4 kinh nghiệm trong công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý ở Đồng Nai

Thực hiện Nghị quyết số 42-NQ/TW ngày 30-11-2004 của Bộ Chính trị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Nai đã ban hành Chỉ thị số 36-CT/TU ngày 22-3-2005 về công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH, Kế hoạch số 45-KH/TU ngày 21-12-2007 về công tác quy hoạch cán bộ nhiệm kỳ 2010-2015. Quá trình triển khai, quán triệt nghị quyết của Trung ương và của Tỉnh ủy được cấp uỷ các cấp lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ. Hầu hết ban thường vụ các cấp ủy, ban cán sự đảng, đảng đoàn, lãnh đạo cơ quan, đơn vị và cá nhân cán bộ chủ chốt đã tiếp thu, thực hiện nghiêm túc gắn với điều kiện thực tế tại đơn vị, từ đó nhận rõ ưu, khuyết điểm, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm, đề ra các giải pháp cho giai đoạn tiếp theo.   

Kết quả cụ thể

Nhìn chung, công tác quy hoạch cán bộ ở Đồng Nai được thực hiện đồng bộ, chặt chẽ ở các cấp, dần đi vào nền nếp, có kế thừa, đồng thời có bước phát triển, góp phần tạo nguồn cán bộ, cơ bản khắc phục dần tình trạng bị động, lúng túng trong công tác cán bộ và chuẩn bị nhân sự cấp ủy, HĐND, UBND các cấp nhiệm kỳ vừa qua, đáp ứng được yêu cầu của công tác cán bộ trong tình hình mới cũng như việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị. Số lượng cán bộ đưa vào quy hoạch có số dư từ 2 - 3 lần trở lên, bảo đảm được tính kế thừa. Tỷ lệ cán bộ trẻ, độ tuổi từ 40 trở xuống đạt 35,5%, cán bộ nữ trong các sở, ban, ngành tỉnh đạt 29%.    

Cấp quận, huyện: Quy hoạch ban chấp hành (BCH) đảng bộ huyện, thị, thành phố: 927 đồng chí, đạt 2,6 lần; ban thường vụ (BTV) huyện, thị, thành ủy: 288, đạt 2,2 lần; bí thư: 40, đạt 3,07 lần; phó bí thư: 62, đạt 2,38 lần; chủ tịch HĐND: 37, đạt 3,36 lần; phó chủ tịch HĐND: 50, đạt 4,54 lần; chủ tịch UBND: 38, đạt 3,45 lần; phó chủ tịch UBND: 97, đạt 2,93 lần. Trình độ chuyên môn từ cao đẳng, đại học trở lên: 771 đồng chí, đạt 76,69% (trong đó sau đại học 4,3%); cao cấp, cử nhân chính trị: 410, đạt 44,03%).  

Cấp tỉnh: Quy hoạch chức danh trưởng, phó các sở, ban, ngành, đoàn thể được 153 đồng chí, đạt 2,83 lần; cấp phó: 334, đạt 2,06 lần. Trong đó cấp trưởng có trình độ chuyên môn cao đẳng, đại học trở lên 147, đạt 96,07% (thạc sĩ 44, đạt 20,75%; tiến sĩ 6, đạt 2,55%); trình độ chính trị: cao cấp, cử nhân 125, đạt 81,69%. Cấp phó có trình độ chuyên môn: cao đẳng, đại học trở lên 324, đạt 97% (thạc sĩ 55, đạt 16,46%; tiến sĩ 2, đạt 0,59%).

Quy hoạch A1 của tỉnh nhiệm kỳ 2010 - 2015, trong đó các nguồn: BCH có 172 đồng chí, đạt 3,51 lần, đạt 20,34% (nữ 35); BTV Tỉnh uỷ: 41 đồng chí, đạt 3,15 lần, đạt 14,63% (nữ 6); bí thư tỉnh ủy: 11; phó bí thư tỉnh ủy: 14, đạt: 7 lần; chủ tịch HĐND: 12; phó chủ tịch HĐND: 9; chủ tịch UBND: 10;  phó chủ tịch UBND: 25, đạt: 6,25 lần, nữ 6 (24%).  

