Tôn vinh cán bộ thanh liêm

Cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư là những tiêu chí đạo đức cao quí mà Bác Hồ đã răn dạy cho cán bộ, đảng viên và mọi người dân Việt Nam ta cần phải đạt đến. Cả cuộc đời của Bác là tấm gương sáng chói về những phẩm chất đạo đức cao quí ấy. Đối với cán bộ, đảng viên nhất là người có chức có quyền, theo tôi trong điều kiện cơ chế thị trường này thì liêm, chính là phẩm chất cần phải đặt lên hàng đầu. Bởi một cán bộ liêm chính là người luôn làm việc đúng, việc chính nghĩa, việc ích nước lợi dân và tất nhiên một cán bộ liêm khiết không khuất phục trước mọi cám dỗ của vật chất tầm thường.

Trong truyền thống dân tộc, những ông quan thanh liêm được nhân dân tôn vinh và truyền tụng nhiều đời. Sử sách cũng đã ghi lại nhiều tấm gương quan thanh liêm.


Ở chế độ ta, trong thời bao cấp và ngay cả lúc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, tôi cũng nghe trong cán bộ, đảng viên ở Quảng Nam, ở Khu 5 truyền tụng với nhau về những người cán bộ lãnh đạo thanh liêm tiêu biểu như đồng chí Trần Kiên, Sáu Bạc (Đào Đức Trinh), Hồ Nghinh…


Hiện nay ai đến phường Nghĩa Lộ, TP. Quảng Ngãi, ngay ở đầu con đường nhỏ có tên Trần Quang Khải hỏi nhà đồng chí Trần Kiên, Uỷ viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Kiểm tra Trung ương, thì không thể tin nổi đó là ngôi nhà của ông - một ngôi nhà vô cùng khiêm tốn. Trong khi đồng chí Trần Kiên có thể có những biệt thự, bởi đồng chí là cán bộ cao cấp đã từng giữ những chức vụ rất liên quan đến quyền lực và tiền bạc. Có một thời người ta thường nói “nằm ngửa thấy Trần Kiên…” ngụ ý chỉ tính nguyên tắc và phẩm chất thanh liêm của đồng chí làm cho người khác phải nể sợ. Ở thế hệ của các bác ấy, quan niệm về một cán bộ thanh liêm có phần nào cực đoan so với bây giờ, bởi khi ấy đất nước chưa vận hành theo cơ chế thị trường, có khi đặt việc làm giàu cho cá nhân đối nghịch với tính liêm khiết của một cán bộ, đảng viên. Song cái rất quí và rất khó phấn đấu đó là tự sống ép mình, quên mình vì sự nghiệp chung, vì sự làm gương của một cán bộ lãnh đạo. Người ta thường nói “thượng bất chính hạ tắc loạn”. Như vậy, sự làm gương của cán bộ lãnh đạo là vô cùng cần thiết cho việc xây dựng xã hội.


Trong những năm gần đây, Đảng và Nhà nước ta chủ trương phát động toàn Đảng, toàn dân học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, đây là một chủ trương hết sức đúng đắn và cần thiết. Tuy nhiên, trong đời thực thì chưa có nhiều động thái tôn vinh những người cán bộ liêm khiết có thật trong cuộc sống. Có những trường hợp cụ thể, ở những đơn vị cụ thể, nhất là ở những đơn vị nắm nhiều quyền hành và của cải của nhân dân thì những người liêm khiết có khi trở nên một hình ảnh lập dị hoặc gây cản trở trong con mắt nhiều người.


Cũng trong thời gian gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng có nhiều hoạt động khuyến khích, tuyên dương những doanh nhân giỏi. Tất nhiên việc làm giàu cho họ sẽ dẫn đến hệ quả là giải quyết công ăn việc làm cho nhân dân, đóng góp ngân sách cho nhà nước, phát triển khoa học, kỹ thuật, công nghệ, góp phần phát triển đất nước thì việc tuyên dương họ là đúng, nhưng không nên quá mức cần thiết.

Trong thời buổi mà lợi ích vật chất trở thành sự tìm kiếm, trở thành mục đích tối thượng của một bộ phận không nhỏ trong xã hội, thì hơn ai hết và trước hết là đội ngũ cán bộ, đảng viên, trong đó đặc biệt những người lãnh đạo là những người được Đảng và nhân dân lựa chọn, giao trọng trách phải thật sự là những người chính trực, liêm khiết thì mới thực hiện được vai trò điều hoà, điều tiết các mối quan hệ đạo đức xã hội. Trong lúc mà tệ tham nhũng trở thành quốc nạn, trở thành mối đe doạ cho sự tồn vong của chế độ ta thì việc tuyên dương, phát huy những tấm gương cán bộ liêm khiết bằng nhiều hình thức khác nhau là hết sức cấp thiết.


Sẽ có ý kiến cho rằng trong cơ chế thị trường này biết ai thật sự liêm khiết để mà tuyên dương, để mà tôn vinh, rất khó tìm ra những con người cụ thể để mà tuyên dương. Cái khó ấy là có thật. Nhưng cũng có sự thật khác, ví dụ: Có một ông chủ tịch xã, tại xã có xây dựng một ngôi trường, ông đã theo dõi chất lượng công trình rất sát sao. Khi chủ thầu cho đưa gỗ lắp mái để lợp ngói, ông đến và leo lên kiểm tra từng cây gỗ. Phát hiện gỗ kém chất lượng, không đúng với hợp đồng ông bắt tháo dỡ và thay toàn bộ gỗ đúng theo hợp đồng. Làm như vậy thì dân được còn ông không có phong bì, phong bao gì cả. Những hành động đó là rất rõ ràng, là hành động có thật cần phải được thông tin đại chúng nêu gương, cần phải được truyền tụng trong dân chúng. Trong cuộc sống đời thường có rất nhiều chuyện như vậy và nhiều chuyện lớn lao hơn thế nữa. Nhưng trên báo chí, trong các cuộc hội nghị tổng kết, trong các tác phẩm văn học, câu chuyện dân gian gần đây rất ít đề cập tới.


Thiết tưởng khi mà đạo đức xã hội có những dấu hiệu xuống cấp, khi mà giá trị của đồng tiền lấn át giá trị đạo đức thì việc đặt vấn đề tìm mọi cách để tôn vinh những cán bộ, đảng viên liêm khiết trở thành chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước là vấn đề mang ý nghĩa chiến lược trong công cuộc xây dựng một xã hội trong sáng và phát triển bền vững. 
 

 

Phản hồi (1)

Lê Hoàng Hà 28/03/2012

Tôi không hiểu quan điểm của Tạp chí và tác giả về tuyên dương các doanh nhân "không nên quá mức cần thiết là thế nào?" Như hiện nay là quá mức cần thiết sao? Tôi nghĩ ai xứng đáng thì tuyên dương hết, càng nhiều càng tốt. Cơ bản là phải tìm hiểu cho kỹ, không nên hôm nay tuyên dương, mai doanh nhân lộ diện là kẻ lừa đảo như bà Diệu Hiền hiện nay đang ầm ỹ. Có ai ngăn không được tuyên dương cán bộ đâu? Có tìm được nhiều cán bộ thanh liêm đâu mà tuyên dương? Tôi mong được đọc nhiều gương cán bộ thanh liêm trên Tạp chí Xây dựng Đảng. Ngay chuyên mục Gương đảng viên của Tạp chí cũng ít cán bộ mà. Ngay trong bài này, có 1 ông cán bộ tốt đấy, sao phải giấu tên, địa danh? Không hiểu.

1

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất