Các cấp ủy đã rà soát, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, công chức phù hợp với trình độ, năng lực của từng cán bộ, công chức, đưa đi đào tạo, bồi dưỡng để từng bước đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị. Việc làm đó đã góp phần khắc phục tình trạng hẫng hụt, bị động trong công tác cán bộ trên địa bàn.
Về công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý: Hằng năm, Ban Thường vụ Thị uỷ chỉ đạo các cấp ủy rà soát số lượng, chất lượng để bổ sung cán bộ vào nguồn quy hoạch, đồng thời điều chỉnh, đưa ra những cán bộ không đủ điều kiện phát triển, bổ sung những cán bộ có phẩm chất, năng lực, có triển vọng tạo nguồn cán bộ cho từng chức danh. Mỗi chức danh quy hoạch có 3-4 cán bộ dự nguồn, mỗi người quy hoạch 2-3 chức danh. Trên cơ sở tiêu chuẩn cán bộ và công tác quy hoạch cán bộ, cấp ủy đảng các cơ quan, đơn vị xây dựng kế hoạch đào tạo bồi dưỡng sát thực, cụ thể, có tầm nhìn xa; thực hiện đào tạo, bồi dưỡng gắn với yêu cầu sử dụng; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trẻ, cán bộ nữ. Ở thị xã, 79 đồng chí đã được quy hoạch vào Ban Chấp hành Đảng bộ thị xã (nữ chiếm 17,7%); 28 đồng chí được quy hoạch vào Ban Thường vụ (nữ chiếm 10,7%); 133 đồng chí được quy hoạch làm cán bộ lãnh đạo quản lý các phòng, ban, ngành, đoàn thể thuộc diện Ban Thường vụ Thị ủy quản lý (nữ chiếm 19,5%). Ở cấp phường, đã quy hoạch vào ban thường vụ và 6 chức danh chủ chốt được 88 đồng chí (nữ chiếm 18,5%).
Nhìn chung, các cấp, các ngành đã có chuyển biến đáng kể về nhận thức, chú ý chỉ đạo thực hiện, quan tâm đổi mới nội dung, tiến hành dân chủ, công khai, không khép kín trong phạm vi cơ quan, đơn vị mà có sự kết hợp với quy hoạch của cấp trên và cấp dưới, mở rộng trong phạm vi nhiều ngành. Từ đó, góp phần tạo thế chủ động trong việc bố trí nhân sự cấp uỷ.
Công tác luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý: Ban Thường vụ Thị ủy đã tiến hành rà soát lại đội ngũ cán bộ của thị xã, phường, xã, cơ quan, đơn vị để xây dựng kế hoạch luân chuyển cán bộ giữa các cơ quan đảng, chính quyền, đoàn thể, các ngành, phường, xã, đảm bảo nguyên tắc, đúng quy trình, giải quyết tốt công tác tư tưởng trong luân chuyển cán bộ. Lựa chọn những đồng chí thị ủy viên, trưởng, phó các phòng, ban, ngành, đơn vị trên địa bàn có năng lực, triển vọng phát triển luân chuyển về giữ các chức danh chủ chốt ở phường, xã. Từ năm 2002 đến nay đã luân chuyển 57 lượt cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Thị uỷ quản lý, trong đó luân chuyển từ tỉnh về thị xã 3 đồng chí, luân chuyển cán bộ từ thị xã lên tỉnh 4 đồng chí, từ thị xã về phường 8 đồng chí, từ phường lên thị xã 9 đồng chí; điều động, luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý các phòng, ban, ngành đoàn thể thị xã 66 đồng chí.
Việc luân chuyển cán bộ được thực hiện khá nghiêm túc, đã tiến hành cả luân chuyển “ngang” và “dọc”, tạo điều kiện cho cán bộ rèn luyện qua thực tiễn. Số cán bộ luân chuyển được đào tạo cơ bản về chuyên môn nghiệp vụ và lý luận chính trị, đa số đã phát huy được vai trò, trách nhiệm, gắn bó với địa phương, cơ quan, đơn vị nơi công tác, phát huy được năng lực, sở trường, từng bước trưởng thành trên cương vị công tác mới, góp phần thực hiện các nhiệm vụ chính trị, nhất là nhiệm vụ trọng tâm ở nơi được luân chuyển đến.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quy hoạch, luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý ở thị xã Cửa Lò còn có những tồn tại, hạn chế: Quy mô và chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển cán bộ thị xã chưa ngang tầm với đòi hỏi sự phát triển tăng tốc của thị xã, nhiều đồng chí chưa được đào tạo, bồi dưỡng về trình độ lý luận chính trị, quản lý nhà nước, quản lý kinh tế. Một số đơn vị chưa xây dựng quy chế tuyển dụng, tiếp nhận, đánh giá, nhận xét cán bộ, trong thực hiện chưa đảm bảo quy trình, tiêu chuẩn. Công tác quy hoạch cán bộ ở cơ sở còn bị động, lúng túng. Phường, xã chưa quan tâm xây dựng được quy hoạch cán bộ khối, xóm, tỷ lệ nguồn quy hoạch cán bộ nữ còn thấp. Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng còn mang tính chắp vá, một số cấp ủy chưa căn cứ vào quy hoạch để đào tạo, bồi dưỡng, cử cán bộ đi đào tạo không đúng kế hoạch, quy hoạch, chưa đảm bảo quy trình. Một số cán bộ đi đào tạo không phù hợp với chuyên môn và công việc đang đảm nhận, gây ảnh hưởng không tốt đến hoạt động của địa phương, đơn vị. Việc luân chuyển cán bộ giữa khối đảng, đoàn thể sang khối chính quyền, từ thị xã xuống cơ sở và ngược lại còn khó khăn bởi yêu cầu chuyên môn cao và những vướng mắc do các quy định về quản lý biên chế, tiền lương, quản lý cán bộ, công chức chưa đồng bộ.
Thời gian tới, Thị uỷ Cửa Lò tiếp tục thực hiện một số chủ trương, biện pháp sau:
Một là, thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tập trung dân chủ trong công tác quy hoạch, luân chuyển cán bộ, ban hành và thực hiện đầy đủ các quy định, quy chế về công tác cán bộ. Từ thị xã đến cơ sở tiến hành rà soát, điều chỉnh, đưa ra khỏi quy hoạch những cán bộ không đủ điều kiện phát triển, bổ sung những cán bộ có phẩm chất năng lực, có triển vọng tạo nguồn cán bộ cho từng chức danh; mỗi chức danh quy hoạch có 3-4 cán bộ dự nguồn, mỗi người quy hoạch 2-3 chức danh.
Hai là, phát huy vai trò của cấp uỷ và người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Hằng năm, thực hiện nền nếp việc rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ từ thị xã đến cơ sở, trong đó đặc biệt quan tâm đến quy hoạch cán bộ khối, xóm. Chọn những học sinh đã tốt nghiệp trung học phổ thông loại khá, giỏi đưa vào quy hoạch cán bộ khối, xóm để đưa đi đào tạo, bồi dưỡng.
Ba là, quy hoạch cán bộ theo hướng tiêu chuẩn hoá, trẻ hoá. Quan tâm quy hoạch những cán bộ có năng lực thực tiễn, có hiệu quả công tác tốt; đưa những người thiếu ý thức trách nhiệm, ý thức tổ chức kỷ luật và hiệu quả công tác, tín nhiệm thấp ra khỏi quy hoạch. Những cán bộ công tác từ 8 đến 10 năm ở một vị trí phải có kế hoạch luân chuyển, chọn những cán bộ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ luân chuyển từ cơ quan chính quyền sang cơ quan đảng, đoàn thể và ngược lại để đào tạo, rèn luyện, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ.
Bốn là, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ trong quy hoạch, căn cứ vào phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, trình độ năng lực của cán bộ, đảm bảo dân chủ, minh bạch, mở rộng quy trình để nhân dân tham gia giới thiệu cán bộ có đức, có tài, có trách nhiệm. Kiên quyết thay thế, bố trí những cán bộ, công chức không đảm bảo tiêu chuẩn, hoặc không hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Năm là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, uốn nắn, xử lý kịp thời những sai phạm của cán bộ, tạo môi trường lành mạnh để cán bộ phát triển, gắn công tác cán bộ với xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh.
Phạm Văn Phong
Trường Đại học Chính trị