Công tác quy hoạch cán bộ ở Đồng Nai vừa qua đã có tác dụng định hướng, làm cơ sở cho công tác đào tạo, bồi dưỡng và bố trí, sử dụng cán bộ. Các địa phương trong tỉnh đã chủ động hơn trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ ngày càng phát triển về số lượng, nâng dần về chất lượng, từng bước khắc phục tình trạng hụt hẫng cán bộ khi thực hiện luân chuyển, điều động, đề bạt, bổ nhiệm và giới thiệu cán bộ ứng cử. Đặc biệt, với chủ trương thực hiện quy hoạch “mở”, nguồn cán bộ đưa vào quy hoạch đã trở nên dồi dào, phong phú, không giới hạn ở từng ngành, từng địa phương, do đó các ngành, các địa phương có nhiều phương án lựa chọn hơn, góp phần hạn chế tình trạng cục bộ địa phương trong công tác cán bộ. Thực hiện phương châm “động” trong quy hoạch, giúp cho nhân sự luôn được bổ sung, đổi mới, từ đó phát hiện những nhân tố mới đưa vào quy hoạch, đồng thời đưa ra khỏi quy hoạch đối với cán bộ không đáp ứng yêu cầu, suy giảm ý chí phấn đấu góp phần làm trong sạch đội ngũ cán bộ.  

Cán bộ, đảng viên trong tỉnh thấy được ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác quy hoạch, từ đó đề cao trách nhiệm trong việc tự học tập, rèn luyện phẩm chất, đạo đức, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của TCCSĐ và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên.   

Công tác quy hoạch cán bộ và công tác đào tạo, bồi dưỡng từng bước gắn với bố trí và sử dụng cán bộ. Tỉnh đã quan tâm xem xét tuyển chọn cán bộ, có chính sách hỗ trợ đối với con em các gia đình có công với cách mạng, con em cán bộ và đồng bào dân tộc thiểu số để đào tạo, chuẩn bị nguồn cán bộ lâu dài cho tỉnh.  

Hạn chế  

Trong quá trình thực hiện, một số ngành cấp tỉnh và một số cấp ủy địa phương còn lúng túng trong việc xác định nguồn cán bộ, lúng túng về quy trình, còn lẫn giữa công tác quy hoạch cán bộ với công tác nhân sự, giữa tiêu chuẩn cán bộ bổ nhiệm với tiêu chuẩn cán bộ đưa vào quy hoạch. Nguồn cán bộ đưa vào quy hoạch còn hẹp, chưa mở rộng, cán bộ trẻ, cán bộ nữ so với yêu cầu còn ít (cấp xã trong độ tuổi từ 40 trở xuống chỉ đạt 36,9%, 15% nữ); chưa gắn kết một cách đồng bộ trong quy hoạch giữa các địa phương với các ngành, giữa cấp dưới với cấp trên. Một số đơn vị, địa phương chưa gắn quy hoạch với đào tạo, luân chuyển, bố trí, sử dụng cán bộ. Khâu rà soát, bổ sung, điều chỉnh, thẩm định, phê duyệt quy hoạch cho cấp dưới theo định kỳ chưa kịp thời.   

Trong quy hoạch, chỉ đạo của một số cấp ủy, lãnh đạo đơn vị chưa thật chặt chẽ, còn khoán trắng cho bộ phận làm công tác tổ chức cán bộ, dẫn đến tiến độ chậm, một số chức danh quy hoạch chưa đảm bảo theo yêu cầu...

Nhận xét, đánh giá cán bộ còn nể nang, thiếu dân chủ, tập thể, công khai; chưa bám sát yêu cầu nhiệm vụ chính trị và tiêu chuẩn cán bộ, dẫn đến chất lượng quy hoạch có nơi chưa cao. Hằng năm việc rà soát, bổ sung nhiều đơn vị làm chưa kịp thời, nhiều cấp ủy chưa chú ý việc theo dõi, kiểm tra, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quy hoạch. Bản thân một số cán bộ được quy hoạch chủ quan, tự mãn, không tiếp tục phấn đấu vươn lên, nên đã có một số trường hợp phải đưa ra khỏi quy hoạch. Khâu phê duyệt quy hoạch cán bộ ngành, các cấp còn chậm.  

Do chưa gắn chặt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, tạo nguồn cán bộ dự bị và kế cận nên công tác quy hoạch ở Đồng Nai đã có tình trạng khi bố trí, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ, không ít trường hợp bị động, bố trí không đúng ngành nghề được đào tạo, thậm chí có trường hợp bố trí chắp vá, đưa người chưa đủ tiêu chuẩn vào các vị trí lãnh đạo... làm cho cán bộ không phát huy được tác dụng, ảnh hưởng đến hiệu quả thực hiện nhiệm vụ chính trị.  

Nguyên nhân trước hết là do một số cấp ủy chưa nhận thức đầy đủ, sâu sắc về tầm quan trọng của công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH gắn với phát triển kinh tế tri thức trong những năm tới; chưa xác định rõ đây là công việc trọng tâm, thường xuyên của toàn đảng bộ, của cấp ủy đảng, của người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Các cơ quan tham mưu có liên quan chưa làm tốt chức năng tham mưu giúp cấp ủy trong công tác quy hoạch cán bộ.  

Kinh nghiệm

Từ những thành công cũng như những hạn chế trong công tác quy hoạch cán bộ, Đồng Nai đã rút ra 4 kinh nghiệm sau:

1. Quy hoạch cán bộ là khâu then chốt trong công tác cán bộ, phải được tổ chức đảng lãnh đạo thực hiện bằng nghị quyết của cấp ủy và được sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm cho từng giai đoạn, từng nhiệm kỳ để có cơ sở thực hiện tốt hơn trong nhiệm kỳ tiếp theo. Trong đó, vai trò của cấp ủy viên và cán bộ lãnh đạo các cấp hết sức quan trọng. Nơi nào lãnh đạo quan tâm, có tầm nhìn chiến lược, có quan điểm đúng đắn về công tác quy hoạch cán bộ thì việc quy hoạch, đào tạo thuận lợi và đạt kết quả tốt.  

2. Công tác quy hoạch cán bộ phải mang tính chiến lược, gắn liền với công tác đào tạo, luân chuyển cán bộ, đánh giá và sử dụng cán bộ thành một quy trình liên tục. Công tác quy hoạch phải tiến hành hằng năm, quy hoạch từ cấp dưới lên, thực hiện tốt phương châm “mở” và “động” trên cơ sở tiêu chuẩn chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ khoa học - kỹ thuật và nghiệp vụ, đảm bảo quy trình, dân chủ, công khai, bổ sung những nhân tố mới, nhất là cán bộ nữ, cán bộ trẻ có triển vọng, đồng thời kiên quyết đưa ra khỏi quy hoạch và xử lý nghiêm những cán bộ sa sút phẩm chất đạo đức, lối sống, thoái hóa, biến chất, không hoàn thành nhiệm vụ hoặc hoàn thành nhiệm vụ ở mức thấp, những đồng chí có nhiều dư luận, biểu hiện tham nhũng, uy tín giảm sút.  

3. Quy hoạch phải gắn với đào tạo cán bộ và phải xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ chính trị của đảng bộ, ngành, đơn vị; xem đây là căn cứ chính để xây dựng đội ngũ cán bộ về cơ cấu, số lượng, tiêu chuẩn, chất lượng chính trị đồng thời gắn liền với sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy. Đặc biệt xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt từ tỉnh đến cơ sở, theo định hướng ngày càng trẻ hoá đội ngũ cán bộ trên cơ sở tiêu chuẩn cán bộ, kết hợp các độ tuổi, đảm bảo tính liên tục, tính kế thừa và phát triển. Việc thực hiện quy hoạch cán bộ phải bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ đi đôi với phát huy đầy đủ trách nhiệm cá nhân người đứng đầu.  

4. Thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy hoạch cán bộ và kịp thời sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm, bổ sung, sửa đổi những quy định và tiêu chuẩn chức danh cán bộ cho phù hợp yêu cầu phát triển của từng thời kỳ.       

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất