm sắp xếp lại đội ngũ hợp lý sau khi hợp nhất. Được sự đồng ý của Trung ương, Thành ủy Hà Nội đã xây dựng kế hoạch bài bản, dân chủ, công khai về công tác luân chuyển cán bộ, chỉ đạo ban hành quyết định hỗ trợ cán bộ thuộc diện luân chuyển, kèm theo một số chế độ khác như bố trí phòng công vụ, chi phí đi lại...

Nhờ sự chuẩn bị kỹ lưỡng, cách thức thực hiện khoa học, bài bản, chính xác, thành phố đã luân chuyển trên 130 lượt cán bộ thuộc diện Thành ủy quản lý về làm Bí thư, Phó Bí thư; giới thiệu để HĐND các địa phương bầu làm Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã. Nhiều đồng chí từng được luân chuyển về địa phương làm Phó Bí thư, Phó Chủ tịch UBND hiện nay đang giữ các cương vị là Bí thư, Chủ tịch UBND các quận, huyện có nhiều đóng góp tích cực như: Bí thư Quận ủy Hoàng Mai Nguyễn Đức Vinh, Bí thư Huyện ủy Đan Phượng Nguyễn Tất Thắng, Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Đinh Mạnh Hùng...

Giải pháp luân chuyển cán bộ tiếp tục được Thành ủy Hà Nội chỉ đạo thực hiện hiệu quả suốt 10 năm qua, tạo ra môi trường đào tạo, cung cấp nguồn cán bộ chất lượng cho thành phố.

Bảo đảm đoàn kết nội bộ, đồng thuận cao

Sắp xếp tổ chức cán bộ hàng chục cơ quan, đơn vị, liên quan đến lợi ích của hàng trăm cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý, nhưng tuyệt nhiên không có đơn, thư khiếu kiện. Nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị nhận định: “Tôi không muốn dùng từ tốt mà tôi nói là giải quyết thành công, tức là mình sắp xếp hợp lý nhất; vừa phù hợp với chủ trương chính sách và phù hợp với thực tế”.

Bổ nhiệm, luân chuyển hàng trăm cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý, trường hợp nào cũng được Thành ủy Hà Nội cân nhắc kỹ lưỡng trên cơ sở một số nguyên tắc chung đã được tập thể thông qua. Quá trình lựa chọn, quyết định bổ nhiệm hay luân chuyển cán bộ đều được thực hiện khách quan, dân chủ, công khai, minh bạch, theo quan điểm: "Người thiếu kinh nghiệm thực tiễn thì phải tăng cường năng lực thực tiễn. Nếu trải qua thực tiễn mà thấy đáp ứng tốt hơn nữa thì cất nhắc việc cao hơn, kịp thời hơn. Trái lại nếu người đó không thích hợp với công việc ấy thì phải chuyển sang việc khác. Làm sao để cùng một đội ngũ cán bộ như vậy mà có thể phát huy sức mạnh của tất cả mọi người”. Chính nhờ làm được như vậy, mặc dù có cách biệt, có khác biệt, nhưng trong đội ngũ cán bộ không có biểu hiện của sự đố kỵ, không xảy ra những tình huống “quay lưng” lại với nhau, mà là tích cực hợp tác với nhau.

Kết quả thực hiện sắp xếp cán bộ sau hợp nhất của Hà Nội được Trung ương đánh giá cao, coi là điển hình đáng để các cấp ủy học tập. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính đánh giá: “Trong giai đoạn Hà Nội điều chỉnh địa giới hành chính, bên cạnh việc tăng thêm tiềm năng, lợi thế phát triển thì khâu khó nhất chính là tổ chức cán bộ, bởi động chạm đến lợi ích của rất nhiều người. Tuy nhiên, Hà Nội đã làm rất êm, không có khiếu kiện, sớm ổn định tổ chức bộ máy để tiếp tục xây dựng và phát triển. Đây là kinh nghiệm quý mà tới đây Ban Tổ chức Trung ương sẽ tiếp tục làm việc với Hà Nội để tổng kết, đánh giá, nhằm triển khai việc sắp xếp tổ chức bộ máy trong thời gian tới”.

Bằng kinh nghiệm thực tiễn sắp xếp cán bộ sau hợp nhất với những điều kiện đặc thù nhất, Hà Nội cũng chính là địa phương đi đầu cả nước về thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TW ngày 17-4-2015 của Bộ Chính trị về “Tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức”. Đây còn là động lực cho các cấp, các ngành tiếp tục chủ động thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII) “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. 

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất