Tỉnh ủy chủ trương quy hoạch cán bộ cấp dưới làm cơ sở cho quy hoạch cán bộ cấp trên, trong quy hoạch đã chú trọng việc chỉ đạo rà soát nguồn, nhận xét đánh giá cán bộ dự kiến đưa vào quy hoạch. Thực hiện quy hoạch “động” và “mở”, số lượng cán bộ dự nguồn quy hoạch của các cấp uỷ ở Bắc Ninh đều đạt và vượt 1,5 lần so với cấp uỷ viên đương nhiệm. Mỗi chức danh cán bộ quy hoạch từ 2 đến 3 người, một số cán bộ được quy hoạch từ 2 đến 3 chức danh; tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và lý luận chính trị được nâng lên; một số cán bộ trẻ, cán bộ nữ đã được đưa vào quy hoạch, từng bước chủ động hơn trong công tác cán bộ.
Năm 2010, để chuẩn bị nhân sự cấp uỷ tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2010-2015, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã tiến hành rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch cán bộ theo Hướng dẫn số 22-HD/BTCTW ngày 21-10-2008 của Ban Tổ chức Trung ương, kết quả như sau: quy hoạch Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh gồm 72 đồng chí (tái cử 30 đồng chí); quy hoạch Ban Thường vụ Tỉnh uỷ gồm 21 đồng chí (tái cử 9 đồng chí); quy hoạch các chức danh Bí thư, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND, UBND tỉnh gồm 24 lượt cán bộ. Tại đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2010-2015 đã bầu Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ và bầu các chức danh lãnh đạo tỉnh gồm các đồng chí trong quy hoạch trên.
Sau khi tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, các đảng bộ trực thuộc tỉnh xây dựng, rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch cán bộ để chuẩn bị nhân sự HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016. Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ ở 21 sở, ban, ngành tỉnh, bổ sung dự nguồn cấp trưởng 42 đồng chí, dự nguồn cấp phó 91 đồng chí. Ở 12 đảng bộ trực thuộc Đảng bộ tỉnh, bổ sung dự nguồn ban thường vụ cấp uỷ, thường trực cấp uỷ, HĐND, UBND 131 đồng chí.
Kết quả công tác quy hoạch cán bộ ở Bắc Ninh là cơ sở để các cấp uỷ đảng, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị chỉ đạo, triển khai thực hiện có hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bố trí, sử dụng cán bộ lãnh đạo, quản lý.
Tuy đạt được nhiều kết quả quan trọng, song công tác quy hoạch cán bộ ở tỉnh Bắc Ninh vẫn còn một số khuyết điểm cần khắc phục như: Công tác quy hoạch cán bộ ở nhiều cơ quan, đơn vị vẫn còn tình trạng khép kín, cán bộ dự nguồn còn thiếu. Việc rà soát, bổ sung quy hoạch chưa được tiến hành thường xuyên hàng năm, làm cho quy hoạch chưa thực sự “động” và “mở”. Cán bộ nguồn là nữ chiếm tỷ lệ thấp; độ tuổi bình quân còn cao, nhất là quy hoạch cấp phó ở các huyện, thị xã, thành phố. Có nơi việc xây dựng quy hoạch cán bộ còn chậm. Vẫn còn một số đơn vị chưa thực sự gắn quy hoạch với đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bố trí, sử dụng cán bộ. Chất lượng cán bộ dự nguồn quy hoạch ở nhiều cơ sở còn thấp, cơ cấu chưa hợp lý. Quy hoạch cán bộ mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể ở cơ sở chưa được quan tâm đúng mức, chủ yếu chỉ chú trọng quy hoạch các chức danh chủ chốt cấp uỷ, chính quyền.
Những hạn chế nêu trên bắt nguồn từ nguyên nhân: Cấp uỷ và người đứng đầu ở một số địa phương, cơ quan, đơn vị chưa nhận thức sâu sắc, đầy đủ các nghị quyết của Trung ương về công tác quy hoạch cán bộ. Việc chỉ đạo thực hiện nghị quyết ở một số tổ chức đảng còn thiếu sự tập trung; việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch ở một vài cơ quan, đơn vị tính khả thi chưa cao; việc kiểm tra, đôn đốc, sơ kết rút kinh nghiệm chưa đi vào nền nếp thường xuyên. Đội ngũ cán bộ dự nguồn quy hoạch phần lớn ở độ tuổi cao, có nơi tuổi của cán bộ dự nguồn cao hơn cán bộ đương chức. Việc tạo nguồn cán bộ để đưa vào quy hoạch chưa được quan tâm đúng mức, nhất là cán bộ nữ, cán bộ trẻ.
Thời gian tới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Ninh xác định thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp sau:
Một là, tiếp tục triển khai các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về công tác quy hoạch cán bộ; xây dựng và thực hiện nghiêm túc các quy chế đánh giá, tuyển chọn, bổ nhiệm, miễn nhiệm, luân chuyển cán bộ, chế độ học tập, chế độ kiểm tra, giám sát, phân công, phân cấp quản lý cán bộ và công tác bảo vệ chính trị nội bộ theo quy định. Xây dựng chiến lược đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ nói chung, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo, quản lý, tạo sự chuyển biến liên tục, vững chắc giữa các thế hệ cán bộ, nhằm từng bước xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ khả năng hoàn thành tốt nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới.
Hai là, thực hiện tốt quy trình bổ nhiệm, bố trí cán bộ, bảo đảm tính kế thừa và phát triển, kết hợp hài hoà giữa ba độ tuổi, thực hiện trẻ hoá cán bộ ở từng cấp, từng ngành nhất là ở cơ sở. Xây dựng đội ngũ cán bộ từ tỉnh đến cơ sở đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, vững vàng về lập trường quan điểm, có năng lực và trình độ đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá nhất là người đứng đầu tổ chức đảng, chính quyền, mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp.
Ba là, xây dựng tiêu chuẩn chức danh cho từng loại cán bộ, bảo đảm yêu cầu tiêu chuẩn chung của cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cụ thể của địa phương, đơn vị. Bảo đảm tính công khai, minh bạch trong quy hoạch cán bộ, công khai danh sách cán bộ được quy hoạch để đảng viên, quần chúng nhân dân giám sát và để cán bộ trong quy hoạch tiếp tục rèn luyện, phấn đấu vươn lên.
Bốn là, xây dựng và thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với cán bộ, đầu tư thích đáng cho việc đào tạo, bồi dưỡng những người ưu tú trở thành cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt. Cần có các hình thức thích hợp để tôn vinh những người có tài, có đóng góp lớn cho cơ quan, đơn vị và địa phương.
Năm là, làm tốt công tác rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch cán bộ; tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy hoạch cán bộ; làm tốt công tác sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, kịp thời phát hiện, tuyên dương, khen thưởng những cơ quan, đơn vị, địa phương làm tốt công tác quy hoạch cán bộ; xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân vi phạm.
Trần Văn Đông
Đại học Kỹ thuật Hậu cần Công an Nhân dân