Thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VIII): Thành công trong công tác cán bộ nữ
Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Quảng Nam tuyên dương phụ nữ điển hình của tỉnh.

Có thể nói, kết quả quan trọng, nổi bật trong hơn 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VIII) là công tác cán bộ nữ. Đội ngũ cán bộ nữ đã trưởng thành vượt bậc, đóng góp không nhỏ cho sự phát triển kinh tế -xã hội cũng như khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Theo số liệu thống kê của Liên minh Nghị viện thế giới, với tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XIII đạt 24,4%, Việt Nam xếp thứ 54/190 quốc gia được xếp hạng và đứng thứ 4/10 nước Đông Nam Á có nghị viện (sau Đông Ti-mo, Phi-li-pin và Lào). Việt Nam đã có những tiến bộ đáng kể trong việc tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong các cơ quan dân cử, thể hiện ở tỷ lệ 3% nữ đại biểu Quốc hội khóa I đến tỷ lệ 24,4% trong Quốc hội khóa XIII. Tỷ lệ này tăng nhanh hơn sau khi có Nghị quyết Trung ương 3, khóa VIII. Cụ thể, số nữ đại biểu Quốc hội khóa VIII là 18%, 18,8% khóa IX, 26,2% khóa X, 27,3% khóa XI, 25,8% khóa XII và 24,4% ở khóa XIII. Trong cơ quan dân cử ở địa phương, tỷ lệ nữ đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2011-2016 cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là 25,2%; cấp quận, huyện, thị xã là 24,6% và cấp xã, phường, thị trấn là 21,7%. Nhiệm kỳ hiện tại, 26/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ nữ đại biểu HĐND cấp tỉnh từ 20% đến 30%; 8/53 tỉnh, thành phố có tỷ lệ nữ HĐND cấp huyện từ 30% trở lên (trừ 10 tỉnh, thành phố thí điểm không tổ chức HĐND cấp huyện); trong thường trực HĐND, nữ chủ yếu đảm nhận vị trí ủy viên thường trực (24,4%) hoặc phó chủ tịch (20,3%). Có 28 tỉnh, thành phố có nữ trong thường trực HĐND.

Công tác cán bộ nữ được các tỉnh ủy, thành ủy chỉ đạo làm bài bản và đạt kết quả tốt do xây dựng kế hoạch, giải pháp cụ thể, kiên trì, được thực hiện liên tục trong nhiều năm và có kế thừa qua các nhiệm kỳ, đặc biệt người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị thật sự quan tâm, chăm lo quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng giúp cán bộ nữ trưởng thành và phát triển. Đội ngũ cán bộ nữ không ngừng tăng ở một số cơ quan trọng yếu như: Quốc hội, HĐND, UBND. Những tỉnh, thành có tỷ lệ cán bộ nữ cao là: Tuyên Quang, Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Kon Tum, Yên Bái, Lào Cai, Đồng Nai, Gia Lai, Tây Ninh, Tiền Giang, Kiên Giang...

Đội ngũ cán bộ nữ các ngành, các cấp đã không ngừng phấn đấu vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, có nhiều đóng góp cho sự phát triển chung của đất nước và sự bình đẳng, tiến bộ của phụ nữ, không chỉ tăng về số lượng mà còn phát triển rõ rệt về chất lượng. Ví dụ Tuyên Quang, tỷ lệ cán bộ nữ là cấp ủy viên, đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp đều đạt và vượt quy định của Trung ương. Việc bố trí, sử dụng cán bộ nữ bảo đảm cơ cấu cán bộ hợp lý, phù hợp với điều kiện kinh tế của địa phương, đáp ứng nhiệm vụ trước mắt và lâu dài, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Cấp ủy tỉnh nhiệm kỳ 2015-2020, tỷ lệ nữ đạt 27,45%, cấp ủy huyện và tương đương 20,58%, cấp xã 25,87%. Đại biểu HĐND tỉnh, nữ đạt 35,71%, huyện đạt 35,71%, xã đạt 30,87%. Tỷ lệ này ở Bình Phước, từ khi tái lập tỉnh đến nay, nhất là tỷ lệ cán bộ nữ đảm nhiệm các chức danh chủ chốt rất cao, riêng nhiệm kỳ 2015-2020, tỷ lệ nữ tham gia Ban Thường vụ vượt xa quy định của Trung ương (31,25%);  nhiệm kỳ 2020-2025, đối với nguồn quy hoạch Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, tỷ lệ nữ đạt 24,77%, tỷ lệ nữ nguồn quy hoạch Ban Thường vụ đạt 21,2%, tỷ lệ nữ quy hoạch chức danh chủ chốt đạt 35%. Nguồn quy hoạch Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026, tỷ lệ nữ đạt 66,6%. Ở Lạng Sơn, quy hoạch Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2020-2025, tỷ lệ cán bộ nữ đạt 24,07%...

Tuy nhiên, thực tế đó cho thấy vai trò lãnh đạo của nữ trong các cơ quan công quyền còn khiêm tốn. Về nguyên nhân của tình trạng “hẫng hụt” cán bộ lãnh đạo nữ xuất phát từ quan điểm đánh giá cán bộ nữ trong một số cấp ủy, thủ trưởng một số cơ quan, đơn vị còn biểu hiện cầu toàn, có khi quá khắt khe, thiếu tin tưởng khi giao việc cho cán bộ nữ; thiếu quan tâm bồi dưỡng, giúp đỡ để cán bộ nữ phấn đấu vươn lên; chưa có biện pháp cụ thể trong việc tạo nguồn quy hoạch, đào tạo, sắp xếp, bố trí cán bộ nữ. Mặt khác, chế độ, chính sách cán bộ nữ tuy được cải thiện nhưng chưa thật sự động viên, khuyến khích cán bộ nữ trước yêu cầu thực tế. Những định kiến hẹp hòi vẫn còn tồn tại trong xã hội và gia đình, ảnh hưởng lớn đến vai trò phụ nữ trong hoạt động xã hội. Một số cấp ủy cơ sở chưa thấy hết ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác kết nạp đảng viên nữ; thiếu sự bồi dưỡng, giáo dục, định hướng phấn đấu cho số nữ thanh niên trong các tổ chức đoàn, hội, các cơ sở giáo dục - đào tạo nên nhiều người chưa xác định rõ động cơ phấn đấu vào Đảng, đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến “hẫng hụt” nguồn cán bộ lãnh đạo nữ ở các cấp, các ngành. Để làm tốt công tác cán bộ nữ, tiếp tục quán triệt sâu sắc Chỉ thị 37-CT/TW của Ban Bí thư “Một số vấn đề công tác cán bộ nữ trong tình hình mới”; Kết luận 37-KL/TW của BCH Trung ương về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chiến lược cán bộ trong thời kỳ CNH, HĐH đất nước; Nghị quyết 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ trong thời kỳ CNH, HĐH nhằm nâng cao nhận thức về vai trò, tiềm năng của phụ nữ và cán bộ nữ trong xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ quốc phòng - an ninh ở từng cấp, từng ngành, từng địa phương, đơn vị.

Quan tâm xây dựng, phát triển phải đồng bộ, hợp lý, có tính kế thừa, liên tục trong đội ngũ cán bộ nữ để phát huy hết khả năng và sự cống hiến của cán bộ nữ, nâng cao địa vị của người phụ nữ, thực hiện bình đẳng giới, góp phần thực hiện có hiệu quả chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về phụ nữ và công tác cán bộ nữ, xem đây là trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo các cấp, các ngành, của toàn xã hội và từng gia đình, trong đó Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp đóng vai trò nòng cốt; đồng thời đề cao trách nhiệm của cán bộ nữ, lao động nữ trong việc phấn đấu khắc phục mọi khó khăn, nỗ lực học tập, rèn luyện nâng cao trình độ, năng lực, phẩm chất để luôn hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao, qua đó có cơ hội được đề bạt, bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo, quản lý ở các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị. Riêng bản thân phụ nữ phải phấn đấu vươn lên, khắc phục tư tưởng an phận, tự ty, không ủng hộ nhau ngay trong nội bộ cán bộ nữ.


Làm tốt công tác cán bộ nữ là biện pháp quan trọng khơi dậy nguồn nhân lực nữ, thúc đẩy tiến trình bình đẳng giới ở nước ta, đồng thời đóng góp tích cực vào việc thực hiện mục tiêu giải phóng phụ nữ. Công tác cán bộ nữ tốt đã góp phần quan trọng làm nên tính chất tiến bộ, văn minh, dân chủ của xã hội ta, là một mục tiêu đúng đắn của Đảng và Nhà nước, là một thành công của Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VIII) về công tác cán bộ.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất