Thương tiếc Giáo sư Trần Nhâm - nguyên trợ lý của cố Tổng Bí thư Trường Chinh

Giáo sư Trần Nhâm là nhà nghiên cứu triết học của Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam. Năm 1981, anh được điều động về  công tác tại Văn phòng Trung ương Đảng, đầu năm 1982 anh được giao nhiệm vụ làm Trợ lý Tổng Bí thư Trường Chinh. Sau khi đồng chí Trường Chinh qua đời, Giáo sư Trần Nhâm được giao nhiệm vụ Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chủ nghĩa Mác Lênin - Tư tưởng Hồ Chí Minh. Năm 1993, Giáo sư Trần Nhâm được giao giữ chức vụ Giám đốc kiêm Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật.
Cả cuộc đời nghiên cứu và hoạt động, giáo sư Trần Nhâm đã để lại dấu ấn đáng trân trọng về lòng trung thành với Chủ nghĩa Mác-Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh thể hiện ở các công trình nghiên cứu có giá trị đã xuất bản, ở sự tận tình dìu dắt, hướng dẫn, đào tạo các lớp học trò mà nhiều người trong số họ đã trở thành những cán bộ khoa học đang tiếp bước anh làm việc tại Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia. Giáo sư Trần Nhâm đã hiến trọn đời mình cho sự nghiệp nghiên cứu và xuất bản các tác phầm chính trị - xã hội. Giáo sư là một nhà khoa học có nhiều đóng góp cho Đảng. Khi nghỉ hưu, Giáo sư vẫn tiếp tục nghiên cứu và đã  xuất bản những cuốn sách rất có giá trị, sâu sắc về hai đồng chí Tổng Bí thư xuất sắc của Đảng ta là Lê Duẩn và Trường Chinh. Cuốn sách viết về Tổng Bí thư Trường Chinh của Giáo sư đã được trao giải sách vàng vào đầu thập niên của thế kỷ này. Mới đây thôi, Giáo sư còn nói chuyện qua điện thoại, hẹn hôm nào đến chơi Giáo sư sẽ tặng cho tôi cuốn sách “Hồ Chí Minh nhà tư tưởng lớn” của anh vừa mới xuất bản. Tôi chưa kịp đến thăm và chúc mừng thì ngày 19-2-2012 nghe tin: Giáo sư Trần Nhâm đã qua đời vì tuổi cao, bệnh nặng. Để tỏ lòng thương tiếc anh, tôi xin ghi lại một số ấn tượng của anh về về con đường đổi mới tư duy để đi tới những quyết định lịch sử, khởi xướng cho công cuộc Đổi Mới của cố Tổng Bí thư Trường Chinh. 
 
Giáo sư Trần Nhâm kể lại rằng: “Từ năm 1981, 1982 đến Đại hội VI (vào cuối năm 1986) là quá trình chuẩn bị tiền đề lý luận và thực tiễn cho đường lối đổi mới. Đó là quá trình đấu tranh, cọ xát quan điểm giữa cũ và mới rất gay go, phức tạp giữa các cơ quan nhà nước, trong cả nội bộ Đảng.

Khi tôi về làm việc với cố Tổng Bí thư Trường Chinh đầu năm 1982, đất nước đang lâm vào một cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội trầm trọng. Bản thân tôi và anh Hà Nghiệp (trợ lý cố Tổng Bí thư Trường Chinh) đã đi rất nhiều nơi, đã thấy những tiếng kêu ca, phản ứng của các tầng lớp nhân dân về tình hình kinh tế quá khó khăn, về cuộc sống quá khổ cực. Nhiều thư từ, báo cáo kiến nghị từ các cấp, các ngành và các địa phương gửi về Văn phòng đồng chí Trường Chinh phản ánh những mặt tiêu cực của tình hình kinh tế - xã hội của đất nước. Những thông tin ấy chúng tôi đều báo cáo cập nhật với đồng chí Trường Chinh cùng những ý kiến riêng của chúng tôi. Trước tình hình ấy, đồng chí Trường Chinh nhận thấy phải có một sự thay đổi. Một ngày cuối tháng 11-1982, ông triệu tập chúng tôi, khẳng định tình hình bức xúc như thế không thể kéo dài, ông đề ra hai vấn đề:

Thứ nhất, thành lập một nhóm nghiên cứu gồm những người có lý luận, có thực tiễn và có tư duy mới. Nhóm gồm có 8 người, cấp tốc nghiên cứu một số vấn đề bức xúc do ông đặt ra: vấn đề chính sách kinh tế mới của V.I.Lê-nin và việc áp dụng ở Việt Nam, cơ cấu kinh tế và cơ chế quản lý, bước đường đi lên của Việt Nam... Nhóm tồn tại từ 1982 đến 1986 sau Đại hội VI của Đảng, làm việc với một tinh thần hăng say và có trách nhiệm. Đồng chí Trường Chinh đều tham gia các buổi sinh hoạt nhóm và gợi ra nhiều ý kiến bổ ích, thiết thực để chúng tôi thảo luận.

Thứ hai, tổ chức đi thực tế để nắm vững tình hình kinh tế - xã hội. Năm 1984 và 1985, ông không ăn tết ở nhà mà đi khắp các tỉnh, thành từ miền Nam ra miền Bắc. Mỗi lần đi về ông và chúng tôi đều bàn bạc để rút ra những kinh nghiệm ở các tỉnh, thành phố, từ đó đúc kết thành những bài học lý luận.

Tôi hỏi: “Thời điểm nào thì cố Tổng Bí thư Trường Chinh công khai phát biểu những ý kiến của mình, từ đó bắt đầu những cọ xát mà anh vừa nói? Phải chăng là từ Hội nghị Trung ương 6 (khóa V)?”  
 
Giáo sư Trần Nhâm: Đúng thế, tại Hội nghị Trung ương 6 (từ 3 đến 10-7-1984), đồng chí Trường Chinh bắt đầu bài phát biểu của mình về vấn đề cơ chế quản lý. Ông cho rằng nền kinh tế nước ta hiện nay đòi hỏi phải có một cơ chế quản lý năng động có khả năng bãi bỏ tập trung quan liêu, bảo thủ, trì trệ và bao cấp tràn lan.

Ở Hội nghị này, đồng chí Trường Chinh gióng một hồi chuông báo động, mở màn cho một thời kỳ đổi mới bắt đầu. Cả hội trường lúc đó hoan nghênh nhiệt liệt, bài nói của ông bị ngắt quãng bởi những tràng vỗ tay liên tiếp.

Tiếp đến Hội nghị Trung ương 7 và Trung ương 8... ông đều có những bài phát biểu, tập trung vào vấn đề bãi bỏ mô hình kinh tế hiện vật và cơ chế quản lý tập trung quan liêu, bao cấp. Sau mỗi hội nghị trung ương, đồng chí Trường Chinh lại đi thực tế để xem nghị quyết Trung ương được đưa vào cuộc sống ra sao.

Tôi cắt lời: “Quan điểm của đồng chí Trường Chinh là "đổi mới phải bắt đầu từ đổi mới tư duy, đặc biệt là tư duy kinh tế, từ đổi mới cơ chế quản lý - tức là từ quan hệ sản xuất. Với cương vị một Chủ tịch Hội đồng nhà nước, sau đó là Tổng Bí thư, nếu theo lẽ thường thì đồng chí sẽ phải quan tâm nhiều đến chính trị chứ không phải kinh tế. Anh giải thích gì về điều này?”

Giáo sư Trần Nhâm: Phải thấy rằng ở thời điểm đó, đổi mới là đòi hỏi bức thiết của tự thân trong nước, có ý nghĩa sống còn, đồng thời cũng là xu thế của thời đại. Là người nắm vững tư duy lý luận, đồng chí Trường Chinh hiểu rằng chính tư duy lạc hậu của chúng ta đã cản trở phát triển kinh tế, khiến đất nước lâm vào cuộc khủng hoảng trầm trọng. Vậy thì muốn phát triển kinh tế ta phải đổi mới tư duy lạc hậu, bảo thủ, cần đổi mới "nhận thức và cách suy nghĩ". "Hãy cứu lấy giai cấp công nhân" là câu nói rất nổi tiếng của đồng chí Trường Chinh trong Hội nghị Trung ương 8 (khóa V).

Đồng chí Trường Chinh tìm ra cái “gút” của vấn đề đổi mới kinh tế là phải đột phá vào vấn đề cơ cấu kinh tế và cơ chế quản lý. Theo ông, quan hệ sản xuất và lực lượng sản xuất là hai mặt của một phương thức sản xuất, lâu nay ta cứ cho quan hệ sản xuất vượt trước, cuối cùng cản trở lực lượng sản xuất phát triển. Bây giờ ta bắt đầu từ cơ chế quản lý, tức là xuất phát từ quan hệ sản xuất để mở đường đẩy mạnh lực lượng sản xuất phát triển.

Tháng 7-1986, đồng chí Lê Duẩn qua đời, đồng chí Trường Chinh được bầu làm Tổng Bí thư, công việc đầu tiên ông làm là tập trung sửa chữa và nâng cao nội dung Báo cáo chính trị của Đại hội VI.

Trước hết, ông đề nghị đưa ba quan điểm kinh tế lớn vào thảo luận trong Bộ Chính trị, vì đó là cái sườn của Báo cáo chính trị. Báo cáo chính trị do ông trình bày tại Đại hội VI đã khẳng định: "Đối với nước ta, đổi mới là yêu cầu bức thiết, là vấn đề có tầm quan trọng sống còn". Những khẩu hiệu và phương hướng mà ông nêu ra như "lấy dân làm gốc", "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra", "nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật", "luôn luôn xuất phát từ thực tế, tôn trọng và hành động theo quy luật khách quan"... để lại những dấu ấn cực kỳ sâu sắc, là những khẩu hiệu có tính chỉ đạo hành động trong suốt quá trình đổi mới đất nước.

Tôi hỏi tiếp: “Có thể nói, đồng chí Trường Chinh là nhà lãnh đạo đổi mới tư duy đầu tiên vào đầu thập kỷ 80 để mở ra một thời kỳ lịch sử mới của Đảng, của dân tộc. Nhưng tại sao 15 năm trước đó, vào cuối năm 1968, chính đồng chí Trường Chinh lại là người phản đối gay gắt hiện tượng "khoán hộ" ở Vĩnh Phú?

Giáo sư Trần Nhâm: Tôi không có mặt bên ông thời đó, nhưng tôi đã có nhiều dịp được nghe ông nhắc lại sự kiện này, được biết cả về thái độ, ý kiến của ông. Một ngày trước khi ông mất (Tổng Bí thư Trường Chinh mất vào ngày 30-8-1988), ông còn nói với tôi về chuyện Vĩnh Phú.

Tôi có hỏi: "Sao lúc bấy giờ Bác lại làm to chuyện như vậy?". Ông điềm tĩnh trả lời tôi rằng, có lẽ lúc bấy giờ nhận thức của mình không bắt kịp với tình hình thực tế, hơn nữa nghe báo cáo, nắm thông tin không chính xác. Sự tự phê bình như thế thật là chân thực. Đó mới là nhân cách Trường Chinh.

“Anh nghĩ thế nào về việc đồng chí Trường Chinh đã "dũng cảm" đứng ra nhận sai lầm trong cải cách ruộng đất từ ngày đó, dù mọi người đều hiểu đây là sai lầm tập thể?” - Tôi hỏi.

Giáo sư Trần Nhâm: Việc nhận sai lầm và từ chức Tổng Bí thư của ông lúc đó là hoàn toàn tự nguyện. Tự ông nhận sai lầm và theo ông thì sai lầm đó đáng để ông phải từ chức. Đồng thời, ông chủ động cùng Trung ương Đảng tích cực tiến hành có kết quả công tác sửa sai. Việc làm đó đã để lại cho toàn Đảng, toàn dân ấn tượng tốt về một nhân cách văn hóa Trường Chinh.

Ngày nay, văn hóa từ chức chưa trở thành một thói quen trong bộ máy đảng và nhà nước ta. Nghe nói đến từ chức như một cái gì xúc phạm đến nhân phẩm, tư cách cá nhân, đến quyền lực đang nắm giữ, không biết rằng hiện tượng đó nên được xem như một văn hóa - văn hóa từ chức, có lợi cho Đảng, cho nhân dân. Ngày nay, sao khó đến thế. Vậy mà 60 năm trước đây, đồng chí Trường Chinh đã từng thể hiện rõ văn hóa từ chức mà lòng ông cảm thấy nhẹ nhõm, thanh thản. Đó là nhân cách văn hóa ở tầm cao, đáng để cho chúng ta học tập và làm theo.

Giáo sư Trần Nhâm đã đi vào cõi vĩnh hằng. Tôi xin phép nhắc lại mấy lời trên của anh như một nén nhang kính viếng người đồng chí mà tôi luôn coi là một người có thái độ sống chân thành, một nhà nghiên cứu đầy tâm huyết.

Phản hồi (1)

Văn Bình 27/02/2012

Bây giờ có ai được như Đồng chí Trường Chinh?

1

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất