Về chính sách đối với đội ngũ cán bộ cơ sở đồng bằng sông Cửu Long
Chợ trên sông ở miền Tây Nam bộ

Chính sách cán bộ đúng đắn và hiệu quả phải là một hệ thống những qui định thống nhất, đồng bộ, hợp lý trên tất cả các mặt của công tác cán bộ, từ chính sách đào tạo, bồi dưỡng, quản lý, sử dụng, bố trí đến chính sách đãi ngộ về lợi ích vật chất và động viên tinh thần, đảm bảo sự tương xứng và công bằng đối với đóng góp của từng chức danh cán bộ nhằm phát huy đến mức cao nhất năng lực, sở trường của mỗi cán bộ. Trong đó, chính sách đào tạo, bồi dưỡng cùng với đãi ngộ về vật chất và động viên tinh thần có ý nghĩa quan trọng, là đòn bẩy nâng cao chất lượng cán bộ, tác động trực tiếp đến tính tích cực công tác cũng như ý thức "tự nâng cao" của mỗi cán bộ, góp phần hạn chế những tiêu cực và sự thoái hóa về tri thức trong quá trình công tác của cán bộ. Đây cũng là yếu tố quan trọng để thu hút nguồn cán bộ từ lực lượng trẻ có trình độ, được đào tạo cơ bản trong các trường đại học, cao đẳng về công tác tại cơ sở; khắc phục những bất cập, hạn chế của đội ngũ cán bộ hiện có… nhằm xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ cơ sở có chất lượng, đáp ứng yêu cầu phát triển của địa phương trong tình hình mới.

Tuy đã đạt được những thành tựu đáng kể trong xây dựng đội ngũ cán bộ cơ sở, nhưng đội ngũ cán bộ này vẫn tồn tại những hạn chế, bất cập về nhiều mặt mà một trong những nguyên nhân cơ bản là do “chính sách cán bộ đến nay vẫn chưa theo kịp yêu cầu xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ trong thời kỳ mới”(1).

Theo số liệu thống kê của Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, hiện nay, cả khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có 17.735 cán bộ chủ chốt cơ sở xã, phường, thị trấn, trong đó vẫn còn 1,79% cán bộ có trình độ học vấn tiểu học; 52,3% có trình độ chuyên môn là sơ cấp hoặc chưa qua đào tạo (trong đó chưa qua đào tạo chiếm đến 44,33%); số cán bộ có trình độ quản lý nhà nước từ sơ cấp trở lên chỉ đạt 13,3%.  Đặc biệt, trong số 1.611 chủ tịch UBND cấp xã có 5 người có trình độ học vấn tiểu học; 218 người (13,53%) chưa được đào tạo chuyên môn,…

Thực tế những năm đổi mới của cả nước cũng như các tỉnh Tây Nam Bộ thời gian qua đã khẳng định những thành tựu to lớn của chính sách cán bộ đối với đội ngũ cán bộ cơ sở, nhất là từ khi thực hiện Nghị định 92/2009/NĐ-CP của Chính phủ, đã giải quyết được một số vấn đề bức xúc đối với cán bộ khi chuyển lương những cán bộ, công chức đạt chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ từ trung cấp trở lên sang ngạch bậc lương của công chức hành chính nhà nước, tạo điều kiện cho cán bộ đảm đương và phát huy tốt vai trò của mình trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, khuyến khích, động viên cán bộ tích cực hơn trong việc nâng cao trình độ và hiệu quả công tác, góp phần quan trọng vào quá trình phát triển của các tỉnh, thành phố trong vùng.

Tuy nhiên, với thực trạng xấp xỉ 50% cán bộ chủ chốt cấp cơ sở chưa đủ chuẩn chuyên môn như hiện nay, rõ ràng Nghị định 92/2009/NĐ-CP lại tạo ra một sự “phân hóa vô hình” trong đội ngũ cán bộ chuyên trách ở mỗi địa phương: Chế độ đãi ngộ, kể cả lương và các qui định về chế độ bảo hiểm, chế độ phụ cấp kiêm nhiệm… đối với số cán bộ chưa đủ chuẩn và cán bộ không chuyên trách chưa phù hợp, chưa đảm bảo công bằng và tương xứng với trách nhiệm cũng như cống hiến của cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt. Một số chính sách cán bộ được mỗi địa phương vận dụng khác nhau. Năng lực nghiên cứu, tham mưu vận dụng, tổ chức thực hiện chính sách của cán bộ tổ chức và nhiều cấp ủy chưa đáp ứng yêu cầu mới…

Nước ta đang hội nhập ngày càng sâu hơn và đầy đủ hơn với các thể chế kinh tế toàn cầu cũng như khu vực; tiếp tục thực hiện nhiệm vụ của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước gắn với phát triển kinh tế tri thức, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong bối cảnh thế giới, khu vực đang diễn biến nhanh chóng, phức tạp và chứa đựng nhiều yếu tố khó lường. Các thế lực thù địch vẫn âm mưu lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo gây mất ổn định ở một số tỉnh, thành phố khu vực Tây Nam bộ. Yếu tố trong nước và thế giới đang tạo ra những thời cơ và vận hội lớn nhưng cũng đặt ra cho cách mạng Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng nhiều vấn đề mới mẻ với những khó khăn, thách thức gay gắt đan xen; đòi hỏi hơn lúc nào hết phải phát huy vai trò to lớn của đội ngũ cán bộ cơ sở, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý, để tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân, làm thất bại âm mưu của kẻ thù và đảm bảo lãnh đạo, tổ chức nhân dân thực hiện thắng lợi mọi chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị. Phải xây dựng và thực hiện một cách đồng bộ, hợp lý, hiệu quả chính sách cán bộ đối với cán bộ chủ chốt của hệ thống chính trị cơ sở ở khu vực Tây Nam bộ, đảm bảo đủ sức thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của khu vực, góp phần quan trọng vào việc củng cố, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ nói chung, đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

-------
(1) Đảng Cộng sản Việt Nam (2008), Văn kiện Hội nghị TƯ 9, tr. 229. 

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất