Thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VIII): Cán bộ khoa học kỹ thuật nhiều nhưng thiếu trình độ cao
Lực lượng nghiên cứu KHCN vẫn chưa được đãi ngộ đúng mức.

Có thể khẳng định, nguồn nhân lực KHCN là lực lượng chủ yếu trong việc xây dựng các luận cứ khoa học giúp Đảng và Nhà nước xác định đường lối chiến lược, chính sách, kế hoạch CNH, HĐH đất nước; đồng thời là lực lượng nòng cốt trong triển khai thực hiện các đường lối chính sách đó.

Theo số liệu thống kê, những người làm KHCN trong các cơ quan Đảng và Nhà nước hiện nay, về trình độ học vấn, học vị: Tỷ lệ viên chức KHCN có trình độ thạc sĩ và tiến sĩ chiếm 27,5% (ở địa phương, tỷ lệ này chỉ đạt 7%), trình độ đại học là 60,7%. Tỷ lệ có trình độ cao đẳng và trung cấp là 11,2%; con số này ở địa phương khoảng 28%. Số lượng viên chức KHCN có trình độ cao (tiến sỹ), số lượng viên chức KHCN giữ chức danh khoa học, chức danh công nghệ hạng I, hạng II chủ yếu tập trung ở Trung ương, đặc biệt ở Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và các trường đại học lớn. Nhân lực KHCN trình độ cao ở địa phương cũng phân bố không đều, chủ yếu tập trung ở 5 thành phố trực thuộc Trung ương, các địa phương khác ít người có trình độ tiến sỹ. Ở địa phương, chủ yếu tập trung đội ngũ kỹ sư, kỹ thuật viên (nhóm  chức danh công nghệ). Chính sự phân bố không đồng đều đã dẫn tới hệ quả là thiếu hụt một lực lượng lớn các nhà nghiên cứu đảm nhiệm các nhiệm vụ khoa học và công nghệ ở các địa phương, đặc biệt là các địa bàn xa xôi, miền núi, hải đảo.

Về trình độ lý luận chính trị: Tỷ lệ viên chức KHCN ở cả khối trung ương và địa phương có trình độ lý luận chính trị cao cấp và cử nhân chiếm quá ít (Trung ương có 12,1%; địa phương có 7,50%).

Về trình độ tin học, ngoại ngữ: Tỷ lệ viên chức KHCN ở cả khối trung ương và địa phương có trình độ đào tạo về tin học và ngoại ngữ có tỷ lệ thấp (trình độ tin học từ trung cấp trở lên ở khối trung ương là 9,89%, khối địa phương là 17,54%; trình độ ngoại ngữ từ cao đẳng trở lên ở khối trung ương là 1,85%, khối địa phương là 9,08%). Như Kiên Giang, cán bộ khoa học, kỹ thuật của tỉnh hiện có 20 tiến sỹ, 903 thạc sỹ, 489 bác sỹ chuyên khoa cấp I, II và nhiều cán bộ hoạt động trên các lĩnh vực nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật. Quảng Ngãi, tiến sỹ có 23 người, thạc sỹ có 999, bác sỹ chuyên khoa I có 251, chuyên khoa II 38 người. Tuyên Quang, tổng số cán bộ công chức, viên chức có trình độ thạc sỹ, tiến sỹ, chuyên khoa cấp I, II là 1.287 ngườií.

Sau 20 năm Nghị quyết Trung ương 3 khóa (VIII) đi vào cuộc sống, KHCN nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đóng góp thiết thực vào sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, cải thiện an sinh xã hội và chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, so với mục tiêu và nhiệm vụ đề ra, KHCN nước ta chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, chưa thực sự trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội. Đội ngũ nhân lực KHCN và mạng lưới tổ chức KHCN tuy gia tăng về số lượng nhưng chất lượng còn thấp, thiếu các chuyên gia đầu ngành và nhân lực trình độ cao trong nhiều lĩnh vực KHCN, thiếu những nhóm nghiên cứu mạnh và thiếu những tổ chức KHCN mạnh có đủ khả năng giải quyết những vấn đề KHCN lớn của quốc gia và hội nhập quốc tế.

Có nhiều nguyên nhân trong đó phải kể đến nguyên nhân như thiếu hụt nhà khoa học giỏi, nhà khoa học đầu ngành, thiếu hụt đội ngũ kế cận. Bên cạnh đó, hiện tượng “chảy máu chất xám” vẫn đang diễn ra trong nhiều năm, nền kinh tế thị trường đang phát triển đã dẫn tới nhiều cán bộ có chuyên môn sâu chuyển sang làm việc tại khu vực doanh nghiệp tư nhân hoặc doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với mức thu nhập cao hơn. Nhiều người sau khi hoàn thành xong chương trình đào tạo đại học, thạc sỹ, tiến sỹ ở nước ngoài đã không trở về nước làm việc. Ví dụ như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cán bộ khoa học có học hàm GS, PGS phần lớn tuổi cao (trung bình trên 55 tuổi), tỷ lệ cán bộ có đủ năng lực chủ trì đề tài nghiên cứu cấp quốc gia rất thấp, khoảng 15%; một số lĩnh vực công nghệ mới, công nghệ cao như công nghệ sinh học, vắc xin, vật liệu mới... rất thiếu cán bộ khoa học giỏi. Ngành Y tế cũng xảy ra tình trạng thiếu nhân lực khoa học trong một số chuyên ngành sâu, đặc biệt là một số chuyên ngành trước đây thường được đào tạo ở các nước Đông Âu. Bộ Công thương, Đại học Quốc gia Hà Nội hay Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam và nhiều cơ quan, đơn vị khác cũng có tình trạng tương tự. Còn có tình trạng một số cán bộ lãnh đạo là GS, PGS, TS tập trung chủ yếu thời gian cho công tác quản lý, điều hành mà ít tham gia trực tiếp các hoạt động nghiên cứu khoa học.

Chính sách thu hút, đãi ngộ, sử dụng cán bộ KHCN chưa tạo động lực, chưa phát huy hiệu quả năng lực sáng tạo và đóng góp của đội ngũ trí thức KHCN, nhất là người có trình độ cao, tài năng trẻ. Chưa có chính sách thoả đáng để thu hút và sử dụng các trí thức tài năng là người Việt Nam ở nước ngoài tham gia hoạt động nghiên cứu và phát triển ở Việt Nam. Thủ tục hợp tác đầu tư với nước ngoài trong lĩnh vực KHCN còn rườm rà, thiếu đồng bộ, khó triển khai. 

Mới đây, Hội đồng Lý luận Trung ương và Ban Cán sự đảng Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp tổ chức buổi làm việc kết hợp nghiên cứu khảo sát với Tọa đàm khoa học về xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ KHCN. Đây là đề án có ý nghĩa hết sức quan trọng thể hiện quyết tâm đổi mới mạnh mẽ, quyết liệt của Đảng, nhằm củng cố, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là cán bộ cấp chiến lược.

Tọa đàm khoa học về xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ KHCN tổ chức nhằm cung cấp, làm rõ thêm luận cứ khoa học, thực tiễn để xây dựng báo cáo tư vấn của Hội đồng Lý luận Trung ương về nội dung nói trên gắn với đối tượng là các chuyên gia, cán bộ KHCN; đồng thời đã trao đổi, thảo luận và đưa ra nhiều đề xuất, giải pháp xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ KHCN, đặc biệt là đội ngũ cán bộ chiến lược. Đồng thời, giúp Bộ KHCN củng cố, hoàn thiện nội dung đánh giá tình hình xây dựng đội ngũ cán bộ KHCN sau 20 năm thực hiện Chiến lược cán bộ của Nghị quyết Trung ương 3 khóa VIII. Cùng với đó, có thêm cơ sở đề xuất các quan điểm, giải pháp xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhà khoa học của ngành đủ năng lực, phẩm chất, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ cũng như các giải pháp thu hút, phát huy, sử dụng và trọng dụng nhân tài trong lĩnh vực KHCN, sẵn sàng cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 của Đảng và Nhà nước ta.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất