Phú Thọ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức

Để thực hiện có hiệu quả các mục tiêu về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức mà Nghị quyết đã đề ra, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã chỉ đạo tiến hành việc rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ (QHCB) của các huyện, thành, thị uỷ; đảng uỷ trực thuộc tỉnh, các sở, ban. ngành, mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể của tỉnh; trên cơ sở đó xác định kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ trong từng thời kỳ; đã chủ trương hình thành được hệ thống văn bản làm cơ sở pháp lý cho việc thực hiện đồng bộ, thống nhất về cơ chế chính sách, phương thức và mô hình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức; từng bước hình thành và hoàn thiện mạng lưới tổ chức đào tạo trên địa bàn toàn tỉnh. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức đã gắn kết chặt chẽ với quy hoạch cán bộ và việc chuẩn hoá đội ngũ cán bộ của tỉnh; làm cơ sở quan trọng cho việc xây dựng và thực hiện quy hoạch cán bộ.

Thực hiện Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết điều chỉnh mức hỗ trợ cho cán bộ, công chức đi học; quy định mức ưu đãi thu hút người có trình độ cao về tỉnh công tác; trên cơ sở đó, UBND tỉnh đã xây dựng quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2006-2010; xây dựng Đề án đào tạo đội ngũ cán bộ, công chức có trình độ cao, quy định về tiêu chuẩn, ngành đào tạo, chế độ và quy chế quản lý đối với cán bộ được cử đi đào tạo thạc sỹ, tiến sỹ đến năm 2020… Các cấp uỷ đảng, chính quyền, các cơ quan, đơn vị trong tỉnh đã quan tâm toàn diện đến công tác đào tạo, bồi dưỡng và chuẩn hoá đội ngũ cán bộ, công chức. Các huyện, thành, thị uỷ, các cơ quan, đơn vị đã thực hiện tốt việc xây dựng quy hoạch cán bộ, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng cán bộ; thực hiện tốt việc chọn cử cán bộ, công chức tham gia các lớp đào tạo phù hợp với chức danh và nội dung công tác được đảm nhiệm; xây dựng đề án, kế hoạch thu hút nhân tài và đưa sinh viên tốt nghiệp đại học hệ chính quy về công tác tại xã, phường, thị trấn.

Góp phần tích cực trong việc nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ, công chức của tỉnh, các đơn vị đào tạo trong tỉnh đã tích cực, chủ động liên kết mở các lớp đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ từ tỉnh đến cơ sở. Trong 5 năm qua, đã mở được 26 lớp đào tạo thạc sỹ, trong đó tỷ lệ cán bộ, công chức của tỉnh chiếm trên 35%; 22 lớp đào tạo đại học tại chức và liên thông đại học với 1.345 học viên; 22 lớp trung cấp chuyên môn với 1.112 học viên. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã phối hợp với Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh và Học viên Chính trị - Hành chính khu vực I mở được 6 lớp cao cấp lý luận chính trị (LLCT) hệ tại chức tại tỉnh với 673 học viên, đồng thời đã chọn cử 172 cán bộ, công chức thuộc diện cán bộ dự nguồn quy hoạch cán bộ của Tỉnh và huyện tham gia các lớp đào tạo cử nhân, cao cấp LLCT hệ tập trung tại các học viện. Trường Chính trị tỉnh mở được 74 lớp trung cấp LLCT với 5.979 học viên. Hệ thống các trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện mở 20 lớp sơ cấp LLCT cho 1.429 học viên. Ngoài ra, các cấp uỷ, các cơ quan trong tỉnh đã chủ động phối hợp cử gần 700 cán bộ, công chức tham gia các lớp đào tạo về LLCT do một số bộ, ngành Trung ương mở tại địa phương. Các cơ quan chức năng trong tỉnh đã tích cực tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền thực hiện tốt việc bồi dưỡng kiến thức về chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ, tin học, quản lý nhà nước, quản lý kinh tế, bồi dưỡng kiến thức về an ninh, quốc phòng… với trên 100 ngàn lượt cán bộ, công chức tham gia.

Với việc tăng cường mở rộng các hình thức đào tạo, bồi dưỡng, nên trong 5 năm qua toàn tỉnh Phú Thọ đã có trên 200 cán bộ, công chức được cử đi đào tạo trên đại học, gần 1.000 cán bộ, công chức học đại học, 744 cán bộ, công chức cấp xã tốt nghiệp trung cấp chuyên môn; gần 800 cán bộ, công chức học cử nhân, cao cấp LLCT; trên 3.969 cán bộ công chức được học trung cấp LLCT và trên 1.830 cán bộ chủ chốt và chuyên trách cấp xã được bổ túc trung học phổ thông. So với năm 2005, trình độ chuyên môn và LLCT của đội ngũ cán bộ, công chức trong tỉnh đã được nâng lên, cơ bản đáp ứng yêu cầu chuẩn hoá đội ngũ cán bộ, công chức trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước.
Kết quả tổng hợp đến nay cho thấy:

Đối với cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh uỷ quản lý: 99,54% có trình độ chuyên môn chuyên môn từ đại học trở lên, trong đó 18,94% có trình độ trên đại học; 93,6% có trình độ cử nhân, cao cấp về LLCT.

Đối với cán bộ diện dự nguồn Ban Thường vụ Tỉnh uỷ quản lý: 100% có trình độ chuyên môn chuyên môn từ đại học trở lên, trong đó 14,7% có trình độ trên đại học; 89,7% có trình độ cử nhân, cao cấp về LLCT.

Đối với cán bộ, công chức trưởng, phó phòng cấp tỉnh và huyện: 99% có trình độ chuyên môn đại học trở lên, trong đó 6,8% có trình độ trên đại học;  84% có trình độ trung cấp LLCT trở lên, trong đó 45,7% có trình độ cao cấp

Đối với cán bộ, công chức chuyên môn nghiệp vụ: 100% có trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên, trong đó có 85,3% có trình độ đại học trở lên (riêng cán bộ, công chức công tác ở cấp tỉnh 86,7% có trình độ đại học trở lên); 61,4% có trình độ LLCT từ trung cấp trở lên, trong đó 3,4% có trình độ cử nhân cao cấp.

Đối với cán bộ chủ chốt cấp xã: 95,7% có trình độ chuyên môn trung cấp trở lên, trong đó 26,5% có trình độ đại học; 95,4% có trình độ LLCT trung cấp.

Đối với cán bộ chuyên trách cấp xã: 89,6% có trình độ từ chuyên môn trung cấp trở lên, trong đó 24,3% có trình độ đại học và trên đại học; 62,8% có trình độ trung cấp LLCT

Đối với cán bộ công chức xã: 95% có trình độ trung cấp về chuyên môn; 61,3% có trình độ trung cấp LLCT.

Từ thực trạng tình hình và chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức của tỉnh hiện nay, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Phú Thọ đã ban hành Nghị quyết về tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức giai đoạn 2011-2016. Theo đó, mục tiêu phấn đấu thực hiện về trình độ LLCT, chuyên môn nghiệp vụ đối với các đối tượng cán bộ, công chức đến năm 2015 đã được xác định một cách cụ thể: Đối với cán bộ diện Ban thường vụ Tỉnh uỷ quản lý, phấn đấu 100% có trình độ cử nhân, cao cấp về LLCT; 100% có trình độ chuyên môn đại học trở lên, trong đó 30-35% có trình độ trên đại học; 100% có trình độ B ít nhất về 1 ngoại ngữ, trình độ A về tin học và được bồi dưỡng kiến thức thường xuyên phù hợp với lĩnh vực, ngành, ngạch mà mỗi cán bộ, công chức được đảm nhiệm. Đối với cán bộ diện dự nguồn chức danh Ban thường vụ Tỉnh uỷ quản lý, phấn đấu 90-95% có trình độ cử nhân, cao cấp về LLCT; 100% có trình độ chuyên môn đại học trở lên, trong đó 25-30% có trình độ trên đại học; các yêu cầu về trình độ ngoại ngữ, tin học, bồi dưỡng về kiến thức của đối tượng này như mục tiêu phấn đấu đối với chức danh đương nhiệm. Đối với các chức danh trưởng, phó phòng, phấn đấu 100% có trình độ LLCT trung cấp trở lên, trong đó 65-70% có trình độ cử nhân, cao cấp; 100% có trình độ chuyên môn đại học trở lên, trong đó khoảng 20% cán bộ cấp tỉnh, 10% cán bộ cấp huyện có trình độ trên đại học. Đối với cán bộ chuyên môn, nghiệp vụ, phấn đấu 80% có trình độ LLCT trung cấp trở lên, trong đó ưu tiên khoảng 5% cán bộ trong quy hoạch đi học cao cấp; 100% có trình độ chuyên môn đại học trở lên, trong đó ưu tiên khoảng 8% cán bộ trong dự nguồn đi học trên đại học. Đối với đội ngũ cán bộ cấp xã, Nghị quyết đã đề ra mục tiêu đến năm 2015, 100% cán bộ, công chức cấp xã có trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên, trong đó 50% cán bộ, công chức thuộc vùng đồng bằng và trung du có trình độ đại học, cao đẳng; 100% cán bộ chủ chốt, 80% cán bộ chuyên trách và 50% cán bộ công chức cấp xã có trình độ LLCT từ trung cấp trở lên.

Để thực hiện có hiệu quả các mục tiêu đã đề ra, Tỉnh uỷ Phú Thọ đã đề ra một số nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm trong thời gian tới, đó là:

Sớm điều chỉnh xây dựng quy hoạch cán bộ giai đoạn 2010-2015 gắn với quy hoạch đào tạo trên cơ sở rà soát quy hoạch cán bộ, quy hoạch đào tạo giai đoạn 2005-2010, lấy tiêu chí chuẩn của của Nghị quyết làm căn cứ cơ bản để xác định nguồn đầu vào cho quy hoạch giai đoạn 2010-2015 và những năm tiếp theo.

Xây dựng kế hoạch đào tạo trên cơ sở cơ cấu lại việc đào tạo và trình độ cần đào tạo của đội ngũ cán bộ, công chức cho phù hợp với từng ngành, từng cấp, nhất là cấp cơ sở nhằm khắc phục tình trạng mất cân đối trong cơ cấu đào tạo.

Tiếp tục tăng cường đầu tư nâng cao chất lượng, năng lực và khả năng đào tạo của các cơ sở đào tạo trong tỉnh, nhất là Trường Chính trị tỉnh và hệ thống các trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện. Chủ động xây dựng chương trình đào tạo cán bộ, công chức của tỉnh trong cả giai đoạn, đồng thời tích cực tranh thủ, mở rộng liên kết với Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh và các trường đại học khác. Chú trọng đầu tư, tăng cường mở rộng các hình thức nhằm nâng cao kiến thức theo các chuyên ngành, kiến thức về tin học, ngoại ngữ cho từng đối tượng cán bộ.

Tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung chế độ, chính sách khuyến khích việc chủ động học tập của cán bộ, công chức theo hướng đạt chuẩn, đồng thời chú trọng, tập trung cho việc đào tạo nâng cao đối với cán bộ công chức các cấp. Kiên quyết thực hiện nghiêm túc việc tiêu chuẩn hoá cán bộ về trình độ chuyên môn, trình độ LLCT và các kiến thức bổ trợ trong việc bố trí, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất