Giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác tổ chức cấp quận, huyện uỷ của Cần Thơ
Cán bộ, phóng viên Tạp chí Xây dựng Đảng làm việc với Đảng uỷ Trường Đại học Cần Thơ về vấn đề đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ở Cần Thơ. Ảnh: Thuý Hoàn

Đảng bộ TP. Cần Thơ hiện có 16 đảng bộ trực thuộc (15 đảng bộ cấp trên cơ sở và 1 đảng bộ cơ sở trực thuộc Thành ủy) với 707 TCCSĐ (224 đảng bộ cơ sở và 483 chi bộ cơ sở), trên 32 nghìn đảng viên. Công tác xây dựng TCCSĐ ở Cần Thơ luôn được các cấp ủy quan tâm chỉ đạo và tổ chức thực hiện có hiệu quả. Vì thế, năm 2011 vừa qua, Ngành Tổ chức xây dựng đảng Cần Thơ đã thu được nhiều kết quả khả quan. Đạt được kết quả trên trước hết là do sự nỗ lực của các TCCSĐ, bên cạnh đó không thể thiếu vai trò của ban tổ chức cấp ủy các cấp cũng như đội ngũ cán bộ, đảng viên. Vì thế, việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác tổ chức cấp ủy quận, huyện là yêu cầu quan trọng và cần thiết.       

Hiện cơ quan ban tổ chức các quận, huyện uỷ của TP. Cần Thơ về cơ bản có cơ cấu tổ chức, bộ máy giống nhau, gồm ban lãnh đạo và các cán bộ chuyên môn trực tiếp làm công tác nghiệp vụ (không có các bộ phận trực thuộc ban). Lãnh đạo ban gồm 1 trưởng ban và có từ 1 đến 3 phó trưởng ban. Cơ cấu thống nhất ở các quận, huyện là phân công đồng chí ủy viên ban thường vụ quận, huyện ủy làm trưởng ban và tùy theo đặc điểm từng quận, huyện có thể có 1 phó trưởng ban là huyện ủy viên, trưởng phòng nội vụ là phó trưởng ban kiêm chức (Theo Quy định 222-QĐ/TW của Ban Bí thư về chức năng nhiệm vụ, tổ chức bộ máy cơ quan chuyên trách tham mưu giúp việc của tỉnh ủy, thành ủy và Quy định số 1373-QĐ/TU, ngày 3-12-2009 của Ban Thường vụ Thành ủy Cần Thơ về tổ chức và hoạt động của Ban Tổ chức Thành ủy). Tổng số biên chế của 9 cơ quan ban tổ chức quận, huyện uỷ ở TP. Cần Thơ là 59 đồng chí, trung bình một cơ quan có 6 đồng chí. Nhìn chung, số lượng cán bộ ở ban tổ chức cấp quận, huyện của Cần Thơ khá đồng đều. Cụ thể: Ninh Kiều 9; Cái Răng, Thốt Nốt 7; còn lại Thới Lai, Bình Thủy, Ô Môn, Phong Điền, Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh mỗi quận, huyện có 6.  


Từ năm 2005 đến nay, cán bộ, công chức công tác tại các ban tổ chức quận, huyện ủy là các đồng chí trưởng thành và tham gia công tác sau ngày 30-4-1975 và số cán bộ mới được tuyển dụng. Hiện 88,1% trong số họ là đảng viên. Số cán bộ, công chức trẻ (dưới 40 tuổi) chiếm 59,3%. Đội ngũ cán bộ có trình độ về chuyên môn nghiệp vụ khá cao. 91,5% (54/59 đồng chí) đã qua đào tạo, trong đó tốt nghiệp đại học, cao đẳng là 51/54 đồng chí. Những con số này đã nói lên khâu chọn cán bộ cũng như công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ban tổ chức các quận, huyện ủy Cần Thơ những năm qua được quan tâm, chú ý toàn diện cả về chính trị và chuyên môn nghiệp vụ.

Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ làm công tác tổ chức xây dựng đảng cấp quận, huyện của Cần Thơ hiện nay còn có những hạn chế như: còn cán bộ chưa được qua đào tạo chuyên môn (5 đồng chí) và chính trị (18 đồng chí); còn cán bộ chưa thường xuyên rèn luyện, tu dưỡng đạo đức... Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến chất lượng trong công việc chưa cao, nhận thức lý luận và thực tiễn còn chưa sâu sắc. Vì vậy, mục tiêu trước mắt là nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác tổ chức cả về nhận thức tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống, nhất là trước yêu cầu thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Ðảng hiện nay". Vì thế, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ ngành tổ chức sẽ tạo nền tảng trong xây dựng và phát huy vai trò của ban tổ chức các quận, huyện ủy trong tình hình hiện nay.

Để thực hiện mục tiêu này, trước mắt cần thực hiện một số giải pháp sau:  

Một là,
nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cấp ủy các quận, huyện về chức năng, vai trò, nhiệm vụ của Ngành Tổ chức cũng như người cán bộ tổ chức.  

Hai là,
kiện toàn tổ chức bộ máy tinh gọn, chất lượng; xây dựng quy chế, lề lối, phong cách làm việc khoa học. Đổi mới, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cần xác định rõ tiêu chuẩn đối với cán bộ, công chức ban tổ chức quận, huyện uỷ; các khâu tuyển chọn, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ tổ chức cần làm cẩn trọng và chính xác. Kịp thời thay thế cán bộ yếu kém về phẩm chất, năng lực, không hoàn thành nhiệm vụ, uy tín giảm sút. Thực hiện luân chuyển cán bộ lãnh đạo và quản lý theo quy hoạch ở các phòng, ban cấp huyện và cấp phường, xã; trẻ hóa đội ngũ cán bộ lãnh đạo và quản lý, kết hợp độ tuổi, bảo đảm tính liên tục, kế thừa và phát triển; tham mưu cho quận ủy, huyện ủy thực hiện chính sách thu hút riêng đối với từng địa phương nhằm bảo đảm phát hiện, tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng và đãi ngộ xứng đáng những cán bộ có đức, có tài. Ban tổ chức các quận, huyện ủy chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành và đoàn thể cùng cấp thận trọng trong đánh giá chất lượng cán bộ, đảng viên trong quận, huyện mình, nhất là đội ngũ cán bộ chủ chốt. Từ đó, trong quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đề ra kế hoạch đào tạo sát hợp. Đây chính là một cách làm hay trong việc tạo nguồn cán bộ có chất lượng cho Đảng trong tình hình hiện nay.

Ba là,
thường xuyên tu dưỡng đạo đức, thực hiện chuẩn mực nghề nghiệp, trong đó vai trò của người cán bộ tổ chức trong tình hình hiện nay phải gắn với việc thường xuyên học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh với phương châm “mỗi đảng viên cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. Người cán bộ tổ chức phải có tinh thần “đoàn kết chặt chẽ”, “đoàn kết nhất trí”, “đoàn kết thống nhất” trong nội bộ, cùng nhau phối hợp thực hiện nhiệm vụ chính trị mà Đảng giao phó. Có đoàn kết chặt chẽ, nhất trí, thống nhất thì công việc mới thành công, mới không còn hiện tượng “trên bảo dưới không nghe”, “dưới góp ý trên không chấp nhận”; mới không còn hiện tượng chất lượng công tác ở từng nơi, từng lúc, từng bộ phận, từng cá nhân chưa cao.

Bốn là,
khuyến khích, tạo điều kiện để cán bộ được tham gia nâng cao trình độ chuyên môn (nhất là đào tạo sau đại học), học tập, bồi dưỡng về trình độ chính trị để nâng dần chất lượng của công việc. Bên cạnh đó, người cán bộ tổ chức cũng cần nêu cao tinh thần tự học, tự rèn luyện, tự trau dồi kiến thức nhằm làm phong phú thêm vốn kiến thức hiện có.  

Năm là,
Ban Tổ chức Thành ủy cần kiểm tra, giám sát, đánh giá chất lượng cán bộ tổ chức ở các quận, huyện ủy một cách thường xuyên, liên tục, có hiệu quả. Với đặc thù của mình, Ban Tổ chức Thành ủy cần có kế hoạch kiểm tra theo cụm, phân công lãnh đạo Ban phụ trách từng cụm để công tác kiểm tra, giám sát được thường xuyên, có hiệu quả. Tránh tình trạng một người kiêm nhiều công việc sẽ dẫn đến chất lượng, hiệu quả công việc không cao.

Sáu là,
nâng cao chất lượng công tác tham mưu cho các quận, huyện ủy trong việc triển khai quán triệt và tổ chức thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chỉ thị, nghị quyết của Trung ương và Thành ủy về công tác tổ chức xây dựng đảng, nhất là Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay". Qua đó, tổng kết thực tiễn và tham mưu, đề xuất với các quận, huyện ủy xây dựng và ban hành các nghị quyết chuyên đề về công tác tổ chức xây dựng đảng tùy theo tình hình thực tế của từng địa phương.

Bảy là,
phát huy vai trò, chức năng tham mưu cho cấp ủy, ban thường vụ, nhất là vai trò của đồng chí trưởng ban trong công tác cán bộ, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, công khai, minh bạch, khách quan, toàn diện, công tâm; lấy chất lượng, hiệu quả hoàn thành nhiệm vụ làm thước đo chủ yếu; coi trọng và phát huy trách nhiệm người đứng đầu, người trực tiếp quản lý, sử dụng cán bộ.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất