|
Đồng chí Trần Lưu Hải (thứ 5 từ trái sang) chụp ảnh lưu niệm cùng cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Ca-na-đa.
|
Cán bộ là cái gốc của mọi công việc, công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém. Thực tiễn lãnh đạo cách mạng Việt Nam của Đảng ta từ ngày thành lập tới nay đã minh chứng sức sống bất diệt của chân lý đó… Với những trăn trở và tâm huyết của một người lãnh đạo ở cơ quan tham mưu về công tác tổ chức và cán bộ, đồng chí Trần Lưu Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương có cuộc trò chuyện với phóng viên (PV) Tạp chí Xây dựng Đảng đầu Xuân Nhâm Thìn.
PV: Đồng chí cho biết đôi nét về công tác đánh giá và sử dụng cán bộ thời gian qua?
Trong quá trình thực hiện sự nghiệp đổi mới, Đảng ta xác định: “Phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt”. Trong công tác xây dựng đảng thì công tác cán bộ được xác định là khâu “then chốt”. Như vậy, có thể nói công tác cán bộ là khâu “then chốt” của nhiệm vụ “then chốt”. Trong công tác cán bộ, đánh giá cán bộ là khâu tiền đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng vì đây là cơ sở cho các khâu tiếp theo.
Đánh giá cán bộ là nhằm nhận diện cho đúng phẩm chất, năng lực, sở trưởng của cán bộ theo từng chức danh và yêu cầu, nhiệm vụ của mỗi giai đoạn cách mạng để bố trí, sử dụng cho đúng. Mỗi thời kỳ cách mạng đều có những mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể. Vì vậy, căn cứ vào những mục tiêu đã được xác định, những nhiệm vụ phải triển khai để xây dựng các tiêu chuẩn cho mỗi chức danh cán bộ cần phải có.
Trong những năm qua, nhất là từ nhiệm kỳ Đại hội IX của Đảng đến nay, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã có những chủ trương, nghị quyết và giải pháp cụ thể về công tác cán bộ. Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành nhiều quyết định, quy định, quy chế, quy trình về công tác cán bộ. Do đó, công tác cán bộ nói chung, công tác đánh đánh giá cán bộ nói riêng có chuyển biến cả nhận thức, nội dung và cách làm, bảo đảm dân chủ, công khai và thực chất hơn… góp phần tiếp tục đổi mới đội ngũ cán bộ và đưa công tác cán bộ vào nền nếp, góp phần quan trọng xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý ở các cấp, từng bước đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của cách mạng trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước.
Tuy nhiên, cũng phải nói rằng, công tác cán bộ vẫn còn nhiều mặt yếu kém và đánh giá cán bộ vẫn là một khâu khó và yếu nhất hiện nay nhưng chậm được khắc phục. Sở dĩ như vậy vì đây là việc đánh giá con người, mà con người là tổng hoà của các mối quan hệ xã hội. Cả người đánh giá và người được đánh giá đều bị chi phối bởi các mối quan hệ xã hội. Nếu việc đánh giá cán bộ thiếu công tâm, khách quan, người nhận xét, đánh giá cán bộ không vượt qua được tình riêng, bị các mối quan hệ xã hội hoặc lợi ích cá nhân chi phối thì việc đánh giá cán bộ dễ theo cảm tính, thiếu khách quan, làm cho chất lượng các khâu tiếp theo của công tác cán bộ không chính xác, làm cho những cán bộ có phẩm chất, năng lực và tâm huyết không được phát huy, thậm chí làm thui chột tài năng. Ngược lại, nếu đánh giá cán bộ công tâm, khách quan, được tiến hành công khai, dân chủ và bố trí cán bộ đúng người, đúng việc thì không những động viên, khuyến khích được cán bộ mà còn làm cho đội ngũ cán bộ tích cực phấn đấu, không ngừng nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, năng lực và hiệu quả công tác. Tuy vậy, chúng ta còn thiếu những cơ chế, chính sách, giải pháp cụ thể để thực sự phát huy dân chủ, phát hiện và lựa chọn được người tài. Trong đánh giá cán bộ vẫn còn biểu hiện chủ quan, hình thức, chưa phản ánh đúng thực chất; chưa thực sự lấy hiệu quả công việc làm thước đo chủ yếu để đánh giá cán bộ. Do vậy, nhiều trường hợp cán bộ lãnh đạo, quản lý tuy được chuẩn bị đúng quy trình, đạt được số phiếu tín nhiệm khá cao nhưng sau khi được bổ nhiệm, đề bạt vào chức vụ mới thì không được cán bộ, đảng viên và dư luận xã hội đồng tình.
PV: Vậy, đâu là nguyên nhân thưa Đồng chí?
Trong Cương lĩnh và Điều lệ Đảng đã xác định: “Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ, đồng thời phát huy vai trò của các tổ chức trong hệ thống chính trị và đề cao trách nhiệm của người đứng đầu các tổ chức đó”. Như vậy, đánh giá cán bộ là công việc của Đảng, mà trách nhiệm trực tiếp, thường xuyên là của các cấp ủy đảng và người đứng đầu cấp ủy quản lý cán bộ đó.
Nguyên nhân chính của tình hình nêu trên là do: Chúng ta chưa xây dựng và hoàn thiện được nội dung, quy trình, phương pháp và các tiêu chí để đánh giá một cách khách quan, khoa học đối với từng chức danh cán bộ; khi đánh giá cán bộ ở nhiều nơi chưa thực sự mở rộng và phát huy dân chủ, còn nể nang, cảm tính “dĩ hoà vi quý”, dễ người dễ ta và còn phụ thuộc nhiều vào ý kiến của cấp trên hoặc người đứng đầu. Mặt khác, chúng ta chưa thực hiện tốt quan điểm lấy kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao làm căn cứ chủ yếu để đánh giá phẩm chất, năng lực của cán bộ, còn tư tưởng “sống lâu lên lão làng”, nặng về quá trình công tác.
PV: Theo Đồng chí, làm thế nào để đánh giá và sử dụng tốt đội ngũ cán bộ hiện nay?
Để đánh giá đúng cán bộ phải xây dựng được các tiêu chí đánh giá một cách cụ thể, khách quan và tiến hành theo một quy trình chặt chẽ đối với từng chức danh cán bộ; phải lấy số lượng, chất lượng và hiệu quả thực hiện các nhiệm vụ được giao làm căn cứ chủ yếu để đánh giá phẩm chất, năng lực của cán bộ; phải thật sự mở rộng và phát huy dân chủ, lắng nghe ý kiến của cán bộ, đảng viên, quần chúng với nhiều kênh thông tin khác nhau theo quan điểm “dựa vào dân để xây dựng Đảng”. Khi đánh giá cán bộ, phải nhìn nhận, xem xét một cách khách quan, toàn diện và có quan điểm lịch sử cụ thể, khắc phục tư tưởng bảo thủ, định kiến, hẹp hòi. Có một thực tế cần phải chú ý và rút kinh nghiệm là: Nhiều tổ chức đảng còn e ngại, nể nang và buông lỏng công tác quản lý và kiểm tra, giám sát đối với những đảng viên là cán bộ lãnh đạo thuộc cấp ủy cấp trên quản lý; ngược lại, một số cán bộ lãnh đạo, quản lý thường vin vào bận nhiều việc nên chưa coi trọng thực hiện nền nếp sinh hoạt đảng, tự tách mình khỏi kỷ luật, kỷ cương của Đảng. Mặt khác, để đánh giá và sử dụng cán bộ cho đúng người, đúng việc thì vai trò, trách nhiệm của cơ quan tham mưu về công tác cán bộ rất quan trọng. Những người tham mưu và tham gia đánh giá cán bộ phải có cái “tâm” trong sáng và có “tầm” hiểu biết về cán bộ tương ứng với trách nhiệm được giao. Đây là nhân tố quan trọng để đánh giá đúng cán bộ và bố trí, sử dụng cán bộ đúng người, đúng việc. Khi đánh giá cán bộ không thể chỉ xem xét hình thức bề ngoài tại một thời điểm hoặc một thời gian ngắn mà cần phải xem xét về bản chất và cả quá trình công tác của cán bộ đó; phải kết hợp chặt chẽ giữa theo dõi, đánh giá thường xuyên và đánh giá định kỳ đối với từng chức danh cán bộ.
Chỉ có đánh giá đúng cán bộ thì việc phát hiện, lựa chọn, quy hoạch, đào tạo, luân chuyển, bố trí, bổ nhiệm, đề bạt và sử dụng cán bộ mới được khách quan, chính xác, tạo điều kiện cho cán bộ phát huy tối đa năng lực, sở trường của mình, hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao mới không bỏ sót người tốt, chọn nhầm người kém. Ngược lại, đánh giá cán bộ không đúng chẳng những không bố trí, sử dụng đúng cán bộ, mà còn làm xói mòn niềm tin của cán bộ, đảng viên, quần chúng đối với Đảng.
PV: Vậy cấp ủy và hệ thống Ngành Tổ chức xây dựng Đảng tới đây cần làm gì để đánh giá và sử dụng tốt cán bộ?
Cần tiến hành rà soát lại nội dung, quy trình và phương pháp đánh giá cán bộ để bổ sung, hoàn chỉnh. Đồng thời, quy rõ trách nhiệm của tập thể và cá nhân, khắc phục tình trạng đùn đẩy trách nhiệm giữa các cơ quan; giữa tập thể và cá nhân người đứng đầu. Các cấp ủy cần tăng cường công tác kiểm tra và tiến hành thường xuyên theo định kỳ việc thực hiện các quy định, quy chế, quyết định về công tác cán bộ. Song, muốn làm tốt công tác kiểm tra cần phải có hai điều: một là, việc kiểm tra phải tiến hành thường xuyên; hai là, người đi kiểm tra phải là những người rất có uy tín.
Cần phát huy sức mạnh của các phương tiện thông tin đại chúng. Đã từ lâu trên thế giới, trong các nước phát triển, người ta rất chú trọng tới tiếng nói phản biện của nhân dân qua các phương tiện thông tin đại chúng. Dựa vào nhân dân là một cách làm hữu hiệu để đánh giá, thẩm định xem cán bộ đó có tâm, tài như thế nào. Và, đó cũng là cách để cán bộ có thông tin, hiểu xã hội định giá trị cho mình như thế nào. Đó cũng chính là thực hiện Tư tưởng Hồ Chí Minh: Dựa vào dân chúng mà giáo dục, đánh giá và cất nhắc cán bộ.
Tiếp tục kiện toàn, củng cố và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác tham mưu về tổ chức - cán bộ, đồng thời có chính sách bảo đảm lợi ích và động viên tinh thần để vừa phát huy tính tích cực cách mạng của họ, vừa đảm bảo cho họ có những điều kiện, giúp họ giữ được đức thanh liêm, khách quan, vô tư và toàn tâm, toàn ý với công việc. Có quy định để vừa tôn vinh, bảo vệ những người làm công tác tổ chức trung chính, vừa có chế tài xử phạt nghiêm khắc đối với việc nhận định, đánh giá, tham mưu bố trí, sử dụng không đúng về cán bộ. Có quy định cho cấp uỷ, từng cán bộ làm công tác tổ chức đánh giá, bố trí cán bộ được giữ ý kiến của mình và có thể gửi báo cáo bằng văn bản vượt cấp về những vấn đề mình nhận định (nếu những nhận định đó không được cấp trên trực tiếp, hoặc cấp ủy cùng cấp đồng tình), đồng thời phải chịu trách nhiệm về tất cả nội dung đã báo cáo.
PV: Cảm ơn Đồng chí! Nhân dịp năm mới kính chúc Đồng chí, gia đình sức khoẻ, hạnh phúc và những thành công mới.
Thu Thủy (thực hiện)