Cần một cơ chế tuyển chọn, đề bạt cán bộ

Chúng ta hãy nhìn vào thực trạng cán bộ hiện nay, làm một thống kê cán bộ là cấp uỷ cấp xã, huyện, tỉnh; trưởng phó phòng từ huyện đến trưởng phó sở, ban, ngành cấp tỉnh để xem trình độ đại học chính quy chiếm tỷ lệ bao nhiêu? Cán bộ chuẩn hoá bằng học tại chức đại học chiếm tỷ lệ bao nhiêu? Cán bộ chuẩn hoá theo cách học bổ túc, đào tạo cấp tốc từ THCS, THPT đến đại học là bao nhiêu? Tương tự như vậy, làm một thống kê ở các cơ quan sự nghiệp, đơn vị kinh doanh có vốn nhà nước, doanh nghiệp tư nhân đối với loại cán bộ giữ chức vụ và lứa tuổi tương đương. So sánh, ta sẽ thấy sự bất hợp lý về trình độ đào tạo cơ bản giữa đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý vĩ mô với đội ngũ cán bộ được lãnh đạo và thực hành vi mô. Nguyên nhân chủ yếu của thực trạng này là do cơ chế tổ chức, cơ chế đào tạo, quy hoạch cán bộ!

Xét số người trưởng thành sau năm 1975 ở lứa tuổi 40-55, đang là lớp người giữ cương vị lãnh đạo chủ chốt từ cấp tỉnh đến cơ sở. Trước đây hơn vài chục năm, có thể cho đến gần đây, những thanh niên cố gắng học tập, đã thi đỗ vào các trường đại học khoa học - kỹ thuật, khoa học xã hội - nhân văn. Số người này thành đạt về học vấn, nhưng thường được phân công về công tác ở cơ quan chuyên môn, đơn vị sản xuất - kinh doanh, các trường THPT, THCN, CĐ, ĐH…

Những thanh niên khác, chiếm đa số hơn, vào cao đẳng, trung cấp, học nghề, đi bộ đội, ở lại làm ăn hoặc công tác tại địa phương… Trong số này, đặc biệt có 2 đối tượng là những người không thi đỗ vào các trường chuyên nghiệp hoặc không đỗ tốt nghiệp THCS, THPT đi bộ đội rồi phục viên về quê và giáo viên tiểu học, THCS. Đây thường là nguồn cán bộ chính trị của huyện và xã. Đội ngũ này từng bước nâng cấp, chuẩn hoá bằng học tại chức để đủ chuẩn chính trị, chuyên môn và văn hoá. Từ đó, được qui hoạch, đề bạt từ cơ sở lên huyện, tỉnh theo kiểu “bó đũa chọn cột cờ”. Do cơ chế tổ chức nên phải từ bó đũa ngắn, tìm những chiếc đũa dài hơn và những chiếc đũa đó sẽ tiếp tục trở thành cột cờ ở các cấp cao hơn trong những năm sau này. Thực tế cho thấy cán bộ chuyên viên chính, trưởng phó phòng, thậm chí trưởng phó sở, trưởng phó các ban, ngành, đoàn thể và cao hơn ở cấp huyện, tỉnh hiện nay phần lớn đi lên bằng con đường này.

Để làm sáng tỏ thêm nhận định này, chỉ xét riêng nguồn cán bộ chính trị từ cơ sở đề bạt lên các cấp cao hơn xuất thân là nhà giáo cũng đã thấy sự bất hợp lý. Cũng là nhà giáo cả, nhưng xét nhà giáo ở cấp học nào được tuyển chọn làm chính trị chiếm đa số hơn. Phần lớn trong họ là nhà giáo THCS thuộc hệ thống quản lý giáo dục của ta trong nhiều năm nay, thì phòng giáo dục trực thuộc trực tiếp hệ thống quản lý nhà nước cấp huyện. Phòng lại trực tiếp quản lý giáo dục từ cấp học trung học cơ sở trở xuống. Thuận theo hệ thống tổ chức đó, cán bộ bổ sung cho cấp uỷ và chính quyền cấp huyện từ giáo dục sang là cán bộ phòng hoặc từ các trường THCS hoặc tiểu học... Các trường THPT, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề thì trực thuộc sở giáo dục nên họ khó chuyển sang hệ thống chính trị cấp huyện và cũng có rất ít trường hợp chuyển lên sở rồi chuyển tiếp qua hệ thống chính trị của cấp tỉnh. Cứ như vậy, giáo viên  THPT chuyển sang công tác trong hệ thống chính trị ở cấp huyện và tỉnh ít hơn nhiều so với THCS, tiểu học. Tuy vậy, nguồn cán bộ từ giáo dục chuyển sang thì trình độ học vấn cơ bản còn khá hơn nguồn từ bộ đội phục viên hoặc từ địa phương tham gia công tác ở cơ sở rồi lần lượt được đề bạt lên.

Học để thành người và thành đạt trong sự nghiệp phải là việc liên tục, suốt đời. Có những người học tại trường không nhiều, nhưng qua thực tế họ thực sự thành tài, là do có phương pháp, dày công học tập, tôi luyện trong cuộc sống. Nhưng xác suất ấy không nhiều. Nếu vì vô tình hoặc cố ý cường điệu, quá nghiêng về cách lựa chọn, quy hoạch và đề bạt đội ngũ cán bộ lãnh đạo bằng con đường thông qua thực tế từ cơ sở như trên sẽ là một sai lầm.

Bất cứ xã hội nào, đội ngũ công chức nhà nước từ Trung ương đến cơ sở đa số phải là những người có trình độ học vấn cao, được đào tạo bài bản, có chỉ số IQ cao hơn so với các nhóm người khác thì mới có thể đóng vai trò dẫn dắt xã hội được. Nói cách khác, muốn có một đội ngũ cán bộ đồng bộ, năng động, sáng tạo, hoạt động hiệu quả cao thì phải được đào tạo cơ bản; có phương pháp và nghị lực tự đào tạo; yêu nghề, có ý chí và bản lĩnh; biết lập nghiệp, lập danh tương xứng với trình độ năng lực, sở trường của mình… Một con người không tài cán gì mà bằng mọi cách để có vị trí không tương xứng với mình thì là người kém đức. Cha ông ta thời trước chọn khoa cử là con đường chính để bổ nhiệm quan lại, phương thức này đến nay vẫn còn giá trị tích cực cần được học tập, làm theo.

Muốn vậy, việc đầu tiên và cần thiết là có một cơ chế tuyển chọn, đề bạt cán bộ khoa học, dân chủ, công bằng. Cơ chế đó sẽ loại trừ được những tiêu cực, tuỳ tiện, thiên lệch trong tuyển chọn, sử dụng cán bộ. Đó cũng là điểm xuất phát ngăn chặn tư tưởng cơ hội, thói nịnh bợ, bằng giả, trình độ giả để thăng quan, tiến chức và cũng sẽ góp phần hạn chế có hiệu quả những hiện tượng tiêu cực khác.

Vậy, cơ chế tuyển chọn, đề bạt khoa học, công bằng, dân chủ bắt nguồn từ đâu? Dĩ nhiên nó phải bắt nguồn từ yêu cầu của con người và được thực tiễn cuộc sống đánh giá, kiểm nghiệm. Trong đó, trách nhiệm trước tiên và chủ yếu thuộc về những nhà lãnh đạo, quản lý, những người làm công tác tổ chức cán bộ cấp Trung ương, sau đó là cấp tỉnh…

Trong thời đại ngày nay, cơ chế tổ chức tuyển chọn, đề bạt cán bộ khoa học, dân chủ, công bằng tuỳ thuộc vào nhận thức khách quan và khoa học về công tác cán bộ và sự tiếp thu, vận dụng những kinh nghiệm từ truyền thống dân tộc, từ các nước khác…

Thế giới ngày nay hết sức năng động, cạnh tranh và hợp tác, buộc con người không thể tư duy và hành xử theo lối cũ mà phải nắm bắt được quy luật, có phương pháp để thích nghi, vận dụng phù hợp với mục đích, lý tưởng của Đảng.

Người làm công tác tổ chức cán bộ phải có tri thức uyên thâm và tư duy biện chứng. Sứ mệnh của những nhà tổ chức là vô cùng to lớn đối với vận mệnh của đất nước. Hơn ai hết, họ phải là những con người có tầm nhìn xa, trông rộng, thấu thị lòng người trên quan điểm nhân văn. Để Đảng mạnh, nhà nước mạnh, cả hệ thống chính trị mạnh thì trước tiên và then chốt nhất phải có những nhà tổ chức mạnh cả trí tuệ và tấm lòng yêu nước, thương dân.

 

Phản hồi (6)

Nguyên văn Tuân 08/04/2012

Bài viết ngắn nhưng có nhiều ý kiến rất xác đáng, rát sát với thực tế. Dù không có một số liệu thống kê cụ thể như ý kiến của bạn Nguyễn Lê Vân nhưng với nhận biết của một người cán bộ đã từng tốt nghiệp đại học chính quy và hơn 30 năm công tác ở cơ sở tôi rất đồng tình với tác giả bài viết. Các nhà hoạch định chính sách nên nghiên cứu, để công tác cán bộ phục vụ tốt hơn cho sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.

Lê Anh Khoa 04/04/2012

Bai viet sau sac, phan anh dung ban chat van de. Mong rang Dang ta som co co che, phuong phap lam phu hop, đe doi ngu can bo that su co duc, co tai.

Phạm đức lương 04/04/2012

Bài viết này nói lên được căn bệnh của công tác tổ chức cán bộ hiện nay! Tôi đồng tình với những nhận định trong bài viết. Thiết nghĩ chúng ta phải có những bước đi đột phá, những cải cách mới...điều này có đựoc khi cả hệ thống chính trị cùng chung tay.

1 2

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất